Cuộc săn lùng khối lập phương uranium của Đức Quốc xã

Thứ Tư, 15/05/2019, 07:30
Một khối uranium được phát hiện trong một trường đại học ở Mỹ đã châm ngòi cho một cuộc săn lùng khoa học về uranium mà người Đức sử dụng để xây dựng lò phản ứng hạt nhân trong Chiến tranh thế giới thứ hai.


“Món quà” đặc biệt cùng câu đố bí ẩn

Vào một ngày mùa hè năm 2013, Giáo sư Timothy Koeth thuộc Khoa Khoa học và Kỹ thuật vật liệu tại Đại học Maryland (Mỹ) nhận được một món quà đặc biệt. Đó là chiếc hộp carton bên trong chứa một khối lập phương nhỏ, có cạnh dài 5cm, nhưng khối lượng nặng hơn 2kg. Cùng với đó là một tờ giấy ghi chú: “Lấy ở Đức từ lò phản ứng hạt nhân mà Hitler đã cố gắng xây dựng. Quà tặng của Ninninger”.

Giáo sư Timothy Koeth sửng sốt, thậm chí không thốt lên lời khi nhìn thấy khối uranium. Đến khi định thần lại, Giáo sư Timothy Koeth đã nhanh chóng xác định bản chất của khối kim loại trên. Đó là loại uranium tự nhiên, phóng xạ yếu để gây nguy hiểm. Nhưng khối uranium này đến từ đâu và bằng con đường nào? Nó có phải là uranium thật hay không? Ninninger là ai?… Rất nhiều câu hỏi mà Giáo sư Timothy Koeth cần phải có câu trả lời.

Đức quốc xã từng sở hữu 664 khối lập phương uranium như thế này. Ảnh: Le Figaro.

Cuối cùng ông quyết định gọi cho Miriam Hiebert, một nữ nghiên cứu sinh ở Trường Đại học Maryland. “Giáo sư Timothy Koeth đã nói với tôi về dự án này, vì vậy tôi bắt đầu giúp ông ấy từng bước tìm kiếm xuất xứ của khối uranium trên”, bà Miriam Hiebert nói. Nhà khoa học nữ còn tiết lộ thêm, Tim (Timothy Koeth) là người có khả năng kỳ lạ thu hút mọi người vào thế giới đầy sách và ánh sáng của ông. Việc ai đó gửi món quà đặc biệt trên phải chăng muốn ông tìm ra bản chất của vụ việc.

Để xác minh khối uranium là thật hay giả, Giáo sư Koeth đã phân tích khối uranium bằng máy quang phổ gamma có độ phân giải cao. Máy này đã xác định khối nhiên liệu trên để tìm ra các dấu hiệu đồng vị phóng xạ. Nếu uranium được làm giàu tự nhiên bởi sự phân hạch, đây sẽ là uranium thật.

Trái lại, một khối uranium “dỏm” rất có thể là uranium nghèo, là sản phẩm phụ của quá trình phân hạch hạt nhân và dễ dàng thu được. Phân tích của Giáo sư Koeth cho thấy, khối uranium mà ông có được trong tay là một trong 664 khối uranium của Đức Quốc xã trước đây và nó chưa bao giờ được sử dụng trong lò phản ứng hạt nhân thử nghiệm của Hitle.

Câu hỏi đặt ra là, 663 khối uranium còn lại đang ở đâu sau khi lực lượng đồng minh chiếm lại Đức vào năm 1945? Theo nhà nghiên cứu Hiebert, đằng sau sự bí ẩn của các khối uranium trên là cả một câu chuyện dài lý giải vì sao chương trình hạt nhân của Đức thất bại trong khi dự án Manhattan của Mỹ lại làm được điều đó. Kết quả của cuộc khảo sát khoa học này vừa được công bố trên Tạp chí Vật lý ngày nay.

Hành trình của những khối lập phương uranium

Theo Giáo sư Timothy Koeth, thế giới bước vào thời đại hạt nhân khi quả bom Trinity được kích nổ vào ngày 16-7-1945 gần Alamogordo, New Mexico (Mỹ). Nguồn gốc của thời đại hạt nhân có thể bắt nguồn từ một khối kim loại uranium nhỏ cũng như 663 khối khác giống nó.

Thành viên của Alsos phát hiện ra các khối lập phương uranium ở ngoài cánh đồng. Ảnh: Physicstoday.

Dự án Manhattan và sức mạnh vũ khí hạt nhân được giải phóng đã làm lo sợ các nhà khoa học ở Đức Quốc xa ä- những người đang chế tạo vũ khí của chính họ. Tuy nhiên, lò phản ứng mà Hitler cố gắng xây dựng đã thất bại.

Cho đến nay vẫn còn nhiều câu hỏi liên quan tới dự án xây dựng lò phản ứng hạt nhân của Hitler bị thất bại. Hiện có bao nhiêu miếng uranium còn trôi nổi ngoài thị trường? Điều gì đã xảy ra với các khối uranium hình lập phương còn lại? Ninninger là ai? “Từ nghiên cứu, chúng tôi đã phát hiện ra một số thông tin mới về chương trình hạt nhân của Đức: Người Đức có thể đã xây dựng một lò phản ứng hạt nhân.

