Giải mã hành động của nhà vật lý hạt nhân người Mỹ trong chiến dịch “Venona”

Thứ Sáu, 19/02/2016, 16:00
Nhà vật lý hạt nhân lỗi lạc người Mỹ Theodore Alvin Hall (1925-1999) bỗng trở thành tâm điểm chú ý của dư luận, khi Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) giải mật tập tài liệu liên quan đến chiến dịch “Venona”, nhằm bóc trần mạng lưới cung cấp các bí mật về vũ khí nguyên tử cho phía Liên Xô trong thập niên 40-50 thế kỷ trước.

Tập tài liệu cho thấy vào đầu năm 1944, nhóm nhân viên tình báo đối ngoại trực thuộc Ủy ban An ninh Nhà nước Liên Xô (KGB) hoạt động tại New York (Mỹ), đã chiêu mộ được nhà vật lý nguyên tử T. A. Hall, khiến ông đồng ý cộng tác với họ dưới bí danh “Mlad” (Người trẻ tuổi).

Toàn cảnh LANL - nơi nhiều nhà khoa học cộng tác với tình báo Xôviết - nhìn từ trên cao.

Khi Thế chiến II sắp kết thúc, T. Hall cũng vừa tốt nghiệp Trường đại học Harvard. Với tấm bằng cử nhân vật lý đặc biệt xuất sắc, nhà khoa học trẻ tuổi được đặc tuyển vào làm việc trong nhóm của giáo sư vật lý nguyên tử hàng đầu thế giới Julius Robert Oppenheimer (1904-1967), rồi về làm việc tại Phòng Thí nghiệm quốc gia Los Alamos (LANL) ở tiểu bang New Mexico – nơi được xem là “cái nôi” của các chương trình vũ khí tuyệt mật của Lầu Năm Góc. Chính tại đây, trong khuôn khổ Dự án khoa học quân sự mang mật danh “Manhattan”, dưới sự chỉ đạo của J. R. Oppenheimer quả bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới đã ra đời. Qua nhân viên nội gián Mlad, tình báo Xôviết đã nhận được một lượng lớn những thông tin kỹ thuật quý giá, mà theo đánh giá của giới chuyên gia hạt nhân phương Tây, đã giúp giới khoa học và quân sự Liên Xô chế tạo ra trái bom hạch tâm đầu tiên của mình sớm hơn 2 năm so với dự định.

Thông tin đầu tiên được T. Hall chuyển cho các điệp viên KGB là vào dịp Giáng sinh năm 1944. Chỉ trong quý I năm 1945, Mlad đã cung cấp cho tình báo Xôviết trọn vẹn bản danh sách các trung tâm nghiên cứu, cũng như tên tuổi các nhà khoa học trực tiếp tham gia đề án “Manhattan”, cùng với đó là các tài liệu chi tiết về công cuộc chế tạo, cũng như chuẩn bị thử nghiệm vũ khí nguyên tử của Washington. Những tin tức và tài liệu do T. Hall cung cấp đã được Viện sĩ Igor Kurchatov (1903-1960), vị chuyên gia hàng đầu về nguyên tử năng của nhà nước Xôviết đánh giá là “cực kỳ hữu ích”.

Khoa học gia Theodore Hall khi mới được KGB tuyển mộ (ảnh trái) và đồng nghiệp cùng chí hướng Saville Sax.

Người liên lạc đầu tiên của T. Hall chuyên giúp ông chuyển tin tức từ Los Alamos đến New York là Saville Sax (1924-1980). Saville là bạn đồng học sống chung phòng ký túc xá với Theodore hồi hai người còn theo học ở Harvard. Vào thời điểm đó, đôi bạn bắt đầu bị thuyết phục bởi các tư tưởng tả khuynh tiến bộ. Riêng Sax đã nộp đơn gia nhập Liên đoàn Thanh niên Cộng sản (YCLUSA) - “cánh tay phải” của đảng Cộng sản Mỹ (CPUSA).

Để trao đổi thư tín và giao ước các cuộc hẹn gặp, đôi bạn đồng môn thông minh đã tự nghĩ ra bộ mật mã riêng, với “mã khóa” là những vần thơ trong tập thơ “Leaves of Grass” (Lá cỏ) nổi tiếng của nhà thơ Mỹ lừng danh Walt Whitman (1819-1892). Ngoài T. Hall và S. Sax, tham gia đường dây cung cấp thông tin tuyệt mật này còn có một số công dân Hoa Kỳ cộng tác với tình báo Liên Xô, tiêu biểu là nữ gián điệp Leontine Theresa Cohen (1913-1992), đặc trách vai trò giao liên chuyên với việc chuyển giao các bản vẽ kỹ thuật - qua những cuộn vi phim được cất giấu hết sức tinh vi.

Một trang tài liệu trong hồ sơ được NSA giải mật.

