Điệp vụ bất thành của tình báo Mỹ với tỷ phú Nga

Thứ Ba, 25/09/2018, 14:44
Trong giai đoạn từ năm 2014-2016, tức là trước và sau khi tỉ phú Donald Trump quyết định tranh cử Tổng thống Mỹ 2016, Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã bắt đầu tìm kiếm một “nguồn tin” từ nội bộ nước Nga để tạo cơ sở cho hồ sơ điều tra về việc ông Trump có quan hệ với nước Nga nhằm ngăn cản ông ra ứng cử.

Và họ đã phát hiện tỉ phú Nga Oleg Deripaska, lúc đó đang bị các tòa án ở Anh và Mỹ điều tra vì một số cáo buộc liên quan đến tham nhũng, hối lộ.

Bên cạnh đó, FBI nhận thấy tỉ phú Deripaska có thể trở thành một “nguồn tin” chỉ điểm từ trong nội bộ nước Nga bởi ông này là một trong số ít các tỉ phú giàu nhất nước Nga có quan hệ gần gũi với Điện Kremlin. Vì vậy FBI muốn lợi dụng những khó khăn pháp lý để ép buộc Deripaska chấp nhận làm chỉ điểm cho họ. Và Deripaska không là trường hợp duy nhất.

Tỉ phú Oleg Deripaska và Christopher Steele.

Theo tờ New York Times, với sự hỗ trợ của CIA và các cơ quan tình báo khác, FBI đã tiến hành một chương trình đầy tham vọng là chiêu dụ các tỉ phú giàu nhất nước Nga có mối quan hệ với Điện Kremlin nhằm biến họ thành những điệp viên nội gián, ban đầu là nhằm khai thác thông tin về tội phạm có tổ chức ở Nga và việc nước Nga có can thiệp vào bầu cử ở Mỹ hay không, và sau đó là những thông tin khác từ bên trong Điện Kremlin. Kế hoạch chiêu dụ bất thành do tỉ phú Deripaska phản đối cách nhìn của FBI về các vấn đề vừa nêu.

Sự đổ vỡ của kế hoạch chiêu dụ tỉ phú Nga đã được báo chí Mỹ đưa tin rộng rãi cách đây vài tháng, gây nên cơn địa chấn lan khắp chính trường Mỹ. Vụ đổ bể đã giúp cho Tổng thống Trump có thêm cơ sở để tăng cường chiến dịch đả phá cuộc điều tra của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller nhắm vào ông, củng cố lập luận rằng hiện đang có một âm mưu lớn của một thế lực “nhà nước ngầm” nhằm phá hỏng chiếc ghế Tổng thống và lật đổ ông.

Hai người đóng vai trò chính trong kế hoạch chiêu dụ tỉ phú Nga là Bruce G. Ohr, quan chức Bộ Tư pháp Mỹ, và cựu điệp viên MI6 Christopher Steele, người tạo dựng hồ sơ về ông Trump năm 2016. Ohr và Steele gặp nhau lần đầu vào năm 2007, khi đó Steele còn là điệp viên MI6. Hai người đã hợp tác với nhau trong nhiều vụ việc. Steele từng có thời gian làm việc tại Moscow, đã tạo được quan hệ với một số người Nga, vì thế là người đóng vai trò trung gian trong các cuộc tiếp xúc giữa các đặc vụ Mỹ với các tỉ phú Nga mà họ muốn chiêu dụ.

Từ khoảng giữa năm 2014, Ohr và Steele đã bắt đầu thực hiện một cuộc điều tra về ông Trump – khi đó được đánh giá là ứng cử viên tiềm năng nhất. Trong các cuộc thảo luận giữa Ohr và Steele về việc xây dựng hồ sơ tình báo về ông Trump, hai ông thường xuyên nhắc đến Deripaska như một nhân tố quan trọng để cung cấp nguồn thông tin.

Xin nói thêm về ông Deripaska. Tỉ phú Nga không là người xa lạ với giới kinh doanh cũng như giới chức an ninh và tình báo Mỹ. Làm giàu từ ngành công nghiệp luyện kim và năng lượng ở Nga, Deripaska mở rộng thị trường sang Mỹ và đã có một cơ ngơi tại thành phố New York, Mỹ. Đồng thời, ông cũng là “người quen” cũ của FBI.

Trong hai năm 2008-2009, ông này đã tham gia giúp FBI giải cứu đặc vụ tên là Robert Levinson, bị chính quyền Iran bắt giữ vào năm 2007 khi đang giúp CIA thực hiện một nhiệm vụ tình báo bên trong lãnh thổ Iran.

Giám đốc FBI khi đó là ông Robert Mueller III (hiện là Công tố viên đặc biệt điều tra về nước Nga) đã phái Phó Giám đốc Andrew McCabe dẫn một phái đoàn đặc vụ FBI đi gặp Deripaska tại nhiều địa điểm bí mật ở Paris, Vienna, Budapest, Hungary và Washington để thuyết phục ông chi đến 25 triệu USD tài trợ cho chiến dịch giải cứu Levinson của FBI. Mặt khác, sự tham gia của Deripaska rất quan trọng bởi ông có quan hệ làm ăn gần gũi với người Iran, đồng thời do Iran lúc đó đang bị Mỹ cấm vận nên việc FBI trực tiếp tham gia đàm phán là bất hợp pháp, Deripaska thì có thể làm được.

