Đền Abu Simbel và Hoàng hậu bí ẩn nhất trong lịch sử Ai Cập cổ đại

Thứ Năm, 11/01/2018, 15:48
Abu Simbel là một ngôi đền nằm cách thành phố cổ Aswan 280 km về phía nam. Du khách nước ngoài ngày nay muốn đến Abu Simbel cần có sự hộ tống của cảnh sát.

Hoàng hậu Nefertari, còn có tên khác là Nefertari Meritmut, là người vợ đầu tiên trong số các hoàng hậu chính thức của Rameses II Đại đế (năm 1303 - 1213 trước Công nguyên, ANTG đã có bài đề cập). Đáng chú ý nhất, do rất được chồng yêu thương và coi trọng nên Nefertari là người phụ nữ duy nhất được Rameses II Đại đế xây tượng đặt ngang với tượng của mình ở các đền thờ - đây là điều không hề xảy ra đối với các vị tiên vương Ai Cập.

Hoàng hậu nổi tiếng nhất Ai Cập

Nefertari có nghĩa là “bạn đồng hành xinh đẹp” và Meritmut có nghĩa là “người được (nữ thần) Mut yêu thương”. Bà là một trong những hoàng hậu nổi tiếng nhất của Ai Cập, bên cạnh Cleopatra, Nefertiti và Hatshepsut. Tương truyền, bà có học vấn cao và có khả năng đọc và viết chữ tượng hình, một kỹ năng rất hiếm có vào thời đó nên trong các sứ mệnh ngoại giao được Rameses II Đại đế giao phó, Nefertari đều vận dụng các kỹ năng này.

Đền Abu Simbel với 4 bức tượng Pharaoh khổng lồ ở phía trước.

Không chỉ là một vật trang sức ở hậu cung, Nefertari là chính cung được Rameses II Đại đế sủng ái nhất, hơn hẳn tất cả những người vợ khác. Các văn kiện lịch sử cổ đại Ai Cập viết rằng, Nefertari còn được xem như là một người được các vị thần phối ngẫu để làm vợ của Rameses II Đại đế, là người đại diện cho các vị thần ở thế gian. Hoàng hậu Nefertari qua đời vào khoảng năm 1250 trước Công nguyên (TCN).

Với quyền lực và sức ảnh hưởng như vậy, dễ hiểu là các hoàng hậu Ai Cập thường xưng mình có mối liên hệ với những thần linh đã ban cho Ai Cập quyền lực thần bí và sự trù phú. Trong các bức vẽ hoàng hậu Nefertari, bà được vẽ đội khăn lên đầu, hoa tai hình rắn hổ mang để đồng hóa bà với Nekhbet - nữ thần diều hâu của Thượng Ai Cập và Wadjit-nữ thần rắn hổ mang của Hạ Ai Cập.

Do vậy, hoàng hậu Nefertari tượng trưng cho vương quốc thống nhất và các thần linh bảo vệ Ai Cập. Là vợ chính của vua và bảo bọc người kế thừa quốc vương, hoàng hậu Ai Cập nắm trong tay tương lai của vương quốc. Dù có vị thế như thế nào nhưng Nefertari vẫn phải chịu cảnh chồng chung vì Rameses II Đại đế có rất nhiều vợ thứ, trong số đó có vài công chúa ở xứ khác và cả em gái của ông (hôn nhân huyết thống là điều thường thấy trong hoàng gia Ai Cập).

Abu Simbel là một ngôi đền nằm cách thành phố cổ Aswan 280 km về phía nam. Du khách nước ngoài ngày nay muốn đến Abu Simbel cần có sự hộ tống của cảnh sát. Không phải chỉ trong những giai đoạn bất ổn, chính phủ Ai Cập còn áp dụng quy định ngay cả trong lúc bình thường, để đảm bảo an toàn cho du khách đến với “thánh địa” Abu Simbel tọa lạc ở vùng hẻo lánh, chỉ cách biên giới Sudan 14 km về phía nam.

