Bê bối lộ lọt thông tin chiến dịch Azorian của tình báo Mỹ

Thứ Tư, 05/08/2020, 13:19
Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, kể từ thời điểm xảy ra một trong những thảm họa bí ẩn nhất trong lịch sử quân sự của Liên Xô, khi chiếc tàu ngầm số hiệu K-129 không rõ vì nguyên nhân gì bất ngờ gặp trục trặc nằm lại dưới đáy biển sâu, các cơ quan mật vụ Mỹ sau đó đã xác định được vị trí của xác tàu, trước khi trục vớt thành công vào mùa hè năm 1974 trong khuôn khổ một chiến dịch có mật danh Azorian.

Tuy nhiên, thông tin về chiến dịch tuyệt mật này về sau đã bất ngờ bị rò rỉ nhanh chóng, trở thành một vụ bê bối thông tin trên khắp các mặt báo của nước Mỹ và toàn thế giới chỉ ngay trong tháng 2/1975…

Vụ cướp bí ẩn

Số báo phát hành buổi chiều ngày 7/2/1975 của tờ Los Angeles Times đã đi vào lịch sử như một trong những số báo ăn khách nhất, khi độc giả tranh nhau giành giật mua. Nguyên nhân bắt nguồn từ dòng tít lớn “U.S. Reported After Russ Sub” ngay trên trang đầu của báo, là tiêu đề bài phóng sự gây chấn động của hai phóng viên William Farr và Jeremy Cohen.

Nội dung phóng sự khẳng định: “Theo thông tin từ các đại diện cảnh sát địa phương”, doanh nhân nổi tiếng Howard Hughes đã nhận được từ Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) một bản hợp đồng béo bở nhằm “trục vớt một chiếc tàu ngầm hạt nhân của Nga bị đắm tại phía bắc Đại Tây Dương”.

Bài báo còn tiết lộ cụ thể theo khẳng định của một chuyên gia, rằng “chiến dịch trên đã được hoàn thành nhờ một thủy thủ đoàn chuyên khai thác khoáng sản quí hiếm tại những vùng nước sâu của công ty Hughes Summa Corp. Để thuyết phục người đọc hơn, tờ báo còn trưng ra một loạt những tấm ảnh lớn chụp chiếc tàu ngầm Xôviết, vốn là đối tượng săn lùng của CIA và con tàu Hughes Glomar Explorer.

Bài báo mở đầu vụ bê bối của tờ Los Angeles Times.

Thông tin ban đầu trên thật ra có khá nhiều chi tiết không chính xác và sai sót rõ ràng (chẳng hạn như nơi tổ chức chiến dịch được cho là Đại Tây Dương, trong khi trên thực tế ở Thái Bình Dương; còn chiếc tàu không phải là tàu ngầm nguyên tử…) nhưng điều quan trọng cốt yếu đã đạt được là thu hút sự chú ý đặc biệt của độc giả. Việc bài báo trên xuất hiện đã làm cho chính CIA ngã ngửa vì không thể lường trước được. Nguyên nhân đã dần dần được làm sáng tỏ sau một quá trình điều tra.

Vấn đề là vào thời điểm ngày 5/6/1974 – vào đúng ngày kế hoạch về chiến dịch Azorian được chính thức thông qua tại “Ủy ban 40” (một ủy ban có thành phần là các quan chức cao cấp trong chính phủ và cơ quan mật vụ Mỹ), cũng như mới chỉ trước đó có 2 ngày, Tổng thống Richard Nixon đã đặt bút ký phê chuẩn – văn phòng công ty Summa Corporation của Howard Hughes tại Los Angeles đã bất ngờ bị cướp. Bốn thủ phạm sau khi trói bảo vệ đã đột nhập vào văn phòng, lấy đi một số lượng lớn tiền mặt cùng một vài hộp tài liệu, trong số này có nhiều tài liệu mô tả chi tiết về chiến dịch Azorian.

Không lâu sau đó theo như báo chí Mỹ, một trong những tên cướp này đã liên hệ với lãnh đạo công ty Summa Corporation, cùng với lời đề nghị trao đổi số tài liệu trên với cái giá 1 triệu đôla. Nhưng cuối cùng “thương vụ” trên đã không thể diễn ra.

Một thời gian sau, cảnh sát Los Angeles lại nhận được thông tin từ một nhân vật trung gian, được chủ nhân mới của những tài liệu trên liên hệ với những đề xuất tương tự. Cảnh sát và Cục điều tra liên bang (FBI) đã chuẩn bị một cái bẫy giăng sẵn, có điều lại uổng công vì nhân vật trung gian không hề xuất hiện.

