Cơ quan Tình báo nội địa Đức từng dùng chỉ điểm là thành phần cực hữu

Thứ Tư, 20/12/2017, 16:55
Vào giữa thập niên 90 thế kỷ XX, sau khi thống nhất nước Đức, các cơ quan tình báo quốc gia cũng như các chi nhánh địa phương tại 16 bang nước Đức ra sức tuyển mộ người chỉ điểm bên trong các cộng đồng hoặc phong trào theo khuynh hướng cực hữu. Họ cố gắng bảo đảm cho mạng lưới nội gián này sẽ không bị truy tố trước pháp luật.

Đây là nội dung của tập hồ sơ mật được Cục Cảnh sát hình sự Liên bang Đức (BKA) lập từ năm 1997 trong đó chỉ trích mạnh mẽ Cơ quan tình báo nội địa (BfV- hay còn gọi là Cơ quan Liên bang Bảo vệ Hiến pháp nước Đức) thay vì kiên quyết chống lại Tân Quốc xã thì lại ra sức bảo vệ chúng.

Những chỉ điểm viên “lá mặt lá trái”

Ngày 4-11-1998, cảnh sát phát hiện thi thể 2 thành viên nhóm khủng bố cánh hữu (NSU) là Uwe Mundlos và Uwe Bohnhardt trong một chiếc xe đỗ tại thành phố Eisenach, miền Đông nước Đức.

Ngay sau đó, người của NSU tuyên bố “đây là 2 tên phản bội phải bị trừng trị” và còn nhận trách nhiệm vụ giết chết ít nhất 9 người đàn ông và 1 nữ sĩ quan cảnh sát trước đó. Các nạn nhân là người trong giới tiểu thương hoặc nhân viên trong các doanh nghiệp nhỏ trong cộng đồng thiểu số người gốc Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp sinh sống đã lâu tại Đức. Theo BKA, toàn bộ các khu vực thuộc miền Đông nước Đức đã trở thành “tử địa” đối với những người Đức gốc nước ngoài.

Chi nhánh Cơ quan Bảo vệ Hiến pháp liên bang Đức (BfV) tại thành phố Cologne.

Trong khi BKA tăng cường điều tra tìm kiếm những kẻ chịu trách nhiệm gây ra tội ác thì BfV tìm cách cài người chỉ điểm vào nội bộ của cộng đồng Tân Quốc xã nhằm tìm hiểu cơ cấu và xác định rõ những tên lập kế hoạch khủng bố, kẻ cầm đầu cũng như những người ủng hộ chúng.

Sau quá trình điều tra, tháng 2-1999, các sĩ quan an ninh của BKA đệ trình bản báo cáo dài 14 trang, trong đó nêu rõ nguyên nhân của vấn đề “xuất phát từ tình trạng mâu thuẫn đang tăng giữa các chiến dịch của BfV và các biện pháp thực thi pháp luật”.

Tài liệu của cơ sở an ninh cấp bang đưa ra các kết luận: Hệ thống nội gián của BfV có nguy cơ tạo ra “hậu quả kích động khủng bố”; với lý do “bảo vệ nguồn thông tin” nên cơ quan tình báo BfV đã chuyển giao thông tin cho cảnh sát quá muộn dẫn đến việc không ngăn chặn được các hành động của những kẻ gây tội ác; mạng lưới nội gián thường được BfV thông tin trước về những cuộc đột kích của cảnh sát cho nên có nguy cơ bằng chứng bị phá hủy trước khi lực lượng thực thi pháp luật có mặt; nội gián “được coi là tội phạm nhưng không hề bị buộc tội”; trong khi “đại đa số các nguồn thông tin là những tên cực đoan cánh hữu chính cống, bọn người này có thể hành động mà không bị truy tố do có được sự bảo vệ tích cực từ phía BfV”.

Trong phân tích báo cáo đệ trình lên BKA, cảnh sát lập danh sách những cái tên và mô tả những nội gián của BfV nhiều lần được phát hiện là người tổ chức hay chủ mưu các hoạt động khủng bố giết người của bọn cực đoan cánh hữu.

Ví dụ, một nội gián của BfV bên trong giới thủ lĩnh của đảng Công nhân Đức tự do Tân Quốc xã (FAP) - người tổ chức các cuộc họp bí mật mà cảnh sát đã cố gắng có biện pháp ngăn chặn nhưng không thành công - được BfV cảnh báo sớm về lệnh cấm hoạt động sắp được thi hành đối với FAP vào tháng 2-1997 nên đối tượng này có đủ thời gian để tiêu hủy toàn bộ 2 túi chứa tài liệu phạm tội. Một người chỉ điểm khác của BfV - kẻ bị nghi ngờ dính líu đến những cuộc tấn công khủng bố bằng bom thư - nhận được tin mật báo nên không bị cảnh sát bắt giữ và kịp thời đào thoát qua Hy Lạp vào tháng 3-1998.

