Giải mật chương trình phát triển vũ khí của Anh dưới thời Winston Churchill

Thứ Sáu, 22/07/2016, 08:30
Vốn là nơi nghỉ dưỡng ở quê của thủ tướng, biệt thự Chequers ở Buckinghamshire chắc chắn phải là một nơi điền viên, thanh bình. Tuy nhiên, dưới thời Thủ tướng Anh Winston Churchill, nơi này lại trở thành một nơi thí nghiệm những "đồ chơi" nguy hiểm.


Xưởng "đồ chơi" của ông Churchill

Trưa chủ nhật ngày 18-8-1940, trong bối cảnh trận chiến nước Anh đang ở giai đoạn căng thẳng, Thủ tướng Churchill thảo luận về mối đe dọa của Đức quốc xã với lãnh đạo đảng Nước Pháp Tự do là tướng Charles de Gaulle và Thủ tướng Nam Phi Jan Smuts. Sau bữa trưa, ông Churchill mời hai vị khách ra bãi cỏ để xem một trong số những "đồ chơi" của mình.

Khi ra ngoài, ông Churchill chỉ cho khách xem cảnh bốn người đàn ông trong tâm trạng hồi hộp nằm cạnh một cái máy kỳ cục có bốn chân, bên trên máy là một xi lanh chứa một quả bom hình quả trứng. Thiết bị là một vũ khí chống tăng thí nghiệm nhằm giúp lực lượng vệ binh ngăn chặn bất kỳ quân thiết giáp Đức nào. Do Chequers không có chiếc xe tăng nào để làm vật hi sinh trong thử nghiệm vũ khí nên ông Churchill đồng ý lấy một cái cây ở phía xa để làm mục tiêu.

Thủ tướng Churchill.

Có lẽ do hồi hộp, một trong số bốn người đàn ông vô tình kéo cò sớm và với một tiếng kêu to, quả bom bắn vọt ra ngoài, sượt qua người tướng De Gaulle. Nếu ông đứng gần chỉ khoảng một mét nữa thôi thì cả chiều hôm đó sẽ là thảm họa. Trước khi ông De Gaulle kịp nhận ra mình vừa  may mắn thoát chết trong gang tấc thì mục tiêu phát nổ thành một quả cầu khổng lồ ngùn ngụt lửa, khói và mảnh vụn.

Khói tan, ông Churchill vui mừng khi thấy cái cây đã hoàn toàn bị phá hủy. Ông ngay lập tức giơ ngón tay cái lên tán thưởng thiết bị có tên là Heath Robinson. Ông ra lệnh: "Với tư cách là Thủ tướng, tôi chỉ thị cho các anh tiếp tục phát triển thứ vũ khí tuyệt vời này với tốc độ nhanh nhất. Với tư cách là Bộ trưởng Tài chính, tôi cấp chi phí 5.000 bảng cho công việc này". Số tiền này tương đương với 295.000 bảng thời nay.

Biệt thự Chequers.

Bốn người đàn ông vui mừng trước những gì ông Churchill nói sau màn trình diễn thành công vang dội vừa rồi. Nhưng bốn người này là ai mà họ không những được giao nhiệm vụ trình diễn thứ vũ khí thử nghiệm nguy hiểm này trên đất Chequers mà còn may mắn được đích thân ông Churchill cấp quá nhiều tiền như vậy? Trong hàng chục năm qua, công việc của họ phần lớn là điều bí ẩn. Bí ẩn đó giờ đây mới được tiết lộ qua một cuốn sách mới "Churchill's Toyshop" (Xưởng đồ chơi của Churchill".

Nhà phát minh "đồ chơi"

Về mặt chính thức, đơn vị này có cái tên là Bộ Quốc phòng 1 (viết tắt là MD1) nhưng thường được gọi là "Xưởng đồ chơi của Churchill" và báo cáo trực tiếp với thủ tướng. Thời nay, nếu một ý tưởng thành lập một đơn vị như vậy đương nhiên sẽ do đích thân Thủ tướng Anh điều khiển. Tuy nhiên, điều không tưởng là nó lại có thể xảy ra thời của ông Churchill. Nguồn gốc về nhóm MD1 xuất phát từ nhiều thời thế khác nhau. Khi ấy, nhiều người coi dùng một loại vũ khí mới trong chiến đấu là hành vi "không quân tử".

