Everest – Mồ chôn của những nhà leo núi

Thứ Ba, 05/06/2018, 06:09
Nếu tính từ năm 1953, khi Edmun Hillary, người New Zealand và Tenzing Norgay, dân tộc Sherpa, Nepal - là hai người đầu tiên đặt chân lên đỉnh Everest - thì đến cuối tháng 5-2018, đã có 27.063 người từ nhiều quốc gia khác nhau tới Tây Tạng, Nepal, với ý định chinh phục ngọn núi cao nhất thế giới nhưng chỉ có 216 người thành công, trong đó 15 người lên được hơn 2 lần, không kể người Sherpa bản xứ.

Cũng trong số 27.063 người nói trên, đã có 297 người thiệt mạng. Bi thảm nhất là 7 nhà leo núi chết ngày 10-5-1996 khi đang cố gắng đặt chân lên “nóc nhà của thế giới”…

Chuyến đi định mệnh

10 giờ sáng ngày 12-4-1996, bốn nhóm leo núi, trong đó có một nhóm do Rob Hall dẫn đầu gồm 13 người, đến biên giới Ấn Độ, Tây Tạng để chuẩn bị chinh phục đỉnh Everest. Theo quy luật, hàng năm cứ vào cuối mùa xuân, đầu mùa hè là khoảng thời gian lý tưởng nhất cho môn thể thao mạo hiểm này bởi lẽ ngoài việc không có tuyết rơi và hiếm khi có những trận bão tuyết, thì sự thay đổi của dòng không khí cũng làm giảm tốc độ gió trên “nóc nhà của thế giới”.

Nhóm Rob Hall (X) trước khi lên đường chinh phục Everest.

Núi Everest được đặt theo tên của George Everest, một đại tá người Anh - thành viên của Hội Địa lý Hoàng gia Anh (National Geographic), còn dân Tây Tạng gọi nó là “Chomolangma - Mẹ của vũ trụ”. Độ cao của nó so với mực nước biển là 8.848m, do Radhanath Sikdar, một nhà toán học Ấn Độ đo đạc từ năm 1852.

Có 2 con đường để những người leo núi chinh phục đỉnh Everest, một là từ Nepal đi theo hướng đông nam - và đây cũng là con đường mà Edmund Hillary và Tenzing Norgay lên đỉnh Everest năm 1953. Hai là từ Tây Tạng đi theo hướng đông bắc. Bên cạnh đó, còn có 13 con đường khác nhưng hầu như chẳng ai dám đi - kể cả người dân tộc bản xứ Sherpa vì nó quá nguy hiểm.

Ngày 15-4-1996, sau khi tuyển thêm 8 người Sherpa làm nhiệm vụ dẫn đường và khuân vác đồ đạc, nhóm của Rob Hall bắt đầu khởi hành theo hướng đông nam. Chuyến leo núi được sự bảo trợ của Tạp chí Outside nhằm mục đích viết bài quảng cáo nên trong nhóm có 2 nhà báo là Sandy Hill-Pittman và Jon Krakauer. Dẫn đường cho họ gồm 2 người Sherpa là Lopsang Jangbu và “huyền thoại” Ang Dorje - người đã leo lên đỉnh Everest 19 lần.

Từ chân núi lên Trại Căn cứ (Base Camp) nằm ở độ cao 5.380m, nhóm Rob Hall di chuyển tương đối dễ dàng vì thời tiết khô ráo. Thêm vào đó, do đã từng có hàng chục nghìn nhà leo núi qua lại nên lối đi hình thành rõ ràng. Chuyến hành trình kéo dài 6 ngày nhằm mục đích để những người trong nhóm Rob Hall mới leo lần đầu, tập làm quen với không khí loãng và với chứng say độ cao. Tiếp theo, họ nghỉ lại ở Trại Căn cứ một tuần, vừa để dưỡng sức, vừa nghe “huyền thoại” Ang Dorje phổ biến các kinh nghiệm, nhất là kinh nghiệm thoát hiểm nếu gặp bão tuyết và gió lớn.

Sáng 2-5, nhóm Rob Hall lên đường đến Trại 2, nằm ở độ cao 6.500m. Ngày 7-5, họ lên Trại 3 ở độ cao 7.470m.  Tại đây, 6 người khuân vác Sherpa coi như đã làm xong nhiệm vụ vì họ không thể lên cao hơn nữa do không được trang bị bình oxy. Theo tính toán, sau khi đến được Trại 3, nhóm Rob Hall sẽ phải leo thêm 500m nữa để lên Trại 4, gọi là South Col. Từ trại này trở đi, người Sherpa gọi là “vùng chết” vì những nhà leo núi chỉ có thể chịu đựng độ cao 7.970m tối đa từ 2 đến 3 ngày trước khi lên được đỉnh Everest, còn cách đó hơn 800m

Những sai lầm chết người

Đường từ Trại 4 lên đỉnh Everest rất hiểm trở với những vách đá dựng đứng, những vực sâu hun hút và những mảng tuyết lớn như sân bóng đá, có thể sạt lở bất cứ lúc nào. Ngoài 2 người Sherpa dẫn đường là Lopsang Jangbu và Ang Dorje, nhóm Rob Hall chỉ 3 người có kinh nghiệm về Everest là Hansen, Hutchison và Fischer, trong đó Fischer nổi tiếng vì đã từng leo lên những ngọn núi cao nhất thế giới mà không cần dùng tới bình oxy bổ sung, và đây là lần thứ 2 ông lên đỉnh Everest.