Trị vì Ai Cập từ năm 1279-1213 TCN, Rameses II Đại đế đã cho xây dựng các công trình dọc theo sông Nile để ghi dấu những chiến công của mình, trong đó có công trình nổi tiếng - đền Abu Simbel. Ngôi đền được khởi công xây dựng ngay khi triều đại Rameses II bắt đầu, thi công và hoàn tất trong khoảng thời gian 24 năm, tức năm 1265 TCN. Công trình được xây dựng để thờ ba vị thần nổi tiếng của Ai Cập cổ đại: thần sáng tạo Ptah (thần của các vị thần), Amun-Re (thần Mặt trời), Re-Harakti (thần bổn mạng của Pharaoh), đồng thời thờ cả chính Rameses II ngay khi ông vẫn còn đang sống và tại vị.

Những phần chân xác ướp được tìm thấy trong ngôi mộ của Hoàng hậu Nefertari.

Đền được tạo tác ngay trực tiếp trên các khối đá sa thạch, ban đầu ở dạng thô rồi các kiến trúc sư mới hoàn thiện theo quy chuẩn xây dựng kim tự tháp và lăng mộ ở Thung lũng các vị vua. Ấn tượng nhất là ở chính giữa cửa ra vào đền, Rameses II đã cho xây dựng 4 bức tượng khổng lồ cao 22m. Tất cả đều được tạc từ hình tượng nguyên bản của ông, đội vương miện đôi Atef tượng trưng cho Pharaoh của cả xứ Ai Cập thời đó. 10 năm sau khi được xây dựng xong, một trận động đất lớn xảy ra và bức tượng thứ hai bên trái bị sập mất phần thân trên, rơi xuống ngay phía chân của ngôi đền.

Từ lối vào đến nơi sâu nhất của đền dài tới khoảng 70m. Cấu trúc càng vào trong càng hẹp dần, theo phương thức xây dựng các ngôi đền cổ xưa. Hành lang đầu tiên gồm 8 pho tượng thần Osiris khổng lồ. Đây là vị thần cai quản địa ngục và tượng trưng cho cái chết. Sâu bên trong hành lang thứ hai có rất nhiều bức phù điêu, những hình vẽ cũng như chữ tượng hình, thuật lại những chiến công lẫy lừng của Rameses II Đại đế như chống lại quân Hitttite, chiến thắng tại Nubia, Lybia…Nét chạm khắc tinh xảo hầu như vẫn nguyên vẹn qua hàng nghìn năm.

Ngôi đền thứ 2 của Abu Simbel, cách đền lớn khoảng 100m về phía đông bắc, thờ Hathor và hoàng hậu Nefertari. Đây là lần thứ 2 trong lịch sử của Ai Cập cổ đại, một vị hoàng hậu được xây dựng đền thờ sau người đầu tiên là hoàng hậu Nefertiti - vợ Pharaoh Akhenaten.

Giải tỏa những nghi vấn

Khi tìm ra mộ của hoàng hậu Nefertari vào năm 1904, các nhà khảo cổ Ai Cập đã vô cùng kinh ngạc trước những di vật cổ xưa, trong đó có 3 phần chân xác ướp. Ba phần chân xác ướp trên hiện được bảo quản tại Bảo tàng Ai Cập ở thành phố Turin, Italy.

Tất cả được quấn trong vải lanh dùng trong ướp xác. Phần chân có kích thước dài nhất trong số này có chiều dài 30 cm, bao gồm các phần của xương đùi, xương bánh chè và một phần xương chày.

Tường lăng mộ vẽ Hoàng hậu Nefertari.

Kết quả nghiên cứu cho thấy những phần chân xác ướp trên thuộc về một phụ nữ trung niên tầm 40 - 60 tuổi khi qua đời, cao khoảng 1,65m và có nhiều khả năng bị viêm khớp. Với kết quả kiểm tra này, nó khá phù hợp với những dữ liệu mà hậu thế được biết về hoàng hậu Nefertari bởi lẽ, Nefertari qua đời trong khoảng từ 40 - 50 tuổi. Dựa vào kích thước của xương chân, các nhà nghiên cứu ước tính hoàng hậu Nefertari cao khoảng 1,65 - 1,68m - phù hợp với kích thước đôi dép mà các chuyên gia tìm thấy trong ngôi mộ.

