FARC và cuộc cách mạng dở dang: Tìm kiếm hòa bình (kỳ cuối)

Thứ Tư, 30/03/2016, 11:45
Như vậy là sau khi thế hệ những lãnh đạo cộm cán của FARC ra đi gần hết, tổ chức này được đặt dưới sự lãnh đạo của một người trẻ là Rodrigo Londono Echeverry, biệt danh Timochenko. Vào tháng 2-2012, FARC tuyên bố sẽ chấm dứt việc bắt cóc con tin.

Mọi người vẫn chưa tin vào tuyên bố này, bởi người ta còn nghi ngại những lần FARC tiếp tục thực hiện hành động bắt cóc con tin sau mỗi lần đàm phán bất thành, cho rằng FARC đang muốn “làm PR”. Thực ra, tuyên bố trên của FARC là một hành động nhằm đáp ứng điều kiện tiên quyết để tiến hành đàm phán hòa bình với Chính phủ Colombia.

Vai trò của cố Tổng thống Venezuela Hugo Chavez

Tháng 8-2012, ông Alvaro Uribe, kẻ thù cũ của FARC, lên tiếng chỉ trích người kế nhiệm là Tổng thống Juan Manuel Santos vì đã bí mật thương lượng với FARC. Ông Santos đã bác bỏ lời phê phán của ông Uribe xem như một “lời đồn”. Nhưng một tuần sau, chính Santos đã công khai xác nhận thông tin đó là thật.

Theo đó, các cuộc đàm phán chính thức đã diễn ra tại La Habana, Cuba, từ tháng 10-2012. Tuy nhiên, tiến trình đàm phán không diễn ra như thường lệ. Do Chính phủ Colombia lo ngại sẽ lại tạo ra một Farclandia thứ hai nên đã bác bỏ yêu cầu ngừng bắn của FARC, và đàm phán đã diễn ra song song với giao tranh trên thực địa.

Sau hai lần đàm phán bất thành, tiến trình đàm phán hòa bình giữa FARC với Chính phủ Colombia bị gián đoạn trong thời gian dài dưới thời ông Alvaro Uribe làm Tổng thống Colombia. Tiến trình đó mới được nối lại một cách không chính thức khi ông Juan Manuel Santos lên nắm quyền từ tháng 8-2010, và chính thức vào tháng 8-2012. Sau hơn 3 năm trầy trật, cuối cùng tiến trình đàm phán cũng đạt được đột phá và một thỏa ước cuối cùng để chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài nhất khu vực Mỹ Latinh được ấn định vào ngày 23-3-2016.

Timochenko, lãnh đạo mở ra kỷ nguyên mới cho FARC.

Phát biểu trên truyền hình Colombia ngày 4-2-2016, lãnh đạo FARC Timoleon Jimenez, biệt danh Timochenko, đã hết lời ca ngợi cố Tổng thống Venezuela Hugo Chavez vì vai trò quyết định của ông trong việc nối lại tiến trình đàm phán hòa bình giữa FARC với Chính phủ Colombia, để hôm nay hai bên đã đạt được những kết quả đàm phán cực kỳ quan trọng, hòa bình đang trong tầm tay Colombia.

Xin nhắc lại, đàm phán hòa bình lần ba dưới thời Tổng thống Juan Manuel Santos được tiến hành theo một kiểu cách mới, đó là đàm phán nhưng không ngừng bắn, vì ông Santos không muốn lặp lại sai lầm thời Tổng thống Andres Pastrana – tạo ra một vùng đệm không giao tranh và đã bị FARC lợi dụng. Tuy nhiên, những cuộc giao tranh tiếp diễn trong lúc đàm phán lại cũng gây ra những rủi ro có thể khiến cho tiến trình đàm phán bị trật đường ray.

Khi vận động tranh cử năm 2010, ông Santos đã hứa với cử tri là sẽ mang lại hòa bình, chấm dứt cuộc nội chiến với FARC. Thời gian thực hiện lời hứa đó là năm 2014. Đàm phán hòa bình để chấm dứt nội chiến trở thành mục tiêu ưu tiên hàng đầu. Phía FARC, họ cũng muốn đàm phán với Chính phủ Colombia, vì đàm phán hòa bình là con đường duy nhất để tham gia vào hoạt động chính trị chính thống, để có thể tiếp tục cuộc đấu tranh một cách hợp pháp.

Tuy nhiên, vào thời điểm FARC và Bogota đang tiến hành các bước thăm dò, thì bất ngờ, ngày 4-11-2011, quân đội Chính phủ Colombia thực hiện một cuộc không kích vào một doanh trại của FARC, giết chết lãnh đạo chính trị quan trọng của tổ chức này là  Alfonso Cano. Vụ không kích đã khiến cho tiến trình đàm phán có nguy cơ đổ vỡ. Ông Santos lập tức liên lạc với Tổng thống Venezuela Hugo Chavez đề nghị ra tay giúp đỡ, vì Santos biết ông Chavez là một nhà cách mạng có uy tín khắp khu vực.