Điều tra của Timothy Koeth và Hiebert cho biết, khối uranium hình lập phương có nguồn gốc rõ ràng. Bởi lẽ, ngay trong câu đầu tiên của tờ ghi chú đã đưa ra một điểm khởi đầu: "Lấy từ lò phản ứng mà Hitler đã cố gắng xây dựng”.

Điều đó chắc chắn đề cập đến chương trình nghiên cứu hạt nhân của các nhà khoa học Đức trong Chiến tranh Thế giới thứ hai với việc theo đuổi chương trình hạt nhân và phát triển vũ khí hạt nhân. Một số nhà vật lý người Đức đã tham gia vào chương trình nghiên cứu này, trong đó có nhà khoa học Werner Heisenberg.

Thay vì làm việc cùng nhau dưới sự lãnh đạo trung tâm theo cách mà các nhà khoa học Dự án Manhattan làm, các nhà nghiên cứu hạt nhân của Đức quốc xã được chia thành ba nhóm, mỗi nhóm thực hiện một loạt thí nghiệm riêng biệt.

Mỗi nhóm được đặt tên mã theo thành phố nơi thí nghiệm diễn ra: Berlin (B), Gottow (G) và Leipzig (L). Mặc dù người Đức đã bắt đầu công việc của họ gần hai năm trước khi người Mỹ tiến hành dự án Manhattan, nhưng tiến trình tạo ra lò phản ứng hạt nhân vô cùng chậm chạp. Lý do cho sự chậm trễ này có rất nhiều và phức tạp, nhưng chủ yếu là do quản lý khoa học không hiệu quả.

Vào mùa đông năm 1944, quân đồng minh bắt đầu tấn công nước Đức. Khi đó, các nhà nghiên cứu Đức đang cố gắng xây dựng một lò phản ứng. Do không biết về những tiến bộ to lớn mà Dự án Manhattan đã đạt được, người Đức hy vọng rằng, dù có thất bại trong chiến tranh, nhưng họ vẫn có thể cứu vãn thanh danh của mình với việc là quốc gia đầu tiên trên thế giới tự xây dựng lò phản ứng hạt nhân.

Nắm giữ niềm hy vọng đó, các quan chức đã chuyển lò phản ứng thí nghiệm ở Berlin do nhà khoa học Werner Heisenberg đứng đầu về phía nam trước khi quân đồng minh tiến vào nước Đức. Lò phản ứng này có lẽ nằm trong hầm kín bên dưới một tòa lâu đài ở thị trấn Haigerloch, phía tây nam nước Đức. Nhóm nghiên cứu của ông Werner Heisenberg đã tiến hành thí nghiệm cuối cùng: B-VIII, thí nghiệm thứ tám của nhóm có trụ sở tại Berlin.

Nhà khoa học Werner Heisenberg từng mô tả việc xây dựng lò phản ứng hạt nhân trong cuốn sách Vật lý hạt nhân của mình xuất bản năm 1953 rằng, lò phản ứng hạt nhân thử nghiệm bao gồm 664 khối uranium, mỗi khối nặng khoảng năm pound.

Cáp máy bay được sử dụng để xâu các khối uranium lại với nhau thành chuỗi dài treo trên nắp. Uranium nghèo được đặt chìm trong một bể nước nặng được bao quanh bởi một bức tường than chì hình khuyên. Đây là thiết kế tốt nhất trong chương trình hạt nhân của Đức Quốc xã, nhưng nó chưa đạt được mức chuẩn của một lò hạt nhân.

Trong một cuốn sách, nhà khoa học Werner Heisenberg từng nói rằng, nhiều nhà khoa học từ lâu đã nghĩ rằng các nhà khoa học Đức không thể có lò phản ứng hạt nhân vì họ không có đủ uranium để làm cho lò phản ứng B-VIII hoạt động.

Tuy nhiên, trên thực tế Hitler đã nắm trong tay các khối uranium hình lập phương, chỉ có điều nó chưa đủ để kích hoạt lò phản ứng hạt nhân. Điều này khiến chương trình lò phản ứng hạt nhân của Đức bị thất bại.

Theo Giáo sư Timothy Koeth, mặc dù thất bại, song chương trình xây dựng lò phản ứng hạt nhân của Đức lại tạo điều kiện thúc đẩy dự án Manhattan của Mỹ có bước nhảy vọt, cuối cùng dẫn đến việc tạo ra bom nguyên tử. "Khối lập phương uranium này đã trở thành động lực thúc đẩy toàn bộ dự án Manhattan, toàn bộ thời đại nguyên tử sau này và những thứ mà chúng ta đang sống, Giáo sư Timothy Koeth nói.

Dự án Manhattan và nhiệm vụ Alsos

Năm 1944, khi các lực lượng đồng minh bắt đầu di chuyển vào lãnh thổ do Đức chiếm đóng, Leslie Groves-chỉ huy Dự án Manhattan, đã ra lệnh tiến hành chiến dịch mang tên Alsos (từ tiếng Hy Lạp, có nghĩa là “Lùm cây”), theo đó đưa một số nhân viên quân sự và nhà khoa học đến chiến tuyến ở châu Âu để thu thập thông tin về tình trạng của chương trình khoa học hạt nhân của phát xít Đức.