Kết quả xác định niên đại bằng carbon phóng xạ cho thấy người được ướp xác này sinh sống trong khoảng thời gian từ năm 1607 - 1450 TCN. Hoàng hậu Nefertari được cho có độ tuổi ngang với chồng. Vị hoàng hậu Ai Cập này sinh vào khoảng năm 1303 TCN. Điều này làm dấy lên nghi vấn những phần chân xác ướp trên không thuộc về Nefertari. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định 3 phần chân xác ướp trên có thể bị nhiễm trầm tích hoặc các tác nhân khác khiến niên đại thực sự của phần chân xác ướp có sự sai lệch.

Joann Fletcher, tới từ Đại học York, Anh, đồng tác giả nghiên cứu, nhận xét: “Nhiệm vụ chính của bà là xuất hiện bên cạnh Rameses II Đại đế trong các sự kiện trước công chúng. Tuy nhiên, tôi cho rằng hoàng hậu còn có sức mạnh thầm lặng phía sau ngai vàng. Thung lũng Nữ hoàng, thung lũng các vị vua và các ngôi mộ quý tộc khác trong khu vực đã trải qua một chiều dài lịch sử. Nhiều ngôi mộ, nơi chôn cất được tái sử dụng sau này. Các trận lũ cũng có thể quét qua đây mang theo nhiều vật thể vào trong mộ. Vì thế, những hiện vật tìm thấy ở đây không nhất định thuộc về chủ nhân được miêu tả trên các bức bích họa”.

Để giải quyết nghi vấn này, Fletcher và nhóm nghiên cứu quốc tế đã tiến hành nhiều thí nghiệm trên hài cốt đang được lưu giữ tại Bảo tàng Ai Cập ở Turin, Italy, trong đó có phương pháp xác định tuổi bằng cacbon phóng xạ, chụp X-quang chân, so sách đầu gối với mẫu vật cổ đại, hiện đại và kiểm tra thành phần hóa học trong chất ướp xác. 

Ngôi đền thờ Hoàng hậu Nefertari

“Các chuyên gia đã nghiên cứu cách chăm sóc, vải bọc và các vật liệu sử dụng cho phần chân xác ướp. Các yếu tố đó cho thấy nó thuộc về một người phụ nữ khoảng 40-50 tuổi, có địa vị xã hội cao”- Fletcher nói. Cùng với kết quả phân tích thành phần hóa học của chất ướp xác và nhiều vật thể tìm thấy trong mộ, các nhà nghiên cứu xác định đôi chân là của hoàng hậu Nefertari.

Trong các năm 1902 và 1971, hai công trình đập khổng lồ là đập Aswan và đập High ra đời tại thành phố Aswan, phía nam Ai Cập. Dưới chân những con đập này, một hồ nhân tạo lớn nhất thế giới có tên Nasser cũng hình thành với diện tích 5.250 km², dài 510 km, rộng từ 5-35 km.

Các công trình này đem lại rất nhiều lợi ích cho người dân Ai Cập thời bấy giờ: Diện tích đất canh tác tăng lên 30%, lượng điện năng sản xuất ra cho đất nước cũng tăng gấp đôi trước đó. Tuy nhiên, một vùng rộng lớn có nguy cơ vĩnh viễn nằm sâu dưới đáy hồ. Chính phủ Ai Cập, với sự trợ giúp của UNESCO, đã giải cứu ngoạn mục cụm đền Abu Simbel, để hậu thế có cơ hội chiêm ngưỡng một tác phẩm điêu khắc khổng lồ nghìn năm tuổi.

Theo số liệu ghi ở phòng trưng bày ngôi đền, toàn bộ cụm đền trước đây đã bị cắt ra thành 800 phiến đá, mỗi phiến nặng 20 tấn. Chi phí cho quá trình này là 40 triệu USD, cộng thêm bốn năm làm việc vất vả kể từ năm 1964 đến năm 1968 đã cứu thoát một di sản thế giới có nguy cơ nằm vĩnh viễn dưới đáy hồ.

Khi viếng thăm hai ngôi đền khổng lồ tại Abu Simbel, ta có thể dễ dàng nhận ra những vết cắt thẳng tắp xuất hiện khắp nơi trong các căn phòng, bức tượng, cột đỡ. Đó là dấu vết còn lại sau khi người ta cắt nhỏ cụm đền, đưa đến vị trí cao hơn 65m so với ban đầu - chính là hòn đảo nhân tạo - nơi ngày nay du khách có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của Abu Simbel.

Hiếu Thảo (tổng hợp)
.
.