CIA bí mật dụ các nhà khoa học hạt nhân Iran như thế nào?

Thứ Ba, 17/10/2017, 15:12
Nhằm lôi kéo, dụ dỗ các nhà khoa học hạt nhân của Iran hay CHDCND Triều Tiên, các cơ quan tình báo Mỹ, trong đó có Cục tình báo trung ương (CIA), Cục điều tra liên bang (FBI) và nhiều cơ quan khác, thường cử các điệp viên, đặc vụ đến dự các hội nghị khoa học, hoặc tự mình đứng ra tổ chức các hội nghị để thu hút các nhà khoa học làm mục tiêu “săn đón”.


Cuộc chiến lúc nửa đêm

Cách đây đúng 10 năm, tại một hội nghị về hạt nhân diễn ra ở châu Âu, đã xảy ra một sự việc ít người biết đến. Một điệp viên CIA đến gõ cửa phòng nghỉ của một nhà khoa học hạt nhân Iran. Người này được cho là thuộc lực lượng Vệ binh cách mạng (IRGC) của Iran.

Đêm hôm khuya khoắt, vị khách Iran lẽ ra đã ngủ say, nhưng ông ta vẫn thức để tiếp một người Mỹ mà ông ta không quen biết.

Hội nghị khoa học là một kênh quan trọng để CIA dụ dỗ, lôi kéo các nhà khoa học hạt nhân của Iran.

Để tỏ thành ý, người khách lạ đặt tay lên ngực, thề thốt bằng ngôn ngữ của người Hồi giáo, rồi đi thẳng vào vấn đề: “Tôi đến từ CIA, và tôi muốn ông đi cùng tôi lên một chuyến bay đến Mỹ”. Vẻ ngạc nhiên, sửng sốt pha lẫn sợ hãi lộ rõ trên khuôn mặt nhà khoa học người Iran. Ông ta định hỏi một câu về đề nghị bất ngờ, nhưng đã bị điệp viên CIA ngắt lời: “Trước hết, hãy lấy cái xô đựng nước đá”. “Tại sao?”. “Nếu những người đi theo bảo vệ ông thức dậy, ông có thể bảo họ là ông đi lấy nước đá”.

Để thực hiện cuộc gặp bí mật này, CIA đã chuẩn bị hàng tháng trời và tốn kém chi phí thuê một công ty tư nhân tổ chức hội nghị nhằm thu hút các nhà khoa học Iran, CHDCND Triều Tiên và nhiều nước khác đến dự. Hội nghị được tổ chức tại một địa điểm không ai có thể nghi ngờ dụng ý của nhà tổ chức, đó là một trong những trung tâm nghiên cứu khoa học hàng đầu ở châu Âu.

CIA đã cài người của mình vào mọi khâu trong khách sạn, từ phục vụ bếp ăn cho đến phục vụ phòng nghỉ, bí mật gắn camera để theo dõi mọi hành động của khách nghỉ. Sự chuẩn bị chu đáo của CIA dường như đã gần đạt được kết quả, khi nhà khoa học Iran chấp nhận gặp riêng điệp viên CIA trong ít phút ngắn ngủi để trao đổi kế hoạch cho chuyến đi Mỹ sau hội nghị.

Nhưng, một sự cố vào phút chót đã làm hỏng kế hoạch của CIA: mục tiêu đổi khách sạn vì khách sạn nơi hội nghị đăng ký có giá phòng nghỉ cao hơn 75 USD so với giá phòng mà các lãnh đạo ở Iran chấp nhận chi trả. Vậy là công toi. Và vụ việc được xem là một ví dụ điển hình cho phương pháp tình báo mà CIA sử dụng để tìm hiểu các chương trình hạt nhân của Iran. Đó là lợi dụng hội nghị, hội thảo khoa học để lôi kéo, dụ dỗ các nhà khoa học hạt nhân của Iran.

Việc sử dụng các hội nghị, hội thảo để thu hút các nhà khoa học là một bước đi táo bạo của CIA, và cơ quan này đã chi hàng chục triệu USD cho các cuộc hội nghị, hội thảo trá hình khắp thế giới. Mục đích của hoạt động này là nhằm dụ dỗ các nhà khoa học hạt nhân Iran ra khỏi đất nước đến một môi trường xa lạ để các điệp viên Mỹ có thể dễ dàng tiếp cận và vận dụng các mánh khóe tình báo để ép họ đào tẩu hay cộng tác với tình báo Mỹ.

