“Đạo luật Yêu nước” có làm nước Mỹ an toàn hơn?

Thứ Ba, 31/10/2017, 13:16
Cách đây 16 năm, vào ngày 26-10-2001 - một đạo luật chống khủng bố mang tên Đạo luật Yêu nước (Patriot Act) - được Tổng thống Mỹ George W. Bush ký ban hành chính thức sau khi nước Mỹ hứng chịu vụ khủng bố kinh hoàng ngày 11-9.

Đạo luật này- có điều khoản 215 cho phép Cơ quan An ninh quốc gia NSA thu thập dữ liệu điện thoại của các công dân Mỹ nhằm đối phó với những mối đe dọa khủng bố - đã bị chỉ trích mạnh mẽ kể từ khi cựu nhân viên Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden tiết lộ các bí mật về chương trình này.

Đạo luật thay đổi nước Mỹ

“Ngày hôm đó (11-9-2001) đã thay đổi tất cả chúng ta. Nó đã thay đổi nước Mỹ, thay đổi cả thế giới”- Andrew Card, Chánh văn phòng Nhà Trắng dưới thời cựu Tổng thống Mỹ George Bush kể lại với đài NBC.

Trong ngày định mệnh đó, ông là người chuyển tin tức “biểu tượng của New York” bị tấn công cho Tổng thống Bush, khi tổng thống đang có mặt tại một trường tiểu học ở bang Florida tham dự hoạt động đọc sách cho các em học sinh. Cựu tổng thống Mỹ George W. Bush sau này cho biết, trừ đám cưới con gái, vụ khủng bố 11-9 là sự kiện sâu sắc nhất trong cuộc đời ông.

Vẻ căng thẳng hiện rõ trên gương mặt Tổng thống Bush và các quan chức an ninh cấp cao trong phòng họp của Trung tâm các hoạt động khẩn cấp ngay sau khi nghe tin nước Mỹ bị tấn công ngày 11-9-2001.

Lúc đầu, tin về tòa tháp phía bắc Trung tâm thương mại Thế giới (WTC) bị tấn công, ông nghĩ đó chỉ là một “tai nạn” nhưng sau nghe khi tin báo về chiếc máy bay dân sự thứ hai đâm vào tháp phía nam WTC từ Chánh văn phòng, ông bàng hoàng nhận ra Hoa Kỳ đang bị tấn công. Chủ nghĩa khủng bố khiến nước Mỹ chợt bừng tỉnh và cay đắng nhận ra rằng, họ đang phải đối đầu với chủ nghĩa cực đoan mà bất chấp khoảng cách địa lý xa xôi, người Mỹ cũng không cách nào thoát được.

Ngay sau vụ khủng bố, Luật An ninh nội địa đã được Quốc hội Mỹ thông qua và cùng với nó, Bộ An ninh Nội địa ra đời, một trong những thay đổi lớn nhất trong cơ cấu chính phủ Mỹ kể từ Thế chiến thứ II. Đến ngày 26-11, “Đạo luật Yêu nước” (The USA Patriot Act, viết tắt của Uniting and Strengthening America by Providing Appropriate Tools Required to Intercept and Obstruct Terrorism - Đoàn kết và Tăng cường sức mạnh của nước Mỹ bằng cách cung cấp công cụ phù hợp và cần thiết để ngăn chặn khủng bố) - chính thức được ban hành. Mục đích của Đạo luật này - theo lời ông Bush - là nhằm “tăng cường các hình phạt dành cho bọn khủng bố hay bất cứ ai giúp chúng, tăng cường khả năng chia sẻ thông tin giữa các cơ quan tình báo và dỡ bỏ các hạn chế đối với việc giám sát thông tin liên lạc”.

Còn các quan chức thực thi pháp luật thì có nhiệm vụ ngăn chặn các chương trình hoạt động tài chính trá hình, buôn lậu và rửa tiền nhằm tài trợ khủng bố. Đạo luật Yêu nước sẽ thay thế tất cả các luật tiểu bang.

Từ đây, Cơ quan An ninh quốc gia (NSA) được quyền nghe lén điện thoại và bí mật kiểm tra các liên lạc thư tín của những người bị tình nghi có liên quan đến khủng bố. Hiếm có khi nào quyền tự do của người dân Mỹ bị xâm phạm nhiều đến thế. Định nghĩa mở rộng của Đạo luật Yêu nước về chủ nghĩa khủng bố cũng cho phép Cơ quan Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) có thêm quyền truy cập thông tin cá nhân như hồ sơ y tế và tài chính. Thế giới sau ngày 11-9 là một thế giới mà vấn đề an ninh tại các sân bay được thắt chặt tối đa, giới hữu trách truy lùng mọi vũ khí nơi công cộng và cảm giác lo lắng lan truyền trong công chúng về một cuộc tấn công tiếp theo.

