Bi kịch của những người phiên dịch cho Quân đội Mỹ

Thứ Ba, 01/11/2016, 15:00
Năm 2009, Sakhidad Afghan bắt đầu làm phiên dịch viên cho quân đội Mỹ và thường xuyên đi theo binh sĩ nước này trong những trận chiến ở Afghanistan. Sakhidad lâm vào cảnh thất nghiệp vào năm 2014, thời điểm khi quân đội Mỹ bắt đầu rút quân. Không những thế, anh còn thỉnh thoảng nhận được những cuộc gọi điện thoại nặc danh đe dọa giết chết…

Đầu năm 2015, trong khi đang chờ xuất cảnh sang Mỹ thì Sakhidad bị sát hại. Bức ảnh chụp Sakhidad đăng trên trang mạng xã hội Facebook cho thấy anh bị tra tấn đến chết và xác nằm bên vệ đường cùng với mảnh giấy cảnh cáo của Taliban gửi đến những người phiên dịch khác.

Bị săn đuổi và giết chết bất kỳ lúc nào

Năm 2014, tổ chức phi lợi nhuận Dự án Quốc tế Hỗ trợ người tị nạn (IRAP) đặt trụ sở tại New York (Mỹ) ước tính cứ 36 tiếng trôi qua lại có 1 người phiên dịch Afghanistan bị giết chết. Mỗi năm có đến hàng ngàn phiên dịch viên người Afghanistan bị Taliban đe dọa tước đi mạng sống trong khi họ đang mòn mỏi trông chờ được cấp thị thực vào Mỹ. Theo Arif Rahmani, thành viên Nghị viện Afghanistan, Taliban theo dõi Sakhidad bởi vì anh có thời gian khá dài làm việc cho quân đội Mỹ.

Rahmani viết trên Facebook: "Theo thông tin từ Quân đội Quốc gia Afghanistan (ANA), Taliban bắt cóc Sakhidad từ một khu chợ ở Farah. Bọn chúng tra tấn dã man Sakhidad trên một chiếc xe tải trước khi giết chết anh. Sakhidad mất việc làm sau khi căn cứ quân đội Mỹ ở Helmand đóng cửa vào năm 2014.

ANA phát hiện thi thể Sakhidad vào đầu tháng 3-2015 ở khu vực sông Farah nằm giữa Helmand và Herat. Ngày 9-7-2014, Sakhidad gửi email cho một người bạn trong quân đội Mỹ: "Tôi rất lo sợ trước tình hình hiện nay. Nếu đến được Mỹ, tôi tin mình sẽ được an toàn. Thảm họa đang bao trùm cuộc sống của chúng tôi ở Afghanistan".

Sakhidad Afghan (trái) khi còn sống.

Aaron MacLean, chủ bút tờ Washington Free Beacon và từng làm việc với Sakhidad ở Afghanistan, nhận xét: "Sakhidad là thanh niên tốt, luôn hoàn thành công việc của mình. Anh dũng cảm như bất cứ lính thủy đánh bộ nào của Mỹ trong khói lửa chiến tranh ở Marjah". Thông tin về cái chết của Sakhidad làm run sợ cả cộng đồng phiên dịch viên ở Afghanistan. Một phiên dịch viên giấu tên đang nằm trong danh sách dài chờ cấp thị thực vào Mỹ từ năm 2011 tỏ vẻ lo lắng: "Tôi tin là Taliban cũng đang săn đuổi tôi và tôi sẽ bị giết chết vào một ngày nào đó".

Số phận của đội ngũ phiên dịch viên bị quân đội Mỹ để lại đằng  sau gây băn khoăn cho Erin Trieb - nữ nhà báo ảnh người Mỹ hoạt động ở Afghanistan từ năm 2009 đến 2011. Trong chuyến đi đến thủ đô Kabul của Afghanistan hồi năm 2015, Erin Trieb gặp một người đàn ông tên là Mashal từng làm phiên dịch cho quân đội Mỹ trong 9 năm và hiện đang chờ được SIV phê chuẩn.

Erin Trieb nói: "Mashal cho biết anh không thể sống chung với gia đình gồm vợ và 3 cô con gái của mình do lo sợ cho sự an toàn của họ. Anh cũng cho các cô con gái nghỉ học vì lý do như thế. Công việc phiên dịch  trong quân đội Mỹ là bí mật lớn nhất trong cuộc đời những người như Mashal. Họ không dám nói sự thật với bạn bè, người thân hay bất cứ ai khác. Họ luôn sống trong thấp thỏm lo âu và khi bước ra đường, họ không ngừng ngoái nhìn lại sau lưng mình".

Những bức thư đe dọa từ Taliban là yêu cầu của SIV.

Tương tự với tình trạng như vậy, hàng nghìn người Iraq từng làm phiên dịch cho quân đội Mỹ đang trong tình cảnh thường xuyên bị khủng bố tinh thần bởi những động thái đe dọa từ chính đồng bào họ. Tariq, 27 tuổi, cho hay, khi còn làm phiên dịch cho quân đội Mỹ, anh được sống trong căn cứ an toàn, tránh được vòng nguy hiểm của những kẻ tìm giết những người làm việc cho quân đội Mỹ.

