Hồ sơ vụ ám sát Louis Mounbatten

Thứ Hai, 23/11/2020, 14:30
Ngày 27-8-1979, Đạo quân Cộng hòa Ái Nhĩ Lan (Ireland) - Irish Republican Army - viết tắt là IRA đã tiến hành ám sát ông Louis Mounbatten, Chuẩn đô đốc Hải quân Hoàng gia Anh, Bá tước Miến Điện (nay là Myanmar), Phó vương Ấn Độ, chắt của Nữ hoàng Victoria, em họ Nữ hoàng Elizabeth II đồng thời là chú của Thái tử Charles.

Thông qua vụ ám sát Mounbatten - là một trong những thành viên được kính trọng nhất của gia đình Hoàng gia Anh - IRA hy vọng quân đội Anh sẽ rút khỏi bắc Ái Nhĩ Lan, tạo điều kiện cho việc thành lập Cộng hòa Ái Nhĩ Lan thống nhất…

Vài nét về IRA

Nằm ở phía bắc Đại Tây Dương, Ái Nhĩ Lan là một hòn đảo rộng 70,273km vuông, cách Vương quốc Anh về phía đông bởi biển Ái Nhĩ Lan. Năm 1801, Ái Nhĩ Lan trở thành một phần của Vương quốc Anh, thủ đô đặt tại Dublin nhưng ngay lập tức, nó vấp phải sự chống đối của những người Ái Nhĩ Lan theo chủ nghĩa dân tộc. 2 năm sau, những người này tiến hành nổi dậy dưới sự lãnh đạo của Robert Emmet chống lại người Anh nhưng thất bại.

Từ đó đến đầu thế kỷ 20, những cuộc phản kháng liên tục diễn ra. Đến năm 1913, một số tình nguyện viên Ái Nhĩ Lan thành lập đơn vị vũ trang, gọi là Đạo quân Cộng hòa Ái Nhĩ Lan (IRA), trong đó ngoài lực lượng quân sự thì còn có nhánh Sinn Fein, phụ trách đấu tranh chính trị.

Louis Mounbatten.

Năm 1916, IRA tổ chức bạo loạn chống lại sự cai trị của chính quyền Anh quốc. Sau một tuần giao tranh khốc liệt tại Dublin, những người sống sót đầu hàng, trong đó 15 lãnh tụ của IRA bị hành quyết vì tội phản bội tổ quốc Anh.

Năm 1919, một lần nữa IRA lại phát động cuộc chiến giành độc lập, dẫn đến Hiệp ước Anh-Ái Nhĩ Lan ra đời, phân chia Ái Nhĩ Lan thành Cộng hòa Ái Nhĩ Lan và bắc Ái Nhĩ Lan nhưng vẫn thuộc về Vương quốc Anh.

Không đồng ý, IRA tiếp tục các hoạt động quân sự, chủ yếu là đánh bom, ám sát nhắm vào quân đội Anh ở bắc Ái Nhĩ Lan, gây ra cái chết cho khoảng 3.500 người. Đến  tháng 7-1921, hiệp định đình chiến ra đời, phần lớn hòn đảo Ái Nhĩ Lan trở thành Nhà nước Cộng hòa Ái Nhĩ Lan. Riêng phía bắc đảo vẫn giữ nguyên tên gọi là bắc Ái Nhĩ Lan bởi lẽ 3/4 dân trên đảo theo đạo Tin Lành, đồng ý ở lại trong Vương quốc Anh nhưng 1/4 còn lại là tín đồ Thiên Chúa giáo, theo chủ nghĩa dân tộc, muốn có một đất nước Ái Nhĩ Lan thống nhất, không phụ thuộc vào người Anh.

