Booz Allen – Cộng đồng tình báo thu nhỏ quy mô nhất thế giới

Thứ Ba, 18/10/2016, 21:45
Tại Công ty Booz Allen, hoạt động tình báo diễn ra với quy mô còn lớn hơn cơ quan tình báo của nhiều quốc gia trên thế giới. Các hoạt động của công ty cho đến nay đều phục vụ cho ngành tình báo Mỹ tại nước ngoài, thu về khoản doanh thu và lợi nhuận hàng tỉ USD mỗi năm.

Vụ việc một nhân viên của công ty này tên là Harold T. Martin III ký hợp đồng làm thuê cho Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) bị bắt hồi đầu tháng 10-2016 vì lấy trộm thông tin bí mật nhà nước để cung cấp cho nước ngoài đã làm nổi rõ vấn đề an ninh quốc gia trong hoạt động của Công ty Booz Allen.

Booz Allen là một công ty chuyên làm dịch vụ tư vấn về an ninh quốc phòng cho nước Mỹ và nhiều nước trên thế giới. Từ hơn một trăm năm qua, công ty này luôn trung thành với chủ trương làm việc khách quan, chuyên nghiệp, lợi nhuận là mục tiêu hàng đầu và không mang động cơ chính trị vào công việc.

Thế nhưng, trong vòng 3 năm gần đây, đã có 2 vụ việc nhân viên của Booz Allen hợp đồng làm việc cho NSA lấy trộm thông tin bí mật quốc gia cung cấp cho nước ngoài. Người thứ nhất là Edward J. Snowden, tuồn hàng triệu trang tài liệu mật của NSA cho truyền thông thế giới công bố vào tháng 11-2013, và người thứ hai là Harold T. Martin, bị bắt đầu tháng 10-2016 vì tội lấy trộm tài liệu mật. Hai vụ việc này đã "đóng đinh" tên tuổi Booz Allen với nguy cơ gây ra những sự cố an ninh cho quốc gia được công ty nhận thầu cung cấp dịch vụ tình báo.

Booz Allen được thành lập vào năm 1914, bởi một người tên là Edwin G. Booz, một sinh viên vừa mới tốt nghiệp đại học và muốn triển khai ngay ý tưởng khởi nghiệp của riêng mình. Booz lúc đó đang theo đuổi lý thuyết kinh doanh cho rằng "một công ty sẽ thành công hơn nếu nhận được sự tư vấn và hỗ trợ về chuyên môn từ bên ngoài". Từ lý thuyết kinh doanh này đã cho ra đời một ngành nghề kinh doanh mới: tư vấn quản trị. Đó cũng là ngành nghề chính của Công ty Booz Allen.

Mike McConnell, Phó Chủ tịch Booz Allen, từng là Giám đốc tình báo Quốc gia thời Tổng thống George W. Bush.

Đặt trụ sở tại Tysons Corner, bang Virginia, Mỹ, trải qua hơn trăm năm hình thành và phát triển, đến nay Công ty Booz Allen đã có đến 80 văn phòng đại diện trên khắp nước Mỹ và một số văn phòng tại nước ngoài.

Ở Mỹ, khách hàng của công ty bao gồm tất cả các quân, binh chủng quân đội Mỹ và một danh sách dài các tổ chức tình báo, từ NSA cho đến các cơ sở tình báo ít tiếng tăm hơn, như Cơ quan Tình báo Địa chí Quốc gia (NGIA). Ở nước ngoài, UAE là quốc gia thuê dịch vụ của Booz Allen nhiều nhất, trong đó có việc xây dựng một cơ quan tình báo công nghệ cao.

Trong một phát biểu cách đây mấy năm, một cựu sĩ quan CIA đã ví von Booz Allen như một "cộng đồng tình báo thu nhỏ", nơi quy tụ nhiều nhân vật từng nắm các chức vụ cấp cao trong ngành tình báo và ngoại giao, đồng thời cũng cung cấp cho ngành tình báo chính thống của Mỹ một số nhân sự quan trọng, như Giám đốc Tình báo Quốc gia Mike McConnell thời Tổng thống George W. Bush, và James Clappers hiện nay.

Booz Allen được giới chuyên gia ngành tình báo thế giới đánh giá là một trong những nhà thầu tình báo dám vượt lằn ranh phân định giữa công việc tình báo của chính phủ với việc làm ăn của tư nhân. Nói đến Booz Allen là người ta nói đến quy mô hoạt động, năng lực cung cấp dịch vụ kỹ thuật tình báo và nhân sự làm thuê cho ngành tình báo Mỹ và nhiều nước trên thế giới.

Trong số 25.000 nhân viên làm việc cho Booz Allen có đến 76% được cấp chứng chỉ an ninh mật, và khoảng một nửa là tối mật. Họ được Booz Allen cung cấp cho các cơ quan tình báo Mỹ, làm nhiều công việc khác nhau, từ bảo đảm an ninh mạng quân đội và vạch kế hoạch hành động tình báo, cho đến huấn luyện tình báo và điều hành các cuộc tập trận, huấn luyện chiến đấu cho các tướng lĩnh thuộc khối NATO.