Sự hỗ trợ của Deripaska mang lại kết quả tốt đẹp. Levinson được Iran trả tự do, nhưng giờ chót việc đưa điệp viên Levinson về nhà lại bị chính Bộ Ngoại giao Mỹ ngăn cản. Phi vụ chấm dứt vào năm 2011, vì FBI lo ngại phía Iran sẽ không đủ kiên nhẫn trước những lục đục nội bộ của phía Mỹ.

Dựa vào các mối quan hệ làm ăn và cả chính trị của Deripaska, Ohr và Steele đã lên kế hoạch thu phục ông. Cả hai sắp xếp cuộc gặp đầu tiên với tỉ phú Nga vào ngày 21-11-2014, tức khoảng 7 tháng trước khi ông Trump quyết định ra tranh cử. Cuộc gặp sơ bộ đó không mang lại kết quả cụ thể nào, nhưng nó tạo bàn đạp cho FBI vào cuộc triển khai kế hoạch của mình.

Steele đã giúp FBI thu thập rất nhiều thông tin về cá nhân ông Deripaska, cả công việc làm ăn và những mối quan hệ chính trị của ông ở nước Nga. Trong một e-mail gửi cho Ohr, Steele lưu ý rằng Deripaska và các tỉ phú Nga khác đang chịu áp lực từ Điện Kremlin, với yêu cầu phải “biết điểm dừng” trong các thương vụ làm ăn. Steele kết luận Deripaska không phải là “tay chân” của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Tháng 9-2015, FBI đã có cuộc tiếp xúc đầu tiên với Deripaska với hy vọng chiêu dụ được ông. Thời điểm đó, Deripaska nằm trong danh sách các cá nhân người Nga bị Mỹ cấm vận, vì thế không thể xin visa đến Mỹ làm ăn. Để tạo điều kiện cho tiếp cận ông Deripaska, FBI đã thúc giục Bộ Ngoại giao Mỹ tạm thời “xé rào” cho phép Deripaska đến Mỹ bằng hộ chiếu ngoại giao, trong thành phần phái đoàn Nga đến dự Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.

Trong chuyến đi Mỹ đó của Deripaska, Steele đã âm thầm thực hiện vai trò trung gian của mình, sắp xếp để các quan chức và đặc vụ FBI có cuộc tiếp xúc đầu tiên với ông. Cuộc tiếp xúc đầu tiên diễn ra tại một nơi không được tiết lộ. Cả Ohr và Steele đều có mặt. Tại cuộc gặp đó, các đặc vụ và quan chức FBI đã truy vấn ông Deripaska về các mối liên hệ giữa thành phần tội phạm có tổ chức với Chính phủ Nga, cũng như một số vấn đề khác. Deripaska phản bác các quan chức FBI, cho rằng giả thuyết của họ không có cơ sở và không phản ánh đúng thực tế của nước Nga.

Cuộc tiếp xúc khiến Deripaska không hài lòng và ông từ chối tiếp xúc lần hai. Tuy nhiên, đầu năm 2016, Deripaska lại được cấp thị thực để đến Mỹ. Đến tháng 9-2016, các đặc vụ FBI lại đột ngột xuất hiện tại nơi ở của Deripaska ở thành phố New York. Thời điểm này, FBI đã xúc tiến cuộc điều tra về các mối quan hệ giữa ban vận động tranh cử của ông Trump. Lần này, FBI truy vấn Deripaska về việc đối tác kinh doanh của ông, Paul Manafort có phải là đầu mối liên hệ với Điện Kremlin trong thời gian làm chủ tịch chiến dịch vận động của ông Trump hay không.

Deripaska bảo các đặc vụ FBI rằng, dù ông không ưa gì Manafort (vì ông này đang nợ tiền ông không trả), nhưng đặt giả thuyết về vai trò của ông ta như thế là trò “ngớ ngẩn”. Chưa hết, Deripaska còn thẳng thừng bác bỏ lập luận của FBI về các mối quan hệ giữa ban vận động của ông Trump với nước Nga.

Sau nhiều nỗ lực, FBI và Bộ Tư pháp Mỹ đã không thể moi được thông tin gì từ ông Deripaska. Trong khi đó, quan hệ giữa hai nước Mỹ và Nga ngày càng xấu thêm do những cáo buộc “bỗng không” và các lệnh cấm vận liên tục được phía Mỹ tung ra nhắm vào nước Nga. Cuối cùng thì Deripaska cũng bị cấm nhập cảnh vào Mỹ, bị Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc các tội như tống tiền, bảo kê, hối lộ và có quan hệ với tội phạm có tổ chức, thậm chí cả tội giết người. Tháng 4-2018, Bộ Tài chính Mỹ tiếp tục áp lệnh cấm vận nặng hơn đối với ông Deripaska.

Deripaska bác bỏ tất cả các cáo buộc đó. Ông và luật sư riêng của mình tố cáo lệnh cấm vận là một trò “bẩn”, được đưa ra chỉ nhằm trả đũa cho việc bị ông từ chối hợp tác với FBI.

Nguyên Khang (theo New York Time)
.
.