Brexit và tương lai cộng đồng tình báo Anh

Chủ Nhật, 26/05/2019, 12:59
Từ tiểu thuyết của John le Carré, cho đến mối quan tâm phổ biến vô hạn đối với James Bond, nước Anh từ lâu rất đam mê hình ảnh các điệp viên siêu hạng. Danh tiếng này phần nhiều dựa trên huyền thoại. Nhiều thập niên trong và sau Thế chiến II, công việc thực tế của các sĩ quan tình báo Anh là một trong những nguồn sức mạnh chính của nước này.

Sức mạnh đó, và nền tảng cơ bản của nó, hiện đang gặp nguy cơ suy yếu do Brexit hay nói cách khác là sẽ có một loạt các hậu quả cho tình báo Anh.

Brexit nghĩa là nước Anh sẽ rời khỏi các tổ chức Liên minh châu Âu có lợi cho an ninh quốc gia Anh; và cũng có thể tác động bất lợi đến mối quan hệ tình báo đặc biệt với Mỹ - một đối tác quan trọng có khả năng sẽ cố gắng làm sâu sắc thêm mối quan hệ với Brussels. Mặc dù Brexit là không thể tránh khỏi, song vẫn có những cách để Anh tránh kết cục quá bất lợi này.

Tình báo Anh theo dòng thời gian

Nước Anh nổi tiếng thế giới với các tổ chức tình báo như: MI-5 với trọng trách bảo đảm an ninh trong nước; MI-6 với nhiệm vụ phản gián; và GCHQ, tập trung vào tình báo tín hiệu (SIGINT). Nhưng cộng đồng tình báo Anh không phải luôn là những chiếc Rolls-Royce sang trọng như nước này quảng cáo. Các hồ sơ được giải mật cho thấy, trước Chiến tranh thế giới lần 2, các cơ quan gián điệp Anh thường giống những chiếc xe ọp ẹp hơn là những chiếc xe sang trọng.

Ông John Cecil Masterman, người đứng đầu “Hệ thống hai mang”.

MI-5 và MI-6 được thành lập vào năm 1909, và khi Chiến tranh thế giới lần 1 bùng nổ vào năm 1914, cả hai tổ chức đều có nguồn lực ít ỏi: nhân viên MI-5 tổng cộng có 17 người, trong đó gồm cả nhân viên văn phòng.

Tình hình cũng chẳng cải thiện được bao nhiêu vào năm 1939 – tức mở đầu Chiến tranh thế giới lần 2. Một tài liệu lịch sử MI-5 nội bộ được giải mật tiết lộ vào đêm trước chiến tranh, bộ phận phản gián của cơ quan chỉ có hai sĩ quan phụ trách mọi vấn đề liên quan đến Đế quốc Anh. MI-5 và MI-6 thậm chí còn không biết “Abwehr” là tên gọi của cơ quan tình báo quân đội Đức!

Tuy nhiên, tình báo Anh vẫn nổi tiếng đạt được những thành công chưa từng có trong cuộc chiến chống lại phe Trục phát xít (bao gồm Đức, Italy và Nhật Bản). 

Những chiến thắng này phần lớn nhờ vào những thành tựu tại Bletchley Park – nơi các chuyên gia phá mã của Anh và Đồng minh đã bẻ khóa thành công máy mật mã Enigma khét tiếng của Đức Quốc xã và từ đó mang lại cho họ sự hiểu biết cực kỳ sâu sắc về Đệ tam Đế chế hơn bất kỳ quốc gia nào trong lịch sử. Một số nhà sử học cho rằng SIGINT của Anh được thu thập tại Bletchley Park có lẽ đã giúp rút ngắn cuộc chiến đẫm máu được hai năm.

