Tình báo Anh - Mỹ bí mật hợp tác với tình báo Libya như thế nào?

Thứ Năm, 04/01/2018, 22:44
Những tài liệu mật được tờ báo The Guardian tiếp cận đã hé lộ những thông tin bí mật chưa từng được biết đến về những hoạt động hợp tác giữa các cơ quan tình báo Anh, Mỹ với Cơ quan tình báo quốc gia Libya trong giai đoạn từ sau sự kiện khủng bố 11-9-2001 đến trước ngày nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi bị lật đổ.

Bài 1: Từ tài trợ khủng bố thành bạn thân

Từ “lệnh hành quyết” của Tổng thống Mỹ George W. Bush.

5 ngày sau sự kiện 11-9, một nhóm sĩ quan Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA) từ Tổng hành dinh ở Langley, bang Virginia, đến Đại sứ quán Anh trên Đại lộ Massachusetts NW, Washington DC để thuyết trình cho đại diện Cơ quan tình báo MI-6 của Anh về kế hoạch của CIA sau sự kiện 11-9.

Dẫn đầu phái đoàn CIA là Cofer Black, Giám đốc Trung tâm chống khủng bố của CIA. Black trông vẻ mặt vẫn chưa hết bơ phờ, mệt mỏi vì đã làm việc không kể ngày đêm liên tục trong 5 ngày để hoàn thiện một kế hoạch bảo vệ nước Mỹ trước những cuộc tấn công trong tương lai. Cuộc thuyết trình diễn ra trong 3 giờ.

Trước sự kiện 11-9, CIA đã vận hành một dự án “bắt cóc và thẩm vấn” quy mô nhỏ từ giữa thập niên 90 thế kỷ XX, nhắm vào mục tiêu là các thánh chiến quân Hồi giáo cực đoan ở Bosnia. Dự án đó còn được gọi là “chương trình luân chuyển tù nhân” đầy tai tiếng của CIA. Kế hoạch của ông Black đưa ra nhằm tăng cường và mở rộng quy mô, tầm vóc của chương trình.

Khi Black thuyết trình chi tiết về kế hoạch của mình, các sĩ quan của MI-6 ngồi lắng nghe một cách chăm chú. Tài liệu mật cho biết, khi Black kết thúc bài thuyết trình, người của MI-6 có thái độ không mấy tích cực đối với kế hoạch, họ tỏ ra lo lắng nhiều hơn là ủng hộ. Mark Allen, trưởng bộ phận chống khủng bố của MI-6, nhận xét rằng kế hoạch của Black “nghe khủng khiếp quá”.

Ông Sir Mark Allen, cựu trưởng bộ phận chống khủng bố của MI-6.

Kế hoạch hành động của Black được xây dựng sau khi có “lệnh hành quyết” của Tổng thống Mỹ George W. Bush. Trước con số báo cáo thương vong quá lớn của vụ khủng bố (11-9), ông Bush đã tuyên bố trong một cuộc họp báo: “Tôi muốn công lý được thực thi”. Và ông ra lệnh “Truy nã – sống hay chết”.

Có nghĩa là phải tầm nã cho bằng được bọn khủng bố, bắt giam hoặc giết chết cũng được. Sau khi mệnh lệnh của ông Bush được ban ra, các cơ quan tình báo của Mỹ đã bắt tay vào hành động ngay.

Vài tháng sau vụ khủng bố, các cơ quan tình báo 5 nước Mỹ, Anh, Canada, New Zealand và Australia đã triển khai một chương trình hợp tác bao trùm khắp năm châu. Tại một cuộc họp ở khu trượt tuyết Queenstown của New Zealand, Giám đốc CIA khi đó là George Tenet đã khẳng định Mỹ và đồng minh chỉ có thể hiểu và đánh bại được Al-Qaeda nếu họ hợp tác chặt chẽ với các cơ quan tình báo của các nước Hồi giáo, và nếu họ chịu làm bất cứ việc gì phải làm để trả đũa bọn khủng bố.

