Giải mật Hồ sơ vụ ám sát Tổng thống Kennedy: Vẫn giăng đầy bức màn bí ẩn

Thứ Năm, 02/11/2017, 16:28
Ngày 26-10-2017, trên website của Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Mỹ đã công bố 2.891 tài liệu về vụ ám sát cựu Tổng thống John F. Kennedy xảy ra vào tháng 11-1963.

Đây chỉ là phần tài liệu còn lại, phần khác gồm 3.900 tài liệu đã được công bố vào ngày 24-7 năm nay và chỉ 1% số tài liệu cuối cùng được lưu giữ vì có “những thông tin nhạy cảm liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia Mỹ”.

Hồ sơ được quàng “sợi dây Liên Xô”!

Theo luật được Quốc hội Mỹ thông qua năm 1992 thì 25 năm sau đó, toàn bộ các phần còn giữ kín về vụ ám sát phải được giải mật và ngày 26-10 vừa qua, 99% tài liệu xem như đã được chính thức công bố trên website của Cơ quan Lưu trữ Quốc gia.

Vụ ám sát Tổng thống thứ 35 của Hợp Chủng quốc Hoa Kỳ đứng đầu danh sách những vụ án gây chấn động và chứa đựng nhiều bí ẩn nhất của thế giới hiện đại. Liên quan đến vụ ám sát, hàng loạt các thuyết âm mưu không ngừng được dựng nên.

Nhà báo Mỹ Philip Shenon, tác giả cuốn “A Cruel and Shocking Act: The Secret History of the Kennedy Assassination” (tạm dịch: Đạo luật tàn nhẫn và chấn động: Lịch sử bí mật của vụ ám sát Kennedy) viết trên tờ The Guardian hôm 26-10 rằng, đa số người dân Mỹ tin “có sự che đậy” từ các cấp cao nhất của chính giới Hoa Kỳ và với 1% số tài liệu được giữ lại càng khẳng định việc “chính quyền không nói hết sự thật về vụ JFK”.

Lee Harvey Oswald từng sống ở Liên Xô và lấy vợ là một phụ nữ Nga ở thành phố Minsk.

Bốn ngày sau vụ ám sát, Giám đốc FBI gửi một văn bản cho James Angleton, Giám đốc Bộ phận phản gián của CIA, viết rằng: “Một điện tín từ bộ phận CIA tại London cho hay một phóng viên Anh làm việc cho tờ Cambridge News, vào đúng ngày 22-11-1963, đã nhận được cú điện thoại nặc danh nói cần báo cho Sứ quán Mỹ là sắp có tin lớn (big news).

Theo tính toán của Cơ quan Tình báo Anh MI-5, thì chỉ 25 phút sau, ông Kennedy bị hạ sát. Phóng viên này là người có uy tín và nói ông chưa bao giờ nhận được những cú điện thoại kiểu như vậy”. Tuy thế, cũng có các bản ghi nhớ khác nói có người ở Mỹ “nghe được ai đó đặt cược” rằng, Tổng thống Kennedy sẽ bị giết trong vòng 3 tuần. Thực tế là ông bị bắn chết 10 ngày sau khi lời nói đó được ghi nhận.

Theo nội dung một bản tin của Đài Phát thanh National Public Radio phát đi hôm 27-10 vừa qua thì các tài liệu giải mật cho thấy, chính quyền Moscow, Liên Xô (cũ), “thực sự lo ngại về tình hình sau khi ông Kennedy bị ám sát”.

Bản tin dẫn nguồn vừa giải mật cho hay: “Các quan chức Đảng Cộng sản Liên Xô tin rằng, có một âm mưu được lên kế hoạch rõ ràng và được tổ chức bởi những kẻ cực hữu (ultraright) ở Hoa Kỳ để tạo ra một vụ đảo chính”. Theo đó, vụ ám sát không thể do một cá nhân gây ra mà là kết quả hành động có sự tham gia của nhiều người".

