Frank Terpil, điệp viên bị săn đuổi

Thứ Tư, 16/03/2016, 20:00
Từ một điệp viên giỏi của CIA, Frank Terpil đã trở thành kẻ phạm tội và bị các cơ quan tư pháp Mỹ săn lùng khắp thế giới, vì tội “buôn bán thần chết”. Không những thế, Terpil còn “trở mặt”, tiếp tay với các chế độ bị Mỹ liệt vào “danh sách đen”.

Ông ta vừa qua đời vào ngày 1-3-2016 tại nhà riêng ở La Habana, Cuba. Một năm trước khi ông qua đời, tờ báo The Observer của Anh đã thực hiện một cuộc trò chuyện với ông.

Frank Terpil thường tự giới thiệu mình với mọi người bằng cái tên Robert Hunter, người Australia, nghỉ hưu, sinh sống ở La Habana, Cuba. Trước khi qua đời, ông ta sống cùng người vợ trẻ người Cuba trong một ngôi nhà bình dị trên sườn đồi nhìn xuống bãi biển cát trắng ở Playes del Este, ngoại ô La Habana.

Frank Terpil.

Terpil thực ra là một người Mỹ nòi, dân New York, mê truyện Hemingway, và đặc biệt là rất am hiểu về các lãnh đạo chính trị  khu vực châu Phi và Trung Đông do ông ta đã từng có thời gian được bố trí công tác tại đây. Các điệp viên ngầm của CIA từng là đồng nghiệp của Terpil hay gọi ông ta là “thằng điên” mỗi khi nhắc đến những việc ông ta làm trong thời gian còn là điệp viên của CIA cũng như sau khi đã rời khỏi cơ quan này.

Frank Terpil sinh năm 1939 tại khu Brooklyn, New York City, Mỹ. Cha ông ta là một nhân viên công ty viễn thông ở địa phương, đã qua đời khi Frank mới vừa 12 tuổi. Người ta không rõ thời thơ ấu Frank Terpil học hành thế nào, nhưng khi đủ tuổi thành niên Frank Terpil từng tham gia quân đội, phục vụ một thời gian ngắn rồi giải ngũ. Sau đó, Frank Terpil gia nhập Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) vào năm 1965. Công việc đầu tiên của Frank Terpil là tại bộ phận Cục kỹ thuật của CIA, nơi được xem là đầu mối ứng dụng công nghệ và kỹ thuật vũ khí phục vụ cho các hoạt động tình báo bí mật.

Năm 1970, Frank Terpil được phân công cắm chốt tại Ấn Độ. Tại đây, ông ta đã có biểu hiện ham thích lối sống xa hoa, tự mua cho mình một chiếc Cadilla sang trọng, thuê một căn nhà lớn trong khu sang trọng Anand Niketan của thủ đô New Delhi, nốc rượu đắt tiền. Lương nhà nước khiêm tốn không đủ để chi cho lối sống xa hoa đó, vì vậy Frank Terpil cần làm những việc khác để bổ sung thu nhập.

Nhà lãnh đạo Libya, ông Gaddafi.

Và ông ta đã tìm ra cách khá đơn giản: buôn tiền. Nhận thấy các ngân hàng ở Afghanistan định giá đồng rupee  Ấn Độ cao một cách bất thường, Frank Terpil liền gom các đồng ngoại tệ mạnh chở bằng máy bay sang Afghanistan để đổi thành đồng rupee Ấn Độ, sau đó lại mang đồng rupee trở về New Delhi đổi ra ngoại tệ, thu lợi lớn.

Frank Terpil chỉ lo kiếm tiền mà bỏ bê công việc. Việc này đã được báo cáo về Tổng hành dinh CIA khiến các sếp rất bực mình. Năm 1971, lãnh đạo CIA yêu cầu Frank Terpil ra khỏi cơ quan. Ông ta hoạt động tự do kể từ đó. Tuy nhiên, các chuyên gia về CIA lại cho rằng, họ có bằng chứng Frank Terpil chưa rời khỏi CIA vào thời điểm 1971, mà đó chỉ là màn kịch nhằm đưa ông ta xâm nhập vào các quốc gia, tiếp cận các nhà lãnh đạo mà Mỹ muốn theo dõi.

Vậy là, sau khi rời  Ấn Độ, Frank Terpil chuyển địa bàn hoạt động sang châu Phi và Trung Đông, đặc biệt là Libya. Năm 1973, nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi của Libya tuyên bố một cuộc cách mạng nhân dân, hứa hẹn sẽ xóa bỏ tất cả ảnh hưởng độc hại của nước ngoài ở Libya.

