Đơn vị tình báo Bộ Tài chính Mỹ gián điệp hồ sơ tài chính công dân

Thứ Sáu, 13/10/2017, 14:40
Cục Phân tích và Tình báo (OIA) trực thuộc Bộ Tài chính Mỹ (DOT) bị cáo buộc vi phạm thường xuyên và có hệ thống luật gián điệp trong nước khi bí mật giám sát hồ sơ tài chính công dân cũng như mạng lưới công ty Mỹ.

Năm 2016, ít nhất một chục nhân viên làm việc tại cơ sở dữ liệu của DOT gọi là Mạng chống Tội phạm Tài chính (FinCEN) đã có cảnh báo đến Quốc hội Mỹ về việc dữ liệu tài chính và ngân hàng của công dân bị tra cứu và lưu trữ bất hợp pháp. Ngoài ra, OIA còn bí mật trở thành “cửa sau” phục vụ cho một số cơ quan tình báo Mỹ. Giữa cơn bão dư luận, luật sư Rich Delmar trong Văn phòng Tổng thanh tra (OIG) của DOT tuyên bố sẽ tiến hành điều tra.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin.

FinCEN là tổ chức có trách nhiệm chống rửa tiền, tài trợ cho khủng bố cũng như chống các loại tội phạm tài chính khác. Mỗi năm, các ngân hàng cũng như tổ chức tài chính Mỹ thành lập 15 triệu báo cáo giao dịch tài chính – trong đó bao gồm bất cứ hoạt động chuyển tiền mặt nào có số lượng từ 10.000 USD trở lên – cho FinCEN.

Trong khi đó, OIA chịu trách nhiệm giám sát mọi hoạt động tài chính đáng ngờ diễn ra bên ngoài nước Mỹ. Tuy nhiên, một số nhân viên FinCEN tố cáo OIA phớt lờ những quy định luật pháp khi bí mật thu thập và lưu trữ thông tin tài chính trong nước từ cơ sở dữ liệu ngân hàng. Thậm chí, đội ngũ chuyên gia phân tích của OIA còn yêu cầu các tổ chức tài chính tiến hành điều tra về nhiều tài khoản và hoạt động giao dịch liên quan đến công dân Mỹ.

Một nguồn từ FinCEN nêu ra trường hợp: vào năm 2016, lúc đó nhân viên OIA tự động tham gia vào một vụ án rửa tiền trong nước để tìm kiếm thông tin từ một tổ chức tài chính bang Delaware miền Đông nước Mỹ. Các nguồn còn chỉ trích OIA mở “cửa sau” phục vụ cho giới chức tình báo Mỹ - bao gồm Cục Tình báo trung ương (CIA), Cục Tình báo Quốc phòng (DIA) và Cơ quan An ninh quốc gia (NSA).

Một quan chức DOT giấu tên bình luận: “Đó là sự vi phạm trắng trợn quyền riêng tư của công dân”. Người phát ngôn CIA Dean Boyd phản bác lại rằng cáo buộc như thế là “hoàn toàn không đúng”.

Các nguồn giấu tên tố cáo tuyên bố hành động giám sát dữ liệu tài chính công dân đã diễn ra suốt nhiều năm nhưng chỉ thực sự trở thành đề tài tranh cãi vào năm 2016 khi FinCEN bắt đầu điều tra.

Giới chức FinCEN lập luận rằng do là một bộ phận trong cộng đồng tình báo Mỹ cho nên OIA không có quyền thu thập thông tin công dân trừ phi tuân thủ sắc luật giới hạn – gọi là 12333 – được tổng thống Ronald Reagan ký phê chuẩn năm 1981 và sau đó được chính quyền George W. Bush xem xét sửa đổi cho phù hợp với thời cuộc.

Trụ sở Bộ Tài chính Mỹ ở Washington.

Theo đó, bất cứ cơ quan tình báo nào cũng phải thành lập báo cáo về việc quyền riêng tư công dân được bảo đảm để được Bộ trưởng Tư pháp phê chuẩn (sau khi tham khảo ý kiến từ Giám đốc Tình báo Quốc gia – DNI) trước khi bắt đầu tiến hành thu thập, lưu trữ và chia sẻ thông tin về công dân. 

OIA, thành lập năm 2004 với mục đích bảo vệ quyền riêng tư công dân và chỉ được phép tiếp cận dữ liệu FinCEN để phục vụ những mục đích tình báo nước ngoài đặc biệt. Theo thông tin từ Hãng tin Reuters, hiện nay có hơn 25.000 tổ chức tài chính – bao gồm các ngân hàng, casino, dịch vụ chuyển tiền  - thành lập báo cáo về mọi hoạt động đáng ngờ cho FinCEN. Tuy nhiên, trên thực tế OIA bị cáo buộc đã đi quá xa giới hạn cho phép và thậm chí vi phạm sắc luật tổng thống cũng như coi thường luật pháp. Mùa hè năm 2016, giới chức FinCEN đề nghị mở cuộc điều tra xem xét các báo cáo về quyền riêng tư công dân của OIA.

Theo tố cáo, OIA đã rút hàng loạt địa chỉ email công dân ra khỏi các báo cáo này. Tháng 10-2016, Sean Duffy – chủ tịch Tiểu ban Hạ viện Giám sát và Điều tra – đã gửi một bức thư đến Bộ trưởng DOT lúc đó là Jacob Lew (nhiệm kỳ từ tháng 2-2013 đến tháng 1-2017) với nội dung yêu cầu giải trình về quyền hạn mà luật pháp cho phép trong thu thập và lưu trữ thông tin công dân trong nước nhưng cho đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời.

Cũng theo tiết lộ từ một số giới chức FinCEN, sau khi cáo buộc được đưa ra thì OIA bắt đầu nhanh chóng “đóng cửa” mọi mạng lưới bí mật của mình. Stephen Vladeck, Giáo sư khoa Luật An ninh thuộc Đại học Quốc gia Mỹ, cho biết các nhà hoạt động nhân quyền đã có tiếng nói chống lại hoạt động chia sẻ dữ liệu “mập mờ” nói trên đồng thời họ muốn có thêm nhiều giới hạn đối với những gì mà chính quyền có thể hành động sau khi nắm được thông tin công dân.

Duy Ân (tổng hợp)
.
.