Và thế là nội chiến nổ ra giữa một bên là các lực lượng của Nhà nước Cộng hòa Ái Nhĩ Lan được quân đội Anh Quốc hỗ trợ còn bên kia là những người theo đạo Tin Lành, chủ yếu là nhóm vũ trang IRA với khoảng 10.000 tay súng, kéo dài suốt 3 thập niên. Vũ khí trang bị cho IRA đến từ đại tá Muammar Gaddafi, lãnh đạo đất nước Libya, công dân Mỹ gốc Ái Nhĩ Lan sống ở Mỹ, nhóm ly khai xứ Basque, Tây Ban Nha, Tổ chức giải phóng Palestin (PLO), Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC)… Bên cạnh đó, để có tiền cho các hoạt động chiến tranh, IRA tiến hành nhiều vụ cướp ngân hàng, làm hàng giả, bắt cóc đòi tiền chuộc, buôn lậu thuốc lá, điều hành các doanh nghiệp hợp pháp như hãng taxi, câu lạc bộ đêm, văn phòng cho thuê và viện dưỡng lão.

Những nhà lãnh đạo IRA lập luận rằng vì họ là tổ chức bí mật nên buộc phải sử dụng các phương pháp gây quỹ không phù hợp với quy chuẩn xã hội nhằm đạt được mục tiêu thống nhất Ái Nhĩ Lan. Tuy nhiên cảnh sát Anh (Scottland Yard) cho biết trong thập niên 1990, mỗi năm IRA cần 10,5 triệu bảng để hoạt động, và họ đã thực hiện hơn 1.000 vụ cướp có vũ trang ở bắc Ireland, trong đó có vụ cướp Ngân hàng Phương Bắc năm 2004, lấy đi 26,5 triệu bảng.

Diễn tiến vụ ám sát Louis Mounbatten

Sáng ngày 27-8-1979, nhằm ngày lễ Ngân hàng của nước Anh, Louis Mounbatten năm ấy 79 tuổi cùng 6 thành viên gia đình đang trong kỳ nghỉ hè tại lâu đài Classiebawn, gần làng Cliffoney, quận Sligo, Cộng hòa Ái Nhĩ Lan. Đến gần trưa, khi cơn mưa mùa hè đã tạnh, Mounbatten quyết định lên chiếc du thuyền Shadow V để tận hưởng không khí trong lành.

Những gì còn lại của chiếc du thuyền.

15 phút sau khi ra khơi, một tiếng nổ kinh hoàng cùng một cuộn khói đen bốc lên. Quả bom điều khiển bằng sóng vô tuyến do 2 thành viên IRA cài đặt vào đêm hôm trước đã xé nát chiếc Shadow V thành nhiều mảnh.

Trong số 7 người trên chiếc Shadow gồm Mountbatten, con gái của ông là Patricia, chồng của Patricia là John Brabourne cùng 2 đứa con sinh đôi 14 tuổi Timothy và Nicholas, bà Brabourne, mẹ của John Brabourne, bà Doreen Brabourne, vợ của John Brabourne cùng Paul Maxwell, 15 tuổi, thủy thủ, thì Mountbatten, Nicholas Brabourne và Maxwell chết ngay lập tức. Bà Brabourne qua đời ngày hôm sau còn những người khác dù bị những vết thương nghiêm trọng nhưng còn sống.

Kết quả điều tra sau đó cho thấy IRA đã sử dụng 25kg chất nổ gelignite cực mạnh. Một nhân chứng nói với cảnh sát Anh rằng “con thuyền lúc ấy như những que diêm nổi trên mặt nước”. Tuy nhiên vụ nổ không phải chỉ là duy nhất trong ngày hôm đó.

Cuối buổi chiều, 18 binh sĩ Anh đã thiệt mạng tại Warrenpoint, gần biên giới với Cộng hòa Á Nhĩ Lan trong một cuộc phục kích của IRA. Đây là con số thiệt mạng nặng nề nhất đối với quân đội Anh trong 10 năm kể từ khi lực lượng này được gửi đến để dập tắt các cuộc giao tranh giữa tín đồ Tin Lành và Công giáo La Mã.