Ông Chavez đồng ý. Sau đó ông Chavez đến gặp Timochenko, lúc này đã tiếp quản cương vị lãnh đạo FARC sau khi Cano bị giết. Chavez đã nói chuyện trực tiếp với Timochenko nhiều giờ liền, cố thuyết phục Timochenko rằng FARC có thể tin tưởng vào tiến trình hòa bình, cho dù Cano bị giết. Và sự bảo đảm của ông Chavez là điều kiện hết sức quan trọng để lãnh đạo FARC tin rằng họ có được sự ủng hộ của ông Chavez nên yên tâm tiếp tục đàm phán với Chính phủ Colombia.

Người bảo trợ đàm phán – Chủ tịch Cuba Raul Castro

Ngày 27-8-2012, Tổng thống Santos chính thức tuyên bố: Chính phủ Colombia đang tiến hành đàm phán thăm dò với FARC. Tháng 11-2012, các cuộc đàm phán chính thức bắt đầu tại thủ đô La Habana của Cuba, được tiến hành trong vòng bí mật, không có sự tham gia của báo giới. Chủ tịch Cuba Raul Castro làm trung gian, bảo trợ cho đàm phán.

Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos bắt tay lãnh đạo FARC Timochenko với sự chứng kiến, chúc mừng của Chủ tịch Cuba Raul Castro.

Nhưng tiến trình đàm phán không diễn ra một cách suôn sẻ. Trong sáu điểm mấu chốt của nghị trình đàm phán, thì phía FARC quan tâm nhất là vấn đề các lãnh đạo FARC có phạm tội ác chiến tranh hay không, và liệu họ có bị xét xử tại tòa án ở một quốc gia thứ ba hay không. Các lãnh đạo FARC trước sau như một khẳng định mình không phạm tội, và việc ngồi vào bàn đàm phán để rồi sau đó phải ngồi tù là chuyện không thể có.

Vì vậy, để FARC yên tâm tiếp tục đàm phán, Tổng thống Santos đã phải bảo đảm rằng các lãnh đạo, chỉ huy của FARC sẽ không bị quy kết “tội ác chiến tranh” do những hành động tấn công làm chết hàng chục ngàn người trong 50 năm nội chiến.

Ngày 21-6-2013, báo cáo đầu tiên về tiến triển của đàm phán nhan đề “Báo cáo chung đầu tiên về bàn đàm phán” đã ghi nhận một loạt những thiện chí mà hai bên đã đưa ra, nhưng chưa có tiến bộ cụ thể nào, nghĩa là các bên chỉ mới đưa ra thiện chí, còn việc thỏa thuận được đến đâu thì chưa.

Tháng 5-2014, một báo cáo về tiến trình đàm phán đã ghi nhận một số tiến bộ, trong đó một số điểm mấu chốt của đàm phán đã được giải quyết, bao gồm, chính sách cải cách đất đai, “Tiến trình tham gia chính trị” cho FARC và “Giải pháp cho vấn đề buôn lậu ma túy”. Các điểm mấu chốt còn lại bao gồm giải giáp lực lượng vũ trang FARC và xử lý tội phạm chiến tranh là những vấn đề gay go nhất, phải đến những ngày cuối cùng của đàm phán mới đạt được thỏa thuận.

Ở điểm mấu chốt đầu tiên trong nghị trình là vấn đề cải cách đất đai, được gọi bằng cái tên “Chính sách Phát triển nông nghiệp hòa nhập”. Với chính sách này, FARC đặt ra yêu cầu thành lập khoảng 40 Khu bảo tồn nông dân (ZRC, Zonas de Reserva Campesina), với tổng diện tích đất lên đến 9 triệu ha và khoảng 2 triệu dân sinh sống.

Báo cáo trên công nhận tầm quan trọng của các khu bảo tồn này, nhưng không đề cập gì đến việc cho phép thành lập chúng. Riêng về điểm này đã gây khó khăn không ít cho cuộc đàm phán. Các ZRC được đánh giá là một cách để FARC hợp thức hóa các vùng đất chiếm đóng, với đầy đủ các quyền tự trị và những ưu đãi theo kiểu đặc khu bảo tồn người da đỏ. Và đây chính là nguyên nhân khiến cho việc đàm phán về vấn đề này kéo dài hơn dự kiến.

Đối với vấn đề giải pháp cho nạn buôn lậu ma túy, các bên đàm phán đã nhanh chóng thông qua, bởi một lý do khá đơn giản là, mặc dù trước đây thu lợi từ hoạt động buôn lậu ma túy tại các vùng chiếm đóng, nhưng đại bộ phận thành viên FARC không trực tiếp tham gia vào hoạt động bất hợp pháp này; số nhỏ có tham gia là những thành viên cấp thấp, do đó cũng dễ dàng phục tùng theo mệnh lệnh cấp trên một khi FARC chấp nhận giải pháp cùng với Chính phủ Colombia.

