Hồ sơ John Doe tiết lộ thủ đoạn quyên tiền tinh vi

Thứ Sáu, 30/09/2016, 10:40
Hồ sơ tòa án bang Wisconsin (Mỹ) chứa đựng những thông tin nhạy cảm liên quan đến một cuộc điều tra chống tham nhũng đối với Thống đốc bang Scott Walker (cựu ứng cử viên Tổng thống Mỹ).

Cuộc điều tra mang bí danh “John Doe” đã bị đình chỉ theo lệnh của tòa án, nhưng những thông tin mà nó thu thập được đã làm lộ ra một thủ đoạn vận động gây quỹ với số tiền lớn, lách khe hở của pháp luật, được các chính khách tranh cử áp dụng khá phổ biến nhưng chưa từng được báo chí phanh phui. Đó là vận động góp quỹ cho các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức vận động ủng hộ chính trị, được mệnh danh là “bên thứ ba” trong đường dây gây quỹ.

Eric O'Keefe, Chủ tịch tổ chức ô dù Wisconsin Club for Growth của Scott Walker.

Cuộc điều tra John Doe: bất thường nối tiếp bất thường

Báo cáo điều tra John Doe được các nhà điều tra của Chính phủ Mỹ thu thập dày đến 1.500 trang bao gồm thư điện tử và chứng từ, tài liệu ngân hàng được cung cấp theo trát của cơ quan công tố. Cuộc điều tra do công tố viên đặc biệt của bang Esiconsin là Francis Schmitz chủ trì nhằm mục đích làm sáng tỏ những bất thường xảy ra trong quá trình vận động gây quỹ tranh cử của các ứng cử viên.

Hồ sơ điều tra đã giúp hé mở một góc nhìn vào thế giới của hoạt động quyên tiền tranh cử mà ít khi công chúng Mỹ có cơ hội được nhìn thấy. Trong thế giới đó, hàng triệu USD đã được các tập đoàn, công ty lớn và các cá nhân siêu giàu quyên góp một cách bí mật cho các nhóm, “tổ chức thứ ba” để các nhóm, tổ chức này gây tác động lên cuộc bầu cử. Những con số nghe qua có thể khiến nhiều người giật mình, nhưng chúng không bao giờ được công bố trên phương tiện truyền thông đại chúng.

Cuộc điều tra John Doe bắt đầu được tiến hành vào năm 2012 sau một loạt cuộc bỏ phiếu miễn nhiệm đối với Thống đốc bang Wisconsin Scott Walker và 6 thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa ở nghị viện bang do việc họ cùng nhau ban hành một đạo luật cấp bang gây tai tiếng và sự phẫn nộ trong giới nghiệp đoàn: Đạo luật số 10 được thông qua vào năm 2011.

Thẩm phán David Prosser, người đã ra lệnh đình chỉ cuộc điều tra Jonh Doe.

Đạo luật này đã khiến cho thủ phủ Madison bùng nổ với một loạt cuộc biểu tình phản đối của giới nghiệp đoàn, thợ thuyền kéo dài suốt nhiều tuần lễ. Hàng ngàn người biểu tình đã tràn vào chiếm giữ tòa nhà nghị viện bang, các nghị sĩ đảng Dân chủ phải tháo chạy khỏi bang này, sang “tá túc” bên bang Illinois.

Các công tố viên cáo buộc ban vận động bầu cử của Thống đốc Walker đã vận hành một mạng lưới phối hợp bao gồm các nhóm vận động hành lang bên ngoài, thông qua các nhóm này một lượng tiền rất lớn được các doanh nghiệp rót vào cuộc vận động tranh cử mà không phải công khai trước công chúng.