Để làm được những việc trên thì một trong những yêu cầu cấp bách nhất là tạo dựng mối quan hệ với các cơ quan tình báo của thế giới Arab. Vào năm 2002, CIA và MI-6 đã bắt đầu hợp tác với Cơ quan tình báo quốc gia Libya mang tên Tổ chức An ninh Đối ngoại Libya (ESO).

Chương trình hành động là tìm hiểu kỹ hơn về các phiến quân Hồi giáo, nhưng sau một năm triển khai đã có sự thay đổi khi Allen và các lãnh đạo chính trị Anh nhìn thấy một cơ hội bước vào đàm phán với nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi về chương trình phát triển vũ khí giết người hàng loạt của ông.

Gaddafi đã bắt đầu nghiên cứu và phát triển năng lực hạt nhân từ thập niên 1970, lúc đầu chủ yếu mua các vũ khí do Iran sản xuất, rồi sau đó tìm cách tiếp cận quặng uranium và công nghệ làm giàu uranium.

Ngày 20-9-2001, 4 ngày sau cuộc thuyết trình của CIA về chương trình luân chuyển tù nhân khủng bố, Mark Allen có cuộc họp mặt đối mặt với một sĩ quan cao cấp của tình báo Libya – đó là Tổng giám đốc ESO Moussa Koussa.
Nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi và ông Moussa Koussa tại Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab năm 2009.

Giới chức tình báo phương Tây, trong đó có Allen, đều hiểu rất rõ tâm lý “sốt ruột” của nhà lãnh đạo Gaddafi trong giai đoạn sau sự kiện 11-9.

Trong quá khứ Libya cũng từng bị cáo buộc dính líu đến vài vụ việc tấn công khủng bố nổi tiếng, như vụ đánh bom chuyến bay Pan Am 103 trên bầu trời Lockerbie (Scotland) năm 1988, vụ đánh bom hộp đêm ở Tây Berlin năm 1986 và vụ tai nạn máy bay UTA 172 ở Cộng hòa Chad năm 1989. Hơn nữa, chính nhà lãnh đạo Gaddafi cũng không giấu giếm việc cung cấp vũ khí cho nhóm du kích cộng hòa IRA ở Bắc Ailen. Bởi vậy, ngay sau khi vụ 11-9 xảy ra, ông Gaddafi đã nhanh chóng lên án vụ khủng bố.

Nhưng chỉ thế thôi thì chưa đủ để Gaddafi tránh được “cơn giận” của Washington. Cho nên, theo một bức điện của Đại sứ Mỹ tại Cairo khi ấy là David Welch, ông Gaddafi đã cuống cuồng gọi điện cho lãnh đạo các nước Arab, cầu xin họ cùng lên tiếng ngăn chặn Mỹ tấn công Libya.

Ông Moussa là một trong số rất ít người gần gũi lâu năm với nhà lãnh đạo Libya, là người mà ông Gaddafi tin cậy và kính trọng nhất, vì vậy ông có khả năng nhất xoa dịu cơn “sốt ruột” của ông Gaddafi. Giữa Koussa và Allen cũng có nhiều điểm tương đồng: cả hai đều cùng trong độ tuổi ngoài 50, học cao hiểu rộng, chính xác trong từng cử chỉ và rất sùng đạo (Koussa đạo Hồi, còn Allen đạo Thiên Chúa).

Trước mối đe dọa từ Al-Qaeda, cả hai ông đều rất điềm tĩnh. Theo các tài liệu mật, Koussa đã đề nghị cung cấp cho ông Allen những thông tin lấy được từ những phần tử đang bị giam giữ trong các nhà tù ở Libya, và cả hai ông đã đồng ý với nhau rằng các chuyên gia chống khủng bố của hai nước “nên gặp nhau để thảo luận về kẻ thù chung của hai nước”.

Trong một bản điện tín sau đó 2 tuần, Allen nói rằng ông “rất quan tâm các hoạt động phối hợp thâm nhập” một tổ chức Hồi giáo cực đoan có tên gọi là Al-Jamaa al-Islamiyyah al-Muqatilah bi-Libya, tức Nhóm Chiến binh Hồi giáo Libya (LIFG). Mặc dù một số thành viên nhóm LIFG đã từng tham gia cùng Al-Qaeda ở Afghanistan, các lãnh đạo của nhóm này từ lâu vẫn từ chối lời mời hợp tác trực tiếp từ ông trùm Osama bin Laden, mà chủ yếu quan tâm việc lật đổ ông Gaddafi.