Từ “khủng bố” dần biến thành từ cửa miệng không chỉ với người Mỹ mà còn cả với tất cả người dân toàn cầu. Al-Qaeda và Osama Binladen trở thành những cái tên gieo rắc sự khiếp đảm trên toàn thế giới.

Nhưng người Mỹ không lâu sau đã nhận ra Đạo luật Yêu nước đã trao cho các cơ quan hành pháp quá nhiều quyền để điều tra đời tư của người dân Mỹ - một nỗi sợ hãi chưa từng thấy kể từ thập niên 1960 và 1970, khi người Mỹ rầm rộ xuống đường biểu tình vì phát hiện FBI tiến hành các chiến dịch nghe trộm, thâm nhập vào các nhóm chống chiến tranh và các nhóm hoạt động vì dân quyền.

Trên thực tế, văn kiện này đã giới hạn đáng kể một số quyền tự do công dân nhân danh cuộc chiến chống khủng bố. Tháng 6-2004, Tòa án tối cao Mỹ quyết định các tù nhân bị Mỹ giam giữ trong các nhà tù như Guantanamo cũng có quyền kiện lại việc họ bị bắt giữ dựa vào tinh thần của “Đạo luật yêu nước. Phán quyết này được coi như một thất bại của nỗ lực sử dụng nhiều quyền hạn hơn để chống lại “các tay súng thù địch của chính quyền Mỹ” sau sự kiện 11-9.

Ngày 29-9-2004, một tòa án liên bang Mỹ đã thừa nhận: Trong các điều khoản của “Đạo luật yêu nước” về các biện pháp đấu tranh chống khủng bố “không phù hợp với Hiến pháp Mỹ”. Đơn kiện đã được “Hiệp hội Mỹ vì quyền tự do công dân” đệ trình chống lại Bộ Tư pháp Mỹ.

Tổng thống George W. Bush ký ban hành Đạo luật Yêu nước ngày 26-10-2001.

Các nhà bảo vệ nhân quyền Mỹ khẳng định: FBI không có quyền yêu cầu các công ty trưng ra những hồ sơ tài chính mật, vì điều đó là vi phạm bí mật kinh doanh. Thẩm phán Victor Marreo đồng tình với các lý lẽ của nguyên đơn, nhận xét rằng phần đã nêu trong Đạo luật Yêu nước khiến các công ty không được quyền than phiền về các hoạt động của FBI lên tòa án.

Thế nhưng, tháng 3-2006, sau khi phê chuẩn gia hạn Đạo luật Yêu nước, Tổng thống Bush tiếp tục làm trầm trọng hơn những tranh cãi khi đưa ra một tuyên bố cho phép miễn thực hiện hoặc không cần tuân thủ một sô ëđiều khoản nhất định trong đạo luật này.

Phơi bày những “góc tối” của NSA

Tháng 6-2013, Edward Snowden, một thanh niên trẻ người Mỹ đã trở thành tâm điểm chú ý của cả thế giới bằng việc công bố về chương trình giám sát toàn cầu của NSA. Theo đó, toàn bộ hệ thống máy chủ của các tập đoàn truyền thông lớn như Verizon, Microsoft, Google, Facebook, Apple, Yahoo, PalTalk, Skype, YouTube… đã bị NSA Mỹ trực tiếp xâm nhập nhằm kiểm tra các đoạn phim, ảnh, tư liệu của người sử dụng, kể cả công dân Mỹ và công dân các nước khác trên thế giới.

Chương trình này được NSA gọi tên là “PRISM” và bắt đầu tiến hành từ năm 2007. Quy trình hoạt động của PRISM là: Các công ty cung cấp các dịch vụ trên nhận lệnh trực tiếp từ Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ, buộc phải trao quyền truy cập máy chủ và mọi dữ liệu, thông tin liên lạc mỗi ngày được chuyển tới các đơn vị công nghệ của FBI rồi chuyển tiếp đến NSA. Từ đó, thông tin sau khi được xử lý và xây dựng thành các báo cáo tình báo gửi đến cho Tổng thống Mỹ.

NSA đảm trách việc thu thập và xử lý “luồng thông tin chuyển động”.

Được các chuyên gia đánh giá là tổ chức gián điệp kỹ thuật số quyền lực nhất thế giới, NSA dùng các siêu máy tính, các nhà ngôn ngữ học và các nhà toán học chuyên bẻ khóa để giám sát mọi hoạt động giao dịch điện tử. Việc Edward Snowden công bố những thông tin về NSA và những chương trình do thám của cơ quan này thực sự đã trở thành một quả bom chấn động cả thế giới. Cũng từ “vụ tiết lộ tin mật lớn nhất đầu thế kỷ XXI” của Edward Snowden, công luận mới có dịp nhìn vào những “góc tối” của Cơ quan An ninh Mỹ.

