CIA tăng cường hoạt động ở châu Phi

Thứ Hai, 17/09/2018, 16:40
Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã triển khai và đang bắt đầu gia tăng những chuyến bay bí mật không người lái (UAV) từ căn cứ ở vùng sa mạc Sahara, thuộc lãnh thổ Niger, nằm giáp phía nam Libya.

Thời Tổng thống Barack Obama, chương trình máy bay không người lái bị thu hẹp lại và giao cho Bộ Quốc phòng phụ trách, nhưng từ khi Tổng thống Donald Trump lên, chương trình này đã được khôi phục và giao trở lại cho CIA.

Từ khi được Tổng thống  Donald Trump trao lại quyền triển khai chương trình máy bay không người lái vào năm 2017, CIA đã bắt tay mở rộng chương trình, chuyển máy bay đến vùng Đông Bắc Niger, giáp với Libya để săn lùng các phiến quân Hồi giáo cực đoan thuộc các lực lượng Al-Qaeda và IS. Sự mở rộng này sẽ giúp CIA bổ sung thêm căn cứ máy bay không người lái bí mật bên cạnh các căn cứ hiện hữu tại Đông Afghanistan để tiến hành các cuộc không kích ở Pakistan, và Nam Saudi Arabia để thực hiện các cuộc tấn công ở Yemen.

Máy bay của hãng hàng không Niger Airlines đậu tại đường băng sân bay Dirkou.

Người của CIA không xác nhận việc cơ quan này mở rộng căn cứ ở Niger, nhưng một số quan chức an ninh Mỹ và Niger thì khẳng định từ nhiều tháng qua CIA đã thực hiện nhiều chuyến bay do thám không người lái từ một góc bên trong sân bay thương mại Dirkou. Các chuyến bay xuất phát vào ban đêm, khoảng từ 22 giờ đến 4 giờ sáng hôm sau. Một phóng viên tờ New York Times khẳng định đã nhìn thấy một chiếc máy xám, cỡ như chiếc Predator mà CIA thường dùng.

Tờ New York Times cho biết, sân bay Dirkou đã được mở rộng đáng kể về phía bắc kể từ tháng 2-2018, bao gồm một đường băng, khu nhà làm việc và các chốt gác an ninh. Một quan chức Mỹ cho hay, các máy bay không người lái từ căn cứ này hiện chưa tham gia tấn công vũ trang, nhưng sắp tới sẽ tham gia, do sự gia tăng mối đe dọa khủng bố ở miền Nam Libya.

Tổng thống Obama đã hạn chế vai trò của CIA trong việc triển khai máy bay không người lái sát thương bằng cách giới hạn số chuyến bay không người lái, đặc biệt là ở Yemen. Một số vụ không kích gây thương vong cho dân thường khiến dư luận trong giới ngoại giao và quân sự phẫn nộ, nhưng đã được che đậy để bảo vệ tính bí mật của CIA. Nhà Trắng đã đưa ra giải pháp chuyển giao quyền kiểm soát chương trình máy bay không người lái chiến đấu cho Lầu Năm Góc chủ trì.

Đây là cách để nước Mỹ tránh đi tình trạng khó xử vì phải thừa nhận trách nhiệm trong các vụ không kích nhầm vào dân thường bị báo chí phanh phui rộng rãi. Tuy nhiên, chương trình của CIA không bị đóng cửa hoàn toàn mà vẫn duy trì ở một số nơi, với những hoạt động do thám là chủ yếu.

Đến năm 2017, dưới thời ông Trump làm Tổng thống, chính sách hạn chế máy bay không người lái đã thay đổi hoàn toàn. Giám đốc CIA khi đó là Mike Pompeo (hiện nay là Bộ trưởng Ngoại giao) đã thuyết phục ông Trump rằng các nỗ lực chống khủng bố toàn cầu của CIA “đang bị gò bó một cách không cần thiết”. Do đó, CIA cần phải được “cởi trói” trong chương trình máy bay không người lái để các nỗ lực chống khủng bố ấy được thực hiện một cách hiệu quả hơn.