Nói cách khác, CIA cố tìm cách làm chậm lại tiến trình phát triển vũ khí hạt nhân của Iran bằng cách khai thác tinh thần quốc tế của giới khoa học, và tạo dựng một màn kịch “siêu lừa” các tổ chức đăng cai hội nghị cũng như các vị giáo sư tham gia và phát biểu tại hội nghị. Những người tham gia hội nghị không hề biết rằng họ đang tham gia vào một màn kịch trình diễn bằng hành động thực tế nhưng lại được đạo diễn từ xa. Có lẽ giới khoa học sẽ nổi cơn thịnh nộ và trút giận lên CIA nếu họ biết được mình đã bị lợi dụng làm “diễn viên”, “con rối” trong màn kịch gián điệp của CIA.

Nhà khoa học hạt nhân Abdolrasoul Dorri Esfahani bị cơ quan chức năng Iran buộc tội làm gián điệp cho phương Tây sau khi đi dự các hội nghị khoa học.

Hội nghị, hội thảo được xem là diễn đàn dễ bị tình báo lợi dụng hơn bất kỳ diễn đàn khoa học nào. Với sự giúp sức của trào lưu toàn cầu hóa, hình thức hội họp này đã trở nên phổ biến hơn bao giờ hết; chúng được tổ chức khá thường xuyên ở nhiều nơi, hàng ngày, thậm chí hàng giờ.

Cũng giống như các giải đấu thể thao quy mô toàn cầu như golf hay quần vợt, hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế dễ dàng được tổ chức một khi có điều kiện thuận lợi, và chắc chắn luôn luôn thu hút đông đảo người dự. Không có tưởng thưởng bằng tiền bạc, nhưng các hội nghị, hội thảo mang đến cho người ta thứ khác danh giá hơn, đó là uy tín, là thanh danh toàn cầu.

Mặc dù phương tiện liên lạc điện tử ngày nay tạo thuận lợi rất nhiều cho việc trao đổi chuyên môn hàng ngày giữa các nhà khoa học, nhưng đối với họ gặp mặt nhau để trao đổi, thảo luận trực tiếp tại một cuộc hội nghị, hội thảo là điều không gì có thể thay thế. Hội nghị, hội thảo ngày nay được giới chuyên gia gọi là một “cách để chuyển công việc thành cuộc vui chơi, kết hợp giữa hoạt động chuyên môn với du lịch, và được người khác tài trợ”.

Tầm quan trọng của hội nghị, hội thảo không chỉ được đo đếm bằng số lượng người tham dự đoạt giải Nobel hay là giáo sư, tiến sĩ của các Đại học Oxford, Harvard, mà còn bởi số lượng điệp viên của các cơ quan tình báo trên thế giới. Các quan chức tình báo Mỹ và nhiều nước trên thế giới đổ xô đến các hội nghị đều vì một lý do cũng tương tự như việc quân đội Mỹ tìm đến các khu ổ chuột thu nhập thấp để tuyển một binh sĩ, vì đó là nơi “săn mồi” tốt nhất.

Đến khuôn viên một trường đại học thì cùng lắm chỉ có thể tìm được một hoặc hai vị giáo sư trúng đối tượng cần tìm cho một bộ phận tình báo, nhưng một hội nghị đúng lĩnh vực quan tâm – chẳng hạn như về lĩnh vực công nghệ không người lái – thì đối tượng quan tâm có thể có đến hàng chục người. “Mọi cơ quan tình báo trên thế giới đều tìm đến các hội nghị, tài trợ cho hội nghị, và tìm cách để cài người của mình vào bên trong hội nghị” - một cựu điệp viên ngầm của CIA đúc kết.

Mark Galeotti, Giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học New York, từng làm cố vấn cho Bộ Ngoại giao Anh, nhận xét thêm: “Việc tuyển mộ tình báo là một tiến trình dụ dỗ lâu dài. Giai đoạn đầu tiên là sắp xếp sao cho mình dự cùng hội thảo với đối tượng mục tiêu. Cho dù lần đầu tiên chưa trao đổi gì đáng kể, nhưng lần sau gặp lại đã có thể “nhìn người quen”.

Theo cách này, vào năm 2011, FBI đã cảnh báo các nhà khoa học Mỹ “hãy thận trọng” đối với các hội nghị.

FBI viện dẫn kịch bản như sau: “Một nhà nghiên cứu nhận được một lời mời nộp thư đăng ký tham dự một hội nghị quốc tế. Người này nộp thư đăng ký và được chấp thuận ngay. Tại hội nghị, ban tổ chức yêu cầu nhà nghiên cứu cho xin một bản sao bài trình bày tham luận. Được sự đồng ý, nhà tổ chức đúc ổ đĩa di động USB vào máy tính xách tay của nhà nghiên cứu để chép file. Nhà nghiên cứu không hề hay biết rằng toàn bộ dữ liệu, tài liệu trong máy tính xách tay đã được sao chép vào ổ đĩa di động USB”.

