Chuyện chưa kể về những chủ nhân Điện Élysée (kỳ 2)

Thứ Sáu, 26/05/2017, 14:01
Chưa đầy một năm sau khi bước vào Điện Élysée, vào ngày 6-5-1932, Tổng thống Paul Doumer bị ám sát. Hung thủ là Pavel Gorgulov, một bác sĩ lưu vong người Nga theo đảng Dân chủ cực hữu (có tài liệu nói người này bị chứng rối loạn thần kinh)...


Người có "duyên nợ" với Việt Nam - Paul Doumer

Khi đã ở tuổi 74, ông Paul Doumer đắc cử tổng thống thứ 14 của nền Đệ tam cộng hòa Pháp vào ngày 13-6-1931 với một quá khứ đáng tự hào. Xuất thân từ một gia đình lao động, bố làm công nhân xe lửa, năm 12 tuổi, Paul đã phải kiếm sống bằng nghề thợ khắc, sau đó vào học trường dạy nghề.

Là con người đầy chí tiến thủ, chàng thanh niên Paul năm 20 tuổi đã thi đỗ bằng cử nhân toán học, sau đó là cử nhân ­luật kiêm chuyên gia tài chính. Sau một thời gian ngắn dạy học, ông ra làm báo, gia nhập đảng cấp tiến Pháp, được bầu làm nghị sĩ của đảng này và từ đó bước vào chính trường.

Paul Doumer khi làm Toàn quyền Đông Dương và Vua Thành Thái năm 1899.

Ông có 5 con trai thì 4 người tham gia chiến đấu và hy sinh trong Chiến tranh thế giới thứ I. Ông được bầu vào Hội đồng Chiến tranh và giữ vị trí chủ tịch ủy ban kinh tế của hội đồng này. Từ người viết báo trở thành nghị sĩ nhờ quan điểm chính trị cấp tiến, Paul Doumer bắt đầu có quan hệ chặt chẽ với các tập đoàn tài chính - công nghiệp. Năm 1895, Paul Doumer được chỉ định làm Bộ trưởng Tài chính. Ở cương vị này, "dấu ấn" của Paul Duomer là việc ban hành thuế thu nhập.

Lúc này, tình hình ở thuộc địa Đông Dương đã ẩn chứa nhiều mối đe dọa đối với "quốc mẫu Pháp" với những phong trào khởi nghĩa liên tục nổ ra cộng với gánh nặng tài chính ngày một đè lên ngân sách chính quốc. Phong trào phản đối các cuộc chiến tranh xâm lược thuộc địa trong nước Pháp vì vậy càng thêm sôi sục.

Gần 40 tuổi, vị chính khách - chuyên gia tự nguyện giã từ ghế bộ trưởng lên đường đến miền Viễn Đông cách xa gần nửa vòng trái đất - hừng hực tham vọng hoàn thành cuộc "bình định thuộc địa Đông Dương" bằng bất cứ giá nào, xây dựng bộ máy cai trị thực dân thay thế chế độ cai trị của triều đình nhà Nguyễn, và để nhanh chóng đẩy mạnh khai thác tài nguyên, bóc lột sức lao động người bản xứ.

Dưới triều đại của Toàn quyền P. Doumer, 3 sắc thuế được nhà cầm quyền đánh mạnh hết mức là thuốc phiện, muối và rượu. Tiền của bòn rút từ người dân bản xứ qua 3 sắc thuế ấy chảy vào ngân sách thuộc địa tăng từ 20 triệu đồng Đông Dương năm 1899 lên 33 triệu đồng năm 1902, rồi vọt lên 42 triệu vào năm 1911 kéo theo dòng lợi nhuận tăng vụt của Ngân hàng Đông Dương. Theo một nhà sử học Pháp, "công trạng chính của Doumer tại Đông Dương là tăng thuế".

Vua Bảo Đại (hàng ngoài cùng bên phải ảnh) dự tang lễ Tổng thống Paul Doumer ngày 12-5-1932.