Với quy mô hoạt động như thế, Booz Allen được đánh giá là tổ chức tình báo tư nhân có doanh thu và lợi nhuận cao nhất thế giới. Năm tài khóa 2015 (kết thúc tháng 3-2016), Booz Allen có doanh thu đạt 3,9 tỉ USD, trong đó 97% thu từ các hợp đồng làm ăn với Chính phủ Mỹ, và khoảng 1/3 là từ cộng đồng tình báo.

Thời điểm Booz Allen bắt đầu phát triển công việc làm ăn với Chính phủ Mỹ là vào năm 1940, khi đó Tư lệnh Hải quân Mỹ đã thuê người của Booz Allen để xây dựng kế hoạch tham chiến trong Chiến tranh Thế giới lần II.

Kể từ đó, Booz Allen hầu như nhúng tay vào tất cả mọi hoạt động mang tính chất công tư hợp danh, kể cả trong lĩnh vực quân sự, an ninh, tình báo của nước Mỹ. Vai trò của các nhân viên hợp đồng Booz Allen gia tăng mạnh từ thập niên 90 thế kỷ XX, khi Chính phủ Mỹ và một số nước đồng minh bắt đầu xem việc thuê ngoài các nhân viên tình báo, an ninh để làm một số công việc chuyên môn như một cách để tiết kiệm chi phí từ ngân sách.

Sau sự kiện khủng bố ngày 11-9-2001, vai trò của nhân viên hợp đồng Booz Allen càng lớn mạnh thêm. Sự kiện khủng bố bộc lộ lỗ hổng lớn trong hoạt động tình báo của Mỹ, khiến cho Quốc hội phải lên tiếng yêu cầu chính phủ phải có phương án "lấp" lỗ hổng này. Hầu như tất cả các cơ quan tình báo ở Mỹ, như NS, CIA, DIA đều được phép đẩy mạnh việc thuê hợp đồng tư nhân để đáp ứng nhu cầu công việc phát sinh sau sự kiện khủng bố. Booz Allen cùng một số công ty hợp đồng an ninh khác, như Black Water, đã nhảy vào đáp ứng tốt nhu cầu này.

Thế lực của Booz Allen rất mạnh, và nhờ đó tổ chức này đã dễ dàng vượt qua vụ việc Snowden tiết lộ tài liệu mật của NSA năm 2013. Tháng 10-2016, lại thêm một vụ nhân viên hợp đồng do Booz Allen cung cấp lấy cắp thông tin mật của NSA bị phát hiện và bắt giữ. Cũng như vụ Snowden, Booz Allen ngay lập tức tuyên bố sa thải Martin để tránh bị truy cứu trách nhiệm. Tuy nhiên, động thái này không thể giúp xóa đi được mối băn khoăn đối với những người giám sát hoạt động của Booz Allen.

Mức độ tin cậy của nhân sự do Booz Allen cung cấp trong việc bảo đảm an toàn tuyệt đối cho thông tin bí mật nhà nước đã giảm sút phần nào sau hai vụ việc nêu trên. Đặc biệt nghiêm trọng là vụ Snowden tiết lộ các bí mật của NSA đã giáng một đòn mạnh vào hoạt động tình báo nghe lén, đọc trộm toàn cầu vốn là ưu thế tuyệt đối của tình báo Mỹ trước các đối thủ trên thế giới trong nhiều thập niên.

Sau vụ việc Snowden, Thượng nghị sĩ Diane Feinstein đã kêu gọi cải cách trong hoạt động của các tổ chức tư nhân cung cấp hợp đồng an ninh, tình báo cho chính phủ. Cụ thể là, bà Feinstein kêu gọi hạn chế việc cho phép các nhân viên hợp đồng như Booz Allen tiếp cận các thông tin mật có độ nhạy cảm cao.

Tuy nhiên, khi vụ việc Martin bị đổ bể, người ta đánh giá lại việc cải cách của Chính phủ Mỹ trong vấn đề này không đạt hiệu quả, cốt lõi, bản chất của các vụ việc không hề có thay đổi gì. Chính phủ của Tổng thống Obama đã làm nhiều cách để lách tránh các quy định cải cách của Quốc hội.

Nhân viên hợp đồng của Booz Allen đã được sử dụng như một phương án để các cơ quan tình báo và an ninh Mỹ giải tỏa bớt áp lực do quy định khắt khe về nhân sự và ngân sách do Quốc hội ban hành.

Chẳng hạn, để đáp ứng quy định giới hạn nghiêm ngặt biên chế quân số tại chiến trường Afghanistan, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Mỹ đã thuê người của Booz Allen (và một số công ty khác) để thực hiện mọi công việc, từ phục vụ ăn uống cho đến phân tích thông tin tình báo mật.

Theo một thống kê không chính thức, tỉ lệ nhân viên hợp đồng tại Afghanistan hiện nay là đến 6 nhân viên hợp đồng trên mỗi biên chế nhân viên Chính phủ Mỹ.

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.