Thành công đó đã được chuyển sang thời kỳ hậu chiến, khi các cơ quan tình báo Anh giúp London có thêm uy tín trên đấu trường tình báo thế giới. Một phần do chính phủ Anh khéo léo quảng bá với quốc tế về khả năng tình báo hàng đầu của nước này. Ví dụ như chính phủ Anh biết cách tiết lộ có chọn lọc những bí mật về Bletchley Park cũng như những thành công đáng kinh ngạc khác của thời chiến - như là “Hệ thống hai mang” (hay XX System) của MI-5 để thông qua đó mà bắt được gián điệp Đức hoạt động ngầm ở Anh và biến nhiều người trong số họ thành điệp viên hai mang làm việc cho London.

Như Sir John Cecil Masterman, người đứng đầu “Hệ thống hai mang”, nói ngắn gọn rằng: “Tình báo Anh đã tích cực điều hành và kiểm soát hệ thống gián điệp Đức ở đất nước này”. Trong Chiến tranh Lạnh, đội ngũ điệp viên Anh tiếp tục tìm cách đánh bóng thêm danh tiếng của họ. Khả năng kỹ thuật của GCHQ là hạng nhất và các lãnh thổ hải ngoại của Anh đã tỏ ra hữu ích cho việc thu thập SIGINT cho Mỹ.

Anh cũng lập nhiều thành tích gián điệp và phản gián ngoạn mục. Trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba tháng 10-1962, khi thế giới tiến đến gần cuộc chiến tranh hạt nhân hủy diệt khủng khiếp hơn bất kỳ thời điểm nào khác trong lịch sử, thông tin được cung cấp bởi Oleg Penkovsky – đại tá tình báo quân sự Nga và làm việc cho cả MI-6 và Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) – giúp Washington có được những hiểu biết quan trọng về tình trạng hệ thống tên lửa Liên Xô ở Cuba.

Oleg Penkovsky, có tên mã là “IRONBARK”, tiết lộ tên lửa của Liên Xô hoạt động được bao xa và do đó Washington có thể dự liệu thời gian để đấu tranh ngoại giao với Moscow. Vài năm sau, MI-6 tuyển mộ được một sĩ quan cấp cao khác của tình báo Liên Xô KGB là  Oleg Gordievsky - người bí mật cung cấp cho Anh và Mỹ khả năng nhìn sâu vào ý định và khả năng của Liên Xô.

Những chiến công như vậy giúp cho tình báo Anh nổi tiếng trong Chiến tranh Lạnh, và giữ được vị trí cao nhất trong các vấn đề quốc tế mặc dù sức mạnh kinh tế và quân sự đang suy giảm. GCHQ hợp tác rất chặt chẽ với Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) và về cơ bản cả hai tổ chức đều có khả năng SIGINT khổng lồ xuyên Đại Tây Dương.

Mối quan hệ liên minh bền vững này tạo đòn bẩy chính trị cho London ở Washington. Các hồ sơ tại Thư viện Tổng thống Richard Nixon, chẳng hạn, cho thấy trường hợp các quan chức tình báo Anh được cấp quyền tiếp cận các nhà hoạch định chính sách cao cấp ở Washington bao gồm Henry Kissinger, và thậm chí tham dự các cuộc họp quan trọng của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ (NSC), theo cách mà các quan chức của bất kỳ quốc gia nào khác không thể hình dung nổi.

Một loạt tập tin được giải mật cách đây gần 20 năm cho thấy, trong thập niên 1960, Ủy ban Tình báo chung (JIC) – tổ chức đánh giá tình báo cao nhất của Anh - đã khuyên các thủ tướng kế tiếp rằng việc gia nhập Liên minh châu Âu (EU) là điều cần thiết cho tương lai chiến lược của Anh: Làm như vậy là cách duy nhất để nước này thoát khỏi tình trạng ảm đạm kinh tế và bảo vệ mối quan hệ đặc biệt với Washington.

Theo hồ sơ tại Thư viện Tổng thống John F. Kennedy, Mỹ đánh giá London là một đồng minh có cùng chí hướng, đáng tin cậy, có cùng ngôn ngữ và có thể gây ảnh hưởng đối với các thành viên rắc rối hơn trong EU.

Sau khi gia nhập EU năm 1973 và tiếp sau đó là Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC), Anh có được tiếng nói mạnh mẽ trong các quyết định lớn của Châu Âu, điều này tỏ ra hữu ích cho Mỹ trong các vấn đề bao gồm chiến lược quân sự và thương mại.

