Điệp viên phát xít Đức tạo cầu nối quan hệ tình báo Anh-Mỹ

Thứ Năm, 15/09/2016, 20:00
Jessie Jordan là một nữ gián điệp của Đức Quốc xã tại Anh, trong giai đoạn thập niên 30 thế kỷ XX. Theo lời kể của tiến sĩ Jeffrey, Jessie không có trình độ gián điệp chuyên nghiệp mà chỉ hoạt động mang tính chất nghiệp dư, với tư cách là một chỉ điểm viên.

Là con của một người hầu giúp việc nhà, Jessie hành nghề thợ uốn tóc ở thành phố Dundee, Scotland. Bà làm chủ một tiệm uốn tóc trên phố Kinloch, Dundee, nhưng đóng vai là trung gian giao dịch giữa các điệp viên đến từ New York (Mỹ) và Hamburg (Đức) thông qua việc moi thông tin từ các điệp viên Mỹ và chuyển cho cơ quan tình báo Đức trong những chuyến đi về Đức thăm chồng.

Từ trước đến nay các sử gia vẫn cho rằng, sở dĩ Jessie theo phe Đức Quốc xã và chấp nhận làm việc cho họ là bởi vì bà muốn cho chồng và con gái mình được chính thức công nhận là dân thuần chủng Aryan (người Đức thuần chủng theo học thuyết của Đức Quốc xã) - điều mà trước đó bà không được công nhận do việc khai sinh không rõ ràng.

Bà Jessie Jordan.

Về nghiệp vụ, Jessie được xem là một điệp viên cấp thấp. Bên cạnh việc xử lý thư từ từ Mỹ gửi đến, bà còn tổ chức thu thập và vẽ bản đồ hệ thống phòng thủ duyên hải từ Montrose đến Bắc Berwick, và dự định trao nó cho người Đức. Tuy nhiên, hành động mờ ám nhưng vụng về của Jessie đã gây chú ý cho một đồng nghiệp của bà. Qua quá trình theo dõi, người này phát hiện ra bản đồ của Jessie và báo cảnh sát.

Jessie không hề hay biết mình bị theo dõi và vẫn liên lạc bình thường với trung tâm tình báo ở Đức. Một trong những thư tín liên lạc như thường lệ của Jessie có ghi địa chỉ nơi ở của bà đã giúp cảnh sát xác định hành tung của bà, đồng thời qua đó đã lần ra mạng lưới các điệp viên phát xít Đức khác hoạt động bí mật ở Mỹ. Ngay lập tức, qua sự phối hợp chia sẻ thông tin của tình báo Anh, Cục Điều tra liên bang (FBI) - cơ quan phản gián nội địa của Mỹ - đã nhanh chóng triệt phá mạng lưới tình báo Đức ở New York.

Đây được xem là lần đầu tiên trong lịch sử tình báo Anh và tình báo Mỹ phối hợp công tác với nhau. Ngày Jessie bị bắt cũng là ngày các điệp viên Đức trong mạng lưới ở New York bị đưa ra xét xử.

Khi làm việc cho tình báo Đức, bà Jessie được trả thù lao bằng những tờ 5 bảng Anh thời đó, tương đương tờ 100 bảng ngày nay. Số xê-ri ghi trên tờ giấy bạc cho phép nhà chức trách dễ dàng truy ra ngân hàng ở Hà Lan nơi người Đức rút tiền để trao cho bà Jessie. Tiến sĩ Jeffrey nhận định: "Bà ấy (Jessie) chưa phải là một điệp viên chuyên nghiệp, và chỉ được huấn luyện làm nghề gián điệp trong một tuần lễ. Bà đã để lại một loạt dấu vết làm bằng chứng, do đó đã dễ dàng bị phát hiện.

Câu chuyện kỳ thú của bà đã từng trở thành một đề tài được hãng phim Warner Brothers dựng thành một bộ phim ăn khách mang tên Confessions of a Nazy Spy (Điệp viên phát xít), phát hành vào năm 1939. Đây là bộ phim đầu tiên của điện ảnh Mỹ công khai chống phát xít Đức trong giai đoạn trước Chiến tranh Thế giới lần II, đánh dấu sự thay đổi lớn trong quan điểm của Mỹ đối với chế độ Quốc xã ở Đức.

T. Khang (theo The Guardian)
.
.