Cuộc đời hai mặt của nhà nữ thám hiểm Bắc Cực đầu tiên trên thế giới

Thứ Ba, 26/02/2019, 20:08
Vào đầu thế kỷ 20, bà Louise Arner Boyd đã sống trong hai hoàn cảnh rất sinh động: vừa là nhà từ thiện ở Mỹ, vừa là vị anh hùng trên đại dương. Dưới đây là bài viết của học giả độc lập Joanna Kafarowski, bà cũng đồng thời là tác giả của cuốn sách “Những cuộc phiêu lưu vùng bắc cực của quý bà Mỹ giàu có: Cuộc đời của Louise Arner Boyd”.

Bà Kafarowski hiện đang viết cuốn hồi ký kể về Jackie Ronne, người phụ nữ đầu tiên đến Nam Cực.

Cố vấn tình báo trá hình nhà thám hiểm

Giương buồm đến vùng duyên hải phía Tây của Greenland trong mùa hè bão lửa bom đạn của năm 1941, chiếc tàu Effie M. Morrissey đã di chuyển qua một con vịnh hẹp và neo đậu ở ngoài khơi thành phố Julianehaab. Con tàu Mỹ có vẻ dễ bị tổn thương khi nó chạy dựa vào 2 chiếc tàu Tuần duyên Mỹ là Bowdoin và Comanche.

Đó là khoảng thời gian nguy hiểm. Chỉ trước đó 8 tuần, một tàu chở hàng Anh đã bị một tàu chiến Đức Quốc xã phóng ngư lôi đánh trúng rồi chìm ở ngoài khơi Mũi Farewell, phía Nam Greenland. Là các thành viên mới của Hạm đội tuần tra Đại Tây Dương Greeland, 2 chiếc Bowdoin và        âComanche chịu trách nhiệm cho việc ngăn ngừa các lực lượng Đức đánh phá khu căn cứ ở Greenland và cung cấp hỗ trợ quan trọng cho các lực lượng quân Đồng Minh.

Bà Louise Arner Boyd đang giữ một thiết bị của chuyến thám hiểm. Ảnh nguồn: Joanna Kafarowski.

Khi các hành khách của tàu Morrissey lên bờ, viên Chỉ huy Donald Macmillan của tàu tuần duyên Bowdoin đã vội vã tiến tới để chào người phụ trách. Đó là một quý bà California đã đứng tuổi, bà sải bước ra khỏi tàu và tiến về phía Macmillan. Bà Louise Arner Boyd được biết đến như là nhà thám hiểm Bắc Cực và cũng là nhà địa lý học hàng đầu thế giới.

Vào lúc đó, bà đã tổ chức thành công 6 chuyến thám hiểm hàng hải tới phía Đông của Greenland, lãnh nguyên Franz Josef, lãnh nguyên Jan Mayen và hòn đảo Spitsbergen. Louise A. Boyd đã được 5 quốc gia tôn vinh, cùng những thành tựu khoa học và tinh thần thám hiểm quả cảm của người phụ nữ đã trở thành tiêu đề ăn khách của cánh báo chí và giúp tên tuổi của bà nổi tiếng khắp toàn cầu.

Một tháng trước đó, nhiều nhà báo đã đưa tin về chuyến khởi hành năm 1941 của bà Louise A. Boyd mang tiêu đề “Chuyến thám hiểm tới Greenland từ Washington D.C”. Sau khi tàu Morrissey hạ neo, rất nhiều người dân địa phương ngạc nhiên tự hỏi người phụ nữ này - Louise A. Boyd - đang làm gì với các hàng sĩ quan cao cấp từng kinh qua chiến tranh?

À, bà Louise A. Boyd hoạt động dưới lớp vỏ bọc của một nhà thám hiểm, song thực chất là bà đang tiến hành một nhiệm vụ tuyệt mật cho chính phủ Mỹ, cụ thể là tìm kiếm các địa điểm có thể hạ đặt quân sự khả thi và điều tra việc cải thiện thông tin vô tuyến trong khu vực này. Ngay cả thuyền trưởng và các thuyền viên trên tàu Effie M. Morrissey cũng không hay biết mục tiêu thật sự của chuyến thám hiểm.  

Gắn bó định mệnh với Bắc Cực

Kho tàng kiến thức chuyên sâu của bà Boyd về Greenland cũng như công việc của bà là một cố vấn quân sự Mỹ đã khiến bà trở thành tài sản vô giá cho nỗ lực chiến tranh của quân Đồng Minh. Nhưng sau tất cả những thành tựu và dịch vụ mà bà Boyd đã cống hiến cho quốc gia thì tên tuổi của bà bỗng nhiên bị lãng quên, có vẻ như sự quá tập trung của bà Boyd đối với các bài báo khoa học hơn là khuấy động công chúng bằng những tin giật gân khiến cho thiên hạ chóng quên bà. Cũng như Boyd không có bất kỳ hậu duệ trực tiếp nào để có thể nối tiếp di sản của bà.

Sứ mạng năm 1941 của bà Boyd diễn ra dọc theo duyên hải Tây của Greenland và Đông Bắc Cực của Canada cũng là chuyến thám hiểm lần thứ 7 và cuối cùng của bà. Như những chuyến đi trước, bà Boyd đã thúc đẩy ranh giới kiến thức địa lý và những chuyến thám hiểm kỳ lạ tới những xứ sở nguy hiểm.

Bà Boyd cũng đem theo những nhà khoa học trẻ đầy triển vọng cùng tham gia nghiên cứu Bắc Cực. Không chỉ sống trong thân phận cố vấn tình báo Mỹ, bà Louise A. Boyd còn có một cuộc đời khác. Sinh năm 1887, có cha là công nhân mỏ vàng ở California, người cha trúng vàng và trở nên giàu sụ; trong khi đó người mẹ lại là một quý tộc đến từ Rochester, New York, tuổi thơ của bà Boyd là những ngày tháng ấm êm nhung lụa trong tòa dinh thự lộng lẫy ở San Rafael, California.