Bia tưởng niệm nhà leo núi Scott Fischer đặt tại Trại Căn cứ (phía sau bên phải là núi Everest).

Bắt đầu xuất phát lúc 9 giờ sáng ngày 10-5, cuộc chinh phục của nhóm Rob Hall nhanh chóng gặp phải sự trở ngại. Theo nguyên tắc, người dẫn đường Jangbu đi trước, cứ được 50m thì anh phải đóng xuống lớp băng một cây cọc bằng thép rồi rải dây theo cọc này. Những người đi sau chỉ việc lần theo sợi dây leo lên.

Tuy nhiên, chẳng hiểu vì quên hay vì chủ quan bởi đã leo nhiều lần nên Jangbu không rải dây khiến cả nhóm phải mất gần 1 giờ mới đến được một ghềnh đá, gọi là “Ghềnh Tenzing” ở độ cao 8.350m. Sau này, khi thảm họa xảy ra, nguyên nhân về việc Jangbu không rải dây chưa bao giờ có lời giải đáp.

Và phải mất thêm gần 2 giờ nữa để vượt qua quãng đường chỉ dài 410m, nhóm Rob Hall mới đến được “Ghềnh Hillary” ở độ cao 8.760m. Tại đó, họ lại nhận ra rằng không có lối đi cố định nào nên họ đành phải chờ thêm 1 tiếng đồng hồ, đợi Jangbu và Ang Dorje đóng cọc, rải dây.

Và bởi vì 33 nhà leo núi thuộc 4 nhóm khác cũng đang leo lên đỉnh Everest nên Rob Hall cùng Fischer đã yêu cầu các thành viên trong nhóm phải đi cách nhau 15m để tránh trường hợp người lên đỉnh đầu tiên cách người lên cuối một khoảng thời gian quá dài. Đến lúc này, 3 thành viên trong nhóm là Hutchison, Kasischke và Taske quyết định trở về Trại 4 với lý do vì chậm tiến độ, các bình khí oxy dự trữ của họ đã gần hết.

12 giờ 30 trưa, từ Ghềnh Hillary, một thành viên trong nhóm là Boukreev cùng người dẫn đường Ang Dorje xuất phát đầu tiên. 2 giờ chiều, cả hai đến đỉnh Everest. Nghỉ ngơi khoảng 20 phút, Ang Dorje quay lại để giúp những người lên sau. Vào thời điểm đó, các thành viên khác là Krakauer, Harris, Beidleman, Namba, Martin Adams và Klev Schoening cũng đã lên đến đỉnh, 5 người còn lại - trong đó có Rob Hall vẫn tiếp tục leo. Đứng trên đỉnh Everest, nhà báo Krakauer lưu ý mọi người rằng thời tiết trông có vẻ không bình thường, tuyết bắt đầu rơi và ánh sáng đang giảm.

3 giờ chiều, vẫn không thấy hai thành viên cuối cùng là Doug Hansen và Makalu Gau lên đỉnh, cả nhóm quyết định quay xuống. Đến Ghềnh Hillary, người dẫn đường Ang Dorje gặp Hansen ngồi dựa lưng vào một vách đá. Khi thấy Ang ra dấu bảo đi xuống, Hansen không trả lời mà đưa tay chỉ về phía đỉnh núi, có ý vẫn muốn leo lên.

Lúc nhóm Rob Hall đến nơi, người dẫn đường Jangbu tình nguyện đưa Hansen quay lại đỉnh Everest nhưng Rob Hall không đồng ý, ông bảo Ang Dorje và Boukreev xuống núi trước để đặt những bình oxy dự trữ vào những điểm mà ông tin rằng sẽ có nhiều người trong nhóm thiếu oxy trước khi xuống được trại 4.

Tử thần gọi tên

3 giờ 13 phút chiều ngày 10-5, Boukreev cùng Ang Dorje và một người nữa là Martin Adams bắt đầu xuống Trại 4. Theo Boukreev, ông muốn ở lại để hỗ trợ các thành viên khi đi qua những đoạn dốc đứng, cung cấp cho họ nước trà nóng nhưng Rob Hall lại bảo ông xuống trước. Thời tiết càng lúc càng xấu hơn, một trận bão tuyết ở phía tây nam sườn núi làm giảm tầm nhìn, tuyết rơi vùi lấp sợi dây dẫn đường trở lại Trại 4.

Xác Tsewang Paljor lúc được tìm thấy.