Nhưng ngay khi đơn vị quân đội anh phục vụ rút khỏi Iraq vào ngày 13-10-2011, anh được "hộ tống" ra khỏi căn cứ. Chính phủ Mỹ đã cam kết với Tariq cũng như hàng ngàn phiên dịch viên Iraq khác rằng, họ sẽ là những người đầu tiên được cấp visa đặc biệt sang Mỹ.

Nhưng với tốc độ ì ạch như hiện nay của các thủ tục, Tariq gần như mất hy vọng. Thủ tục cấp visa, như thông thường đã luôn chậm chạp và rắc rối, nay lại càng ì ạch hơn từ sau khi hai người tị nạn của Iraq bị bắt tại Kentucky hồi tháng 5-2011. Họ bị buộc tội khủng bố do liên quan đến hoạt động hậu thuẫn cho Al-Qaeda. Bản thân Tariq được Mỹ liệt vào danh sách những người được "cấp visa xuất cảnh đặc biệt" và sẽ là một trong 20.000 nghìn phiên dịch người Iraq được sang Mỹ.

Qasaim, 42 tuổi, từng 7 năm làm phiên dịch cho quân đội Mỹ, nghỉ việc hồi tháng 5 khi cô con gái 15 tuổi bị bắt cóc. Khi Qasaim liên lạc với Đại sứ quán Mỹ về đơn xin cấp visa cho cả gia đình, anh bị nhân viên yêu cầu mang con gái đến phỏng vấn.

Anh nhớ lại: "Tôi đã nói sao các ngài có thể hỏi tôi như thế? Tôi còn không biết con gái mình đang ở đâu".  Qasaim sợ là con gái anh đã chết hoặc đã bị đưa đi khỏi Iraq. Anh kể lại rằng người bắt cóc đã mấy lần gọi điện thoại và nói: "Đừng tìm con gái làm gì. Mày sẽ chẳng bao giờ tìm được đâu".

Anh cho biết cả nhà anh, gồm cả vợ và bảy đứa con, đều đã nhiều lần bị đe dọa. Hai người anh em của anh từng làm việc cho quân đội Mỹ cũng đang chờ cấp visa. Cuối cùng quân đội Mỹ cũng đồng ý không phỏng vấn cô con gái mất tích và không ghi tên cô bé vào danh sách xin visa.

Tuy nhiên các nhân viên tư vấn cũng không cho anh biết lúc nào hay liệu gia đình anh có được nhập cư sang Mỹ hay không. "Tất cả những gì đại sứ quán có thể nói với tôi, đó là chúng tôi phải chờ", anh nói thêm.

Đòi hỏi nhiêu khê trong một chương trình nhân đạo

Năm 2009, Quốc hội Mỹ thông qua chương trình Thị thực Đặc biệt cho người tị nạn (SIV), khoảng 9.200 người Afghanistan đã nhận được SIV cùng với 17.000 thân nhân của họ. Nói rộng ra,  SIV là một chương trình đặc biệt của chính phủ Mỹ dành cho các phiên dịch viên người Afghanistan và Iraq từng làm việc cho quân đội Mỹ nhằm bảo vệ cho những người phiên dịch này cũng như gia đình họ bằng cách đưa họ nhập cư vào Mỹ. Họ là những người có một vai trò quan trọng đối với quân đội Mỹ.

Hình ảnh cái chết của Sakhidad Afghan đăng trên Facebook.

Chương trình Hỗ trợ người tị nạn Iraq ước tính có khoảng 50.000 người Iraq và Afghanistan đã làm phiên dịch viên trong suốt thập kỷ vừa qua. Tuy nhiên, làm công việc này cũng khiến họ phải trả một cái giá rất đắt: bị Taliban và nhiều tổ chức khủng bố khác xem là "kẻ phản bội", khiến cho bản thân những người này và gia đình họ luôn ở trong tình trạng bị đe dọa.

Theo luật định, một đơn xin cấp thị thực sẽ được giải quyết trong vòng 9 tháng; song trên thực tế, thủ tục thường kéo dài nhiều năm.

Hiện nay tại Afghanistan còn khoảng 10.000 người phiên dịch Afghanistan đang sống từng ngày trong nguy hiểm- một thực tế đáng lo ngại mà tướng John W. Nicholson cảnh báo nó có thể "mang lại lợi thế cho bộ máy tuyên truyền của kẻ thù chúng ta". Trong khi đó, năm nay Quốc hội Mỹ vẫn chưa quyết định làm mới hay mở rộng chương trình SIV cho Afghanistan vì nhiều lý do.