Bức điêu khắc của nhà thám hiểm Louise Arner Boyd cùng với một đồ vật của bà. Bức tượng bán thân này là một phần của Bộ sưu tập Bảo tàng lịch sử Marin (Novata, California) Ảnh nguồn: Joanna Kafarowski.

Ngay từ thuở nhỏ, cô bé Boyd đã tỏ ra mê tít những câu chuyện liên quan đến thám hiểm địa cực, nhưng lớn lên bà lại mong lấy chồng và sinh con. Giống như mẹ đẻ, bà Boyd bắt đầu trở thành một người hoạt động xã hội và hoạt động từ thiện cộng đồng. Thế rồi biến cố xảy ra. Vào khoảng tuổi 30, Boyd mất hết người thân và được thừa kế một gia tài lớn.

Không gia đình, Boyd nuôi giấc mơ tiến về phương Bắc. Chuyến đi đầu tiên của bà Boyd đến Bắc Băng Dương thật nhiều cảm xúc, vài năm sau đó bà đã quay trở lại. Về lại California, Boyd ngộ ra rằng tương lai của bà mãi mãi gắn liền với Bắc Cực.

Chuyến thám hiểm Bắc Cực trọn vẹn đầu tiên của bà Boyd đã diễn ra vào mùa Hè năm 1928 tại thành phố Tromso của Na Uy. Bà Boyd tỏ ra “sốc” khi hay tin nhà thám hiểm huyền thoại Roald Amundsen – người đã chinh phục Nam Cực và là người đầu tiên vượt qua thành công Hành lang Tây Bắc, đi qua Bắc Băng Dương – đã mất tích khi đang lái máy bay để giải cứu một nhà thám hiểm khác. 6 quốc gia Châu Âu đã cử tàu và máy bay để tham gia vào việc xác định vị trí nơi mất tích Roald Amundsen và phi hành đoàn người Pháp của ông. Nhưng Roald Amundsen đã mất tích vĩnh viễn.

Sống cuộc đời hai mặt

Ngay tại thời điểm này, Boyd đã bắt đầu sống cuộc đời hai mặt: Khi còn ở California thì Boyd là bà chủ nhà tốt bụng, một nhà tài trợ hào phóng và là một thành viên được yêu quý của xã hội thượng lưu California; Nhưng khi ra đại dương thì bà lại là một người cực kỳ xông xáo, mạnh mẽ và âm thầm hoàn thành những nhiệm vụ đặc biệt từ các cơ quan đặc biệt. Boyd đã trở thành nhà thám hiểm như thế nào?

Không trải qua trường lớp đào tạo, thiếu các kỹ năng hoạt động ngoài trời, và không có gia đình bên cạnh để động viên và tư vấn. Nhưng Boyd đã lợi dụng sắc đẹp và tài kết nối của mình để xác định ra những cá nhân đủ để giúp đỡ bà, tự chọn ra chính xác nhà khoa học tài năng để cùng đồng hành với mình. Chuyến thám hiểm của Boyd bao gồm nhà địa lý học kiêm nhà leo núi cừ khôi Noel Odell, người duy nhất sống sót khi chinh phục đỉnh Everest vào năm 1924. Boyd cũng khá tài khi “lôi kéo” được nhiếp ảnh gia Ansel Adams và nhà thực vật học Alice Eastwood của Viện Hàn lâm khoa học California (CAS).

Bà Boyd đã để lại cho đời một kho ảnh tư liệu về Greenland mà hiện vẫn đang được các nhà khoa học dùng để theo dõi những biến đổi khí hậu tại các băng hà ở Greenland. Bà Boyd cũng là người tiên phong về sử dụng các công nghệ tiên tiến như thiết bị đo tiếng vang dưới nước sâu và thiết bị quang điện ảnh để tiến hành các khảo sát thăm dò ở những nơi không thể tiếp cận. Boyd đã khám phá ra một băng hà ở Greenland, một bãi ngầm dưới đáy biển Na Uy và có nhiều giống loài thực vật mới.

Hơn 70 năm sau đó, dữ liệu thu thập từ các chuyến thám hiểm của bà Boyd vẫn còn được ngợi ca bởi những nhà khoa học đương thời trong các lĩnh vực như địa chất, địa mạo, hải dương học và thực vật học. Sau sứ mạng đến Greenland vào năm 1941, bà Boyd đã được Cục tiêu chuẩn quốc gia Mỹ (NBS) cất lời ngợi khen vì đã giải quyết những trục trặc truyền dẫn vô tuyến quan trọng mà họ đã vật lộn tại Bắc Cực trong suốt nhiều thập kỷ.

Khi chiến tranh kết thúc, nhà thám hiểm Louise Arner Boyd đã gần tuổi lục tuần; chuyến thám hiểm năm 1941 mới thật sự là chuyến thám hiểm cuối cùng của bà. Năm 1955, bà Boyd đã đạt được khát vọng khi tên của bà trở thành một trong những người đầu tiên đã đặt chân tới Bắc Cực.

Những năm cuối đời, bà Boyd tiếp tục cống hiến khi trở thành Ủy viên hội đồng địa lý Mỹ, thành viên của Hiệp hội các nhà nữ địa lý và Hội Bắc Cực Mỹ cho đến khi bà qua đời vào năm 1972. Hôm nay, chả ai còn nhớ đến cái tên Louise Arner Boyd. Nhưng, sự thật về bà thì không thể chối cãi được.

Phan Bình (tổng hợp)
.
.