FARC và cuộc cách mạng dở dang: Hai lần đàm phán bất thành

Thứ Ba, 22/03/2016, 12:55
Vào ngày 23-3 sắp tới đây, tổ chức du kích cánh tả Colombia mang tên Lực lượng vũ trang Cách mạng Colombia (FARC) sẽ cùng với Chính phủ Colombia ký vào bản hiệp ước hòa bình cuối cùng, chấm dứt hoàn toàn cuộc nội chiến kéo dài hơn 50 năm qua tại Colombia gây bao đau thương, mất mát.

Cách đây hơn 50 năm, FARC đã khởi xướng một cuộc cách mạng nhằm lật đổ chính quyền tư bản chủ nghĩa để xây dựng một nhà nước theo chủ nghĩa Mác, hai lần suýt đạt mục tiêu, nhưng cuối cùng lại không thành công. Những hoạt động của tổ chức cách mạng vũ trang này dần dần đi chệch hướng với mục đích, lý tưởng ban đầu, thậm chí ngày càng biến tướng khiến dư luận dễ đánh đồng FARC với một tổ chức khủng bố.

Chiến dịch quân sự khai sinh FARC

Vào ngày 27-5-1964, có đến 1.000 binh sĩ quân đội Colombia, với sự yểm trợ của máy bay chiến đấu và trực thăng, đã mở đợt tấn công quy mô lớn vào một cộng đồng 50 hộ gia đình ở Marquetalia. Mục tiêu của cuộc tấn công là dập tắt hoàn toàn “mối đe dọa cộng sản” ở Colombia. Thế nhưng, kết quả của cuộc tấn công đó lại khai sinh ra một phong trào du kích nổi dậy kéo dài nhất Mỹ Latinh: Cuộc nổi dậy của FARC.

Jacobo Arenas và Manuel Marulanda.

Vào thập niên 1950, Marquetalia được xem là một trong những “vùng cộng sản độc lập” mọc lên như nấm ở các vùng nông thôn Colombia, vốn bị nhà nước lãng quên, không quan tâm. Ở đó, 50 hộ gia đình gồm người theo chủ nghĩa cộng sản, cựu thành viên đảng Liberal (Tự do) và lôi kéo thêm những người khác, được bảo vệ bởi một đội du kích mà người đứng đầu là du kích quân nổi tiếng: Pedro Antonio Marin, biệt danh Manuel Marulanda, hay Trirofijo, có nghĩa “Bắn là trúng”.

Chiến dịch của Chính phủ Colombia nhằm đánh chiếm Marquetalia kéo dài gần 2 tháng, Marulanda và người của ông quân ít, bị áp đảo cả về lực lượng lẫn hỏa lực, nhưng vẫn kiên cường chiến đấu chống trả quyết liệt quân chính phủ, cuối cùng họ trốn thoát. 5 tháng sau đó, những người sống sót tập hợp trở lại và tổ chức Hội nghị lần thứ nhất để tuyên bố sự ra đời của phong trào du kích nổi dậy mà sau này được đặt tên là FARC.

Marulanda chính là người đã khai sinh ra phong trào du kích khét tiếng này. Marulanda vốn là một thành viên đảng Tự do, từng tham gia cuộc nội chiến giữa hai đảng phái Tự do và Bảo thủ (Conservative). Tại Hội nghị, Marulanda tự tuyên bố mình là một người cách mạng cộng sản, dành trọn đời mình để chiến đấu lật đổ chính quyền Colombia. Marulanda đã trở thành động lực và là bộ óc quân sự siêu việt của phong trào nổi dậy, lúc ấy có tên gọi là “Southern Bloc” (Khối phương Nam), và đến năm 1966 đổi tên thành FARC.

Bên cạnh Marulanda còn có Luis Morantes, biệt danh Jacobo Arenas, một nhà hoạt động nghiệp đoàn, lãnh đạo đảng Cộng sản Colombia và là một lý thuyết gia về chủ nghĩa Mác. Arenas được giao phụ trách cánh chính trị của FARC. Hai con người này đã cùng nhau hợp thành bộ xương sống vững chắc của FARC. Nhóm du kích được xem là cánh tay quân sự của đảng Cộng sản Colombia, mở rộng phạm vi hoạt động khắp các vùng nông thôn miền Trung và Nam Colombia. Trong những năm đầu, lực lượng của FARC rất ít, chưa bao giờ vượt quá con số 500 người, có lúc còn khoảng 50 người.

Kế hoạch cướp chính quyền không “thiên thời, địa lợi….”

Trải qua một năm đầu tẻ nhạt, FARC bắt đầu phát triển từng bước chậm nhưng ổn định trong những năm của sthập niên 1970. Tổ chức này bắt đầu áp dụng các chiến thuật đấu tranh hỗn hợp, cả về quân sự lẫn chính trị.

Manuel Marulanda và Jacobo Arenas cùng các du kích quân nổi dậy tại Marquetalia.