Sự cố vấn của ông Pompeo cuối cùng đã đạt được kết quả: Thời điểm Pompeo được thuyên chuyển sang làm Bộ trưởng Ngoại giao vào tháng 4-2017 cũng là lúc căn cứ máy bay không người lái của CIA ở sân bay Dirkou được hình thành và bắt đầu hoạt động.

Trước khi chương trình của CIA được khôi phục, Bộ chỉ huy châu Phi của Bộ Quốc phòng Mỹ đã xuất kích 5 chuyến không kích nhắm vào các lực lượng Al-Qaeda và IS ở Libya bằng máy bay không người lái MQ-9 từ các căn cứ không quân ở đảo Sicily của Italy và Niamey, thủ đô Niger, cách Dirkou hơn 1.200km về phía tây nam.

Theo khoảng cách này thì căn cứ của CIA ở sân bay Dirkou nằm rất gần các mục tiêu khủng bố IS ở Libya và Al-Qaeda và các nhóm Hồi giáo cực đoan khác ở vùng Sahel (Niger), Chad, Mali và Algeria. Dirkou cũng nằm gần Libya hơn căn cứ máy bay không người lái trị giá 110 triệu USD Lầu Năm Góc xây dựng ở Agadez, Niger để triển khai máy bay không người lái tấn công Reaper vào đầu năm 2019.

Một quan chức an ninh Mỹ cho biết, sự hình thành căn cứ của CIA tại Dirkou được đưa ra trên cơ sở một vụ tấn công phục kích ở một địa bàn khác của Niger làm chết 4 lính đặc nhiệm Mỹ vào mùa thu năm ngoái. Việc chọn Dirkou làm căn cứ máy bay không người lái của CIA cũng có lý do, bởi đây là một thị trấn nhỏ, một ốc đảo xanh giữa vùng sa mạc cát ở đông bắc Niger, chỉ có khoảng vài nghìn cư dân sinh sống, ít người chú ý đến.

Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ thì Dirkou là một địa bàn chiến lược của CIA trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu. Từ nhiều thế kỷ qua, thị trấn này  đã là giao lộ và là điểm trung chuyển quan trọng của những đoàn người di cư xuyên sa mạc Sahara. Đây cũng là bàn đạp tạo điều kiện để người Hồi giáo trỗi dậy ở Tây Phi vào thế kỷ thứ 9. Nhưng ngày nay, nhiều nhóm phiến quân, khủng bố khác nhau đã lợi dụng tuyến lưu thông quan trọng này để đến những khu vực mục tiêu của chúng ở Tây Phi và Bắc Phi.

 Ban đầu, căn cứ máy bay không người lái Dirkou được “dán nhãn” là một căn cứ không quân Mỹ, nhờ thế CIA có được lợi thế khi triển khai hoạt động là không chịu áp lực do tính nhạy cảm về chính trị, ngoại giao. Mặc dù một số quan chức Mỹ cho đến nay vẫn cho rằng máy bay không người lái của CIA tại Dirkou chỉ mới thực hiện các nhiệm vụ do thám, chưa triển khai không kích sát thương, nhưng giới chức an ninh của Niger lại khẳng định họ có bằng chứng cho thấy CIA đã triển khai ít nhất một đợt không kích sát thương ở thị trấn Ubari, Nam Libya vào ngày 25-7 vừa qua. Trong khi đó, Bộ Chỉ huy quân Mỹ tại châu Phi khẳng định không tiến hành đợt không kích nào ở Ubari vào thời điểm trên.

Đây không phải lần đầu Mỹ quan tâm đến Dirkou. Trong thập niên 1980, Washington từng đổ tiền vào xây dựng căn cứ không quân tại đây để giúp chính quyền Niger đối đầu với Libya của ông Muammar Gaddafi. Ngày nay, bên cạnh các chuyến bay không người lái, CIA còn hỗ trợ kỹ thuật và chia sẻ thông tin tình báo cho cơ quan tình báo quân đội Niger.

Nguyên Khang (theo New York Times)
.
.