Sinh ngày 25-6-1900  tại Frogmore  House, Windsor, Berkshire, Anh quốc, Mounbatten là con thứ 2 của Hoàng tử Louis xứ Battenberg. Mẹ ông là công chúa Victoria của xứ Hesse và xứ  Rhine. Ông ngoại của Mounbatten là vua Louis IV đồng thời là đại công tước Hesse còn bà ngoại ông là công chúa Alice, con gái của Nữ hoàng Victoria, Vương quốc Anh.

Ông nội của Mounbatten là hoàng tử Alexander xứ Hesse, Rhine và Julia, bà nội ông là công chúa xứ Battenberg. Riêng anh chị em của ông gồm công chúa Alice của Hy Lạp và Đan Mạch, công chúa Louise xứ Battenberg (sau này là Nữ hoàng Louise của Thụy Điển) và Hoàng tử George xứ Battenberg.

Với cái lý lịch “đáng nể” như thế nên cũng dễ hiểu vì sao Mounbatten được hưởng một nền giáo dục tuyệt hảo. Trước ngày về hưu, ông là chuẩn đô đốc của Hải quân Anh, là Bá tước Miến Điện (nay là Myanmar), phó vương Ấn Độ (cả hai đều là thuộc địa Anh quốc).

Khi thông tin về việc Mounbatten bị ám sát bùng nổ trên các phương tiện truyền thông, tất cả các nhà sử học ở nước Anh đều cho rằng ông Mounbatten hầu như không liên quan gì đến cuộc nội chiến giữa Cộng hòa Ái Nhĩ Lan và Bắc Ái Nhĩ Lan, ngoại trừ ông là cố vấn cho Thái tử Charles. Tuy nhiên, với IRA, Mounbatten là mục tiêu mang tính biểu tượng bởi lẽ ông là một trong những thành viên được kính trọng nhất của gia đình Hoàng gia Anh.

Timothy White, giáo sư Đại học Xavier, chuyên về văn hóa và chính trị Ái Nhĩ Lan cho biết bằng cách ám sát Mounbatten, IRA muốn tạo cho người dân Anh sự sợ hãi về khả năng khủng bố của họ, đồng thời sẽ khiến quân đội Anh rời khỏi bắc Ireland. Giáo sư Timothy White nói: “Giết Mountbatten quá dễ dàng. Quả bom được đặt trong chiếc thuyền không có ai trông coi, bảo vệ. Suốt từ những năm 1970,  Mounbatten đã cùng gia đình đi nghỉ hè ở vùng này và từ chối mọi bảo vệ an ninh mặc dù IRA liên tục đe dọa. Những lần như thế, ông Mountbatten chỉ cười: “Ai lại muốn giết một ông già?”.

Ngày 29-7, một ngày sau khi ông Mounbatten chết, IRA tuyên bố nhận trách nhiệm ngay lập tức về việc “hành quyết” Mountbatten, gọi đây là “một hành động nhằm gây chú ý cho người dân Anh về việc tiếp tục chiếm đóng đất nước chúng tôi. Cái chết của Mountbatten và những nghi lễ an táng dành cho ông sẽ giúp người dân Anh nhìn thấy sự trái ngược với cái chết của hơn 300 binh sĩ Anh ở bắc Ái Nhĩ Lan cùng cái chết của hàng nghìn đàn ông, phụ nữ, trẻ em Ái Nhĩ Lan”.

Hệ quả của vụ ám sát Mounbatten

Vài tháng trước khi xảy ra vụ ám sát Mounbatten, bà Margaret Thatcher được bầu làm thủ tướng Anh quốc. Lúc ông Mounbatten chết, bà Thatcher khẳng định IRA là tổ chức tội phạm hơn là đảng phái chính trị đồng thời cách rút lại các quyền gắn liền với quy chế tù binh chiến tranh cho các tù nhân IRA. Đáp lại, tù binh IRA tiến hành tuyệt thực. Bobby Sands, người theo chủ nghĩa dân tộc lãnh đạo cuộc tuyệt thực chết trong tù, báo hiệu một tương lai đen tối cho Anh quốc về vấn đề bắc Ái Nhĩ Lan.

Hiện trường một vụ đánh bom của IRA.