Nhưng cũng cần phải nhìn nhận rằng, trong thời gian hơn 5 năm ở Việt Nam (1897-1902), Paul Doumer đã xúc tiến thiết lập cấu trúc hạ tầng cơ bản, xây dựng một số công trình giao thông vận tải và công nghiệp quan trọng.

Có thể kể đến tuyến đường sắt xuyên Đông Dương - từ Hà Nội vươn dài nối với Côn Minh - Trung Quốc là do Toàn quyền Paul Doumer đích thân chỉ đạo quy hoạch, thiết kế và thường xuyên đôn đốc xúc tiến công trình đầy khó khăn (mãi tới năm 1937 mới hoàn thành), xây cầu Long Biên ở Hà Nội (xây nhanh tới mức báo chí Pháp phải đánh giá là công trình hoàn thành trong quãng thời gian ngắn "đáng kinh ngạc"- 3 năm 9 tháng), xây cầu Tràng Tiền ở Huế, mở mang cảng Hải Phòng làm đầu cuối của tuyến đường sắt nối vùng cao Tây Nam Trung Quốc với miền duyên hải Bắc Bộ Việt Nam. 

Sau thời gian ở Đông Dương, sự nghiệp chính trị của Paul Doumer lên như diều gặp gió. Trở về Pháp, ông được bầu làm Chủ tịch Hạ nghị viện, quay lại làm Bộ trưởng Tài chính một thời gian rồi trở thành Chủ tịch Thượng viện trước khi được bầu làm tổng thống.

Chưa đầy một năm sau khi bước vào Điện Élysée, vào ngày 6-5-1932, Tổng thống Paul Doumer bị ám sát. Hung thủ là Pavel Gorgulov, một bác sĩ lưu vong người Nga theo đảng Dân chủ cực hữu (có tài liệu nói người này bị chứng rối loạn thần kinh). Khi ấy, Paul Doumer đến khai mạc hội chợ sách hàng năm của các văn sĩ cựu quân nhân tại khách sạn Salomon de Rothschild (hay Hotel de Rothschild) trên phố Berryer, Paris.

Pavel Goegulov - hung thủ ám sát Tổng thống Paul Doumer.

Pavel Gorgulov là người sinh trưởng ở vùng Caucase, đã đi nhiều nước, làm nhiều nghề, kể cả viết văn với bút hiệu Paul Brède. Hắn bắn Tổng thống Paul Doumer bằng khẩu súng lục với động cơ để "rửa hận" vì nhà cầm quyền nước Pháp đã không can thiệp khiến Sa hoàng Nga bị lật đổ trong Cách mạng Tháng Mười năm 1917.

Paul Doumer được cấp cứu tại bệnh viện Beaujon, tên của một người chủ của Điện Élysée vào thế kỷ XVIII, và mất lúc hơn 4 giờ sáng ngày hôm sau. Dự tang lễ của Paul Doumer có mặt nhiều nguyên thủ quốc gia, trong số đó có vua Bảo Đại. Ông được an táng ở nghĩa trang Vaugirard, đường Lecourbe, Paris vì vợ ông từ chối đưa ông vào đền Panthéon. Tổng thống Paul Doumer làm chủ nhân Điện Élysée chỉ trong 11 tháng.

Vị tổng thống mờ nhạt trong một thời kỳ đầy biến động

Kế nhiệm Paul Doumer là Albert Lebrun - Tổng thống cuối cùng của nền Đệ tam Cộng hòa. Ông là một người học rất giỏi: thủ khoa Trường Polytechnique (tạm dịch là trường bách khoa) và thủ khoa Trường Mỏ (Ecole des Mines). Làm kỹ sư khai thác mỏ ở Vesoul và Nancy không lâu,  Albert Lebrun rời khỏi nghề đó khi mới 29 tuổi để bước vào chính trường.

Tổng thống Pháp Albert Lebrun. Ảnh: Daily Mail.