Lối vào của lò phản ứng thí nghiệm B-VIII trong một lâu đài ở Haigerloch. Ảnh: Physicstoday.

Chiến dịch Alsos ban đầu triển khai ở Italy sau đó chuyển đến Đức khi lực lượng quân đội đồng minh tiến về phía nam. Trong số những người tham gia vào chiến dịch này là Samuel Goudsmit. Sau chiến tranh, ông này đã giữ chức Tổng biên tập đầu tiên của Hiệp hội Vật lý Mỹ và là người sáng lập Tạp chí Physical Review Letters.

Khi quân đồng minh bao vây miền Nam nước Đức, các nhà khoa học Đức đã nhanh chóng tháo gỡ lò phản ứng thí nghiệm B-VIII. Các khối uranium được chôn giấu trong một cánh đồng gần đó, nước nặng được giấu trong các thùng và tài liệu quan trọng được giấu trong một nhà vệ sinh.

Khi các thành viên chiến dịch Alsos đến thị trấn Haigerloch vào cuối tháng 4-1945, các nhà khoa học làm việc trong phòng thí nghiệm đã bị bắt và thẩm vấn để tiết lộ vị trí của các vật liệu lò phản ứng. Nhà khoa học Heisenberg đã trốn thoát trước đó bằng cách bỏ trốn trên một chiếc xe đạp cùng với khối uranium trong balô.

Ngày 27-4-1945, 664 khối uranium đã được đào lên từ cánh đồng và được vận chuyển cùng với nước nặng đến Mỹ dưới sự kiểm soát của một ủy ban do Mỹ và Anh lập ra nhằm ngăn chặn các quốc gia đối đầu, ví dụ như Liên Xô, tìm kiếm nguyên liệu hạt nhân để phát triển một chương trình hạt nhân của riêng họ.

Tuy nhiên, điều gì đã xảy ra khi những khối uranium bị thu ở thị trấn Haigerloch và được chuyển đến Mỹ? Hiện giờ chúng đang ở đâu? Nếu chúng được xử lý tại thị trấn Oak Ridge thuộc bang Tennessee thì nó đã ở đâu trong gần 70 năm qua?

Theo các tài liệu ở Trung tâm lưu trữ quốc gia Mỹ, việc tìm kiếm các khối uranium đã mở ra một thị trường “đen” buôn bán nguồn nguyên liệu hiếm trên khắp Đông Âu sau chiến tranh.

Nhân viên tình báo Joseph Chase từng mô tả trong một báo cáo ngày 16-3-1951 là, sau khi Ủy ban Kiểm soát đồng minh cấm công dân Đức sở hữu bất kỳ số lượng uranium nào, các đại lý ở chợ đen đều cho rằng các khối uranium là mặt hàng hiếm và chịu rủi ro cá nhân đáng kể nên đã cố gắng bán tống tháo đi.

Các tài liệu cũng cho thấy, cứ vài tháng, các quan chức Mỹ lại nhận được lá thư mời chào mua các khối uranium với giá vài trăm nghìn USD/khối.  Một tài liệu khác cũng cho biết, công dân Đức Helmut Goltzer và Gisela Nitzke đã bị bắt và bị kết án tù năm 1952 vì sở hữu một khối uranium. Trong các bức ảnh kèm theo bài báo về vụ bắt giữ, uranium được lấy từ căn hộ của họ gần giống với khối lập phương mà Giáo sư Timothy Koeth có trong tay.

Trong khi câu hỏi các khối uranium bị thu ở Đức năm 1945 giờ ở đâu, thì một may mắn đã đến với Giáo sư Timothy Koeth khi ông đọc cuốn sách “Khoáng chất cho nguyên tử” của tác giả Robert D. Nininger, xuất bản năm 1954.

“Mặc dù sai chính tả ở câu “Quà tặng của Ninninger”, song tôi xác định được  Robert D. Nininger chính là chủ nhân của khối lập phương uranium đã gửi đến văn phòng tôi”, Giáo sư Timothy Koeth quả quyết. Theo ông Timothy Koeth, Robert Nininger đã chết ở Rockville, Maryland vào năm 2004.

Trong một cuộc điện thoại với vợ của ông Nininger, Giáo sư Timothy Koeth được biết, Nininger đã trao khối lập phương uranium cho một người bạn. Người này lại trao cho một người khác trước khi khối uranium tới tay Giáo sư Timothy Koeth.

Cũng theo vợ của Nininger, tháng 3-1945, chỉ hơn một tháng trước khi chiến dịch Alsos thu giữ các tài liệu tại thị trấn Haigerloch, ông Nininger đã được bổ nhiệm làm Giám đốc tài sản tạm thời cho Dự án Manhattan Murray ở Thành phố New York. Do vậy, có khả năng đây cũng là nơi cất giấu các khối uranium được chuyển đến từ châu Âu.

Yên Bình (theo Le Figaro và Physicstoday)
.
.