Ngay sau khi Bobby Sands chết vì tuyệt thực, bạo loạn xảy ra ở Belfast, bắc Ái Nhĩ Lan với hơn 100.000 người tham dự lễ tang của Bobby. Thêm 9 thành viên IRA cũng nhịn ăn. Đến tháng 10, Thủ tướng Anh Thatcher đồng ý nhượng bộ một số yêu cầu của người biểu tình, bao gồm tù binh IRA quyền được thăm viếng, nhận thư từ,  mặc quần áo thường dân thay vì quần áo tù. Và mặc dù Chính phủ Anh đã nhượng bộ nhưng về phía IRA, họ vẫn tiếp tục cuộc chiến chống người Anh.

Ngày 8-11-1987, IRA đánh bom nhắm vào lực lượng an ninh Anh quốc ở Enniskillen, giết chết 11 người và làm 63 người bị thương, tất cả đều là dân thường. Ngày 6-3-1988, ba thành viên IRA không vũ trang bị lực lượng an ninh  hàng không đặc biệt bắn chết ở Gibraltar. Trong lễ tang 3 người này sau đó, 2 lính Anh bị lôi ra khỏi xe rồi bị đánh và bị bắn chết.

Cảnh tượng diễn ra ngay trước ống kính camera của nhiều đài truyền hình. Đến ngày 20-3-1993, hai cậu bé 3 tuổi và 12 tuổi thiệt mạng, 50 người khác bị thương trong một vụ đánh bom của IRA tại một khu mua sắm ở Warrington, Anh quốc. Cuộc tấn công đã gây ra sự phẫn nộ trên toàn cầu.

Tuy nhiên, không phải thành viên IRA nào cũng đồng tình với những vụ đánh bom. Henry Osborn, một trong những lãnh đạo của cánh chính trị Sinn Fein thuộc IRA nói: “Mountbatten từng là anh hùng chiến tranh và là cố vấn quan trọng cho Thái tử Charles. Việc giết hại ông cùng gia đình là hành động đặc biệt thái quá. Rất nhiều người dân bắc Ái Nhĩ Lan đồng cảm với việc IRA tấn công trung đoàn lính dù Anh Quốc vì họ là tác giả của vụ thảm sát thường dân ngày “chủ nhật đẫm máu”, tháng 1-1972, nhưng chưa chắc đã hoan nghênh vụ sát hại một ông cụ đã nghỉ hưu cùng gia đình…”.

Với 2 kẻ đặt bom ám sát ông Mounbatten, Thomas McMahon, 31 tuổi, bị kết án tù chung thân. Francis McGirl, 24 tuổi, được tuyên trắng án vì anh ta khai rằng mình không hề biết việc đột nhập lên chiếc du thuyền Shadow V là để đặt bom. Lời khai này được Thomas McMahon xác nhận.

Ngày 31-8-1994, sau một thời gian dài bí mật đàm phán, IRA tuyên bố ngừng bắn, chấm dứt hoàn toàn các hoạt động quân sự nhưng ngày 9-2-1996, những phần tử chủ chiến của IRA đánh bom khu vực Dockland ở London khiến 2 người chết, hơn 100 người bị thương. Đến ngày 15- 9-1997, lần đầu tiên kể từ khi Ái Nhĩ Lan bị chia cắt năm 1922, Chính phủ Anh chính thức gặp cánh chính trị Sinn Fein thuộc IRA để đàm phán hòa bình nhưng ngày 15-8-1998, vẫn những kẻ chủ chiến trong IRA bất ngờ thực hiện vụ tấn công đẫm máu nhất ở bắc Ireland khiến 29 người chết, hơn 200 người bị thương.

Ngày 28-7-2005, một lần nữa IRA lại chính thức tuyên bố chấm dứt xung đột vũ trang kéo dài đã 36 năm. Tất cả các đơn vị IRA được lệnh buông súng để hỗ trợ sự phát triển của các chương trình dân chủ thông qua các biện pháp hòa bình…

Vũ Cao (Theo History)
.
.