Cuối những năm 1930, trước khi chiến tranh nổ ra, báo chí Anh bùng lên một cuộc tranh luận sôi nổi nhưng kỳ cục về việc liệu có được chấp nhận không khi chiến đấu với bất kỳ vũ khí nào khác ngoài kiếm. Vũ khí như hơi ngạt, súng, lựu đạn bị một số người coi là đi ngược với bản chất "chơi đẹp" của người Anh. Cuộc tranh luận cũng nổ ra ở Hạ viện, trong đó nghị sĩ Bảo thủ Robert Bower khẳng định không thể "chơi đẹp" trong bất kỳ cuộc xung đột nào với quân Đức quốc xã. Ông này nói: "Khi đang chiến đấu giành mạng sống với một đối thủ độc ác, ta không thể theo quy tắc".

Bom dính chống tăng.

Quan điểm của ông Bower không thuộc dạng chính thống và thậm chí khi chiến tranh đã xảy ra, quân đội và Bộ Nội vụ Anh phản đối mạnh mẽ việc chi tiền phát triển những thứ vũ khí bị cho là "không đàng hoàng".

Kết quả là, MD1 lúc đầu vốn thuộc Văn phòng Chiến tranh đã bị các quan chức phản đối ngay từ đầu. Họ coi việc của MD1 là vừa không quân tử vừa tốn kém. Không chỉ thế, ai chỉ huy MD1 cũng bị coi là kẻ nổi loạn kỳ dị. MD1 do Millis Jeffferis làm chỉ huy. Đây là một người có ngoại hình trông như khỉ đột nhưng có một bộ não làm việc nhanh như chớp. Ông là một lính lục quân, một kỹ sư và chuyên gia chất nổ, từng phục vụ ở Ấn Độ và nổi tiếng với công việc xây cầu.

Còn với MD1, công việc của Jefferis dưới thời ông Churchill lại là… phá cầu. Để giúp mình trong công việc, ông đã nhờ đến một người cao ráo và dẻo dai tên là Stuart Macrae, tổng biên tập tạp chí Armchair Science. Trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất, Macrae là một kỹ sư hàng không đã phát triển một phương pháp thả nhiều lựu đạn cùng lúc từ máy bay trong một thiết bị được coi là "bố" của bom chùm.

Ngoài thiết kế vũ khí, Jefferis và Macrae cũng có một đam mê khác là xe tải. Chính sở thích này đã khiến họ chú ý tới một người. Đó là Cecil Clarke, một nhà phát minh có dáng dấp thể thao, đeo kính. Clarke từng phát triển một hệ thống giảm xóc cho xe tải và được Macrae viết bài khi làm biên tập cho tạp chí Xe tải và Xe moóc.

Khi được đề nghị, Clarke sẵn sàng tham gia nhóm và nói với các đồng nghiệp mới rằng những vũ khí chết người nhất có thể được làm từ những vật liệu sẵn có ở bất kỳ nơi nào.

Những "đồ chơi" nguy hiểm

Một trong những thành công đầu tiên của MD1 là phát triển mìn buộc vào đáy tàu, một loại mìn hẹn giờ nam châm có thể được thợ lặn gắn vào thân tàu. Một trong những thách thức của họ là đảm bảo quả mìn không phát nổ quá sớm làm chết thợ lặn. Clarke đã nghĩ ra cách dùng một viên thuốc nhỏ mà khi hòa tan sẽ khiến ngòi nổ được kích hoạt. Tuy nhiên, nhóm chỉ có thể tìm được các viên thuốc tan quá nhanh hoặc là không hề tan.

Một ngày nọ, khi Clarke và Macrae đang suy nghĩ về vấn đề này thì Clarke cáu kỉnh gạt kẹo của mấy đứa con ra khỏi ghế làm việc. Mấy viên kẹo rơi tung tóe trên sàn. Macrae nhặt một viên và ăn. Đó là viên kẹo hình tròn làm từ hạt hồi và khi mút kẹo, Macrae chợt nhận thấy viên kẹo tan rất chậm và đều.

Mìn buộc vào đáy tàu.

Chỉ trong vòng vài giờ, Macrae và Clarke đã mua tất tần tật kẹo hạt hồi trong các cửa hàng bán kẹo ở thành phố Bedford. Họ thử và thấy rằng kẹo tan trong khoảng 30 phút - một thời gian hoàn hảo để thợ lặn bơi tới nơi an toàn. Tuy nhiên, lúc đó, một vấn đề khác nảy sinh. Làm sao có thể giữ những viên kẹo này khô trước khi đặt mìn vào vị trí?

Một lần nữa, giải pháp lại đến từ những điều bình thường. Trong một buổi chiều, hai người ghé mọi tiệm thuốc ở Bedford để mua hết bao cao su - thứ lý tưởng để giữ cho các viên kẹo khô ráo. Chuyến thu gom bao cao su khiến họ bị đồn là "vận động viên tình dục".

