Cuộc chiến quanh báo cáo tra tấn của CIA
Nhân kỷ niệm 15 năm sự kiện khủng bố 11-9, tờ The Guardian của Anh đã đăng tải một phóng sự điều tra nhiều kỳ về những gì đã xảy ra trong hậu trường, trong đó CIA đã dùng nhiều thủ đoạn để ngăn cản nhà điều tra chính Daniel Jones, cản trở việc Thượng viện công bố bản báo cáo, bên cạnh đó là thái độ bảo thủ, quanh co của CIA và chính quyền Mỹ thời Tổng thống George W. Bush.
BÀI I: CUỘC ĐIỀU TRA CỦA DANIEL JONES
Chuyên gia tình báo bất đắc dĩ
Gốc người Pennsylvania, năm nay 41 tuổi; năm 20 tuổi Daniel Jones từng dạy học ở Baltimore trong chương trình khuyến học mang tên Teach for America. Sau sự kiện 11-9, Jones muốn tham gia xây dựng chính sách công trong cuộc chiến chống khủng bố nên ông quyết định xin làm việc ở Đồi Capitol (nơi đóng đô Quốc hội Mỹ).
Một trợ lý cho Thượng nghị sĩ Tom Daschle, lúc đó là lãnh đạo phe Dân chủ ở Thượng viện, đã khuyên Jones làm việc cho các cơ quan chống khủng bố như CIA hay FBI. Bản thân người trợ lý đó - Denis McDonough - cũng rời khỏi công việc ở Đồi Capitol và sau này trở thành cố vấn cao cấp cho Tổng thống Obama, và hiện nay là Chánh văn phòng Nhà Trắng.
Còn Jones đã vào làm việc cho FBI từ năm 2003 và làm ở đó trong 4 năm. Lúc đó, cơ quan này trong giai đoạn chuyển đổi sau khi bị Quốc hội cắt bớt chức năng thu thập thông tin tình báo nội địa kể từ sau vụ bê bối Watergate.
Daniel Jones, chủ trì cuộc điều tra của Thượng viện Mỹ về chương trình tra tấn của CIA. |
Sự kiện 11-9 đã thúc đẩy FBI quay trở lại phương thức xử lý phủ đầu thành phần khủng bố nội địa. Jones vào làm trong bộ phận chống khủng bố với vai trò là chuyên gia phân tích, chủ yếu tập trung vào Al-Qaeda và các nhóm Hồi giáo Sunni cực đoan. Có lúc ông cũng báo cáo chi tiết cho CIA. Nhưng tương lai của Jones tại FBI không bảo đảm, vì ông không phải là một đặc vụ, vốn là thành phần chủ lực của FBI. Vậy là Jones tiếp tục thực hiện kế hoạch ban đầu của mình là đến làm việc trên Đồi Capitol vào tháng 1-2007.
Năng lực và kinh nghiệm trong ngành tình báo đã giúp Jones có được vị trí làm trợ lý cho Thượng nghị sĩ Jay Rockefeller (đảng Dân chủ), Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện. Thượng nghị sĩ Rockefeller đánh giá kinh nghiệm làm việc tại FBI có thể đủ để Jones xử lý các vấn đề về chống khủng bố. Ngoài ra, Thượng nghị sĩ Rockefeller cũng đặc biệt ấn tượng với Jones qua việc ông làm giáo viên ở Baltimore.
Một năm sau, Jones đã được Ủy ban Tình báo Thượng viện giao dẫn đầu cuộc điều tra của Ủy ban này về hoạt động tra tấn tù nhân nghi can khủng bố của CIA thời kỳ hậu 11-9 giai đoạn Tổng thống George W. Bush cầm quyền.
Trong suốt 6 năm ròng rã, ông và đội ngũ cộng sự đã miệt mài nghiên cứu đến 6,3 triệu trang tài liệu được CIA giữ bí mật nhằm che đậy hoạt động tra tấn của mình. Cuộc điều tra của Jones đi đến kết luận rằng, các biện pháp điều tra của CIA đã không mang lại hiệu quả, và CIA đã nói dối, che giấu hành vi phi nhân tính của mình qua 2 đời tổng thống, Quốc hội và công chúng Mỹ.