Nếu bây giờ Anh rời khỏi EU, có nhiều lý do chính đáng để cho rằng Washington sẽ xem London không còn quan trọng như ngày xưa về mặt chiến lược. Các quan chức Mỹ có thể sẽ bắt đầu đặt vấn đề liệu Mỹ có thực sự cần Anh nữa hay không, liệu có nên củng cố mối quan hệ tình báo với EU hay không.

Những người ủng hộ Brexit chỉ ra một cách chính xác rằng sau khi gia nhập EU, các cơ quan tình báo của Anh đã tiếp tục làm việc với các thành viên liên minh này trên cơ sở song phương, chứ không phải với toàn bộ EU nên việc rời bỏ liên minh sẽ không tạo ra bất kỳ sự khác biệt nào.

Nhưng quan điểm lạc quan đó vẫn không che giấu được việc Brexit sẽ tác động tiêu cực đến an ninh quốc gia Anh. Chính quyền Anh đã được hưởng lợi từ các quốc gia thành viên trong các cơ quan của EU như Europol và Hệ thống thông tin Schengen (SIS) – cơ sở dữ liệu quý giá cung cấp thông tin về khủng bố, buôn người và các tội phạm nghiêm trọng khác.

Tuy nhiên, nếu rời khỏi EU, Anh sẽ mất quyền truy cập vào hệ thống thông tin đó. Trước cuộc trưng cầu dân ý Brexit 2016, một cựu lãnh đạo tình báo Anh đã công khai cảnh báo rằng việc rời bỏ EU sẽ gây tổn hại đến an ninh của đất nước.

Sau khi rời khỏi EU, tình báo Anh sẽ ra sao?

Sau Brexit, các cơ quan tình báo Anh sẽ phải cố gắng thích nghi với môi trường mới không có sự hỗ trợ từ EU. Một lĩnh vực mang đến nhiều hứa hẹn nhất giúp tình báo Anh tiếp tục nắm giữ vị trí hàng đầu thế giới: đó là không gian ảo. GCHQ được đánh giá là nhà lãnh đạo thế giới về tình báo kỹ thuật số.

Tổng hành dinh GCHG tại Cheltenham.

Tiết lộ của Edward Snowden năm 2013 cho thấy GCHQ phối hợp chặt chẽ với NSA như thế nào khi khai thác các nền tảng Internet để thu thập thông tin tình báo. GCHQ rõ ràng là cơ quan đầu tiên xác định và cảnh báo tình báo Mỹ về nhóm hacker Nga Fancy Bear đột nhập vào email của Ủy ban Quốc gia Dân chủ Mỹ (DNC) năm 2016.

Anh khôn ngoan khi nhân đôi lợi thế của mình trong các công nghệ kỹ thuật số và quả thật nước này dường như đã làm được điều đó. Trung tâm An ninh Mạng Quốc gia (NCSC) mới của GCHQ và chính phủ Anh, đã và đang thực hiện các đợt tuyển dụng và đào tạo hàng loạt chuyên gia không gian mạng, như MI-6 đã làm.

Điều thứ hai chỉ ra rằng, gián điệp con người truyền thống – lĩnh vực chuyên nghiệp của MI-6 – cũng sẽ rất quan trọng ngay cả trong không gian kỹ thuật số mới: tuyển dụng các đối tượng có vị trí tốt trong các nhóm mạng (cybergroup) nước ngoài sẽ là một cách chính để mở khóa bí mật của họ.

Chiến lược an ninh mạng quốc gia của Anh trong giai đoạn 2016-2021 lần đầu tiên công khai thừa nhận rằng nước này có khả năng hack tấn công. Một lĩnh vực tăng trưởng trong tương lai của tình báo Anh sẽ là tăng cường các khả năng này và thực hiện các cuộc tấn công mạng vào các mối đe dọa từ nước ngoài  - tương tự như cuộc tấn công bằng virus Stuxnet được cho là của Israel và Mỹ, phát hiện vào năm 2010, nhắm vào chương trình hạt nhân Iran.

