Đức điều tra gián điệp Thổ Nhĩ Kỳ

Thứ Ba, 04/04/2017, 19:15
Văn phòng công tố liên bang Đức hôm 28-3 đã mở cuộc điều tra nhắm vào hoạt động gián điệp được cho là do cơ quan tình báo bí mật của Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành trên đất Đức nhằm truy tìm và thủ tiêu những người theo trường phái tư tưởng của giáo sĩ lưu vong Fethullah Gulen.

Cơ quan Thông tấn xã Đức (DPA) hôm 28-3 dẫn lời người phát ngôn của Văn phòng công tố đặt tại thành phố Karlsruhe cho biết, Viện công tố sẽ điều tra Cơ quan tình báo MIT của Thổ Nhĩ Kỳ, vì cơ quan này lâu nay luôn theo dõi sát mọi hành động của những người ủng hộ phong trào Gulen ở Đức.

Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere: "Nước Đức sẽ không chấp nhận cho tình báo nước ngoài ngang nhiên tiến hành các hoạt động gián điệp trên lãnh thổ của mình".

Cùng ngày, Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere nói rằng, nước Đức sẽ không chấp nhận cho tình báo nước ngoài ngang nhiên tiến hành các hoạt động gián điệp trên lãnh thổ của mình. Người đứng đầu Cơ quan tình báo quốc gia Đức (BND) Bruno Kahl thì công khai thông tin: Tình báo Thổ Nhĩ Kỹ đã từng trao cho ông bản danh sách bao gồm hình ảnh và thông tin, dữ liệu của khoảng 300 người mà Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho là ủng họ ông Gulen.

Bên cạnh danh sách 300 cá nhân đó còn có khoảng 200 tổ chức bao gồm các hiệp hội, trường học và các nhóm khác của khoảng 3 triệu người Thổ Nhĩ Kỳ sinh sống tại Đức. MIT muốn tình báo Đức giúp họ theo dõi những người nằm trong danh sách này. Bộ trưởng Nội vụ Maiziere khẳng định: "Cho dù ai có quan điểm thế nào đối với giáo sĩ Gulen, nhưng ở đây pháp luật Đức được áp dụng và không ai có quyền do thám công dân Đức".

Ngay sau khi công bố việc Thổ Nhĩ Kỳ tung gián điệp trên đất Đức, chính quyền nước này còn thông báo cho những người nằm trong danh sách 300 mục tiêu theo dõi rằng, họ có thể gặp nhiều khó khăn khi trở về quê Thổ Nhĩ Kỳ do bị chính quyền Erdogan xem là người ủng hộ giáo sĩ Gulen.

Giám đốc BND Bruno Kahl.

Việc Đức cho điều tra về hoạt động của tình báo Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu xảy ra từ cuối năm 2016, khi Ankara mở chiến dịch truy lùng những thành phần ủng hộ phong trào Gulen từ trong nước ra nước ngoài, trên phạm vi toàn thế giới. Giáo sĩ Gulen hiện đang sống lưu vong ở Mỹ, nhưng người ủng hộ và thực hành theo nghi thức tôn giáo của ông thì có mặt ở nhiều nước trên thế giới. Ở châu Âu, phong trào Gulen có tại nhiều nước, đặc biệt là ở Đức, Hà Lan,… với hàng chục trường học, viện nghiên cứu và các hiệp hội. Chính vì vậy, từ cuối năm 2016 Ankara đã tung điệp viên đi các nước để truy lùng những người ủng hộ hoặc khuấy động phong trào chống giáo sĩ Gulen.

Báo chí châu Âu bình luận, việc tung điệp viên sang Đức là vụ việc mới nhất trong chuỗi các hoạt động của Ankara trên lãnh thổ nước ngoài, không chỉ nhằm mục tiêu truy lùng người ủng hộ giáo sĩ Gulen, mà quan trọng hơn hiện nay là Ankara đang vận động chuẩn bị cho một cuộc trưng cầu dân ý về việc mở rộng thêm quyền lực cho Tổng thống Erdogan, nhưng đồng thời cũng làm thu hẹp bớt các quyền tự do của công dân.

Cần biết rằng, dân số Thổ Nhĩ Kỳ sống ở châu Âu có quyền bỏ phiếu bầu cử và các cuộc bỏ phiếu khác. Chính vì vậy, Tổng thống Erdogan đã không ngần ngại lợi dụng sự cởi mở của các xã hội châu Âu để triển khai kế hoạch gây ảnh hưởng lên thành phần cử tri lưu vong của mình, từ đó đã gây nên những va chạm, căng thẳng ngoại giao với một số quốc gia.

Cách đây vài tuần, đã xảy ra căng thẳng ngoại giao giữa Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ sau khi chính quyền Hà Lan không cho phép một số quan chức chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đến gặp gỡ, họp mặt để vận động những công dân Hà Lan gốc Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ cuộc trưng cầu ý dân, đồng thời để bài xích giáo sĩ Gulen. Tổng thống Erdogan đã tức giận cáo buộc Hà Lan áp dụng "chính sách phát xít" đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Căng thẳng ngoại giao đã leo thang đến độ hai bên triệu hồi đại sứ về nước, và Đại sứ Hà Lan đã bị ngăn cản khi quay trở lại Ankara.

Trong vụ việc tại Đức hiện nay, tờ báo Hurriyet Daily News cho biết, đã có một số phản ứng từ các quan chức chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, như Bộ trưởng Tư pháp Bekir Bozdag gọi việc Giám đốc BND Kahl từ chối danh sách theo dõi những người ủng hộ giáo sĩ Gulen là một sự "chế giễu tình báo nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ".

Còn Bộ trưởng Quốc phòng Fikri Isik thì trách móc ông Kahl là "bị đui, điếc hay có ý muốn che giấu những nghi can đảo chính", ám chỉ những người ủng hộ giáo sĩ Gulen. Thông tấn xã Đức DPA cho biết, danh sách theo dõi của tình báo Thổ Nhĩ Kỳ đã được phát rộng rãi cho các cơ quan chức năng Đức, từ cấp bang cho đến liên bang, và lãnh đạo những cơ quan này cho rằng họ có trách nhiệm phải cảnh báo công dân Đức, những người họ có trách nhiệm bảo vệ biết để tránh rơi vào trường hợp khó khăn hoặc nguy hiểm.

Ngoài Đức và Hà Lan, Đài phát thanh quốc gia Thụy Điển SR cho biết hoạt động của Tình báo Thổ Nhĩ Kỳ còn vươn ra một số quốc gia khác, trong đó có Thụy Điển. SR nói rằng, tại Thụy Điển, MIT triển khai các hoạt động tình báo thông qua Liên đoàn Dân chủ Thổ Nhĩ Kỳ tại châu Âu, vốn là một nhóm vận động vì quyền lợi quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ. Nhóm này đã gây áp lực đối với những người ủng hộ giáo sĩ Gulen ở Thụy Điển phải "theo dõi và báo cáo" tất cả mọi thứ về đồng nghiệp, bạn bè, người thân của mình có liên quan đến giáo sĩ Gulen.

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.