Heinz Felfe – Người “xỏ mũi” Cơ quan Tình báo Tây Đức

Thứ Tư, 12/06/2019, 10:40
Tên tuổi Heinz Felfe xứng đáng được xếp trong hàng ngũ của những điệp viên xuất sắc nhất thế giới. Là người hoạt động tình báo từ rất lâu và hiệu quả cho Liên Xô, Felfe được đánh giá là nhân vật trong suốt 10 năm đã thâm nhập sâu vào bộ máy và gần như vô hiệu hóa hoạt động của Cơ quan tình báo Tây Đức (BND) …

Heinz Felfe sinh ra tại Dresden trong gia đình một nhân viên cảnh sát Đức. Thời niên thiếu của ông gắn liền với năm tháng bất ổn sau sự sụp đổ của chính quyền Cộng hòa Weimar, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 1929 và sự lên ngôi của nhà nước phát xít do Hitler đứng đầu.

Cũng như phần lớn những thanh thiếu niên Đức vào thời bấy giờ, Felfe đều tin rằng chế độ phát xít sẽ giúp khôi phục sự hùng mạnh của nước Đức và đem lại sự phồn vinh cho người dân, cho đến khi sự thật diễn ra.

Ngày 1-9-1939, Đức phát xít khơi mào Đại chiến thế giới thứ hai bằng việc tấn công Ba Lan. Felfe nhanh chóng được gọi nhập ngũ. Nhưng chỉ hai tuần từ khi bắt đầu chiến sự, Felfe đã phải nhập viện do bị viêm phổi.

Heinz Felfe.

Tình trạng sức khỏe sau đó đã không cho phép Felfe quay trở lại quân ngũ. Sau khi tranh thủ hoàn thiện chương trình học phổ thông, Felfe đã vượt qua kỳ thi tuyển chọn để gia nhập lực lượng cảnh sát bảo vệ thuộc Tổng cục an ninh đế chế (RSHA), tiếp tục được cử đi học luật tại Trường đại học tổng hợp Berlin.

Ngoài chuyên môn chính, Felfe còn tham gia vào khóa đào tạo thanh tra cảnh sát hình sự. Tốt nghiệp đại học, ban đầu ông được điều về cơ quan cảnh sát hình sự tại thành phố quê hương Dresden, sau đó là thị trấn biên giới Gliwice.

Tháng 8-1943, Felfe được điều chuyển về Cục VI của RSHA, một cơ quan chuyên trách về tình báo đối ngoại. Một thời gian sau, ông trở thành chỉ huy ban phụ trách về Thụy Sĩ. Giai đoạn cuối chiến tranh, Felfe được cử tới Hà Lan với nhiệm vụ điều hành việc tung các nhóm biệt kích phá hoại vào khu vực hậu phương quân Anh-Mỹ.

Tuy nhiên, ông đã ngay lập tức bị người Anh bắt làm tù binh khi vừa chân ướt chân ráo tới đây.

Chiến tranh kết thúc, Felfe tiếp tục học tập tại Trường đại học tổng hợp Bonn. Ông bắt đầu đi lại khắp nơi tại Đức với tư cách phóng viên tự do của Đài phát thanh Berlin, trong đó tới cả những khu vực do Liên Xô kiểm soát. Cho đến lúc này, thế giới quan của Felfe bắt đầu có những thay đổi căn bản. Sự sùng bái đối với quốc trưởng Hitler từ thời trẻ đã thay thế bằng nỗi thất vọng hoàn toàn.

Ông cũng rất phẫn nộ trước những đợt ném bom vô tội vạ của không quân Mỹ xuống các thành phố của Đức, đặc biệt là quê hương Dresden. Sau khi nghiên cứu kỹ chính sách đối ngoại của Liên Xô đối với nước Đức, Felfe đi đến kết luận, hành động của Liên Xô chỉ nhằm phá bỏ tận gốc rễ chủ nghĩa quốc xã, xây dựng một nước Đức hòa bình, thống nhất.

Trong khi chính sách của Mỹ và đồng minh lại tập trung vào dự định chia cắt nước Đức thành nhiều quốc gia nhỏ, âm mưu khởi xướng một cuộc chiến tranh mới chống lại phe XHCN.

Một trong những chiến hữu cũ của Felfe trong cơ quan an ninh tại Dresden là Hans Clemens đã được tình báo Xôviết tuyển mộ và được giao nhiệm vụ thuyết phục ông hợp tác với Moscow. Sau một cuộc nói chuyện cởi mở giữa hai người bạn vào đầu năm 1951, Felfe đồng ý bí mật hợp tác với tình báo Xôviết.

Người phơi bày “gan ruột” của BND

Để có thể tiếp cận với nguồn thông tin mật, “Gerhard” (mật danh đầu tiên của Felfe) được đề xuất cần phải tìm cách vào làm việc trong “Gehlen Organization”, cơ quan tình báo đầu tiên được thành lập tại Tây Đức từ năm 1946 dưới sự kiểm soát nghiêm ngặt của Mỹ.