Walker và các đối tượng điều tra khác phản đối, cho rằng mình bị cáo buộc vi phạm pháp luật một cách không công bằng, rằng cuộc điều tra không có cơ sở. Tuy nhiên, cuộc điều tra vẫn được tiến hành trong thời gian 3 năm, trong đó có vài lần bị gián đoạn. Và rồi một sự bất thường đã xảy ra khiến cuộc điều tra không đi đến đâu.

Tháng 7-2015, Tòa án Tối cao bang Wisconsin đã ra lệnh đình chỉ cuộc điều tra mà không có ai bị buộc tội gì cả. Phán quyết của tòa án khi đó nói rằng các công tố viên thực hiện cuộc điều tra đã “hiểu sai” pháp luật về tài chính tranh cử và kết quả là đã điều tra “nhầm” những người và tổ chức “hoàn toàn vô tội”.

Những người liên quan với Thống đốc Scott Walker - mục tiêu của cuộc điều tra - cho rằng các công tố viên đưa ra các cáo buộc “không có cơ sở” và mở cuộc điều tra dựa trên các “cơ sở sai lầm” về pháp luật tài chính tranh cử của bang Wisconsin.

Thêm một bất thường chấn động nữa: các thẩm phán Tòa án Tối cao bang Wisconsin đã ra lệnh cho các công tố viên tiêu hủy tất cả tài liệu, hồ sơ liên quan trong cuộc điều tra. Việc tiêu hủy hồ sơ này có thể sánh ngang với hành động đốt sách nhằm hủy chứng cứ, và cử tri - những người đóng thuế ở Mỹ sẽ chẳng bao giờ có cơ hội được biết đến những mối quan hệ mờ ám giữa giới doanh nghiệp và giới chính trị thông qua một bên thứ ba, đó là các nhóm, các tổ chức vận động chính trị.

Tuy nhiên, vẫn còn một bản sao của tất cả các hồ sơ đó thoát khỏi ngọn lửa, và nó đã lọt vào tay báo chí, cụ thể ở đây là tờ The Guardian của Anh.

Thống đốc bang Wisconsin Scott Walker.

“Vì Scott Walker yêu cầu”

Nhân vật trung tâm của cuộc điều tra John Doe là Thống đốc bang Wisconsin Scott Walker. Theo hồ sơ điều tra, khi cuộc bỏ phiếu bãi nhiệm ông Walker diễn ra, ông Scott Walker đã yêu cầu nhà vận động gây quỹ chính của mình, Kate Doner, tư vấn cho ông cách nào để huy động đủ tiền để giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu này.

Sáng hôm sau, bà Doner gửi cho Walker một thư điện tử trong đó chứa đựng lời khuyên không thể ngắn gọn hơn: “Hãy theo đuổi giới doanh nghiệp quyết liệt. Nhận tiền của Koch. Lên máy bay đến Vegas và ngồi lại với Sheldon Adelson. Yêu cầu 1 triệu USD ngay bây giờ”.

Lời khuyên đó đã điểm trúng hũ mật ong. Walker làm lời mách nước của bà Doner, và sau đó tiền đã ồ ạt chảy vào từ các doanh nghiệp lớn và các cá nhân đại cự phú khắp cả nước. Vài tháng sau khi nhận được thông điệp của Walker, ông chủ sòng bạc ở Vegas Adelson - có khối tài sản trị giá đến 26 tỉ USD - bắt đầu viết chi phiếu đóng góp 200.000 USD cho cuộc vận động.

“Vì Scott Walker yêu cầu” là câu chữ luôn xuất hiện trong tấm chi phiếu của các doanh nghiệp khi đóng góp tiền cho Walker. Chẳng hạn, khi viết chi phiếu ủng hộ 10.000 USD cho một nhóm “bên thứ ba” của Walker, một nhà kinh doanh tài chính tên là G Frederick Kasten đã viết câu đó vào dòng chủ đề chi của tờ chi phiếu. Nhưng các khoản tiền tài trợ hào phóng này - của Adelson cũng như hầu hết các nhà tài trợ lớn mà Walker tìm đến “xin xỏ” - không chảy trực tiếp vào két của ban vận động của ông Walker mà chúng được chuyển vào tài khoản của một nhóm “bên thứ ba” mà theo luật được phép không công khai danh tính nhà tài trợ.