Tuy nhiên, việc công bố báo cáo điều tra của Jones đã gặp phải trở ngại lớn do CIA tìm đủ mọi cách ngăn cản. Cuối cùng, một bản báo cáo tóm tắt kết quả điều tra dày 525 trang đã được công bố vào tháng 12-2014. Để bản báo cáo này được công bố, Daniel Jones và Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ đã phải trải qua những ngày đầy sóng gió do việc CIA cố tình bưng bít báo cáo.
Tờ báo The Guardian của Anh đã thực hiện một cuộc điều tra những gì đã xảy ra trong giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2014 với việc phỏng vấn những người tham gia cuộc điều tra. Trong phóng sự điều tra của The Guardian, Jones đã biểu lộ sự không hài lòng đối với thái độ vô trách nhiệm của CIA. Daniel Jones cũng cho rằng, CIA dưới sự lãnh đạo của ông John Brennan đã quá liều lĩnh khi tìm cách "đấm mõm" ông Barack Obama - vị Tổng thống đã xem việc cấm tra tấn là một trong những ưu tiên hàng đầu khi lên nhậm chức.
Vụ hủy 2 cuộn băng video và sự ra đời Ủy ban Sự thật
Cuộc điều tra của Ủy ban Tình báo Thượng viện bắt nguồn từ một sự việc: Tháng 11-2005, một sĩ quan cao cấp của CIA tên là Jose Rodriguez đã tiêu hủy 92 băng video ghi lại hình ảnh cuộc khảo cung dã man năm 2002 đối với hai nghi can khủng bố tên là Abu Zubaydah và Abdel Rahim Nashiri.
Vụ tiêu hủy băng video của Rodriguez đã được ém nhẹm, Ủy ban Tình báo không hề hay biết trong 2 năm, cho đến khi tờ New York Times ngày 6-12-2007 đăng một bài báo phanh phui vụ việc. Ủy ban Tình báo thậm chí còn không biết có cuộc tra tấn đó nên sau khi bài báo đến với công luận, Ủy ban Tình báo yêu cầu làm rõ vụ việc này.
Nữ Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein, Chủ tịch Ủy ban Sự thật. |
Giám đốc CIA Michael Hyden đã trấn an Ủy ban rằng, CIA không thủ tiêu bằng chứng, bởi vì cơ quan này có rất nhiều bản lưu các cuộc hỏi cung, từ điện tín, thông điệp cho đến thư điện tử nội bộ. Đó là lần đầu tiên Ủy ban Tình báo biết về việc CIA ghi chép tài liệu về một trong những hoạt động lớn của mình.
Đội điều tra của Daniel Jones bao gồm Jones cùng với Alissa Starkzak, một luật sư thuộc Ủy ban tình báo và hai người của đảng Cộng hòa được giao nhiệm vụ đào xới trong kho lưu trữ ở Langley, ghi chép lại tất cả những gì phát hiện được về hai cuộn băng video đã bị phá hủy. Sau vài lần đến Langley, hai người của đảng Cộng hòa rút lui, không tham gia nữa, chỉ còn lại Jones và Starkzak, và cả hai đều biết mình sẽ phải tìm kiếm hết sức vất vả.
Các tài liệu mà họ xem xét ghi lại các sự kiện từ tháng 4 đến tháng 12-2012, xảy ra xung quanh duy nhất một "điểm đen" ở Thái Lan, và chỉ liên quan đến hai nghi can. Các tài liệu chỉ chứa các thông tin một chiều bao gồm các báo cáo gửi về Tổng hành dinh, không chứa đựng nội dung gì về việc các lãnh đạo CIA đã chỉ đạo cho các điệp viên tiền phương thực hiện. Nhưng tài liệu thì nhiều đến nỗi Jones so sánh chúng với bộ Bách khoa toàn thư Encyclopedia Btritannica của Anh.
Sau nửa năm tìm kiếm, họ đã tìm thấy tư liệu về các cuộc hỏi cung hai nghi can từ năm đầu tiên của chương trình tra tấn khiến họ bị sốc. Đến năm 2008, chuyện CIA tra tấn Abu Zubaydah đã được công khai. Nhưng Jones và Starkzak không biết được chi tiết CIA đã tra tấn như thế nào.
Abu Zubaydah, một trong hai nghi can bị tra tấn được ghi lại trong hồ sơ của CIA. |
Các tài liệu cho thấy CIA đã nhốt Abu Zubaydah vào trong một cái thùng hôi thối, tanh tưởi cực độ. Các hình thức tra tấn dã man đó khiến một quan chức ở bộ phận thông tin của CIA cảm thấy thương tâm nên đã đề nghị "luân chuyển" đi nơi khác thay vì tra tấn đối với những nghi can không khai thác được gì.