Cho tới thời điểm đó, giới lãnh đạo Summa Corporation đã phát hiện ra việc mất tích số tài liệu mật liên quan đến chiến dịch Azorian và báo cáo lên cho CIA. Cơ quan này liên hệ với FBI với yêu cầu hỗ trợ tìm kiếm, kèm theo thời khẳng định những tài liệu bị đánh cắp có tầm quan trọng đặc biệt đối với an ninh quốc gia. Phía FBI về phần mình sau đó lại tiếp tục thông báo cho sở cảnh sát Los Angeles.

Báo chí vào cuộc

Điều đáng chú ý là trong số những người tức giận nhất vì bài báo trên tờ Los Angeles Times không chỉ có giám đốc CIA, mà còn có cả nhà báo Seymour Hersh của tờ New York Times, là người từng giành giải thưởng Pulitzer.

Tàu ngầm K-129 của Liên Xô.

Vấn đề là Hersh từng tập trung tìm hiểu về chủ đề trên ngay từ tháng Giêng năm 1974, nhưng ông đã không cho công bố những tài liệu mình có được do yêu cầu của giám đốc CIA William Colby. Sau đó cũng chính CIA đã yêu cầu Los Angeles Times không cho công bố những tài liệu mới về chiếc tàu ngầm của Liên Xô.

Tuy nhiên, vụ rắc rối này lại được khơi mào nhờ sự ra tay của bình luận viên nổi tiếng Jack Anderson từ United Features Syndicate, vốn được coi là một trong những người sáng lập ra tư tưởng điều tra đến cùng của các phóng viên thời hiện đại.

Anderson trước đó đã nổi tiếng là người luôn dám vạch trần mặt trái của những nhân vật quyền lực hàng đầu như giám đốc FBI Edgar Hoover, thượng nghị sĩ Thomas Joseph Dodd và ngay cả bản thân Tổng thống Richard Nixon. Đã từng có một số cựu quan chức cao cấp trong chính quyền thời đó khẳng định, đã có những kế hoạch được dự kiến nhằm loại bỏ tay nhà báo cứng đầu này.

Anderson đã được may mắn thoát nạn là nhờ sự trùng hợp của số phận, khi hai nhân vật cổ vũ hàng đầu cho kế hoạch trên đã bị bắt giữ liên quan đến vụ bê bối Watergate. Cũng chỉ 3 năm trước thời điểm trên, Anderson đã từng được nhận giải thưởng cao quí Pulitzer nhờ kết quả điều tra những mối quan hệ chính trị bí mật của Mỹ và Pakistan trong khuôn khổ cuộc chiến tranh Ấn Độ-Pakistan năm 1971.

Một tay nhà báo cứng đầu như Anderson tất nhiên không chịu thỏa hiệp với giới quan chức tình báo Mỹ, vẫn quyết tâm công bố những thông tin thu thập được lên đài phát thanh và truyền hình quốc gia. Về sau ông này còn lập luận rằng, đã quyết định làm như vậy là do một số chuyên gia của hải quân Mỹ đã tiết lộ trong chiếc tàu ngầm bị đắm “chẳng có một chút bí mật nào”.

Jack Anderson.

Thế là trên các phương tiện truyền thông đại chúng hàng đầu nước Mỹ đã liên tục xuất hiện các tài liệu về kế hoạch siêu mật của CIA nhằm trục vớt chiếc tàu ngầm bị đắm của Liên Xô nằm dưới đáy Thái Bình Dương.

Vào đúng ngày báo chí cho đăng bài báo của Seymour Hersh, tại văn phòng của Tổng thống Gerard Ford đã diễn ra một cuộc họp kín, trong đó có sự tham gia của Bộ trưởng Quốc phòng James Schlesinger và Giám đốc CIA lúc đó là William Colby. Kết quả được đưa ra khi đó là chính quyền sẽ giữ thái độ im lặng, không công bố gì thêm cho giới báo chí.

Tuy nhiên chỉ ngay một ngày sau, tức là ngày 20/3, trên tờ Los Angeles Times lại xuất hiện bài báo của Jack Nelson với nhan đề “Administration Won't Talk About Sub Raised by CIA” (Chính quyền không chịu nói gì về chiếc tàu ngầm do CIA trục vớt), trong đó có hàng loạt những chỉ trích nặng nề nhằm vào Nhà Trắng, CIA và một số quan chức có liên quan.

Những thông tin được nêu trong bài báo này được đánh giá là khá chi tiết và đầy đủ, vạch ra rất nhiều bí mật trong hoạt động của cơ quan tình báo hàng đầu nước Mỹ trước công luận, tất nhiên là cả đối với phía tình báo Liên Xô.