Họ hình thành Bộ chỉ huy cấp cao – còn gọi là Ban Thư ký – vào năm 1974 và phân chia quân đội thành nhiều mặt trận, mỗi mặt trận như vậy điều hành những đơn vị riêng bao gồm các đơn vị chiến đấu, thu thập tình báo, tài chính, hậu cần, an ninh công cộng và các chương trình công ích. FARC cũng bắt đầu xâm nhập vào các thị trấn nhỏ, thu phục người dân trong thị trấn bằng cách áp đặt luật lệ và kỷ cương riêng.

Ngay từ thời điểm ban đầu, FARC đã sử dụng phương cách bắt cóc và tống tiền để tạo nguồn kinh phí hoạt động. Tuy nhiên, người dân trong các vùng FARC kiểm soát vẫn xem tổ chức này còn “lãng mạn” chán so với chính quyền Colombia. Thực tế các hoạt động đàn áp đầy bạo lực và dã man của chính quyền Colombia đã khiến cho người dân bất mãn, càng tôn thêm uy tín, hình ảnh cách mạng của FARC, từ đó nhiều người đã tình nguyện gia nhập FARC.

Đến năm 1982, những thành viên chạy thoát khỏi Marquetalia đã hình thành bộ khung cốt lõi của quân đội FARC, với lực lượng gồm 3.000 quân, phân chia làm 32 mặt trận.

Các du kích quân FARC thời đỉnh cao sức mạnh.

Tại Hội nghị lần thứ bảy, FARC đã đánh dấu sự lớn mạnh của mình bằng những cải cách về chiến lược và cơ cấu tổ chức, có ảnh hưởng quan trọng, định hình giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột Colombia. Trong các cải cách quân sự của FARC bao gồm cả việc thêm tên Ejercito del Pueblo (Quân đội Nhân dân) vào cơ cấu quân sự, đặt ra kỷ luật, kỷ cương mới và các quy định hướng dẫn công tác tuyển quân, nhập ngũ, theo đó cho phép thiếu niên 15 tuổi cũng có thể nhập ngũ.

Đặc biệt là Marulanda và Arenas đưa ra trước Hội nghị một kế hoạch cướp chính quyền trong 8 năm. Bản kế hoạch bao gồm chiến lược quân sự sử dụng chiến thuật lấn dần từ nông thôn ra, từng bước áp sát, bao vây các thành phố, thị trấn. “FARC sẽ không còn ngồi yên chờ kẻ thù tấn công mình, mà thay vì thế sẽ đuổi theo, tấn công chúng và xóa sổ chúng” – Marulanda và Arenas tuyên bố.

Một cải cách rất đáng chú ý, có tầm quan trọng rất lớn, đó là cải cách về chính sách tài chính. Lần đầu tiên FARC áp dụng việc đánh thuế lên hoạt động sản xuất cây coca nhằm tạo nguồn thu làm kinh phí cho việc mở rộng hoạt động đấu tranh cách mạng. Lúc đó, ngành công nghiệp sản xuất ma túy từ cây coca đang bùng nổ ở Colombia. Vì thế việc đánh thuế này đã giúp FARC tăng nguồn thu mạnh mẽ, nâng tầm cuộc đấu tranh lên một tầm cao mới.

Trong khi FARC đang vạch kế hoạch giành chính quyền, chiếm lấy quyền lực, thì người dân Colombia lại bầu ra một vị Tổng thống mới mang đến lời hứa tìm kiếm hòa bình. Ông Belisario Betancur đắc cử Tổng thống Colombia vào năm 1982. Vị Tổng thống mới đã tìm đến nói chuyện với FARC, và lần đầu tiên FARC tham gia vào cuộc đàm phán hòa bình cấp cao.

Để tham gia tiến trình đàm phán, FARC thành lập một đảng chính trị lấy tên là Liên minh Yêu nước (UP) vào năm 1985. Đảng UP bao gồm chủ yếu là người của FARC, nhưng đảng này còn thu hút sự chú ý của nhiều thành phần khác, bao gồm những người thiên tả, các nhà vận động vì hòa bình và cả những người bất mãn với hệ thống chính trị bảo thủ, khép kín. Trong cuộc bầu cử Quốc hội một năm sau khi UP ra đời, đảng này giành được 14 ghế đại biểu, trong đó có 2 ghế thuộc về các chỉ huy quân sự của FARC, cùng với rất nhiều ghế Nghị viện tỉnh và 351 ghế hội đồng địa phương.

Tuy nhiên, cơ hội hòa bình đã sớm vấp phải nguy cơ lụi tàn, vì trong khi Chính phủ Colombia và FARC nói chuyện hòa bình, thì một phong trào chống du kích nổi dậy cũng âm thầm tập hợp lực lượng. Bọn này bao gồm thành phần buôn lậu ma túy, các chủ đất và thành phần thượng lưu về kinh tế và xã hội của Colombia, bất mãn việc FARC tiến hành các vụ bắt cóc và tống tiền.