Bất chấp điều này, Allen tin rằng các thành viên nhóm LIFG có thể cung cấp thông tin về mối đe dọa Al-Qaeda. Mục tiêu cụ thể nhất của Allen là Abdel Hakim Belhaj, 35 tuổi, một lãnh đạo quân sự kỳ cựu của LIFG, từng tham chiến ở Afghanistan trong thập niên 1980.

Đằng sau những cái bắt tay

Ngày 13-11-2001, Tổng thống Mỹ W. Bush ký ban hành một chỉ thị quân sự cho phép sử dụng rộng rãi hình thức luân chuyển tù nhân và tra tấn. Vài ngày sau, ESO và MI-6 lại gặp nhau.

Lần này, MI-6 đã quyết định thử nghiệm việc tuyển mộ nguồn tin tình báo. Lúc này, người Anh đã bắt đầu tham gia vào cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ. Vào giữa tháng 11, Luật An ninh, Chống khủng bố, tội phạm (ACSA) của Anh ra đời cho phép Bộ Nội vụ Anh bắt giữ nghi phạm không cần xét xử, và trao cho các cơ quan tình báo thêm nhiều quyền hạn nhắm vào các mục tiêu nghi phạm.

Đến tháng 8-2002, quan hệ giữa Anh và Libya đã từng bước được phục hồi, nhưng còn chậm và mang tính thăm dò là chính. Cái giá của sự hợp tác đó là con trai ông Gaddafi, Saif Gaddafi, được nhận vào học tại Trường Kinh tế London. Trong một cuộc điện đàm, Thủ tướng Anh Tony Blair và ông Gaddafi đã có những lời trao đổi thú vị.

Sau đó, Mike OBrien, quan chức Bộ Ngoại giao Anh được cử đến thăm ông Gaddafi tại thành phố quê nhà Sirte của ông và trao thư của Thủ tướng Blair gửi cho ông. Đó là chuyến thăm đầu tiên của một quan chức cấp bộ ngành của Anh đối với Libya kể từ năm 1984, khi London cắt quan hệ ngoại giao với Libya sau sự cố đạn lạc bắn ra từ Đại sứ quán Libya ở London làm chết sĩ quan cảnh sát Yvonne Fletcher.

Phần lớn công việc xây dựng lại mối quan hệ đối tác giữa Anh và Libya thời điểm đó không phải do các bộ trưởng hay các cơ quan ngoại giao, mà chủ yếu là thông qua sự hợp tác giữa các cơ quan tình báo hai nước, đặc biệt là giữa hai con người – Allen và Koussa. Hai ông gặp nhau thường xuyên trong năm 2002 và có vẻ như đã trở thành đôi bạn thân thiết.

Những món quà đặc biệt từ Tripoli đã bắt đầu xuất hiện tại trụ sở MI-6 ở bờ Nam sông Thames, và ngày 20-9-2003, nhân kỷ niệm ngày hai ông lần đầu gặp nhau, Koussa còn được mời đến dự bữa tiệc tại khách sạn hạng sang Goring.

Đó cũng là lần đầu tiên sau 23 năm, Koussa trở lại nước Anh, sau sự cố ông thừa nhận đã ra lệnh giết 2 người Libya trên đất Anh và bị trục xuất khỏi Đại sứ quán Libya vào năm 1980. Và không chỉ có chuyện đó. Trong những năm 1983-1984, Koussa đã ra lệnh tiến hành hơn 10 vụ tấn công bằng bom tại 2 thành phố Manchester và London nhắm vào thành phần người Libya chống đối ông Gaddafi, làm hàng chục người bị thương.

Những chuyện không vui trong quá khứ đó đã được tạm gác lại, không nhắc đến. Thay vào đó là một sự tiếp đón hết sức nồng hậu. Trong câu chuyện trao đổi giữa phái đoàn chủ nhà và ông Koussa cũng xoay quanh các vấn đề quốc tế và mong muốn của MI-6 tạo điều kiện cho Saif Gaddafi được an toàn và thoải mái trong thời gian du học ở Anh.