Đồng thời, Gaddafi cũng cần vũ khí để trấn áp những kẻ chống đối mình. Frank Terpil có cơ hội tiếp cận ông Gaddafi lần đầu vào giữa thập niên 1970, biết được nhu cầu đó của ông Gaddafi nên đã đề nghị được đáp ứng nhu cầu. Không chỉ cung cấp vũ khí, Frank Terpil còn cung cấp cả các thiết bị công nghệ, kỹ thuật như cặp xách tay chứa chất nổ để ông Gaddafi tiêu diệt những kẻ chống đối lưu vong. Sau này Frank Terpil kể với báo chí, ông còn cung cấp cho ông Gaddafi cả đội quân lính đánh thuê gồm đa số là người Mỹ.

Bên cạnh Gaddafi, vào cuối thập niên 1970, Frank Terpil tiếp tục móc nối làm ăn với nhà lãnh đạo độc tài của nước Uganda, Idi Amin. Ông Amin lúc này đang vật lộn để bám lấy quyền lực đang bị lung lay dữ dội, do sự chống đối nổ ra khắp nơi trong nước. Amin gọi Frank Terpil bằng biệt danh Waraki, có nghĩa là “tia chớp trắng”.

Trong phim tài liệu nhan đề “Lời thú nhận của một Người Nguy hiểm” (Confessions of a Dangerous Man), Frank Terpil đã thừa nhận rằng, ông Amin đã ưu ái cho phép ông ta đặt một văn phòng giao dịch bên trong tòa nhà khét tiếng mang tên Viện Nghiên cứu Nhà nước (State Researches Instidtution), nơi được cho là đã diễn ra nhiều vụ tra tấn bí mật những kẻ đối lập với ông Amin. Frank Terpil cho rằng mình vô can, không dính đến các vụ tra tấn đó. Và rồi, vào cái đêm định mệnh chấm dứt chế độ độc tài của ông Idi Amin, Frank Terpil đáp máy bay sang Libya, mang theo nhiều hòm sắt đựng đầy vàng.

Năm 1980, các hoạt động của Frank Terpil đã bị cơ quan điều tra Bộ Tư pháp Mỹ thu thập đủ bằng chứng để buộc tội. Ông ta bị bắt giam, sau đó được nộp tiền tại ngoại và bị một tòa án ở Mỹ buộc tội buôn lậu 20 tấn chất nổ dẻo và 10.000 khẩu súng tiểu liên cho ông Gaddafi. Nhưng nhờ sự giúp đỡ của các đồng nghiệp cũ, Frank Terpil đã bỏ tiền thế chân, trốn ra nước ngoài. Năm 1981, Frank Terpil bị tuyên án vắng mặt 53 năm tù. Thẩm phán tòa án đã gọi hành vi phạm tội của ông ta là “buôn bán thần chết và hủy diệt hàng loạt”.

Sau đó, Frank Terpil xuất hiện tại Liban, gặp gỡ và đề nghị phục vụ cho lãnh đạo Palestine Yasser Arafat. Thế nhưng, trong một chuyến công tác sang Syria, Frank Terpil bị Tổng thống khi đó là Hafez al-Assad ra lệnh bắt giam do nghi ngờ làm gián điệp cho Mỹ. Một lần nữa, Frank Terpil lại phải tìm cách móc nối quan hệ, thương lượng điều kiện để được thả ra. Ông ta trở về Beirut, sống thoải mái trong căn hộ sang trọng được vài tháng thì lại phải bôn tẩu.

Israel xâm lược Liban, tung biệt kích truy lùng Frank Terpil gắt gao, buộc ông ta phải chạy vào Đại sứ quán Cuba để tị nạn, nhờ chìa ra tấm danh thiếp của Chủ tịch Fidel Castro (có được trong một lần được ông Arafat giới thiệu với Chủ tịch Fidel Castro). Một cuộc điện thoại gọi về La Habana, và Frank Terpil ngay lập tức được mở đường sang Cuba tị nạn. Một số cựu điệp viên CIA nói rằng, trong giai đoạn tị nạn ở Cuba, Terpil đã phục vụ cho Tổng cục Tình báo Cuba (DGI) trong một số hoạt động, với mật danh là Curiel, nhằm chiêu mộ điệp viên hai mang từ CIA.

Trong những năm cuối đời, người ta không biết Frank Terpil đã làm gì ở Cuba. Ông ta lấy vợ người Cuba tên Nurys, trẻ hơn ông ta nhiều tuổi. Có dư luận nói rằng, Frank Terpil đã bị chính quyền Cuba quản thúc tại gia khi Cuba và Mỹ bắt đầu có những động thái cải thiện quan hệ cho đến khi chính thức nối lại quan hệ ngoại giao đầu năm 2015. Và khi Tổng thống Mỹ Barack Obama chưa kịp thực hiện chuyến thăm lịch sử đến Cuba vào cuối tháng này, Frank Terpil đã ra đi, âm thầm tháo bỏ đi một trong những vấn đề gút mắc trong quan hệ Mỹ-Cuba.

Nguyên Khang (theo The Observer)
.
.