Câu chuyện tình bung phá tư tưởng phân biệt chủng tộc Mỹ
- Nước Mỹ chưa hết nỗi lo phân biệt chủng tộc
- Nữ diễn viên Ramona Badescu chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ở Italia.
- Nạn phân biệt chủng tộc tại Hollywood
Chuyện tình gian nan của họ đã được tái hiện trong bộ phim "Loving" - một trong những bộ phim được nhắc tới nhiều nhất trong Liên hoan phim Cannes 2016 vừa rồi.
Sự kỳ quặc của nước Mỹ
Gia đình Mildred đã sống ở hạt Caroline, bang Virgnia nhiều thế hệ. Gia đình Richard cũng vậy. Khu vực này nổi tiếng có mối quan hệ thân thiện giữa các chủng tộc cho dù hôn nhân dị chủng bị cấm. Chỉ cần nhìn người ta cũng thấy ở đây có nhiều người là con cái của bố mẹ khác chủng tộc. Mildred và Richard gặp và yêu nhau khi Richard là một chàng trai 17 tuổi bụi bặm còn Mildred là một cô gái mảnh dẻ 11 tuổi. Họ cùng học trường dành cho người da trắng trong một năm. Khi Mildred lên lớp 11, cô chuyển sang học trường dành cho người da màu.
Vợ chồng Loving năm 1967. |
Rồi Mildred mang thai đứa con của Richard năm 18 tuổi. Dù nơi cô sinh sống khá thoải mái trong vấn đề chủng tộc nhưng chính quyền bang Virginia thì khác. Năm 1924, Virginia cho ra đời Đạo luật Toàn vẹn Chủng tộc, theo đó cấm các cuộc hôn nhân giữa người da màu và da trắng.
Vì thế, Mildred và Richard quyết định tới thủ đô Washington DC để làm đám cưới. Họ kết hôn ngày 11/7/1958 và trở về Virginia. Lúc đầu, mọi chuyện dường như ổn thỏa. Tuy nhiên, 5 tuần sau, nhờ một nguồn tin báo, cảnh sát trưởng và cảnh sát phó địa phương đã tới nhà Richard và Mildred lúc 2 giờ sáng. Họ ập vào phòng ngủ, rọi đèn pin vào mắt Richard và Mildred. Giọng đe dọa của cảnh sát trưởng cất lên: "Anh đang ngủ với người đàn bà nào đây?" Mildred trả lời: "Tôi là vợ anh ấy". Richard chỉ vào giấy đăng ký kết hôn của họ treo trên tường. Viên cảnh sát trưởng trả lời: "Điều đó không tốt ở đây".
Giấy đăng ký kết hôn được cấp ở Washington DC và theo luật Virginia, một cuộc hôn nhân giữa hai người khác chủng tộc diễn ra ngoài Virginia không có giá trị ở Virginia. Thời điểm đó, Virginia là một trong 16 bang cấm hôn nhân giữa các chủng tộc.
Sau khi Richard trải qua một đêm trong tù và Mildred phải ở vài đêm nữa do là người da màu, hai vợ chồng họ bị kết tội vi phạm luật Virgnia, cụ thể là Đạo luật Toàn vẹn Chủng tộc. Ông Leon M. Bazile, viên quan tòa xét xử họ, lý luận rằng Chúa sinh ra người da màu, da trắng, da vàng, da đỏ rồi đặt các chủng tộc khác nhau trên các châu lục khác nhau và điều này cho thấy "Ngài không định hòa trộn các chủng tộc". Ông cho họ một lựa chọn: Ở tù một năm hoặc rời Virginia 25 năm mà không được trở về cùng nhau hoặc cùng lúc.
Hai vợ chồng Loving trả án phí mỗi người 36,29 USD và tới Washington trong tình cảnh không nhà cửa. Richard làm thợ xây kiếm sống, hàng ngày đi về Virginia ban ngày và trở về Washington DC ban đêm. Mildred nuôi nấng ba con ở thành phố. Họ sống chật vật ở thành phố lớn. Họ thỉnh thoảng trở về Virginia nhưng không đi cùng nhau. Tuy nhiên, do nhớ gia đình, bạn bè và cuộc sống thoải mái ở quê nhà, đến năm 1965, họ liều trở về cùng nhau thăm bố mẹ Mildred và lại bị bắt. Họ được thả nhờ nộp tiền bảo lãnh.