Vitali Korotkov từng đảm nhiệm vai trò liên lạc viên của Felfe.

Mục tiêu hàng đầu của tổ chức này chính là hoạt động chống lại lực lượng Hồng quân đang đóng tại Đức và Áo, cũng như hoạt động phá hoại chống lại nhà nước CHDC Đức. Felfe đã xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ đầu tiên này – đến mùa thu năm 1951, ông đã có mặt trong cơ quan đại diện của “Gehlen Organization” tại Karlsruhe, khi đó đang hoạt động dưới vỏ bọc một công ty thương mại dưới sự chỉ huy của cựu sĩ quan tình báo phát xít Bencinger.

Công việc ban đầu của ông là nghiên cứu hồ sơ lưu trữ để tìm kiếm các ứng cử viên có thể cho công tác tuyển mộ. Theo như Felfe báo cáo về, “Gehlen Organization” trong giai đoạn 1951-1952 đã rất tích cực xây dựng mạng lưới gián điệp tại những lĩnh vực kinh tế và chính trị chủ chốt của cả Đông và Tây Đức.

Từ thời điểm đó, trong mỗi lần gặp mặt với điệp viên Xôviết, cả Felfe và Clemens (lúc này cũng đã vào làm việc tại Gehlen Organization) đều mang theo rất nhiều cuộn phim và băng ghi âm các tài liệu quan trọng. Một năm sau với sự cho phép của Moscow, Felfe còn sử dụng một đồng nghiệp nữa của mình là Erwin Tiebel để làm liên lạc viên. Dần dần, ông đã gây dựng và điều hành cả một mạng lưới điệp viên quan trọng.

Ngay từ những ngày đầu tiên hợp tác, những thông tin mà tình báo Xôviết nhận được từ Felfe đều được đánh giá là chính xác và kịp thời. Cũng nhờ có ông, Liên Xô đã kịp thời phản ứng để dập tắt cuộc bạo loạn do phương Tây âm mưu tổ chức tại Berlin vào năm 1953.

Chẳng bao lâu, Moscow giao cho Felfe nhiệm vụ tiếp theo – đó là phải xâm nhập vào được trụ sở chính của Gehlen Organization tại thị trấn nhỏ Pullach gần Munich. Từ tháng 7-1955, Thủ tướng Adenauer đã đưa ra quyết định phải cải tổ lại Gehlen Organization, cụ thể là phải xây dựng một cơ quan tình báo độc lập không còn bị phụ thuộc vào Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA).

Theo đó, từ ngày 1-4-1956, Cơ quan tình báo Tây Đức (BND) chính thức ra đời và đi vào hoạt động. Chủ tịch BND sẽ hoạt động trực tiếp dưới sự điều hành của Thủ tướng. Felfe may mắn được nhận hàm cố vấn cao cấp của chính phủ, đồng thời được bổ nhiệm làm chỉ huy bộ phận phản gián chống lại Liên Xô và các cơ quan đại diện của Xôviết trên lãnh thổ Tây Đức.

Về thực chất, Felfe chính là lãnh đạo ban Xôviết của BND. Qua tay ông là hàng loạt những tài liệu quan trọng nhất được tình báo Tây Đức chuẩn bị trước khi báo cáo Adenauer; trong đó có liên quan đến những vấn đề như tái trang bị cho quân đội, chính sách đối ngoại của Tây Đức với tư cách là thành viên trong khối NATO.

Nhờ có Felfe, cơ quan an ninh Xôviết đã giáng nhiều đòn chí tử vào các âm mưu của mật vụ Mỹ và Tây Đức. Điển hình như việc CIA và BND đã phối hợp tổ chức một chiến dịch khá tốn kém nhằm cài cắm các thiết bị nghe trộm tại tòa nhà mới của Cơ quan đại diện thương mại Xô viết ở Cologne. Nhờ sự cảnh báo của Felfe, các chuyên gia kỹ thuật từ Moscow đã vô hiệu hóa hoàn toàn các thiết bị trên.

Trụ sở của BND tại Pullach.

Từ mùa hè năm 1956, đảm nhiệm cương vị liên lạc với Felfe là nhân viên tình báo trẻ Vitali Korotkov.

“Qua tay của Felfe là những báo cáo tổng hợp hàng tuần để trình lên Thủ tướng Adenauer. Nhưng tất cả chúng đều báo cáo sớm cho điện Kremli, trước khi có mặt trên bàn của Thủ tướng Tây Đức – Korotkov, sau này đại tá tình báo về hưu nhớ lại -  Thông tin của Felfe đã giúp giới lãnh đạo Xôviết chuẩn bị kỹ càng và nắm thế chủ động trong các vấn đề và đề xuất cần bàn bạc trước chuyến viếng thăm chính thức của Adenauer tới Moscow vào năm 1955”.