Vị nghị viên của đảng Cộng hòa này từng kinh qua chức Bộ trưởng Bộ Chiến tranh vào năm 1913 và Bộ trưởng về Các vùng giải phóng từ năm 1917-1919. Tham gia Liên minh Dân chủ, ông được bầu vào Thượng viện, giữ chức vụ Phó Chủ tịch Thượng viện từ năm 1925-1932. Theo đánh giá của giới sử gia, do tính thiếu cương quyết và thường thỏa hiệp với tất cả các đảng phái chính trị nên ông ít khi phải dùng đến quyền uy của một tổng thống trong cả nhiệm kỳ.

Lúc này, nước Pháp bắt đầu lâm vào khủng hoảng kinh tế, khắp nơi liên tục diễn ra các cuộc đình công của công nhân. Tình hình quốc tế cũng nhiều xáo trộn, Hitler nắm chính quyền bên Đức, nội chiến bên Tây Ban Nha, Mussolini lũng đoạn chính trường Italia. Trong 7 năm đầu của nhiệm kỳ tổng thống của ông có đến 15 lần thay đổi nội các. Ngày 5-4-1939 ông lại ứng cử và được bổ nhiệm làm tổng thống thêm trong 7 năm nữa, đến năm 1946.

Ngày 10-6-1944, Tổng thống và phu nhân rời Điện Élysée xuống Bordeaux là vùng không bị Đức chiếm, đi cùng Thủ tướng Paul Reynaud (nhưng sau này, ông và thủ tướng của mình cùng một vài chính khách Pháp vẫn bị phát xít Đức bắt đưa về giam tại lâu đài Itter ở Áo). 5 ngày trước đó, Paul Reynaud đã ký sắc lệnh bổ nhiệm một thiếu tướng trẻ làm Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng và Chiến tranh - người đóng vai trò quan trọng trong lịch sử nước Pháp sau này- Charles de Gaulle.

Hành động được xem là cứng rắn nhất của Albert Lebrun liên quan đến lệ công khai hành hình tử tù bằng máy chém. Sáng ngày 17-6-1939, Eugène Weidmann, người Đức, kẻ bị kết tội bắt cóc và sát hại một vũ công người Mỹ, 2 phụ nữ và 4 người đàn ông ở khu vực Paris vào năm 1937 bị giải ra trước nhà tù Saint-Pierre. Đám đông theo dõi vụ hành quyết trong trạng thái đầy hỗn loạn và cả phấn khích.

Tờ báo "Paris Buổi chiều" thời ấy đã mô tả đám đông là vô trật tự và "đáng tởm". Đám đông này đã khiến buổi hành quyết kéo dài ngoài dự kiến, đến lúc mặt trời lên cao và người ta có thể chụp được những bức ảnh rõ ràng. Sau sự kiện này, giới chức Pháp cuối cùng kết luận rằng, việc hành quyết ở nơi công cộng hầu như không có tác dụng răn đe, mà ngược lại còn khơi dậy những bản năng hung ác trong con người. Hành vi "điên loạn" của đám đông đó trở nên đáng xấu hổ đến mức Tổng thống Albert Lebrun đã lập tức ra lệnh cấm công khai tiến hành tất cả các vụ hành quyết tử tù.

Tổng thống Lebrun còn là một trong những nhân chứng bất đắc dĩ của một trận đánh được các nhà sử học xem là "kỳ lạ nhất của giai đoạn cuối Thế chiến thứ II" - các binh sĩ Đức và Mỹ hiệp lực cùng nhau giải cứu một nhóm "tù nhân cấp cao" của Pháp trong lâu đài Itter. Lâu đài Itter là một lâu đài nhỏ xây từ thời Trung cổ, tọa lạc trên một ngọn đồi gần làng Ittler thuộc huyện Kitzbühel của nước Áo.