Cuộc chiến pháp lý
Năm 1963, Mildred không thể chịu được cảnh sống lưu vong. Khi con trai bị ôtô đâm, Mildred bắt đầu tìm cách về Virginia. Nhờ được truyền cảm hứng từ phong trào quyền dân sự, Mildred đã viết thư cho Robert F. Kennedy - người bấy giờ là Bộ trưởng Tư pháp. Cô hỏi liệu có luật nào cho phép cô và chồng cùng về thăm gia đình không? Ông Kennedy thừa nhận không có luật nào nhưng đã giới thiệu cô với Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ (ACLU) để họ đảm nhận vụ của cô.
Hai diễn viên đóng vai vợ chồng Loving trong bộ phim "Loving". |
Lúc đó, ACLU đang tích cực tìm một vụ án thử nghiệm để thách thức luật chống hôn nhân dị chủng ở Mỹ. Các luật này đã tồn tại ở 41 bang nhưng giờ chỉ còn 16 bang áp dụng. Luật ở các bang khác nhau về hình phạt, quy định về "phần trăm dòng máu". Có luật cấm cả người da trắng kết hôn với người châu Á. Ở một số bang, người tham dự các đám cưới dị chủng cũng sẽ bị kết án. Lịch sử của nước Mỹ, vốn được danh phong là miền đất của tự do, hóa ra cũng có những giai đoạn kỳ cục đến vậy.
Các luật sư Bernard Cohen và Philip Hirschkop của ACLU đối mặt với vấn đề ngay trước mắt: Hai vợ chồng Loving đã nhận tội và không có quyền kháng cáo. Vì thế, họ đã nghĩ ra một cách. Họ đề nghị quan tòa Bazile hủy bỏ phán quyết gốc. Tất nhiên là ông này từ chối. Khi đó, họ đã kháng cáo lên Tòa Phúc thẩm Tối cao Virginia. Tòa này giữ nguyên bản án của tòa án địa phương. Sau đó, vụ kiện lên tới cấp Tòa án Tối cao.
Câu chuyện bắt đầu đi sâu vào khía cạnh pháp lý. Luật sư Cohen đã bàn về các giả thiết pháp lý khác nhau có thể xảy ra với Richard. Richard cho biết vợ chồng anh sẽ không dự phiên tòa và chỉ nhờ luật sư Cohen nhắn giùm một lời: "Anh Cohen, hãy nói với tòa rằng tôi yêu vợ tôi và thật bất công khi tôi không thể sống với cô ấy ở Virginia".
Cuối cùng, ngày 12/6/1967, Tòa án Tối cao đã bác phán quyết của tòa án tại Virginia. Kênh NCB News nói về quyết định của tòa: "Tòa án Tối cao quyết định rằng hôn nhân giữa người da trắng và người da màu là hợp pháp và không bang nào có thể ngăn cản họ".
Với động thái này, vụ án đã đặt ra một tiền lệ mà tiền lệ đó cuối cùng đã quét sạch mọi đạo luật phân biệt chủng tộc vẫn còn lưu hành ở các bang còn lại tại Mỹ. Đó là một quyết định thay đổi cả nước Mỹ. Bang "ngoan cố" nhất là Alabama cuối cùng đã phải hủy bỏ luật cấm hôn nhân khác chủng tộc. Tuy nhiên, hai vợ chồng Loving, vốn khiêm tốn và ít nói, không định trở thành những nhân vật lãnh đạo chính trị. Richard nói với Tạp chí Time năm 1966: "Chúng tôi làm điều này chỉ vì chúng tôi, vì chúng tôi muốn sống ở đây".
Richard chết trong một tai nạn ôtô năm 1975, Mildred mất thị lực phải sau vụ tai nạn nhưng sống đến năm 2008. Năm trước đó, bà cho biết bà vẫn không phải là một "con người chính trị" nhưng tự hào rằng vụ án của họ đang đặt ra một tiền lệ pháp lý cho vấn đề hôn nhân đồng giới. Bà nói: "Tôi ủng hộ tự do kết hôn cho tất cả mọi người".
Ngày 12-6, ngày mà Tòa án Tối cao ra quyết định hủy bản án của tòa án tại Virginia - đã trở thành "Ngày Loving" và được một số tổ chức kỷ niệm. Tuy nhiên, trên thực tế, mặc dù không thể phủ nhận những đóng góp của người da màu trong mọi thành tựu khoa học kỹ thuật, đặc biệt là văn hóa, thể thao, nhưng nạn phân biệt và kỳ thị chủng tộc vẫn lác đác ở đâu đó xảy ra trên đất Mỹ, đất nước vốn xưa nay vẫn được cho là miền đất hứa, miền đất của tự do đối với không ít người.