Theo tài liệu của BKA, BfV còn tuyển mộ Andree Z. - một trong những thủ lĩnh của nhóm Tân Quốc xã khét tiếng mang tên “Mặt trận hành động Sauerland” - làm người chỉ điểm. Andree Z. có mật danh “Lustscher”, đã chết trong một tai nạn ôtô vào cuối năm 1997 - được coi là người truyền bá tư tưởng Tân Quốc xã để tạo ra một cộng đồng theo xu hướng cực hữu trong lòng nước Đức mới.

Khi Cơ quan Tư pháp Liên bang Đức mở cuộc điều tra về Andree Z. thì ngay lập tức người của BfV báo tin cho hắn biết. Mối quan hệ chặt chẽ giữa cộng đồng Tân Quốc xã và Cơ quan tình báo nội địa Đức dường như được công khai khi diễn ra cuộc tuần hành thường niên mang tên “Tuần lễ hành động vì tư tưởng Rudolf Hess” (một nhân vật cao cấp trong chính quyền Đức Quốc xã thời Thế chiến thứ II) do các tổ chức cực đoan cánh hữu tổ chức vào tháng 8-2000.

Những cuộc tuần hành như thế bị các tòa án Đức nghiêm cấm. Có nguồn tin cho rằng, có không dưới 5 người chỉ điểm của BfV nằm trong số những điều phối viên của hoạt động vi phạm pháp luật này.

Những kẻ chỉ điểm như Andree Z. được coi là công cụ cực kỳ có giá trị đối với các cơ quan tình báo Đức bởi vì họ có thể xâm nhập vào những nơi mà chính quyền không thể cài người có chuyên môn của mình vào được. Tuy nhiên, dùng những phần tử này không khác gì chơi con dao hai lưỡi, thông tin mà họ cung cấp cho BfV thật giả lẫn lộn. Hơn nữa, với vỏ bọc làm việc cho tình báo Đức nên bọn họ dễ dàng hoạt động mà không hề bị can thiệp bắt giữ.

Thực tế cho thấy mạng lưới người chỉ điểm không hề giúp BfV “bảo vệ hiến pháp” mà còn chống lại an ninh trật tự của chính quyền nước Đức. Winfried Ridder, một cựu lãnh đạo BfV, sau 20 năm làm việc tại đây ông nhìn ra thực tế là “Nhà nước Đức không thể tiếp tục sử dụng mạng lưới những người chỉ điểm theo cách đã làm trong quá khứ".

Weinfried Ridder tin chắc rằng, sự phản bội luôn hiện diện trong mạng lưới những chỉ điểm viên lá mặt lá trái này và các cơ quan chính quyền nên “giũ sạch các của nợ”. Đề xuất giải pháp, Ridder cho rằng, cộng đồng tình báo Đức nên gài nội gián vào các nhóm khủng bố cực đoan tiềm ẩn bằng cách cung cấp cho các điệp viên thực thụ những giấy tờ giả cần thiết (như tình báo Mỹ CIA hay Cơ quan Tình báo quân đội Mossad của Israel vẫn làm).

Sửa sai đã muộn?

Đáng tiếc là cho đến nay, không một bộ trưởng Nội vụ Đức nào làm theo giải pháp trên! Một cựu Bộ trưởng Nội vụ còn nói thẳng: “Nếu không tiếp tục sử dụng mạng lưới những người chỉ điểm thì chúng ta sẽ không có được thông tin gì từ cộng đồng khủng bố cực đoan cánh hữu trong nước”.

Và hậu quả là ngày càng xuất hiện thêm những bằng chứng cho thấy sự thất bại của chính quyền Đức trong việc ngăn chặn các nhóm tân phát xít, những kẻ đã giết hại 10 người nhập cư đến từ Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp  và chúng còn thực hiện thêm 14 vụ cướp ngân hàng, 2 vụ đánh bom trong thập kỷ đầu của thế kỷ XXI. Tháng 11-2011, chi nhánh BfV tại Hessen thừa nhận: một trong những nhân viên của họ đã có mặt khi 2 thành viên của Tổ chức Quốc xã ngầm (NSU) bắn chết một thanh niên Thổ Nhĩ Kỳ 21 tuổi tại một tiệm cà phê internet hồi tháng 4-2006.

Một người Ðức (thứ hai từ trái qua) bị tình nghi thuộc nhóm cực hữu.

Nhiều nguồn tin cho hay, nhân viên nói trên lớn lên tại một ngôi làng có tên “Adolf bé” và bộc lộ quan điểm cực hữu khá sớm. Khi cảnh sát đột nhập vào ngôi nhà của anh ta sau vụ giết người, họ đã phát hiện nhiều khẩu súng, tất cả đều có giấy phép thuộc sở hữu của nhân viên này cùng nhiều bản đánh máy trích từ cuốn sách “Mein Kampf” (Cuộc tranh đấu của tôi) do trùm phát xít Adolf Hitler viết.