Sau cùng, câu chuyện xoáy vào những phần tử chống đối ông Gaddafi đang sinh sống ở Anh. Người Anh bày tỏ “thiện chí” sẵn sàng hành động chống lại những phần tử đó, chỉ cần có bằng chứng xác đáng.

Phấn khởi với tinh thần hợp tác mới này, tháng 10-2002, Thủ tướng Blair viết thư cho ông Gaddafi, trong đó gợi ý rằng những biện pháp cấm vận làm kiềm hãm ngành công nghiệp dầu hỏa và tạo gánh nặng cho nền kinh tế Libya có thể được gỡ bỏ, nếu ông Gaddafi đồng ý từ bỏ chương trình vũ khí giết người hàng loạt, vốn là vấn đề bận tâm lớn đối với phương Tây. Gaddafi không phản hồi.

Chiếc tàu chở hàng mang tên BBC China, đăng ký quốc tịch Đức, rời Kênh đào Suez vào ngày 4-10-2003 và hướng về Libya. Tàu đã bị các tàu hải quân Italia chặn lại và áp giải về cảng Taranto.

Cuộc khám xét diễn ra sau đó phát hiện 5 thùng container đựng hàng hóa ghi nhãn “phụ tùng đã qua sử dụng” bên trong chứa hàng ngàn phụ tùng máy ly tâm được cho là phục vụ cho chương trình hạt nhân của ông Gaddafi. Truy nguyên nguồn gốc lô hàng được chuyển từ một nhà máy ở Malaysia theo đơn đặt hàng của nhà khoa học hạt nhân Pakistan, Abdul Qadeer Khan.

Allen lại mời ông Koussa trở lại Anh, lần này là để dự một cuộc họp 90 phút vào ngày 20-11 tại khách sạn 5 sao Bay Tree, gần Căn cứ Không quân Hoàng gia Brize Norton. Cuộc họp còn có mặt một sĩ quan cao cấp của CIA tên là Stephen Kappes.

Theo biên bản cuộc họp, Allen và Kappes đã trao cho ông Koussa những thông điệp cá nhân của Thủ tướng Blair và Tổng thống Mỹ W. Bush để chuyển cho ông Gaddafi. Allen và Kappes nhấn mạnh: Lãnh đạo Anh, Mỹ biết Libya vẫn theo đuổi chương trình hạt nhân trong khi giả vờ tự tháo dỡ. Koussa đáp lại bằng lời hứa rằng chính phủ Libya “sẽ hủy bỏ chương trình”.

11 ngày sau, một phái đoàn thanh sát gồm 13 người Anh và Mỹ do Allen và Kappes dẫn đầu đã đến sân bay Mitiga ở Tripoli. Họ phát hiện bằng chứng một chương trình vũ khí hóa học sơ khai, chưa thử nghiệm lần nào, và một dự án vũ khí hạt nhân ở giai đoạn khá tiến bộ.

Công việc tháo dỡ nhà máy được bắt đầu, cùng với đó các bản vẽ thiết kế, kế hoạch sản xuất, máy ly tâm và các thiết bị khác cũng được tháo dỡ, lấy đi. Khoảng 13 kg uranium làm giàu đến 80% cũng được lấy mang đi. Toàn bộ công việc được thực hiện chỉ trong vòng 4 tháng.

Đó là một thắng lợi cho Washington và London. Theo thỏa thuận, ông Gaddafi sẽ thông báo trên truyền hình Libya vào ngày 19-12 về việc xóa bỏ chương trình hạt nhân. Còn hai ông Bush và Blair thì có tuyên bố theo cách riêng đối với sự kiện này, tất nhiên là phải tận dụng tối đa để tuyên truyền cho chủ trương của mình tại Iraq.

Vào đêm Giáng sinh, 24-12-2003, Allen gửi cho Koussa một bức thư thông qua người giao liên của ESO. Trong thư, Allen thể hiện thái độ thân thiện, sự khâm phục và ngưỡng mộ vì tất cả sự hợp tác của Koussa dẫn đến việc xóa bỏ chương trình hạt nhân của Libya.

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.