Cần nhắc thêm là trên thực tế, mật danh Azorian của chiến dịch chỉ chính thức được biết đến vào năm 2010, sau khi CIA cho giải mật một tài liệu trên tạp chí chuyên ngành “Studies in Intelligence” (chính thức ra mắt từ năm 1985) của mình. Tác giả của bài báo trên là một thành viên nặc danh đã trực tiếp tham gia vào chiến dịch đặc biệt trên.

Lời khai bất ngờ

Hậu quả của những tiết lộ ồn ào trên báo chí về chiếc tàu ngầm Liên Xô vào năm 1975 còn ảnh hưởng cả đến số phận của con tàu Hughes Glomar Explorer. Kể từ thời điểm đó, con tàu không còn được CIA sử dụng cho những chiến dịch bí mật của mình nữa, mà được chuyển giao cho hải quân để sử dụng cho các nhiệm vụ chuyên môn. Nhưng nhiều chi tiết thú vị về vụ bê bối vẫn còn ở phía trước.

Ngày 4/4/1975, cũng trên tờ Los Angeles Times xuất hiện một bài báo mới cũng với chủ đề về chiếc tàu ngầm Xôviết và chiến dịch bí mật của CIA, nhưng lần này thông tin lấy được từ tiết lộ của một nhân vật có tên Michael Davis, người bảo vệ tại văn phòng của công ty Summa Corporation vào đúng ngày bị cướp.

Con tàu Hughes Glomar Explorer trực tiếp tham gia vào chiến dịch trục vớt.

Khi những tên cướp rời khỏi hiện trường, tay bảo vệ này đã trườn được tới gần bàn điện thoại để gọi cứu giúp. Anh ta nhìn thấy ngay gần văn phòng của Key Glenn, Phó chủ tịch Summa Corporation, có 2 tờ giấy - nhìn ban đầu giống như những tờ séc có tên chủ tịch Hughes có con số khá lớn với nhiều số không ở đằng sau.

“Nhiều khả năng những tên cướp đã đánh rơi chúng tại đây” - Michael Davis kể cho các phóng viên như vậy, đồng thời bổ sung thêm rằng đã đút hai tờ giấy vào túi, nhưng do tình trạng nhốn nháo sau đó đã quên khuấy đi mất. Michael phải đến khi về nhà mới nhớ tới hai tờ giấy trên.

“Tôi đã hoảng hồn khi xem lại nội dung của chúng” – tay cựu nhân viên bảo vệ kể lại. Cần nói thêm, Michael đã bị sa thải ngay khỏi công ty sau khi khước từ các thủ tục kiểm tra trên máy phát hiện nói dối. “Tôi đơn giản là không tin vào loại máy như vậy” – về sau, ông ta giải thích với các cảnh sát. Hóa ra trên tay của Michael khi đó là một bức giác thư bí mật về chiến dịch bí mật của CIA nhằm trục vớt chiếc tàu ngầm Liên Xô, trong đó phía cơ quan tình báo yêu cầu phải đóng một chiếc tàu đặc biệt, cùng với tờ giấy chứng nhận khoản tiền đặt cọc cụ thể là 100 ngàn đôla.

“Trong suốt vài tháng sau đó, tôi đã giấu hai tờ giấy vào một chiếc hộp trong phòng ngủ, nhưng sau khi thông tin về chiếc tàu ngầm được đưa ra ánh sáng, tôi đã xé vụn bức giác thư và quẳng vào bồn vệ sinh – cựu nhân viên bảo vệ tiết lộ với Los Angeles Times – Còn tờ chứng nhận tiền đặt cọc 100 ngàn đôla được tôi đưa gửi vào chiếc két của một người bạn”. Về sau, chính Michael đã trao tờ chứng nhận trên cho phóng viên William Farr khi được ông này phỏng vấn. Về phần mình, tay phóng viên đã nộp lại tờ giấy trên cho cảnh sát.

Kết quả là công tố viên đã quyết định không buộc tội Michael. Tuy nhiên đối với cộng đồng báo chí, vẫn còn không ít bí ẩn liên quan đến việc tổ chức vụ cướp công ty của Howard Hughes, vì sao những tên cướp chỉ vét sạch đồ tại văn phòng của phó chủ tịch Key Glenn, nơi có chứa những tài liệu tuyệt mật.

Vẫn còn thêm một câu hỏi khác: trên thực tế liệu chỉ có Michael là nhân viên bảo vệ duy nhất tại một văn phòng rộng lớn như vậy? Anh ta đã hủy hay chuyển giao tài liệu cho tình báo Liên Xô hay một cơ quan tình báo nào khác? Dù thế nào thì theo nhiều nhà báo, câu chuyện trên xứng đáng trở thành một kịch bản hấp dẫn cho phim ảnh Hollywood…

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.