Ví dụ như các nhà lập pháp Mỹ còn đang tranh luận về vấn đề liên quan đến tài chính - ước khoảng 446 triệu USD trong vòng 10 năm cho thêm 4.000 thị thực. Ngoài ra, một số người còn tỏ vẻ lo ngại về số lượng lớn người nhập cư vào Mỹ, đồng thời lập luận rằng các phần tử khủng bố rất có thể giả dạng làm người phiên dịch để vào được nước Mỹ.

Những người tham gia chương trình SIV phải trải qua không dưới 14 bước - bao gồm cùng cấp hồ sơ về thông tin cá nhân, xét nghiệm y khoa, kiểm tra lý lịch cũng như thử thách với máy phát hiện nói dối v.v…

Thêm vào đó là bằng chứng cho thấy người xin cấp thị thực đang bị đe dọa tính mạng tại Afghanistan - một yêu cầu mà các nhóm bảo vệ nhân quyền cho rằng khó thể chứng minh được! Những người ủng hộ chương trình SIV đánh giá, nhiều phiên dịch viên người Afghanistan khó có thể đáp ứng được một số yêu cầu từ chính quyền Mỹ trên thực tế. Ví dụ như, họ không thể đòi hỏi sự chứng minh từ những người giám hộ họ trong quân đội Mỹ đã về quê nhà từ lâu hay từ những nhà thầu quân đội đã chết.

Để có được thị thực trong chương trình SIV, trước hết, những người xin cấp thị thực phải nộp hồ sơ đến Cơ quan Quốc tịch và Nhập cư Mỹ (USCIS) tại Bộ An ninh Nội địa. Hồ sơ này yêu cầu phải có những thông tin cơ bản, giấy tờ liên quan đến hộ tịch, bằng cấp với bản dịch thuật sang tiếng Anh được chấp thuận, giấy chứng nhận đã từng làm việc cho Mỹ, chứng nhận kiểm tra lý lịch và thư giới thiệu.

Nếu tất cả được chấp nhận, người phiên dịch sẽ tiếp tục được đăng ký xin thị thực. Bước này yêu cầu nộp đầy đủ những loại giấy tờ đã nêu ở trên cùng với thông tin cá nhân của từng thành viên trong gia đình.

Cả quá trình này thường mất đến vài năm. Sau khi hoàn tất, người phiên dịch viên sẽ tiếp tục phải có một cuộc phỏng vấn với sứ quán Mỹ. Một vài trường hợp đã không được chấp thuận vì không có chứng nhận y tế ở bước 2, yêu cầu người phiên dịch phải trả 500 USD cho mỗi thành viên trong gia đình tại một phòng khám duy nhất được ủy quyền tại Kabul. Vì chứng nhận y tế luôn có thời hạn hiệu lực, nếu nó hết hạn trước khi thị thực được cấp, những người phiên dịch phải xin cấp lại, đồng nghĩa với việc họ lại mất thêm 500 USD cho mỗi thành viên trong gia đình.

Trong một nỗ lực giải quyết tình trạng này, Bộ Ngoại giao Mỹ đã cấp thị thực tạm thời có hiệu lực trong thời hạn của chứng nhận y tế, ngay cả khi nếu đó chỉ là vài ngày. Vậy nên những người phiên dịch cùng với gia đình của họ phải chuẩn bị và thu xếp đồ đạc để rời khỏi đất nước mình trong thời gian nhanh nhất có thể từ khi nhận được thông báo.

Theo số liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ, trong năm tài khóa 2011, chỉ có 3 người từng làm phiên dịch cho quân đội Mỹ người Afghanistan được cấp thị thực.

Năm 2012, con số đó tăng lên thành 63. Sự thiếu hiệu quả này đã khiến cựu Ngoại trưởng John Kerry xem xét lại toàn bộ chương trình, sau đó số thị thực được cấp đã tăng một cách đáng kể, lên con số 3.441 trong năm tài khóa 2014. Thế nhưng, số người gặp khó khăn trong việc xin cấp thị thực, tới tháng 7-2014 là 6.000 phiên dịch viên Afghanistan, vẫn còn đang mắc kẹt ở nhiều giai đoạn khác nhau trong suốt một quá trình lâu dài và phức tạp.

Một lý do khiến các công chức vẫn còn thận trọng trong việc cấp thị thực cho người Afghanistan đó là họ không muốn bị liên quan đến việc cho phép những "hiểm họa an ninh tiềm tàng" vào trong đất Mỹ.

Tuy nhiên, nhiều người lính từng tham chiến cùng với những phiên dịch viên không đồng ý với quan điểm này. Nhiều quân nhân và sĩ quan Mỹ đã đấu tranh cho việc cải thiện tiến trình cấp thị thực hiệu quả hơn, trong số đó có anh Matt Zeller, người từng tiết lộ rằng trong thời gian anh chiến đấu ở Afghanistan, phiến quân Taliban đã gọi và đưa ra nhiều thông tin giả tạo cho các căn cứ quân sự Mỹ ở đây, khiến cho các phiên dịch viên bị sa thải.

Diên San - Quang Hiếu (tổng hợp)
.
.