Từ chi tiết nêu trên, lần đầu tiên Jones nhận thức được có một khoảng cách giữa những gì CIA làm với những gì họ thông tin ra bên ngoài. Jones đã tạo một bản trình bày 29 trang về những ngày đầu CIA tra tấn tù nhân. Ngày 11-2-2009, tại một cuộc họp kín ở tòa nhà Hart, Jones trình bày những phát hiện của mình trước Ủy ban Tình báo. Các thành viên của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đều bị sốc bởi "mức độ dã man không thể tin được của chương trình tra tấn đạt mức độ không ai tưởng tượng nổi".
Một tháng sau, ngày 5-3-2009, Ủy ban Tình báo bỏ phiếu với tỉ lệ 14/1 đồng ý mở rộng cuộc điều tra. Từ chỗ kiểm tra vụ Rodriguez phá hủy các băng video, bây giờ Ủy ban Tình báo chuyển sang điều tra toàn bộ chương trình tra tấn. Một trong những nhiệm vụ mới của Jones là đánh giá liệu CIA có trình bày chính xác chương trình tra tấn của mình cho chính quyền W. Bush và Quốc hội hay không.
Tuy nhiên, một số nghị sĩ đảng Cộng hòa đã yêu cầu giới hạn phạm vi điều tra, chỉ cho phép Daniel Jones xem xét CIA, không được đụng đến Nhà Trắng.
Cuộc điều tra được công bố rộng rãi trước công chúng vào thời điểm Washington đang sục sôi chuyện tra tấn tù nhân. Các nhóm nhân quyền đã "cắm trại" nhiều tháng liền gây sức ép đòi "tính sổ" với tra tấn. Tổng thống Obama đã ra lệnh đóng cửa chương trình tra tấn ngay ngày thứ hai cầm quyền. John Brennan, một cựu trợ lý cao cấp trong chiến dịch tranh cử và là cựu quan chức CIA được ông trọng dụng làm trưởng ban cố vấn chống khủng bố trong Nhà Trắng. Đồng thời ông chọn Leon Panetta làm Giám đốc CIA.
Tổng thống Barack Obama, người quyết tâm dẹp chương trình tra tấn đầy tai tiếng của CIA. |
Việc Tổng thống Obama quyết tâm dẹp bỏ chương trình tra tấn đã đánh động một số đồng minh của ông. Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện Patrick Leahy và Chủ tịch Ủy ban Tư pháp hạ viện John Conyers đồng loạt thúc đẩy điều tra rộng rãi hơn không chỉ tra tấn mà cả việc do thám công chúng.
Tháng 2-2009, Antonio Taguba, vị tướng đã từng "thổi còi" nhà tù Abu Ghraib ở Iraq, đã tham gia một liên minh gồm 18 nhóm nhân quyền thúc ép Tổng thống Obama và phe Dân chủ trong Quốc hội thành lập một ủy ban sự thật hoạt động độc lập để điều tra về tra tấn.
Họ đã có được sự ủng hộ từ các nghị sĩ cao cấp nhất, trong đó có Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện Patrick Leahy và Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện John Conyers. Các nhà hoạt động trong liên minh đã gửi một đơn thỉnh nguyện lên Bộ trưởng Tư pháp Eric Holder yêu cầu bổ nhiệm một công tố viên đặc biệt phục vụ cho ủy ban sự thật này.
Nếu Nhà Trắng và CIA đều không muốn việc Ủy ban Tình báo xem xét những chuyện xảy ra trong quá khứ của CIA, thì họ sẽ muốn một ủy ban có một không hai kiểu như Ủy ban 11-9 và một công tố viên độc lập. Ủy ban bí mật này, với các mối quan hệ lâu năm với Langley và lãnh đạo đảng Dân chủ, xem ra là một chọn lựa an toàn.
Ủy ban bí mật này có một vị chủ tịch rất đáng chú ý là Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein (bang California), người có một lịch sử gây thất vọng cho thành phần tự do ở Mỹ về vấn đề an ninh quốc gia. Tuy nhiên, CIA vẫn còn một số người hậu thuẫn. Đó chính là những người đã tạo nên các rào cản lớn, gây khó khăn nhiêu khê cho tiến trình điều tra của Daniel Jones trong suốt 6 năm.
(Còn tiếp)