Trong thế giới tài chính tranh cử, nhóm “bên thứ ba” này được gọi là tổ chức “đồng tiền đen”, vì cách thức nhận những khoản tiền bí mật và ém kỹ, không công khai cho công chúng biết.

Điều gây chú ý đối với các công tố viên là nhiều khoản đóng góp lớn không chảy trực tiếp vào két sắt ban vận động của Walker. Lý do được giải thích là, theo quy định của pháp luật tài chính tranh cử ở bang Wisconsin, những khoản đóng góp nhỏ không cần công khai tên tuổi người đóng góp, nhưng ở bang Wisconsin, những khoản đóng góp lên đến 43.000 USD thì phải công khai đầy đủ tên tuổi của những cá nhân, tổ chức ủng hộ ông Walker.

Vì thế, để khỏi phải khai báo thông tin người đóng góp, ông Walker đã “lách luật” bằng cách luồn nguồn đóng góp thông qua các nhóm “bên thứ ba” hay tổ chức “tài chính đen”.

Các công tố viên cũng cáo buộc ban vận động của Walker đã tìm ra một cách để hợp thức hóa con đường lách luật thông qua các nhóm “bên thứ ba”, đó là thành lập cái gọi là Câu lạc bộ Tăng trưởng Wisconsin (Wisconsin Club for Growth - WCfG). WCfG tự giới thiệu mình là một tổ chức theo chủ trương “hướng tự do, kiểm soát tài chính chặt chẽ”, có cùng tư tưởng chính phủ nhỏ và chống nghiệp đoàn như Walker, và là một tổ chức hoạt động “an sinh xã hội” dạng miễn nộp thuế chứ không theo chính trị đảng phái.

Tuy nhiên, trong hồ sơ tòa án, các công tố viên cáo buộc ông Walker đã sử dụng WCfG như một “siêu ủy ban”, hay một ủy ban trong bóng tối có nhiệm vụ giúp ông “xin xỏ” những khoản tiền lớn của doanh nghiệp mà không phải chịu sự soi xét trách nhiệm của pháp luật, của công luận.

Với phương thức quyên góp này, Walker và đội ngũ gây quỹ của mình đã nhận được những khoản đóng góp lớn từ các doanh nghiệp, các cá nhân giàu có, trong đó có những cái tên rất quen thuộc trên thị trường và chính trường, bên cạnh Adelson, như Carl Icahn (đóng góp 100.000 USD), Stephen Cohen (1 triệu USD), và ông chủ Hãng Home Depot Ken Langone (25.000 USD). Bà Doner tiếp tục cố vấn cho ông Walker: “Hãy đến gặp Paul Singer và túm lấy ông ấy”. Walker làm đúng như lời khuyên. Hai tháng sau, Singer viết tấm chi phiếu 250.000 USD cho Walker.

Scott Walker và Donald Trump khi ông Trump ủng hộ quỹ tranh cử của Walker năm 2012.

Đặc biệt, trong số những cá nhân, doanh nghiệp lớn từng đóng góp tài chính cho ông Walker còn có cả ứng cử viên tổng thống 2016 bên đảng Cộng hòa Donald Trump - người từng lên án quyết liệt việc quyên góp tài chính lớn cho vận động tranh cử. Hồ sơ John Doe cho thấy vào tháng 4-2012, ông Trump từng viết tấm chi phiếu 15.000 USD cho Walker sau khi dự một buổi nói chuyện vận động gây quỹ của Walker ở khu Manhattan, New York.