Lee Harvey Oswald, hung thủ ám sát Tổng thống Kennedy, 2 tháng trước khi ra tay đã ở Mexico City. Tại đây, anh ta có liên hệ với một nhà ngoại giao Liên Xô, mà theo thông tin tình báo Mỹ, thì người này là một nhân viên tình báo KGB.

Chi tiết này một lần nữa được nhắc lại sau lần công bố ngày 24-7-2017, liên quan đến một văn bản của CIA lưu ý rằng: “Oswald đã nói chuyện với một sĩ quan KGB ở Đại sứ quán Liên Xô tại Mexico City” và rằng, viên sĩ quan tiếp xúc với Oswald làm việc cho bộ phận “chuyên trách các hoạt động phá hoại và ám sát”.

Đài truyền hình NBC đưa tin về vụ ám sát Tổng thống Kennedy. Ảnh: Los Angeles Times

Hôm 27-10, ông Dmitry Peskov, thư ký báo chí của Tổng thống Putin, cho biết: Điện Kremlin vẫn chưa tiếp cận với các tài liệu mới giải mật về vụ ám sát Tổng thống Kennedy vì thế “Chúng tôi không thể đưa ra bình luận nào. Các vị biết đấy, chúng tôi luôn muốn giải quyết các vấn đề hiện tại và tương lai, và rút kinh nghiệm từ những bài học của quá khứ”.

Lee Harvey Oswald là một cựu binh thủy quân lục chiến, từng thừa nhận mình là người theo chủ nghĩa Marxist, chạy trốn sang Liên Xô vào tháng 10-1959. Anh ta sống ở thành phố Minsk của nước cộng hòa Belarusia.

Đến tháng 6-1962, anh ta trở về Hoa Kỳ với người vợ Nga tên là Marina và cuối cùng định cư tại thành phố Dallas, bang Texas. Trong quá trình điều tra vụ ám sát Tổng thống Kennedy, các nhân viên điều tra phát hiện 8 tháng trước khi ra tay tạo nên vụ án chấn động nhất thế kỷ XX, Oswald từng âm mưu ám sát Tướng Edwin Walker, đối thủ chính trị của Tổng thống Kennedy.

Tướng Walker từng là Tư lệnh Sư đoàn bộ binh 24 đóng tại Augsburg, Đức, nổi tiếng với quan điểm chính trị siêu bảo thủ nên đã bị Tổng thống Kennedy công khai cảnh cáo vào năm 1961. Sau đó, Walker từ chức và kịch liệt công kích chính sách phản đối nạn phân biệt chủng tộc của chính phủ liên bang. Theo lời kể của Marina, vợ của Oswald, sát thủ này coi Walker là “một tên phát xít cần phải trừ khử”. Oswald bắt đầu theo dõi Walker từ giữa tháng 3-1963 và quyết định thực hiện vụ ám sát vào tối hôm 10-4-1963. Tướng Walker bị bắn khi đang ngồi tại bàn ăn trong nhà. Tuy nhiên, do cự ly bắn xa tới 30m, viên đạn đi lệch hướng, chỉ trúng vào khung gỗ cửa sổ phòng ăn. Walker chỉ bị thương nhẹ ở cánh tay do các mảnh vỡ văng phải.

Andrey Suzdaltsev, Phó chủ nhiệm Khoa Kinh tế thế giới và Chính trị thế giới của Trường Kinh tế cao cấp, chuyên gia của Hội đồng các vấn đề Quốc tế Nga cho biết, việc công bố các tài liệu mới về vụ ám sát Tổng thống Mỹ Kennedy có thể được liên kết với những nỗ lực của chính quyền Mỹ nhằm buộc tội Nga can thiệp vào quá trình chính trị nội bộ của mình.