Mìn buộc vào đáy tàu là một thành công lớn. Một nửa triệu quả đã được sản xuất để phá hủy tàu thuyền của kẻ thù. Cho dù là một vũ khí xuất sắc, nhưng mìn không được ủng hộ chính thức cho đến khi ông Churchill xuất hiện. Ông Churchill là người ủng hộ MD1 nhất. Hai thập kỷ trước đó, ông Churchill khi đó là Bộ trưởng Đạn dược đã phê chuẩn việc sử dụng vũ khí hóa học chống người Bokshevik ở Nga. Ông cũng ủng hộ dùng hơi ngạt để giết chết các bộ lạc ở mặt trận Tây Bắc.

Khi làm thủ tướng và biết được vấn đề khó khăn của MD1, ông Churchill đã đưa đơn vị ra khỏi Văn phòng Chiến tranh để tự mình kiểm soát. Nhờ sự bảo trợ đó mà "Xưởng đồ chơi của Churchill" ra đời.

Trong vòng 5 năm sau đó, tại một ngôi ở làng Whitchurch, Buckinghamshire, Jefferis lên kế hoạch tập hợp một số những bộ óc sáng tạo nhất để sản xuất một loạt vũ khí phức tạp. Người dân trong làng đã phải chịu đựng đủ loại tiếng nổ suốt ngày đêm. Một đội gồm 250 người đã phát minh và sản xuất nhiều loại vũ khí giết người khác nhau. Một trong những vũ khí hiệu quả nhất là vũ khí chống tăng cầm tay tên là PIAT. Vũ khí này có thể phóng bom nặng hơn 1kg vào xe tăng và phá hủy nó. Trong chiến tranh, họ đã được tặng thưởng sáu bội tinh Victoria nhờ sử dụng vũ khí trong chiến trận.

Một vũ khí hủy diệt nữa là Hedgehog - một hệ thống súng cối có thể dùng để bắn tàu ngầm. Vũ khí này do Jefferis thiết kế trên một vỏ bao thuốc lá trong lúc đang đi huấn luyện. Nó đã phá hủy 37 tàu ngầm kẻ địch.

Đơn vị MD1 cũng nảy ra sáng kiến về "bom dính" - tức thuốc nổ đựng trong thủy tinh rồi được bọc một lớp vỏ bọc dính ra ngoài,  sau đó dùng để gắn bom vào xe tăng. Vũ khí ngay lập tức được ông Churchill ủng hộ. Ông ra lệnh ngắn gọn: "Bom dính, làm 1 triệu - WSC".

Ông Churchill rất thích thăm The Firs và yêu cầu bắn thử vũ khí liên tục, không phải vì để kiểm tra về mặt khoa học mà chỉ đơn giản là vì ông thích tiếng nổ. Một lần, ông sử dụng một khẩu súng Tommy để bắn thành hình các chữ cái đầu của tên ông trên một chiếc xe tải lục quân bỏ không.

Năm 1945, "xưởng đồ chơi" đã sản xuất khoảng 10 triệu quả bom, bẫy mìn và kíp nổ. Số vũ khí này rất hữu ích trong chiến tranh. Ngoài ra, MD1 còn có vai trò quan trọng trong giúp phát triển vũ khí thay đổi lịch sử: bom nguyên tử.

Trong chiến tranh, Jefferis đã phát triển một thiết bị để đảo ngược đầu một vỏ đạn. Điều này tạo ra lực nổ chết người hơn nhiều so với thông thường. Chính ý tưởng này của Jefferis sau này được các nhà khoa học sử dụng để phát triển kíp nổ của quả bom nguyên tử được Mỹ thả xuống Nagasaki.

Cũng năm 1945, ông Churchill đã quy định rằng phải gửi một bản sao của mỗi thứ vũ khí tới Bảo tàng Chiến tranh Đế quốc và công việc của MD1 cần phải được tiếp tục. Tuy nhiên, khi ông Churchill thất bại trong cuộc tổng tuyển cử năm đó, ông đã bị trả thù. "Xưởng đồ chơi" của ông bị đóng cửa, mọi vũ khí bị tiêu hủy. Người ta đồn đoán rằng, đó là cơn giận cuối cùng của các "quý ông" vốn không thể chấp nhận việc chiến thắng trong chiến tranh nhờ một thứ vũ khí nào đó ngoài kiếm.

Nhật Minh (tổng hợp)
.
.