Vỏ bọc an toàn

Nhưng người Mỹ mới là kẻ “săn mồi” nhiều nhất thế giới. FBI và CIA là hai cơ quan cử người tham gia dày đặc tại các hội nghị cả ở Mỹ và trên thế giới. Một cựu đặc vụ FBI khẳng định, tại các hội nghị ở Mỹ, “các điệp viên nước ngoài cố tuyển mộ người của chúng tôi; chúng tôi cố tuyển mộ họ”.

Bên trong buồng điều khiển cơ sở hạt nhân ở ngoại ô thành phố Isfahan, Iran.

CIA tham gia vào hội nghị theo nhiều cách khác nhau: cử điệp viên tham dự; tổ chức hội nghị thông qua các công ty bình phong ở khu vực Washington, để cộng đồng tình báo có điều kiện khai thác giới khoa học; và tổ chức các hội nghị giả, hội thảo trá hình nhằm mục đích tiếp cận các đối tượng đào tẩu thuộc các nước thù địch với Mỹ.

CIA theo dõi kỹ các cuộc hội nghị, hội thảo sắp diễn ra trên toàn thế giới và xác định những hội nghị, hội thảo nào lọt vào tầm quan tâm. Giả sử sắp có một hội nghị quốc tế ở Pakistan về công nghệ ly tâm; CIA sẽ cử điệp viên ngầm hoặc tuyển chọn một vị giáo sư đi dự thay, về báo cáo lại. Nếu CIA biết được có một nhà khoa học hạt nhân Iran dự hội nghị, cơ quan này sẽ tìm cách tiếp cận, làm quen để thăm dò nhằm tạo thuận lợi cho việc tuyển mộ có thể diễn ra vào năm sau.

Tình báo từ các hội nghị có thể giúp hình thành các chính sách. Chẳng hạn, tình báo hội nghị đã từng thuyết phục chính quyền Mỹ thời Tổng thống George W. Bush tin một cách sai lầm rằng Tổng thống Iraq Saddam Hussein đến thời điểm đó vẫn còn theo đuổi việc sản xuất vũ khí giết người hàng loạt.

John Kiriaku, cựu sĩ quan chống khủng bố cùa CIA nhớ lại: “Thời đó, các điệp viên và chỉ điểm viên của chúng tôi đều nhận thấy các nhà khoa học chuyên ngành hóa học, sinh học và năng lượng hạt nhân vẫn thường xuyên xuất hiện tại các hội thảo quốc tế. Họ tham gia phát biểu, nghe những người khác trình bày và ghi chú cẩn thận”.

Một số điệp viên của CIA có thể đã kết luận sai về các nhà khoa học Iraq dự hội nghị, vì họ thiếu kiến thức chuyên ngành về hóa học, sinh học và năng lượng hạt nhân, từ đó dẫn đến việc hiểu sai vấn đề. Các cuộc hội nghị do Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tổ chức với các đề tài về đồng vị thủy phân hay năng lượng nhiệt hạch thì thường có “điệp viên xuất hiện ở các hành lang nhiều hơn nhà khoa học”.

Vấn đề ở chỗ, các điệp viên đến dự hội nghị khoa học thiếu sự am hiểu chuyên môn sẽ dễ bị lộ tẩy khi tham gia vào các cuộc trò chuyện, trao đổi riêng bên hành lang hội nghị. Giới học thuật đi dự hội nghị thường khoe nhau về bằng cấp, học vị chuyên ngành để chứng tỏ họ có chuyên môn sâu về đề tài hội nghị.

Hoặc, khi một điệp viên tự giới thiệu mình đến từ một cơ sở nghiên cứu có uy tín cao, như Viện Vật lý Fermi ở Chicago chẳng hạn, ngay lập tức người ta sẽ hỏi ngay: “Chắc là ông biết anh Bob, anh Fred, chị Susie nhỉ?”. Để giải quyết vấn đề này, CIA tuyển chọn một giáo sư chuyên ngành phù hợp để cử đi dự hội nghị. National Resources Division là đơn vị đầu mối chuyên giúp CIA thực hiện việc tuyển chọn các nhà khoa học chuyên ngành đi dự hội nghị.

National Resources Division có mối quan hệ công việc với nhiều nhà khoa học ở khắp nước Mỹ. Khi nhắm đến một hội nghị chuyên ngành năng lượng hạt nhân ở Vienna chẳng hạn, CIA chỉ cần gọi tên một trong các nhà khoa học nằm trong danh sách của National Resources Division thì ngay lập tức người đó sẽ được gọi đến và nhận nhiệm vụ.

(Còn nữa)

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.