Trong một cuộc trò chuyện với Hãng thông tấn RIA Novosti, ông nói: “Từ những gì tôi thấy thì các tài liệu này không có gì mới. Tuy nhiên, tôi có một cảm giác rằng họ sẽ không tiết lộ một mảng tài liệu hoàn chỉnh, mà chỉ là một phần ít ỏi nào đó có thể gián tiếp chỉ ra dấu vết Liên Xô trong vụ ám sát Kennedy. Điều quan trọng là phải tìm hiểu tại sao điều này lại được thực hiện trong thời điểm này”.

Nhà phân tích Andrey Suzdaltsev gợi ý: thông qua việc tiết lộ có chọn lọc các tài liệu về vụ ám sát Kennedy, Washington có thể sẽ cố “đưa ra kế hoạch mới về đề tài Nga can thiệp vào lịch sử chính trị Hoa Kỳ” có lẽ vì động cơ cho thấy rằng “ngay cả trong quá khứ, Liên bang Xôviết đã cố gắng để gây ảnh hưởng đến quá trình này”.

Chủ hộp đêm Jack Ruby chen lên rút súng bắn Oswald.

Vụ ám sát Tổng thống Kennedy phủ sóng truyền hình Mỹ suốt hơn 4 ngày; Đài CBS là kênh truyền hình toàn quốc đầu tiên đưa tin. Ngay sau đó, ba đài truyền hình lớn khác là CBS, NBC và ABC quyết định dừng phát sóng tất cả các chương trình không liên quan, chỉ đưa tin về vụ ám sát trong những ngày này.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử truyền thông Mỹ, các hãng truyền hình liên tục đưa tin về một sự kiện trong thời gian dài kỷ lục 90 tiếng. Kỷ lục này chỉ bị phá khi xảy ra vụ khủng bố 11-9-2001, với 93 tiếng đồng hồ đưa tin liên tục. Vào ngày 22-11-2013, dịp kỷ niệm 50 năm ngày Tổng thống Kennedy bị ám sát, hãng CBS quyết định chiếu lại toàn bộ quá trình đưa tin suốt 4 ngày trên trang web tin tức của hãng.

Những kẻ tình nghi nhất đều chết sớm!

Tổng thống Kenedy bị bắn vào lúc 12 giờ 30 phút  ngày 22-11-1963 trên chiếc xe Limousine trong chuyến thị sát thành phố Dallas. Các nhân chứng trong vụ ám sát nói rằng, họ đã nghe thấy những tiếng súng phát ra từ đằng sau một hàng rào gỗ ở Grassy Knoll và từ Trung tâm Lưu trữ sách của Trường Texas (TSBD).

Trong quá trình điều tra ở TSBD, cảnh sát đã khám phá ra trên sàn nhà tại một trong 6 tầng lầu có 3 vỏ đạn rỗng. Họ cũng tìm thấy một khẩu súng trường hiệu Mannlicher-Carcano giấu bên dưới đống hộp cáctông. Điều quan trọng là người ta thấy Oswald tại TSBD trước 11 giờ 55 phút ngày hôm đó và thấy hắn xuất hiện lại lúc 12 giờ 31 phút, sau khi xảy ra vụ ám sát.

Ban đầu, Oswald bị bắt không phải vì bị tình nghi ám sát Tổng thống Kennedy mà bị bắt vì sát hại một cảnh sát trên một con phố ở Dallas chỉ 45 phút sau khi Tổng thống Kennedy bị bắn. Lúc 12 giờ 33 phút, Oswald rời khỏi tòa nhà TSBD và về chỗ ở của mình lúc 13 giờ.

Bà chủ nhà Earlene Roberts cho biết, Oswald chỉ ở nhà có vài phút. Lúc 13 giờ 16 phút, J. D. Tippet, một cảnh sát của thành phố Dallas, đã tiếp cận Oswald khi hắn đang đi dọc theo đường East 10. Một nhân chứng kể lại rằng, hai người nói gì đó thì bất thần Oswald rút súng, bắn nhiều phát vào người Tippet.

Nhưng ông John Brewer, người quản lý của cửa hàng giày Hardy ở góc đường lại đưa ra lời khai khác: Sau khi nhìn thấy ánh sáng lóe lên ngay chỗ cảnh sát Tippet, John Brewer nhìn thấy một người đàn ông lạ mặt bên ngoài cửa hàng.