Lúc này, Doug Hansen và Makalu Gau, là hai người đi sau cùng, chưa lên được đến đỉnh Everest vẫn quyết tâm leo lên trong lúc Fischer, lên được nhưng không xuống được vì kiệt sức. Một lần nữa, Jangbu - người dẫn đường và Andrew Harris phải quay lại để hỗ trợ. Tuy nhiên, Fischer bảo Jangbu cứ để ông nằm đó và hãy tập trung lo cho những người kia. Trước khi đưa Hansen và Gau xuống núi, Jangbu chụp lên mặt Fischer một mặt nạ dưỡng khí với hy vọng ông sẽ còn sống nếu các nhóm giải cứu đến được kịp thời.

Thế nhưng lúc xuống đến độ cao 8.350m, cả Hansen lẫn Gau đề nghị Jangbu cho họ được nằm lại một chút để nghỉ ngơi, và đó cũng là lần “nằm nghỉ” cuối cùng của Hansen vì vài giờ sau đó, chẳng hiểu nhờ vào phép lạ nào, Gau bò về được Trại 4.

Riêng Andrew Harris, ông bị thiếu oxy trên đường xuống và được coi là mất tích. Trận bão tuyết phát xuất từ sườn núi phía tây nam lúc này đã tràn sang Ghềnh Hillary, mang theo những viên tuyết to như ngón tay cái, bay với tốc độ 70km/giờ. Không thể đi được nữa, những thành viên còn lại của đội Rob Hall co ro trong một hốc đá mặc dù chỉ cách 200m là đến Trại 4.

4 giờ 43 phút sáng 11-5,  Rob Hall dùng điện thoại vệ tinh gọi về Trại Căn cứ, cho biết ông đang ở độ cao 8.349m. Đến 9 giờ, Hall lại gọi, nói rằng một bên tay và chân của ông đã bị liệt. 4 giờ chiều, ông đề nghị Trại Căn cứ kết nối liên lạc cho ông và vợ ông là Jan Arnold, lúc ấy đang mang thai. Trong cuộc nói chuyện cuối cùng này, Hall và vợ chọn tên cho đứa con tương lai rồi ông kết thúc bằng câu: “Ngủ ngon đi, em yêu. Đừng lo lắng quá nhiều”. Vài phút sau, ông chết cóng.

Ở Trại 4, một trong 3 thành viên trở về từ Ghềnh Hillary là Hutchison quyết định quay lên núi để giúp đỡ những người gặp nạn. Tại độ cao 8.721m, Hutchison tìm thấy Weathers và Namba trong tình trạng gần như đóng băng hoàn toàn. Biết rằng không thể cứu được họ, Hutchison đành phải để họ nằm lại.

Tuy nhiên, đến gần cuối ngày, Weathers tỉnh dậy rồi tự bò về Trại 4 trước sự kinh ngạc của nhiều người nhưng sáng hôm sau - ngày 12-5, ông lại bị bỏ rơi một lần nữa khi trận bão tuyết tấn công Trại 4 khiến căn lều của ông bị sụp, trong lúc những người khác thì lo di tản. Mãi 2 ngày sau, một đội cứu hộ mới tìm thấy ông rồi đưa ông xuống Trại 2 bằng trực thăng. Weathers sống sót nhưng mất mũi, mất  nửa cánh tay phải và tất cả các ngón tay ở bàn tay trái vì hoại tử.

Cũng từ Trại 4, Boukreev quay lên núi để tìm Fischer. Khi tìm thấy ông, Boukreev nhận ra rằng ông đã chết. Dùng một tấm vải che mưa bọc xác Fischer lại, Boukreev đặt ông vào một hốc đá. Xác Fischer vẫn nằm đó đến tận bây giờ.

Có nhiều ý kiến phân tích nguyên nhân dẫn đến thảm họa, nhưng tất cả đều đồng ý rằng sự xuất hiện đột ngột của cơn bão tuyết trái mùa đã khiến những người leo núi trong nhóm Rob Hall lâm vào tình trạng lúng túng, bị động, việc chậm trễ trong khâu rải dây dẫn đường cũng như mệnh lệnh “người này đi cách người kia 15m” đã dẫn đến hiện tượng dồn cục ở những đoạn cổ chai khiến việc vượt qua những đoạn này phải kéo dài. Hơn nữa, thời gian để xuống núi an toàn là 2 giờ chiều nhưng nhóm Rob Hall chậm mất 1 tiếng 13 phút.

Một số thành viên hết oxy nhưng những bình oxy dự trữ không được cung cấp kịp thời. 7 người thiệt mạng gồm Rob Hall, Andrew Harris, Yasuko Namba, Scott Fischer, Tsewang Samanla, Dorje Morup, Tsewang Paljor. Xác của Andrew Harris và Doug Hansen không bao giờ được tìm thấy. Xác Rob Hall tìm thấy ngày 22-5. Riêng xác của Yasuko Namba, mãi đến mùa hè năm 1997, khi tuyết tan ra  mới phát hiện.

Vũ Cao (theo The Sports - Everest Disaster)
.
.