“Gián điệp” bên bàn hội nghị an ninh châu Âu

Thứ Sáu, 19/02/2016, 11:25
Khi 28 vị đại sứ các nước thành viên Liên minh châu Âu gặp nhau tại cuộc họp về an ninh của Ủy ban Chính trị và An ninh (PSC) thuộc EU hôm 15-1-2016, hầu hết trong số họ không hề hay biết tham gia cuộc họp còn có một thành viên thứ 29 – Israel.

Các vị đại sứ cùng nhau thảo luận để chốt lại một bản tuyên bố chung để các Ngoại trưởng gút lại 3 ngày sau đó. Nhưng cùng thời gian cuộc họp PSC thì các nhà ngoại giao Israel cũng đọc được bản dự thảo tuyên bố chung cùng những sửa đổi, bổ sung kèm theo. Một số nguồn tin trong EU nói rằng các liên lạc viên của Israel đã gửi tin nhắn vào cuộc họp yêu cầu sửa đổi câu chữ khi các bản dự thảo được chuyển cho các đại sứ tham khảo.

Đến cuối buổi họp, Hy Lạp bày tỏ sự phản đối bằng cách phủ quyết một câu trong bản tuyên bố đã được 27 thành viên khác dự họp đồng ý, chỉ vì Israel ghét câu này. Câu bị phủ quyết viết thế này: “EU sẽ tiếp tục phân biệt một cách cụ thể và rõ ràng giữa Israel và tất cả các vùng lãnh thổ bị Israel chiếm đóng năm 1967.”

Đến khi các vị Ngoại trưởng họp nhau vào 3 ngày sau đó, thêm Bulgaria, Síp và Ba Lan đi theo Hy Lạp phản đối câu trên. Vì vậy, bản dự thảo tuyên bố cuối cùng đã có thêm một số thay đổi, trong đó câu trên đã được gọt giũa lại cho nhẹ nhàng hơn, thành ra thế này: “Tất cả các thỏa thuận giữa nhà nước Israel và EU phải thể hiện cụ thể và rõ ràng không thể áp dụng đối với các vùng lãnh thổ bị Israel chiếm đóng”.

Trên thực tế, không chỉ có Israel có “tay trong” và tuồn các thông tin nội bộ của EU ra bên ngoài. Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ cũng từng làm như thế. Nhưng việc nắm rõ thông tin nội bộ EU tới từng chi tiết như Israel đã làm hôm 15-1 thì chưa từng có, và nó đã gây nên một cuộc tranh luận trong nội bộ EU về vấn đề cốt lõi là an ninh thông tin tại một ủy ban chuyên về an ninh như PSC.

Trong một cuộc họp tiếp sau để triển khai văn bản vừa thông qua, các nhà ngoại giao EU đã đưa ra giả thuyết Israel đã cài bọ nghe lén các cuộc họp nói trên. Tại một cuộc họp tiếp sau nữa, các nhà ngoại giao gợi ý nhiều sự kiện của PSC nên được tổ chức trong một căn phòng an ninh cao độ, tại đó các vị đại sứ dự họp không được phép sử dụng điện thoại di động.

Hơn nữa, thêm nhiều văn bản, hồ sơ của PSC nên được liệt vào hạng bảo mật. Các bản dự thảo tuyên bố của các ngoại trưởng EU thường chỉ được đóng dấu “lưu hành có giới hạn”, tức ở mức bảo mật an ninh thấp nhất. Nhưng EU có các quy tắc nghiêm ngặt đối với các văn bản được đóng dấu “hạn chế lưu hành” hoặc mức cao hơn, ít người được phép đọc chúng. Một số văn bản còn được mã hóa và chỉ được lưu hành trên các hệ thống mạng được bảo mật an ninh.

Cuộc họp PSC vào ngày 29-1-2016.

Và đây cũng chẳng phải là lần đầu, và Israel có lịch sử gián điệp đối với các nhà ngoại giao EU. Vào năm 2003, các cơ quan an ninh đã từng phát hiện các thiết bị nghe lén cài trong tòa nhà Hội đồng EU, nơi đang diễn ra cuộc họp giữa các quốc gia thành viên. Các nhà điều tra Bỉ sau đó đã thông báo các nghi can cài bọ nghe lén có quan hệ với một công ty Israel tên là Comverse, và công ty này lại có quan hệ mật thiết với Cơ quan Tình báo Israel MOSSAD. Peter de Smet, một nghị sĩ Bỉ từng tham gia cuộc điều tra nói rằng, “thủ phạm có thể là Israel, nhưng bức màn bí mật ai là kẻ đã làm ra vụ việc này sẽ không bao giờ được vén lên. Đây vẫn là một trò chơi bí mật của các cơ quan tình báo”.

Một nguồn tin EU nói các cuộc họp của PSC cũng có thể bị hack từ bên ngoài, vì các cuộc họp như thế thường được truyền tải trên các mạng công nghệ thông tin của Hội đồng EU để các quan chức cấp cao có thể theo dõi ngay tại phòng làm việc của mình. Từ thực tế này, người ta lại cho rằng cũng có thể Israel đã không có gián điệp tại các cuộc họp. Sau khi Hy Lạp phủ quyết, một số người đã nghi ngờ rằng chính Hy Lạp đã bí mật rò rỉ nội dung các bản dự thảo cho Israel.

Một nhà ngoại giao EU cho rằng giả thuyết tình báo có vẻ như là một giải pháp “phân hai” nhằm tránh gây đối đầu giữa các quốc gia thành viên. Tại một cuộc họp khác nữa ở Coreper (cũng thuộc EU), vấn đề gián điệp lại được nêu lên, nhưng chỉ là để giữ thể diện, nhằm tránh việc đổ lỗi cho nhau. Nhà ngoại giao EU lập luận rằng, nếu một cơ quan tình báo nước ngoài muốn nghe lén Hội đồng EU, họ sẽ không thực hiện đối với thông tin của PSC vì như thế dễ bị lộ tẩy hơn.

Một giả thuyết nữa lại cho rằng một vị đại sứ dự họp có cảm tình với Israel đã bấm điện thoại gọi cho người liên lạc Israel rồi không tắt máy và để máy ngay cạnh micrô và người ở đầu dây bên kia nghe được trực tiếp toàn bộ cuộc họp. Nhưng giả thuyết này không được chấp nhận, vì nó quá thô thiển, và cũng vì còn nhiều cách khác phức tạp hơn và bí mật hơn để chuyển thông tin cho Israel. Chẳng hạn, như vị đại sứ đó có thể gọi điện thoại truyền thông tin về thủ đô nước mình, rồi từ thủ đô truyền tiếp cho Israel.

Cho dù giả thuyết nào đúng thì những vụ việc tuồn thông tin nội bộ EU cho Israel giống như vụ PSC cũng sẽ còn tiếp diễn, vì chẳng có thay đổi nào được thực hiện nhằm ngăn chặn chúng. Một nhà ngoại giao EU sẽ không chấp nhận giao nộp điện thoại di động theo phương án bảo đảm an ninh tuyệt đối cho cuộc họp, vì như thế sẽ vô cùng khó khăn cho họ trong việc trao đổi, tham khảo ý kiến chỉ đạo với lãnh đạo nước mình.

Còn việc mã hóa rồi giải mã các nội dung văn bản lại bị cho là rườm rà, phiền phức, mất thời gian. Rốt cuộc, châu Âu sẽ phải tiếp tục chịu sự chi phối từ bên ngoài đối với tất cả các chính sách mà họ muốn thông qua.

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.