Lịch sử cho thấy các gián điệp của Anh rất giỏi trong việc biến những bất lợi ảm đạm - như những gì mà họ đã làm được khi bắt đầu Chiến tranh thế giới lần 2 - thành những thành công đáng kinh ngạc. Cuộc chiến trên không gian mạng cung cấp cơ hội đó một lần nữa, đặc biệt là vì nó không yêu cầu sức mạnh quân sự thông thường, điều mà Anh khó có thể đảm đương trong thời kỳ khắc khổ kéo dài.

Một lĩnh vực tăng trưởng khác trong tương lai của tình báo Anh có thể sẽ là hành động bí mật với trọng tâm là bảo vệ chống lại làn sóng tin giả. Một thách thức lớn đối với các xã hội phương Tây là sự phát triển ngấm ngầm của những tin tức giả mạo được phổ biến trực tuyến. Hầu hết các quốc gia vẫn thiếu một chiến lược để đối phó với những thông tin giả đó – tuy nhiên nước Anh có kinh nghiệm trong quá khứ gần đây.

Trong Chiến tranh Lạnh, bộ phận bí mật tuyên truyền chống Liên Xô của Anh - Cục Nghiên cứu Thông tin (IRD, thành lập năm 1948) - đã cung cấp các phản ứng dựa trên thực tế, nhanh chóng và sáng suốt chống lại luồng thông tin giả mạo từ KGB. Nó cung cấp một khuôn mẫu để xử lý thông tin sai lệch hôm nay và nước Anh sẽ là khôn ngoan khi cập nhật cách tiếp cận cho kỷ nguyên truyền thông xã hội. Các cơ quan tình báo Anh cũng có thể bắt đầu gián điệp EU.

Không ai ở bên ngoài biết được Anh đã thực hiện bao nhiêu chương trình gián điệp như thế và cho đến nay, các hồ sơ (nếu chúng tồn tại) vẫn chưa được giải mật. Nhưng nước Anh cũng có một lịch sử lâu dài về hoạt động gián điệp các đồng minh của mình: đội ngũ chuyên gia phá mã của Anh đã chặn và đọc thông tin liên lạc của Mỹ trước khi nước này tham gia cả hai cuộc Chiến tranh thế giới lần 1 và 2.

Trong những thập niên gần đây, sự hợp tác chính trị sâu rộng mà các quốc gia thành viên EU nhất thiết phải có khiến cho việc gián điệp của Anh đối với châu Âu trở nên quá rủi ro. Tuy nhiên, sau khi rời khỏi EU, Anh sẽ không bị ràng buộc như vậy.

Thật vậy, kể từ khi các cuộc đàm phán Brexit bắt đầu, những tin đồn bắt đầu lan truyền cho rằng tình báo Anh đã nhắm vào các nhà đàm phán EU. Dù điều đó có đúng hay không, có vẻ như không có khả năng sau Brexit, cả hai bên sẽ rơi vào tình trạng điên cuồng tấn công lẫn nhau. Các mối đe dọa bên ngoài phổ biến và mối đe dọa của một cuộc chiến tranh lạnh mới, có nghĩa là các cơ quan tình báo Anh và EU sẽ có động lực để tiếp tục hợp tác.

Brexit sẽ buộc cộng đồng tình báo Anh trả lời câu hỏi khó chịu mà họ không phải đối mặt kể từ Chiến tranh thế giới lần 2 – đó là họ có thể cung cấp những gì mà những tổ chức khác không thể? Tuy nhiên, Brexit đang diễn ra cùng thời điểm với cuộc cách mạng không gian ảo mang đến cơ hội cho Anh duy trì một số lợi ích của sức mạnh toàn cầu hiện tại. Đầu tư vào tình báo kỹ thuật số mang đến cho London cách tốt nhất (và có lẽ là duy nhất) để thoát ra khỏi vũng lầy tình báo chiến lược do Brexit tạo ra.

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.