ISI: Cánh tay đắc lực của quân đội Pakistan

Thứ Ba, 20/11/2018, 15:50
Cơ quan Tình báo quân đội Pakistan (Inter Services Intelligence – ISI) được thành lập bởi Phó tổng tư lệnh quân đội Pakistan khi đó, tướng Robert Cawthorne, vào năm 1948, sau thất bại của Pakistan trong cuộc chiến với Ấn Độ và sự yếu kém của Cục Tình báo Pakistan.

Được hình thành dựa trên mô hình Cơ quan Tình báo Iran SAVAK, ISI phối hợp với ba đơn vị tình báo của quân đội Pakistan là tình báo lục quân, hải quân và không quân trong việc thu thập, phân tích và phát tán tin tức tình báo quân sự và phi quân sự.

Tương tự với việc đối tượng chính của Cơ quan Tình báo RAW của Ấn Độ là Pakistan, hoạt động của ISI cũng chủ yếu nhằm vào Ấn Độ. Sau khi được đào tạo bởi Cục Tình báo Trung ương Mỹ CIA và Cơ quan Tình báo Pháp SDECE, ban đầu, hoạt động của ISI chỉ dừng lại ở việc thu thập tin tức tình báo nội bộ tại khu vực Kashmir mà Pakistan chiếm đóng (POK) và vùng Gilgit và Baltistan thuộc phía bắc Pakistan (NA).

Vai trò của ISI trong chính trị của Pakistan bắt đầu thay đổi từ năm 1958, khi Tổng tư lệnh quân đội, tướng Ayub Khan lên nắm quyền Tổng thống Pakistan sau một cuộc nổi dậy. Kể từ đó, ISI không còn là một cơ quan tình báo quân đội đơn thuần, mà nắm giữ cả những trọng trách về mặt chính trị.

ISI dưới thời Tướng Ayub Khan

Trước cuộc nổi dậy năm 1958 và việc thực thi lệnh Thiết quân luật, ISI là một bộ phận của Bộ Quốc phòng Pakistan, báo cáo trực tiếp cho Tổng tư lệnh quân đội. Sau khi thực thi Thiết quân luật, ISI chuyển sang báo cáo cho Tổng thống và chỉ huy Thiết quân luật lúc đó là tướng Ayub Khan.

Asim Munir, lãnh đạo mới nhất của ISI, được bổ nhiệm vào tháng 10-2018.

Dưới quyền tướng Khan, ISI cũng phụ trách giám sát các chính trị gia Pakistan, đặc biệt là những người có liên quan đến vùng Đông Pakistan. Nhằm bảo vệ lợi ích của Pakistan, Ayub Khan mở rộng vai trò của ISI, bao gồm việc hình thành một bộ phận chuyên trách các điệp vụ mật trong ISI hỗ trợ cho quân đội Hồi giáo ở vùng Đông Bắc Ấn Độ, cũng như hỗ trợ Phong trào tự trị của người Sikh vào những năm 1960.

Dưới thời tướng Khan, ISI được trao sứ mệnh thực hiện “việc thu thập các thông tin tình báo trong và ngoài nước, phối hợp với các chức năng tình báo của ba nhánh quân đội; giám sát các cán bộ, người nước ngoài, truyền thông, các thành phần hoạt động chính trị tích cực trong xã hội Pakistan, các nhà ngoại giao đang hoạt động ở ngoài nước; theo dõi và kiểm soát các kênh trao đổi thông tin; và thực hiện các hoạt động mật.” 

Trong suốt những năm 1960, ISI và các cơ quan tình báo khác của Pakistan chủ yếu thực hiện các hoạt động phản gián trong nước. Theo chỉ thị của Ayub Khan, ISI theo dõi và cấm đoán các tổ chức xã hội có ảnh hưởng trong nước không được tham gia các hoạt động chính trị.

Do nghi ngờ lòng trung thành của các nhân viên người Bengal trong chi nhánh của Cục tình báo ở Dakha, Đông Pakistan, Khan ra lệnh cho ISI tiến hành các hoạt động tình báo và giám sát các chính trị gia ở khu vực này. ISI hoạt động đặc biệt tích cực trong suốt thời điểm cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra vào năm 1964. Trong thời gian đó, ISI tiến hành theo dõi các ứng viên chạy đua chức Tổng thống, đặc biệt là ở vùng Đông Pakistan (sau này là Bangladesh), và giám sát chặt chẽ các chính trị gia người Bengal ở vùng Dakha, thủ đô hành chính của Pakistan.

ISI cũng tiến hành can thiệp với mục đích gia tăng sự ủng hộ đối với Ayub Khan tại Đông Pakistan; tuy nhiên, ISI đã không tính đến uy tín và tầm ảnh hưởng của đối thủ chính trị của Ayub Khan, bà Fatima Jinnah, dẫn tới việc bà Jinnah giành được sự ủng hộ rộng rãi của quần chúng mặc dù ông Ayub Khan chiến thắng cuộc bầu cử.

Vai trò của ISI trong cuộc chiến Kashmir

Từ khi giành độc lập vào năm 1947, Pakistan đã cố gắng giành quyền kiểm soát vùng Jammu và Kashmir, những khu vực mà người Hồi giáo chiếm đa số, từ Ấn Độ. Trong khoảng thời gian này, ISI đã sử dụng quân đội Hồi giáo sống tại vùng Kashmir để châm ngòi cho các cuộc nổi dậy.

Kể từ khi thành lập, ISI đã luôn đóng vai trò “liên lạc chủ chốt” với các tổ chức quân sự Hồi giáo như Những con hổ Allah; Lực lượng thánh chiến al-Umar; Harkat ul-Ansar; Hizb-ul-Islam,…; nhiều tổ chức trong số này được Mỹ coi là các tổ chức khủng bố. Đơn vị tình báo khu vực phía bắc (JIN) là một đơn vị thuộc ISI chuyên trách các lực lượng quân đội Hồi giáo tại vùng Jammu và Kashmir, đã cung cấp tài chính, hỗ trợ quân sự và vận chuyển cho các lực lượng này.

Quân đội Pakistan và ISI trong một đợt phối hợp truy quét đối phương.

Tuy nhiên, công tác thu thập và xử lý tin tức tình báo của ISI trong cuộc chiến với Ấn Độ giành vùng Kashmir từ sau năm 1965 đã gặp phải nhiều thất bại. ISI khi đó đã tiến hành ráo riết các hoạt động tình báo nội bộ và tập trung quá nhiều vào việc xử lý các đối thủ chính trị của ông Ayub Khan, dẫn tới việc buông lỏng nhiệm vụ tình báo quân đội nhằm vào Ấn Độ. 

ISI thậm chí đã mất dấu cả một sư đoàn tăng của Ấn Độ. Hoạt động của ISI tại vùng Jammu và Kashmir được vực dậy vào những năm 1980 khi Giám đốc ISI lúc bấy giờ, Tướng Hamid Gul lập ra một kế hoạch nhằm “hất chân” Ấn Độ khỏi vùng Jammu và Kashmir.

ISI chủ yếu sử dụng công cụ tuyên truyền, sau đó đều đặn gia tăng áp lực trong những năm 1990, khi các lực lượng quân đội Hồi giáo do ISI hỗ trợ bắt đầu tiến hành các cuộc tấn công và nổi dậy, thậm chí là các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào