Cuộc truy lùng những tên Quốc xã cuối cùng của một sử gia

Thứ Ba, 20/12/2016, 15:05
Từ vài chục năm nay, hàng trăm tên tội phạm chiến tranh đang lẩn trốn hay sống công khai, tự tin rằng quá khứ đã ngủ yên. Tuy nhiên có một người vẫn kiên trì truy lùng chúng, đó là sử gia Efraim Zuroff, người điều hành chiến dịch "Cơ may cuối cùng" tại Trung tâm Simon-Wiesenthal.

Efraim Zuroff, khoảng 60 tuổi, vóc dáng cao to và giọng nói nồng ấm, đang theo dấu vết một tên quốc xã đặc biệt độc ác. Bác sĩ Aribert Heim, cựu sĩ quan SS và là bác sĩ trưởng ở trại tập trung Mauthausen (Áo) vào năm 1941 còn có biệt danh "Bác sĩ tử thần".

Hắn đã giết chết hàng trăm người tù bằng cách thực hiện những thí nghiệm dã man trên người họ. Hắn lấy cơ quan nội tạng của họ mà không gây mê, kế đó cầm đồng hồ đo thời gian hấp hối của họ sau khi đã tiêm những hợp chất độc vào tim của họ. Đôi khi hắn tiêm mầm bệnh, xăng dầu và cả nước vào tim nạn nhân để thử nghiệm. Hắn thường sử dụng bộ phận cơ thể của các nạn nhân bị hắn giết làm vật trang trí. Những người sống sót kể lại rằng hắn có một cái chao đèn làm bằng da người và một cái chặn giấy là sọ người.

Có lần một thanh niên Do Thái 18 tuổi bị viêm chân tìm tới Heim mong được giúp đỡ. Thấy cơ thể cường tráng của chàng trai trẻ, Heim hỏi han và biết được rằng, anh ta từng là một vận động viên bóng đá và rất thích bơi lội. Thay vì chữa cái chân, Heim tiêm thuốc mê vào người nạn nhân rồi mổ banh cơ thể. "Bác sĩ tử thần" cắt bỏ hai quả thận, chặt bỏ bộ phận sinh dục, cắt rời đầu nạn nhân rồi đun lên để "nghiên cứu".

Ông Efraim Zuroff và bức ảnh chụp chân dung Heim trong thời gian chiến tranh.

Tháng 1-1942, Heim được cử tới bắc Phần Lan và ở đây cho tới khi bị quân đội Mỹ bắt vào năm 1945. Sau hai năm rưỡi bị giam giữ, hắn được trả tự do và chuyển tới sinh sống tại vùng Baden-Baden của Đức. Năm 1962, hắn biến mất khi nhận được tin báo rằng chính phủ Đức chuẩn bị bắt và truy tố vì phạm tội ác chiến tranh. Kể từ đó tới nay người ta không thể nào khiến Heim sa lưới. "Bác sĩ Tử thần" là kẻ đứng đầu danh sách 10 tên quốc xã  bị Trung tâm Simon-Wiesenthal truy lùng gắt gao nhất.

Buổi sáng ngày 9-9-2008, Efraim Zuroff bí mật gặp Waltraud Boser, 66 tuổi, người con gái ngoại hôn của Aribert Heim tại một khách sạn ở Munich. Bà ta thề rằng không hề gặp lại cha và chỉ mới biết về quá khứ của cha bà… Zuroff không hề tin lời bà ta chút nào. Người phụ nữ này sống tại Chile và thường đến San Carlos de Bariloche, một thành phố nhỏ gần biên giới của Argentina.

Rất có thể Heim đang ẩn náu tại đấy. Liệu tên quốc xã này, lúc này có lẽ đã 94 tuổi, còn sống không? Có một manh mối khiến người ta thắc mắc: 1,2 triệu euro tiền mặt và 800.000 euro cổ phiếu vẫn nằm ngủ yên trong một tài khoản dưới tên Heim tại một ngân hàng ở Berlin. Không có người thừa kế nào đến nhận phần của mình. Các chuyên gia của Simon Wiesenthal tin rằng Aribert Heim đang sống bình yên trong vỏ bọc nào đó ở thành phố Puerto Montt của Chile, cách phía nam thủ đô Santiago khoảng 1.000km.

"Chúng tôi đã nhận được thông tin từ hai nguồn khác nhau về nơi ẩn náu của Heim ở Chile và chúng tôi đánh giá các tin này rất cao" - Efraim Zuroff, giám đốc văn phòng Israel của trung tâm Simon Wiesenthal nói - "Trung tâm đã treo giải thưởng lên tới 315.000 euro cho những ai cung cấp thông tin dẫn tới việc bắt giữ Heim. Những tội ác của Heim rất đầy đủ vì y luôn ghi nhật ký về những việc đã làm". Khả năng Heim lẩn trốn ở Chile là rất cao bởi lâu nay khu vực Nam Mỹ, đặc biệt là Chile, Argentina, Brazil, đã trở thành nơi ẩn mình của hàng trăm cựu trùm phát xít sừng sỏ. Văn phòng Simon Wiesenthal ở Mỹ Latinh cũng cho hay các cuộc tìm kiếm Heim đã được đẩy mạnh. Người đại diện văn phòng, ông Sergio Widder khẳng định rằng, có những dấu hiệu cụ thể cho thấy Heim vẫn còn sống. "Một dấu hiệu rõ nhất là gia đình Heim đã không tiến hành thừa kế khoản tiền 1,2 triệu euro vẫn còn để ở một tài khoản tại Berlin" - Widder nói - "Nếu muốn lĩnh tiền họ phải chìa ra một tờ giấy chứng tử".

Việc săn lùng những tên tội phạm này là một cuộc chạy đua với thời gian. Năm này sang năm khác, những tên tội phạm quốc xã và đồng bọn, hầu hết đều ở tuổi 90, sẽ chết vì tuổi già. Nhiều tên trong số đó đã ẩn thân từ hơn 60 năm qua dưới lý lịch giả.

Nhiều tên khác sống bình yên một cách công khai vì tin tưởng vào sự bất khả trừng trị của chúng hoặc tin rằng quá khứ sẽ không tìm đến chúng. Nhưng những con người này không biết chiến dịch "Cơ may cuối cùng" trải rộng trên 15 quốc gia châu Âu và châu Mỹ Latinh đã mang lại kết quả. Efraim Zuroff tận dụng kiến thức của mình về lịch sử tiêu diệt người Do Thái mà ông đã nghiên cứu từ 40 năm qua. Ông thực hành theo trình tự, một cách cần mẫn.

Trước tiên là tìm tòi trong thư khố. Tra lục vô số hồ sơ: tên của những kẻ sát nhân đôi khi ẩn trong danh sách những người tị nạn được các tổ chức cứu trợ sau chiến tranh chăm sóc, rồi ông lần theo từng manh mối. Để làm điều đó, Trung tâm Simon-Wiesenthal nhờ đến công sức của các sử gia tại những quốc gia liên quan: Lithuania, Argentina, Đức… "Còn hàng trăm tên, có lẽ là hàng ngàn tên tội phạm chiến tranh đang lẩn trốn" - sử gia Đức Stefan Klemp làm việc cho Trung tâm từ 10 năm nay cho biết.

Sandor Kepiro, kẻ chịu trách nhiệm vụ tàn sát tại Budapest.

Những nhà điều tra của "Cơ may cuối cùng" cũng nhờ đến sự trợ giúp của các nhân chứng, đăng lời kêu gọi trên báo chí, điện thoại mở 24/24 giờ, treo giải thưởng 25.000 đôla cho 1 tin tức quan trọng. Được tài trợ bởi nhà công nghiệp Mỹ Aryeh Rubin nhưng Trung tâm hiếm khi phải chi ra số tiền thưởng đó. Những lời khai vớ vẩn nhanh chóng bị gạt ra, còn các nhân chứng thực thụ thường bước ra khỏi sự im lặng đớn đau mà không cần tiền thưởng.

Chẳng hạn như nhờ tài liệu do gia đình một nạn nhân cung cấp, Efraim Zuroff đã tìm ra Karoly Zentai tại Australia vào năm 2005. Tên cựu sĩ quan Hungary đó, "kẻ chuyên săn lùng người Do Thái",  đứng ở vị trí thứ 7 trong danh sách. Vào năm 2006, Zuroff phát hiện ra Sandor Kepiro, kẻ chịu trách nhiệm vụ tàn sát tại Budapest. Kepiro là nhân vật số 2.

Trong những năm vừa qua có 500 tên tội phạm chiến tranh và đồng lõa phạm tội ác chống lại nhân loại đã bị lộ diện. Hồ sơ được chuyển đến cơ quan luật pháp của quốc gia và nơi ở của chúng. Hàng trăm cuộc điều tra đã được mở. "Những kẻ đó phải trả lời trước tòa án về hành vi của chúng. Đó không phải là trả thù mà là công lý, sự tôn trọng các nạn nhân và gia đình họ. Điều đó cũng giúp khơi gợi lương tâm và thông tin cho thế hệ trẻ về nạn diệt chủng và toàn bộ các tội ác của Đệ Tam đế chế" - Zuroff giải thích.

Ra đời tại Brooklyn, sống tại Israel vào năm 1970, vị giám đốc Trung tâm Simon-Wiesenthal đã có nhiều người tiền nhiệm. Vượt thoát khỏi trại tập trung, "người nắm giữ ký ức" về nạn diệt chủng đó đã bỏ ra hơn 50 năm để tìm kiếm hàng ngàn tên đao phủ Đức quốc xã. Ông qua đời năm 2005. Bên cạnh đó, luật sư - sử gia Serge Klarsfeld và vợ là bà Beate đã truy lùng và đưa ra tòa những kẻ chịu trách nhiệm lưu đày người Do Thái tại Pháp trong thập niên 70 và 80.

Klarsfeld cho biết: "Những tên đao phủ chính đã chết hay bị kết án. Hiện nay chỉ còn lại các đồng lõa thứ yếu đã quá già mà chúng tôi không có các chứng cứ giá trị". Nhưng Zuroff lại không đồng tình với ý kiến đó: "Khi ta bắt được một tên trùm băng đảng, liệu ta có ngừng đuổi bắt những tên thủ hạ không? Nỗi lo sợ của tôi không phải là nạn diệt chủng bị quên lãng mà là lịch sử của nó sẽ bị bóp méo tại một số quốc gia Đông Âu, nơi mà người ta muốn quên đi sự tiếp tay đắc lực của những tên đao phủ địa phương vào guồng máy giết chóc của quốc xã".

Thật nghịch lý là trong cuộc săn lùng không ngơi nghỉ đó, điều khó khăn nhất không phải là tìm ra chúng. Ngoại trừ Aribert Heim, nơi sinh sống của 9 tên khác trong danh sách đều đã được biết. 3 tên sống tại Đức, 1 tại Australia, 1 tại Estonia… Nhưng giai đoạn cuối cùng, tức là đưa chúng ra trước tòa, là một nỗi đau đầu về pháp lý. Quá già, bệnh tật hoặc giả vờ, khó bị dẫn độ, những thủ phạm già cỗi đó biết rằng thời gian đang có lợi cho chúng. Nhất là khi chúng hưởng lợi được từ sự trì trệ hành chính hoặc sự bảo vệ chính trị.

"Việc những kẻ đó có thể chết bình yên trên giường khiến tôi bức xúc, trong khi các nạn nhân của chúng đâu có được một sự kết thúc êm ái như thế. Tôi chống lại án tử hình, nhưng ít ra chúng phải trải qua sự giam cầm. Làm sao chấp nhận được sự bất khả trừng trị của chúng chứ ?" - nhà văn cựu tù nhân Elie Wiesel ở Auschwitz và Buchenwald tuyên bố. Trong quyển sách mới nhất "Trường hợp Sonderberg" của mình, Wiesel nêu ra một cựu sĩ quan SS di dân sang Mỹ bị chính cháu trai của mình xét xử.  

Về vấn đề bất khả trừng trị, một trong những trường hợp đáng nhớ nhất là Milivoj Asner, 95 tuổi, người Croatia, đứng thứ 4 trong danh sách. Hắn chịu trách nhiệm về việc lưu đày hàng trăm người Do Thái, Serbia, Dzigan vào năm 1941-1942, và đã tị nạn sang Áo năm 2004. Croatia muốn xét xử hắn, Interpol đã ban lệnh truy nã quốc tế.

Vào ngày 10-6-2008, trong giải bóng đá  Euro, Asner đã bị một phóng viên nhận ra trên đường phố Klagenfurt. Hắn đang tay trong tay với bà vợ để ăn mừng chiến thắng của đội tuyển Croatia cùng với các cổ động viên.

Dù bị nhận diện, Asner vẫn nhận được sự hậu thuẫn của thủ lĩnh cánh hữu Jorg Haider, lúc ấy là thống đốc bang Carinthia. "Ông ta sống yên lành giữa chúng tôi từ nhiều năm nay. Chúng tôi rất quý mến gia đình đó". Efraim Zuroff đã gặp Bộ trưởng Tư pháp Áo để yêu cầu tái điều tra về trường hợp của Asner. Yêu cầu được chấp nhận, nhưng đến khi nào?

Trong khi chờ đợi, Zuroff càng cố gắng hơn. Ngày 12-9-2008, ông đến Belgrade để gặp Bộ trưởng Tư pháp Serbia, và ông này cũng xác nhận rằng đang yêu cầu dẫn độ Milivoj Asner. Nếu một ngày nào đó Asner bị kết án, Zuroff biết rằng những người Croatia theo chủ nghĩa quốc gia thề sẽ trả thù cho hắn. Từ đầu cuộc tranh đấu, Zuroff đã đưa ra tòa 12 tên tội phạm quốc xã. "Hơn 60 năm sau, thật khó để chứng minh tội lỗi của chúng trước tòa án. Vì không có chứng cứ viết tay nên các nhân chứng phải nhớ lại từng chi tiết thật chính xác" - sử gia Đức Claudia Moisel ở Đại học Munich cho biết.

Erna Wallisch là nhân vật đứng thứ 8 trong danh sách những tên tội phạm phát xít của Trung tâm Simon Wiesenthal. Có công phát hiện ra Wallisch là nhà sử học nổi tiếng tại Anh Guy Walters, người đã bỏ ra rất nhiều năm sưu tầm tài liệu để viết cuốn sách có tên "Hungting Evil" (Săn lùng tội ác).

Đây là nữ đao phủ khét tiếng tàn ác ở trại tập trung tù nhân nữ tại Ravensbruck. Sau một quá trình tìm tòi và điều tra, Walters đã rất ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng, nữ đao phủ này đang sống tự do ngay tại thủ đô Vienna của Áo. Rất nhiều nhân chứng may mắn sống sót sau nhiều năm trong trại tập trung đều gọi Wallisch là "một con quỷ khát máu thực sự", kẻ đã trực tiếp dính líu vào cái chết của hàng ngàn tù nhân vô tội. Theo họ, Wallisch đã sử dụng mọi hình thức bạo lực và đe dọa đối với những phụ nữ và trẻ em vốn yếu đuối về tâm lý và cả thể lực.

Sau khi biết được về phát hiện trên của Guy Walters, Efraim Zuroff đã không ít lần gửi đơn tới Bộ Tư pháp Áo đề nghị bắt giữ Erna Wallisch. Tuy nhiên, các quan chức đại diện của chính phủ sở tại tuyên bố rằng, những tội ác của Wallisch không còn được tính tới do đã quá thời hạn truy nã hình sự theo quy định. Vấn đề chính là ở chỗ, có quá nhiều người tại Áo cho rằng, những sự kiện từ giữa thế kỷ trước chỉ nên để tồn tại trong các trang sách lịch sử. Đó là chuyện không chấp nhận được. Erna Wallisch không phải là lịch sử.

Thời gian rất cấp bách. Trong 4 hay 5 năm nữa, chiến dịch "Cơ may cuối cùng" sẽ kết thúc và những tên tội phạm quốc xã sẽ biến mất vĩnh viễn. "Từ đây đến lúc lúc đó, chúng tôi có nghĩa vụ phải thực hiện những sứ mệnh tưởng như bất khả thi để tóm lấy chúng" - Zuroff nhấn mạnh.

Minh Luân – Quang Hiếu (theo L'Express)
.
.