Sau sự kiện Đức sáp nhập Áo, chính phủ Đức chính thức thuê mượn lâu đài từ chủ nhân Franz Gruener vào cuối năm 1940. Trung tướng SS của Đức Oswald Pohl chiếm lâu đài theo lệnh của Heinrich Himmler vào tháng 2-1943. Việc chuyển đổi lâu đài thành một nhà tù hoàn thành vào cuối tháng 4-1943, toàn bộ cơ sở vật chất được đặt dưới sự quản lý của trại tập trung Dachau. Nhà tù được lập nên nhằm giam giữ những tù nhân được đánh giá thuộc dạng quan trọng mà Đức Quốc xã có thể khai thác được.

Ngày 4-5-1945, viên sĩ quan chỉ huy nhà tù-lâu đài Itter  bỏ trốn sau khi trung tá Eduard Weite,  chỉ huy cuối cùng của trại tập trung Dachau (nơi quản lý lâu đài Itter) tự tử. Lúc này quân đội Đức hoàn toàn hỗn loạn. Đơn vị lính SS bảo vệ lâu đài quẫn trí, nảy sinh ý định tàn sát tất cả các tù nhân trước khi rút chạy.

Trong số những tù nhân này có Tổng thống Pháp Albert Lebrun, cựu Thủ tướng Édouard Daladier và Paul Reynaud, các tướng quân đội như Maxime Weygand, Maurice Gamelin và ngôi sao quần vợt Jean Borotra. Lúc ấy, một tù nhân người Nam Tư trong phe kháng chiến đã đào thoát khỏi lâu đài để tìm sự hỗ trợ của quân Đồng minh.

Người này gặp sư đoàn 103 bộ binh Mỹ gần vùng Innsbruck và báo cho họ về những tù nhân trong lâu đài. Trùng hợp vào lúc này có Thiếu tá Josef Gangl, chỉ huy một đơn vị lính Đức đã hợp tác với lực lượng kháng chiến Áo vào những ngày cuối của cuộc chiến cũng có ý định giải thoát những tù nhân trong lâu đài Itter.

Thế là một kế hoạch phối hợp tác chiến được vạch ra. Trung úy John Jack Lee khi đó 27 tuổi, đã tình nguyện nhận nhiệm vụ giải cứu, đi theo là lính của Gangl. Lực lượng giải cứu gồm 14 người lính Mỹ, 2 xe tăng Sherman, 1 chiếc xe Volkswagen Kübelwagen và khoảng 20 binh lính Đức. Lee bố trí lính của mình tại các chốt phòng ngự xung quanh lâu đài.

Vào sáng ngày 5-5-1945, toán lính của Gangl bắt đầu tấn công vào lâu đài. Trước khi đợt tấn công bắt đầu, Gangl kịp gọi điện cho Alois Mayr, chỉ huy kháng chiến Áo ở Itter và yêu cầu tăng viện. Ngay tức thì, thêm hai lính Đức và một thành viên kháng chiến Áo nhanh chóng chạy xe tới lâu đài. Chiếc Sherman bắn súng máy yểm trợ cho tới lúc bị hỏa lực của Đức phá hủy. Lee lệnh cho các tù binh người Pháp nấp vào, nhưng họ cứ đứng bên ngoài để chiến đấu cùng với lính Mỹ và lính Đức.

Trong trận chiến, ngôi sao quần vợt Borotra tình nguyện rời khỏi lâu đài để kiếm sự hỗ trợ từ bên ngoài. Một lúc sau, trung đoàn bộ binh 103 của Mỹ đến tiếp viện và đè bẹp quân Đức cố thủ trong lâu đài.

Lee được trao huân chương vì thành tích xuất sắc và được thăng lên cấp đại úy. Thiếu tá Josef Gangl tử trận vì trúng đạn bắn tỉa, nhưng cũng được vinh danh là anh hùng quốc gia của Áo và được đặt tên cho một con đường ở vùng Worgl. Tình tiết ly kỳ của trận hợp chiến kỳ lạ này được mô tả trong quyển tiểu thuyết mang tựa đề "Trận chiến cuối cùng" của sử gia Stephen Harding.

(Còn tiếp)

Quang Học (tổng hợp)
.
.