Tòa án hòa bình

Sau các thỏa thuận trên, đàm phán gần như giẫm chân tại chỗ do các bên bế tắc trong các vấn đề gay cấn còn lại, bao gồm việc giải giáp FARC và vấn đề công lý cho các nạn nhân nội chiến. Ngày 23-9-2015, một thỏa thuận đột phá đã được tạo ra khi các nhà đàm phán của Chính phủ Colombia và FARC đạt được các thỏa thuận quan trọng về việc giải giáp và vấn đề tội ác chiến tranh, công lý cho các nạn nhân.

Vấn đề này, Chính phủ Colombia và FARC thỏa thuận sẽ cùng phối hợp điều tra về những tội lạm dụng đối với dân thường. Thỏa thuận nêu rõ rằng, các thành viên FARC nào khai nhận có lạm dụng nhân quyền trong thời gian chiến tranh trước Tòa án hòa bình đặc biệt thì sẽ phải bồi thường cho các nạn nhân và hứa không tiếp tục cầm súng nổi dậy nữa, đổi lại chỉ phải nhận án phạt tối đa 8 năm lao động công ích trong điều kiện đặc biệt, không phải ngồi tù.

Điểm quan trọng là, Tòa án hòa bình đặc biệt không chỉ xét xử các thành viên FARC mà còn cả quân đội Chính phủ Colombia. Nếu những thành viên FARC và quân đội Colombia có tham chiến, có gây thiệt hại về người và vật chất nhưng khai gian dối sẽ bị phạt tù đến 20 năm.

Ngoài ra, các bên cũng thỏa thuận hai tháng sau khi hiệp ước hòa bình được ký kết, tiến trình giải giáp FARC sẽ bắt đầu.

Sau khi tất cả các điểm mấu chốt đều đạt được thỏa thuận, Tổng thống Colombia Santos và lãnh đạo FARC đã cùng vui mừng tuyên bố hòa bình sắp được tái lập tại Colombia, và hai bên sẽ chính thức ký kết hiệp ước hòa bình cuối cùng vào tháng 3-2016.

Ngày 19-1-2016, FARC và Chính phủ Colombia đã chính thức yêu cầu Liên Hiệp Quốc cử một phái đoàn đến Colombia để giám sát việc thực thi ngừng bắn và giải giáp sau khi một hiệp ước hòa bình đã được ký kết và triển khai.

Ngày 25-1-2016, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã nhất trí thông qua nghị quyết thành lập một phái bộ chính trị nhằm giám sát và thẩm tra việc ngừng bắn và giải giáp ở Colombia trong thời gian tới. Theo nghị quyết, phái bộ chính trị của Liên Hiệp Quốc sẽ được thành lập và hoạt động trong thời gian 12 tháng, và Hội đồng Bảo an có thể xem xét kéo dài thêm thời gian nếu các bên có yêu cầu.

Thành viên phái bộ chính trị sẽ bao gồm người của các quốc gia thuộc khu vực Mỹ Latinh và vùng Caribbe. 30 ngày sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, Tổng thư ký Ban Ki-moon sẽ trình danh sách đề nghị quy mô thành viên và chương trình hành động của phái bộ để Hội đồng Bảo an phê chuẩn. Việc giải giáp sẽ chính thức diễn ra 2 tháng sau khi hiệp ước hòa bình được ký kết.

Những động thái chuẩn bị đang được tiến hành để sẵn sàng thực thi nền hòa bình đầu tiên ở Colombia. Cái giá cho nền hòa bình đó là khá đắt. Theo báo cáo của Trung tâm Ký ức lịch sử Colombia (CDH), 220.000 người đã bị giết chết trong cuộc nội chiến, trong đó khoảng 80% là dân thường.

Ngoài ra, khoảng 7 triệu người đã đến Đơn vị hỗ trợ nạn nhân (Victim’s Unit) đăng ký xin hỗ trợ, trong đó nhiều người bị mất nhà cửa do bạo lực xung đột, nhiều người khác trở thành nạn nhân bắt cóc, đe dọa, bị thương tật do mìn, người thân bị mất tích.

Báo cáo của CDH đánh giá, không phải tất cả hành động bạo lực gây ra chết chóc, thương tật, mất tích đều do FARC gây ra, mà chúng còn do quân đội chính phủ gây ra trong các cuộc càn quét, không kích, giao chiến với FARC, do các nhóm dân quân cánh hữu, đặc biệt là tổ chức dân quân khét tiếng tàn bạo AUC gây ra trong một thời gian dài khi tổ chức này hăng say tham gia cuộc chiến chống FARC.

AUC không chỉ chống FARC mà còn lợi dụng cuộc chiến này để cướp bóc, trục lợi cho riêng mình, và những tội ác này một thời đã được Tổng thống Uribe và bộ sậu của ông nhắm mắt làm ngơ để tiếp tục lợi dụng AUC chống FARC.

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.