Một số báo cáo còn nói rằng, người đàn ông này đã có mặt tại ít nhất 3 vụ giết người khác do nhóm tân phát xít thực hiện và đã được điều chuyển sang một “bộ phận ít nhạy cảm” sau một cuộc điều tra sâu rộng liên quan đến vụ giết kiều dân ngoại quốc xảy ra vào tháng 4-2006. Hajo Funke - một trong những chuyên gia hàng đầu của Đức về chủ nghĩa cánh hữu cực đoan - gọi vụ việc trên là một cuộc khủng hoảng “tầm cỡ Watergate” đối với Cơ quan tình báo nội địa Đức.

Thời điểm đó, Bộ trưởng Nội vụ Hans-Peter Friedrich đã kêu gọi việc thiết lập một hệ thống dữ liệu về những phần tử tân phát xít trên toàn nước Đức, trong đó có lưu trữ những thông tin về nguy cơ bạo lực của những phần tử cực đoan cánh hữu và những hành động bạo lực mang động cơ chính trị. Tất cả 16 chi nhánh khu vực của cơ quan tình báo nội địa cũng như các tổ chức trung ương và cảnh sát đều có thể truy cập vào hệ thống này.

Sau vụ phát hiện nhóm tân phát xít, gồm ít nhất 4 người đàn ông và 2 phụ nữ, tại thị trấn yên bình Zwickau, chính quyền Đức đã phải hứng chịu những chỉ trích nặng nề vì đã để nhóm phát xít ung dung thực hiện hành vi giết người mà không bị phát hiện trong thời gian dài như vậy.

Thậm chí, băng nhóm còn thực hiện thêm những vụ đánh bom và hàng chục vụ cướp ngân hàng dù đã từng lọt vào tầm ngắm của cảnh sát địa phương sau khi lực lượng này khám phá ra một cơ sở sản xuất bom ngay tại ngôi nhà mà nữ nghi phạm Beate Zschape thuê hồi năm 1998.

Trong một vụ việc khác, cảnh sát điều tra tiết lộ đã phát hiện một danh sách 88 người được cho là mục tiêu của nhóm tân phát xít. Trong danh sách này có 2 thành viên của Ủy ban pháp lý Hạ viện Bundestag là nghị sĩ đảng Xanh Jerzy Montag và nghị sĩ đảng Liên minh xã hội Thiên chúa giáo Hans-Peter Uhl cùng đại diện của một số cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ và Hồi giáo ở Đức. Theo tờ Spiegel, con số 88 này đề cập đến tên của trùm phát xít Adolf Hitler (Trong bảng chữ cái ký tự Latinh, chữ H đứng thứ 8, 2 số 8-8 tượng trưng cho 2 chữ H trong điệu chào Heil Hitler).

Tháng 7-2012, ông Heinz Fromm, người đứng đầu Cơ quan tình báo nội địa Đức đã từ chức sau khi thừa nhận cơ quan ông đã tiêu hủy hồ sơ về một nhóm tân phát xít vốn là thủ phạm của các vụ giết hại người nhập cư làm chấn động đất nước cuối năm 2011. Vụ từ chức của ông Heinz Fromm là điểm nhấn trong một loạt những thất bại bẽ bàng của các cơ quan an ninh Đức xung quanh việc đối phó với nhóm“Quốc xã bí mật” (NSU), vốn không bị phát hiện trong hơn một thập niên.

Ít lâu trước đó, giới truyền thông Đức đã loan tin một quan chức làm việc tại cơ quan tình báo BfV bị nghi ngờ tiêu hủy hồ sơ về chiến dịch tuyển mộ những kẻ chỉ điểm cực hữu chỉ một ngày sau khi sự dính dáng của NSU với các vụ giết người bị phanh phui. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã phải công khai xin lỗi gia đình các nạn nhân vì một loạt những sự lơ là và sai sót vốn cho phép NSU hoạt động quá lâu mà không bị trừng trị.

Đến tháng 8-2016, Cục Phản gián quân sự (MAD) của Đức mới đưa ra kế hoạch kiểm tra an ninh đối với các hồ sơ đăng ký gia nhập lực lượng vũ trang nước này.

Theo tờ “Welt am Sonntag” số ra ngày 28-8, việc kiểm tra an ninh trên giúp giới chức Đức có thể nhanh chóng phát hiện các đối tượng cực đoan, khủng bố và tội phạm muốn trà trộn vào hàng ngũ lực lượng vũ trang thông qua việc xin nhập ngũ theo chế độ quân dịch ngắn hạn để được huấn luyện quân sự. Tuy nhiên, hoạt động này đòi hỏi Đức phải sửa đổi các quy định đối với quân đội.

Theo đó, việc kiểm tra an ninh với các hồ sơ đăng ký gia nhập lực lượng vũ trang Đức đã bắt đầu từ tháng 7-2017. Động thái này tỏ rõ mối lo ngại của các cơ quan an ninh Đức trước nhiều dấu hiệu cho thấy các đối tượng Hồi giáo cực đoan đang tìm cách gia nhập vào lực lượng vũ trang nước này. Bằng cách này, các phần tử Hồi giáo cực đoan có thể được đào tạo về quân sự bài bản, từ đó có thể dùng các kỹ năng học được để thực hiện các cuộc tấn công tại Đức hoặc nước ngoài.

Quang Hiếu (tổng hợp)
.
.