Sau năm 1955, BND đã đẩy mạnh việc phối hợp không chỉ với CIA, mà còn với nhiều cơ quan mật vụ của các nước NATO trong việc chống phá hoạt động của các cơ quan đại diện Liên Xô. Nhờ đó, Felfe đã nắm bắt từ trước rất nhiều chiến dịch của mật vụ phương Tây trên mặt trận này để báo cáo kịp thời.

Tuy nhiên, Felfe cũng đặt ra một điều kiện tiên quyết cho việc hợp tác của mình với KGB: đó là không được bắt giữ bất cứ một điệp viên BND hay đối tượng nào có liên quan trực tiếp đến thông tin do ông cung cấp để có thể đảm bảo an toàn. Yêu cầu trên đã được Moscow tuân thủ nghiêm ngặt. Chính vì tầm quan trọng từ các thông tin của Felfe, toàn bộ mọi hoạt động liên quan đến ông đều được áp dụng những nguyên tắc bí mật cao nhất.

Bị lộ

Cho dù cả hai bên đều hết sức cẩn trọng, nhưng Felfe cuối cùng vẫn bị phát hiện và bắt giữ. Nguyên nhân là BND không thể không phân tích có hệ thống tất cả những chiến dịch thất bại của mình để khoanh vùng và lần ra những đối tượng nghi vấn có thể tiếp xúc nguồn thông tin trên.

Tháng 10-1961, Felfe xin nghỉ phép, về ngôi nhà nhỏ của mình ở vùng ngoại ô sát với nước Áo. Nhưng chỉ vài ngày sau, ông nhận được chỉ thị phải quay trở lại Pullach, báo cáo tướng Langkau về một chiến dịch của BND. Ngay sau khi báo cáo xong, các nhân viên mật vụ đã xuất hiện tại văn phòng, tuyên bố bắt giữ Felfe. Cùng lúc đó, các thành viên khác trong nhóm của ông cũng bị bắt giữ.

Vụ bắt giữ những nguồn tin giá trị của Moscow từng làm việc lâu năm tại BND đã gây ra một cơn chấn động thực sự tại Tây Đức. Trong quá trình khám xét nhà ở và văn phòng của Felfe, các nhân viên phản gián đã phát hiện hàng chục cuộn phim chụp tài liệu mật, một chiếc cặp tài liệu hai đáy cùng thiết bị chuyên dụng để chụp ảnh.

Cuốn hồi ký của Heinz Felfe.

Một bài báo trên tạp chí Stern đánh giá: “Nhờ có Felfe, Liên Xô đã biết tất cả những gì đang diễn ra tại BND. Với hai chiếc máy ảnh Minox, ông ta đã chụp lại tất cả những tài liệu qua tay mình: các báo cáo tuyệt mật của BND, những thông báo của cơ quan tình báo quân đội, biên bản các cuộc họp kín cùng nhiều dữ liệu bí mật khác v.v… Tính ra, Felfe đã trao cho Liên Xô hơn 15 ngàn bản sao tài liệu mật. Trung tâm tình báo tại Pullach đã hoàn toàn bị vô hiệu hóa”.

Trong suốt quá trình điều tra và xét xử, Felfe luôn duy trì được sự bình tĩnh và kiên định của mình, dù đồng nghiệp Hans Clemens đã khai báo khá nhiều, làm cơ sở để kết tội ông. Kết quả là Felfe phải nhận bản án ở mức cao nhất là 14 năm tù, còn Clemens là 8 năm. Tình báo Xôviết trong một thời gian dài đã tìm mọi cách hỗ trợ Felfe cả về vật chất lẫn tinh thần, cũng như áp dụng mọi biện pháp có thể để trả tự do cho ông.

Ngày 17-2-1969, một mình Heinz Felfe được trao đổi với 21 điệp viên phương Tây tại điểm kiểm soát Herleshausen nằm trên biên giới giữa hai nước Đức. Felfe tới định cư tại Berlin, trở thành công dân của CHDC Đức. Ông tham gia giảng dạy về hình pháp học tại Trường đại học Humboldt và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại đây.

Vì những đóng góp xuất sắc của mình, Felfe đã được Đoàn chủ tịch Xôviết tối cao Liên Xô trao tặng huân chương Cờ đỏ và Sao đỏ, KGB trao tặng huy hiệu “Nhân viên danh dự của Cơ quan an ninh quốc gia”. Ông cũng bắt tay vào viết cuốn hồi ký về cuộc đời hoạt động tình báo của mình, trong đó có đoạn viết: “Những năm tháng khó khăn trong hoạt động tình báo phục vụ Liên Xô cũng là những năm tháng tuyệt vời nhất trong đời tôi”.

Sau khi nước Đức thống nhất, đại diện các cơ quan mật vụ của Mỹ và CHLB Đức đã không ít lần tìm đến Felfe, đề nghị ông viết hồi ký theo ý định có lợi cho họ, kèm theo những khoản nhuận bút hậu hĩnh. Nhưng Felfe với sự kiên định về quan điểm của mình đã kiên quyết bác bỏ tất cả. Điệp viên huyền thoại của tình báo Xôviết qua đời ngày 8-5-2008 tại Berlin.

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.