Ông John nhớ lại: “Xe cảnh sát chạy xuôi ngược sau khi nghe âm thanh của tiếng súng phát ra, tôi thấy gã đàn ông lạ mặt ẩn vào trong đám cảnh sát. Chờ khi cảnh sát đi hết, hắn đi thật nhanh về rạp chiếu phim Texas”. John Brewer cho biết, ông đã cùng cảnh sát vào rạp và người tra tay vào còng của cảnh sát là…Oswald.

Khi bị bắt, Oswald mang theo mình một thẻ căn cước giả mang tên Alek Hiddell và cảnh sát Dallas cũng phát hiện ra khẩu súng trường Mannlicher-Carcano được mua bằng cái tên giả này. Bị cảnh sát Dallas thẩm vấn suốt 13 giờ đồng hồ, tuy nhiên, Oswald luôn miệng phủ nhận âm mưu ám sát Tổng thống Kennedy. Hắn nói rằng, mình chỉ là một “Pasty” (một từ lóng được giới mafia dùng khi ra lệnh trừng phạt ai đó).

2 ngày sau đó, trong khi đang được chuyển từ trụ sở cảnh sát tới nhà tù địa phương, giữa vòng vây hàng chục cảnh sát và phóng viên, có một người cố chen lên tiếp cận và giơ súng bắn thủng bụng Oswald. Đó là Jack Ruby, một chủ hộp đêm ở Dallas.

Các đài truyền hình khi đó đang phát sóng trực tiếp hình ảnh nghi phạm bị giải đi và vụ “kẻ ám sát bị ám sát” đã vô tình được ghi hình, hàng triệu khán giả truyền hình đã được xem cảnh này. Jack Ruby bị bắt ngay lập tức. Ruby khai: ông ta bắn chết Oswald để trả thù cho Tổng thống Kennedy! Đương nhiên không ai tin lời khai này.

Một số người cho rằng Ruby có liên quan tới các nhân vật quyền lực trong giới tội phạm có tổ chức và rằng Ruby giết Oswald là một phần của âm mưu lớn hơn liên quan tới vụ ám sát Tổng thống Kennedy. Sau đó, Ruby lại khai là: Nếu bắn chết Oswald, người hạ sát Tổng thống Kennedy, ông ta sẽ thành người nổi tiếng!

Jack Ruby mất ngày 3-1-1967 vì căn bệnh ung thư phổi mặc dù ông ta chẳng bao giờ hút thuốc. Trước khi chết, ông chủ hộp đêm này cho rằng, “hình như đã bị người ta tiêm tế bào ung thư vào người”.

Cô Rose Cheramie, vũ nữ thoát y làm việc trong hộp đêm của Ruby vào ngày 19-11-1963 (3 ngày trước khi xảy ra vụ ám sát Tổng thống) đã bị ném ra khỏi một chiếc xe ở bang Louisana nhưng vẫn sống sót. Sau đó, cô đã báo với cảnh sát rằng, Tổng thống Kennedy sẽ bị ám sát tại thành phố Dallas vào ngày 22-11. Rose Cheramie cũng cho biết, cô đã nhiều lần nhìn thấy Oswald và Ruby gặp nhau tại hộp đêm của Ruby.

Ngày 4-9-1965, người ta tìm thấy xác của cô nằm ở giữa một con đường tại bang Texas. Nguyên nhân cái chết được cho là vì tai nạn ôtô. Còn James Koethe, một phóng viên của tờ Dallas Times Herald, là một trong 5 người đã gặp Ruby vào tối ngày 24-11-1963 và tới thăm ông ta tại nhà tù, thì mất ngày 21-9-1964. Các nhà điều tra kết luận rằng, anh tử vong do bị một người nào đó đánh một ngón đòn karate vào cổ họng…

Quang Học (tổng hợp)
.
.