Một nhân vật giàu có khác, nữ tỉ phú Diane Hendricks, người phụ nữ tự lập giàu nhất nước Mỹ với tài sản trị giá 5 tỉ USD, đã viết một chi phiếu 500.000 USD cho chiến dịch chống bãi nhiệm của ông Walker. Bà Hendricks là một trong những người thuộc nhóm ủng hộ tỉ phú Trump trong chiến dịch tranh cử 2016.

Và trong một thư điện tử gửi cho cố vấn Doner đề ngày 14-6-2011, Walker cũng thông báo mình đã nhận của tỉ phú John Menard một khoản đóng góp lên đến 1 triệu USD. Và còn nhiều doanh nhân giàu có khác đã viết những tấm chi phiếu hàng chục, hàng trăm ngàn, đến hàng triệu USD như thế cho các quỹ “bên thứ ba” để vận động ủng hộ ông Walker.

Đồng tiền chi ra tất phải có những lợi ích đi kèm. Hồ sơ John Doe tiết lộ rằng các công tố viên cuộc điều tra John Doe đã yêu cầu Tòa án Tối cao liên bang Mỹ xem xét về tính khách quan của Tòa án Tối cao bang Wisconsin, cho rằng 2 trong số thẩm phán của tòa án này là các thẩm phán bảo thủ đã ra lệnh đình chỉ cuộc điều tra John Doe, và họ đều là những người có quan hệ mật thiết với ông Walker, đối tượng chính của cuộc điều tra. Lật lại các tài liệu, hồ sơ điều tra; một trong hai thẩm phán vừa nêu là David Prosser.

Năm 2011, Prosser tái ứng cử vị trí Thẩm phán Tòa án Tối cao Wisconsin trước một ứng cử viên thách đấu nặng ký là JoAnne Kloppenburg, Phó Tổng chưởng lý bang. Walker đã yêu cầu một mạng lưới các nhóm cùng quan điểm và các nhà vận động chiến dịch rót 3,5 triệu USD vào những quỹ doanh nghiệp bí mật để chi trả cho các mẩu quảng cáo trên truyền hình và sóng phát thanh để hậu thuẫn cho vị quan tòa này. Và kết quả là Prosser thắng cử.

Cú hích đó đóng vai trò sống còn nhằm duy trì thế đa số cho cánh hữu trong tòa án và từ chỗ đó giúp tiếp tục duy trì các biện pháp chống nghiệp đoàn. Không chỉ đình chỉ cuộc điều tra John Doe, Prosser còn ra lệnh cho công tố viên Schmitz tiêu hủy toàn bộ hồ sơ điều tra, đồng thời cách chức ông này vì “tội” điều tra vào những khoản quỹ mờ ám của ông Walker.

Hồ sơ John Doe cũng cho thấy, ông chủ của Tập đoàn NL Industries (National Lead Company), một trong những nhà sản xuất chì dùng trong chế tạo sơn trước khi loại vật liệu này bị cấm ở Mỹ, đã viết chi phiếu ủng hộ Walker thông qua tổ chức ô dù WCfG trong cuộc chiến chống bãi nhiệm của ông ta. NL Industries lúc đó đang gặp rắc rối to với hàng trăm đơn kiện ở tòa án đòi bồi thường do ngộ độc chì trong sơn.

Vì thế, ngay sau khi giành chiến thắng, nhậm chức trở lại, Walker liền vận động nghị viện bang thông qua và bản thân ký ban hành thành luật của bang, gọi là Đạo luật số 2 (Act 2), trong đó có những quy định ưu ái cho nhà sản xuất chì, như miễn trách nhiệm bồi thường do ngộ độc chì trong sơn, đồng thời đưa ra những quy định khiến các nạn nhân đang kiện khó đòi được bồi thường. Luật này đã gây phản ứng dữ dội trong công luận buộc Tòa án Liên bang phải vào cuộc. Tòa án Tối cao liên bang sau đó đã tuyên hủy bỏ đạo luật vô lý đó.

An Châu (tổng hợp)
.
.