Chúng hình thành các “đội thần chết” và lực lượng vũ trang tư nhân để chống FARC. Các nhóm bán vũ trang tư sản này lại được lực lượng an ninh Colombia hậu thuẫn sau lưng, xem đảng UP là mục tiêu yếu điểm của FARC. Một cuộc tàn sát đã diễn ra, với khoảng 3.000 dân quân và lãnh đạo của UP đã bị giết, trong số đó có hai ứng viên Tổng thống, 8 nghị sĩ, 13 đại biểu nghị viện cấp tỉnh, 70 đại biểu hội đồng địa phương và 11 thị trưởng.

Hậu quả của vụ tàn sát là FARC quay trở vào vùng rừng núi, nông thôn tiếp tục chiến đấu, bỏ lại đảng UP tự xoay sở, và cuộc đàm phán hòa bình dang dở cũng chấm dứt luôn. Cánh cửa chính trị đã đóng sầm, vũ lực quân sự một lần nữa lại được ưu tiên dùng đến. Theo đánh giá, trong suốt quá trình đàm phán, FARC đã khôn khéo không tỏ ý định hạ vũ khí, thay vào đó là theo đuổi mọi hình thức đấu tranh. Trong khi đó, Chính phủ Colombia đã không thực hiện được lời hứa đảm bảo an toàn cho các thành viên đảng UP, cũng như không thực hiện được các cải cách xã hội. Những thất bại này đã phải trả giá đắt.

Cái chết của phó tướng mở ra thời kỳ mới

Sau những bạo loạn và giết chóc trong thập niên 1980, FARC đã không những không yếu đi mà còn trở nên mạnh hơn trước. Nguồn thu dồi dào từ việc đánh thuế vào hoạt động buôn bán ma túy, kèm với việc tạm dừng giết chóc trong khoảng thời gian diễn ra đàm phán hòa bình đã tạo điều kiện cho họ xây dựng lực lượng mạnh lên gấp 3 lần so với trước.

Bên cạnh đó, FARC còn có thêm một lý do để tiếp tục tiến hành cuộc đấu tranh. FARC hoàn toàn có lý để phản bác lại lời kêu gọi hạ vũ khí để tiếp tục tham gia chính trị, vì FARC đã tham gia chính trị bằng việc thành lập đảng UP, và đảng này đã bị sát hại hầu như không còn ai - một bằng chứng không thể chối cãi. Đấu tranh vũ trang là cách duy nhất.

Thập niên 1990 bắt đầu bằng sự kiện đã tạo ra bước ngoặt, đó là việc Phó tướng Jacobo Arenas chết vì bệnh, để lại một khoảng trống không thể lấp đầy về tư tưởng của FARC. Hơn thế, cái chết của Arenas còn mở toang những trở ngại lớn lao đối với việc FARC tham gia sâu hơn vào hoạt động buôn bán ma túy, bởi việc này đã bị cấm ngặt khi Arenas còn sống.

Thế là FARC ngày càng siết chặt hơn mối quan hệ với bọn buôn lậu ma túy nhằm gia tăng nguồn lợi, thậm chí một vài nơi các thành viên tổ chức này còn tham gia trực tiếp vào hoạt động buôn ma túy. Bên cạnh đó, nguồn lợi từ bắt cóc tống tiền còn gia tăng thêm. Nguồn lực dồi dào hơn bao giờ hết, FARC đã xây dựng được lực lượng hùng mạnh, lên đến hơn 10.000 quân, chia làm 60 mặt trận.

Bộ máy quân sự mới của FARC tiếp tục tiến hành các hoạt động chống phá chính quyền Colombia. Họ phát động những cuộc tấn công táo bạo hơn và quy mô lớn hơn. Chiến thuật đánh du kích truyền thống không còn được sử dụng nữa, thay vào đó là chiến thuật điều binh cấp lữ đoàn tấn công từng cứ điểm quân sự. Phạm vi kiểm soát lãnh thổ cũng từ đó mở rộng thêm, thậm chí FARC còn có thể nhúng tay can thiệp vào tiến trình chính trị Colombia, tạo ảnh hưởng lên chính trị bằng những đe dọa, hối lộ, bắt cóc những chính khách cao cấp và gia đình họ.

Vụ tấn công táo bạo nhất được FARC tiến hành vào tháng 10-1998, với gần 2.000 du kích quân đánh chiếm thị trấn Mitu, thủ phủ tỉnh Vaupes. FARC chỉ chiếm giữ thị trấn này trong 3 ngày rồi rút đi, nhưng đã để lại một thông điệp mạnh mẽ cho vị Tổng thống vừa mới được bầu là Andres Pastrana.

Quả đúng ý đồ của FARC, chỉ vài tháng sau vụ tấn công Mitu, Tổng thống Pastrana đã chấp nhận các điều kiện tiên quyết của FARC để tiến hành cuộc đàm phán mới – đó là lập một vùng đệm phi quân sự rộng 42.000 km² với 80.000 dân. Vùng đệm đó đã mặc nhiên trở thành một nhà nước thu nhỏ của FARC – được mệnh danh là “Farciandia”.

(Còn nữa)
Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.