Về phần mình, NSA đã tiếp cận được một số thông tin liên quan tới mạng lưới điệp viên KGB  tại New York từ đầu thập niên 50. Trên cơ sở, đó Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã lập tức bắt giữ 2 nhà khoa học khác đang làm việc tại LANL. Đó là nhà vật lý nguyên tử người Anh gốc Đức Klaus Fuchs (1911-1988) và chuyên gia kỹ thuật người Mỹ David Greenglass (1922-2014) - anh trai của nữ khoa học gia Ethel Rosenberg (1915-1953).

Kết cục, Fuchs bị dẫn độ về London kết án 14 năm tù biệt giam, còn D. Greenglass lĩnh án 9,5 năm tù. Rosenberg cùng chồng là khoa học gia Julius Rosenberg (1918-1953) bị tử hình trên ghế điện tại Mỹ năm 1953. Duy nhất chỉ có nữ giao liên L. Cohen và chồng là điệp viên Morris Cohen (1910-1995) đã kịp đào thoát về Liên Xô.

Ở thời điểm đầy biến động này, cả Hall lẫn Sax vẫn đang miệt mài nghiên cứu trong một phòng thí nghiệm ở Chicago (tiểu bang Illinois), dưới sự chỉ đạo trực tiếp của nhà vật lý lý thuyết người Mỹ gốc Hungary Edward Teller (1908-2003) - người được coi là “cha đẻ” của bom khinh khí, cũng như dưới sự dìu dắt của nhà bác học Italia Enrico Fermi - tác giả của lò phản ứng nguyên tử đầu tiên trên thế giới, người từng được trao giải Nobel Vật lý năm 1938.

Tất nhiên như mọi cộng sự viên có liên quan tới Dự án Manhattan, Hall và Sax cũng bị FBI bí mật theo dõi. Nhưng rất may cho họ là chỉ ít lâu sau, chính John Edgar Hoover, viên Giám đốc sừng sỏ của FBI - đã ra lệnh ưu tiên tập trung hướng toàn bộ cuộc điều tra vào những “nhân vật đáng ngờ nhất” như K. Fuchs, D. Greenglass và vợ chồng nhà Rosenberg. Cũng cần đề cập tới một nguyên nhân nữa, do Hall và Sax thường công khai tiếp xúc với các nhà hoạt động tên tuổi trong Thành ủy Chicago của CPUSA, chính vậy mà FBI mới đi đến kết luận: “Hai người này không thể làm việc cho tình báo Liên Xô được, vì trong trường hợp ngược lại khác gì “lạy ông tôi ở bụi này”(!).

Vậy đâu là nguyên nhân chính khiến T. Hall cung cấp những thông tin thuộc bí mật quốc gia cho phía Xôviết? Mọi sự đều được giải đáp đầy đủ qua ấn phẩm “Bombshell: The Secret Story of America's Unknown Atomic Spy Conspiracy” (Bom nguyên tử: Câu chuyện bí ẩn về những điệp vụ nội gián tại Mỹ” của 2 nhà báo Joseph Albright và Marcia Kunstel, phát hành tại New York năm 1997.

Bìa cuốn sách “Bom nguyên tử” Câu chuyện bí ẩn về những điệp vụ nội gián tại Mỹ.

Trong cuốn sách Hall thừa nhận đã chủ động tiếp xúc với nhân viên KGB vào năm 1944. Cuộc gặp có chủ ý nhằm “ngăn chặn tình trạng độc quyền của Washington về vũ khí nguyên tử - thứ phương tiện chiến tranh đáng sợ nhất đe dọa nền văn minh nhân loại” đồng thời ông cũng khảng khái cho biết, mình “không chịu ảnh hưởng của một thế lực nào hết và chưa bao giờ bị bất cứ ai tuyển mộ”.

Ngoài ra, Hall còn nêu rõ quan điểm: “Thậm chí có người cho rằng tôi đã góp phần làm thay đổi tiến trình lịch sử. Tuy nhiên, nếu cái “tiến trình lịch sử” đầy chết chóc ấy không khác đi, thì trong nửa thế kỷ qua chắc chắn đã bùng nổ cuộc chiến hạch tâm tiêu diệt nhân loại trên trái đất này.

Ví dụ như bom khinh khí thế hệ thứ 2, được biết tới theo quy ước là bom H rất có thể được các thế lực hiếu chiến đem thả xuống lãnh thổ Trung Hoa - quốc gia đông dân nhất thế giới - vào cuối những năm 40, hoặc đầu thập niên 50 của thế kỷ XX nhằm cứu vãn thể chế độc tài Tưởng Giới Thạch. Do vậy, nếu tôi đã giúp đỡ được cho việc ngăn chặn các thảm họa từ vũ khí hạch tâm, thì tôi vui lòng nhận những lời buộc tội là đã làm “thay đổi tiến trình lịch sử”.

Gần một thập niên sau khi 2 vợ chồng người đồng nghiệp Rosenberg bị hành quyết, T. Hall âm thầm rời khỏi nước Mỹ vào đầu năm 1962. Quãng đời còn lại ông sống ở Anh trong vai trò giáo sư hướng dẫn thực hành tại phòng thí nghiệm của Trường đại học Cambridge. Ông mất vào năm 1999, hưởng thọ 74 tuổi.

Xuân Hiếu (theo Secret Services)
.
.