Được thành lập sau Thế chiến II nhằm tránh bị tấn công bất ngờ kiểu như vụ Trân Châu Cảng, với dịch vụ bẻ mã là trung tâm, Tổng thống Harry Truman đã thành lập NSA theo một chỉ thị bí mật vào năm 1952, cho phép cơ quan này tự do theo dõi Liên bang Xôviết và lần theo các liên lạc ra và vào nước Mỹ.

Nhân viên của cơ quan bí mật này sẽ khai báo họ làm việc ở Bộ Quốc phòng, vì vậy mà NSA còn có biệt danh là “No Such Agency” (Không có cơ quan nào) hay “Never Say Anything” (Không bao giờ nói gì). Trong khi CIA thiên về hoạt động tình báo sử dụng con người, thì NSA đảm trách thu thập và xử lý “luồng thông tin chuyển động” được truyền qua cáp viễn thông hoặc qua sóng radio.

NSA không chỉ phụ trách toàn bộ “thông tin tình báo tín hiệu”, mà người đứng đầu cơ quan này còn đứng đầu Bộ chỉ huy Mạng của quân đội, chịu trách nhiệm chiến tranh điện tử. Chính vì vậy NSA đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an toàn cho các mạng máy tính trước các cuộc tấn công mạng.

Theo cuốn sách “Top Secret America” của hai nhà báo Dana Priest và William Arkin, ngân sách cho cơ quan này đã tăng gấp đôi kể từ sau vụ tấn công khủng bố 11-9-2001. Trong những năm đầu sau khi Đạo luật yêu nước được ban hành, NSA thực hiện chương trình có tên gọi “Shamrock”, ngăn chặn tới 150.000 thông tin điện tín trong vòng một tháng, với sự giúp đỡ của các công ty của Mỹ.

8 năm sau, theo “Top Secret America”, mỗi ngày NSA chặn hơn một tỷ thư điện tử, cuộc gọi điện thoại và các dạng liên lạc khác. Để lưu giữ được một lượng dữ liệu khổng lồ trên, NSA đang xây dựng một trung tâm lưu trữ lớn ở sa mạc Utah, với trị giá 2 tỷ USD. Nơi đây được ví von là một “bầu trời máy tính” cho NSA.

Bình cũ rượu pha?

Sau hàng loạt vụ bê bối liên quan đến chương trình do thám của NSA, ngày 1-6-2015, chương trình thu thập dữ liệu điện thoại, điện tín, theo dõi các giao thức liên lạc viễn thông của NSA đã phải chấm dứt sau khi các thượng nghị sĩ Mỹ từ chối gia hạn “Đạo luật Yêu nước”. Nhưng nỗ lực của chính quyền Mỹ thời Tổng thống Barack Obama nhằm chấn chỉnh hoạt động của các cơ quan do thám và thực thi pháp luật đã đạt được bước tiến quan trọng.

Ngày 3-6, Thượng viện Mỹ bỏ phiếu thông qua “Đạo luật nước Mỹ Tự do” (USA Freedom Act) với 67 phiếu thuận và 32 phiếu chống, Tổng thống Barack Obama đã ký ban hành luật mới này. “Đạo luật nước Mỹ Tự do” chấm dứt các hoạt động thu thập khối lượng lớn dữ liệu điện thoại của công dân và khép lại chương trình theo dõi gây tranh cãi lớn nhất do NSA tiến hành, đồng thời cũng cho phép các chương trình an ninh quốc gia then chốt có hiệu lực trở lại sau một thời gian ngắn bị đình chỉ.

Thượng nghị sĩ kỳ cựu của đảng Dân chủ Patrick J. Leahy, người đồng bảo trợ “Đạo luật nước Mỹ Tự do” tại Quốc hội Mỹ tuyên bố, đây là cải cách đáng kể nhất trong hoạt động do thám của Chính phủ kể từ năm 1978. Các nhóm dân sự ủng hộ đạo luật này cho rằng, việc Thượng viện thông qua đạo luật nhằm thu hẹp hoạt động do thám trên diện rộng của Chính phủ cho thấy thực tế người Mỹ không chấp nhận việc “thả nổi” hoạt động nghe lén của các cơ quan an ninh và thực thi pháp luật.

Tuy nhiên, David Segal, Giám đốc tổ chức đấu tranh vì nhân quyền Demand Progress nhận định, việc Thượng viện Mỹ thông qua “Đạo luật nước Mỹ Tự do” không có nghĩa sẽ chấm dứt các hoạt động do thám quy mô lớn.

Quang Hiếu (tổng hợp)
.
.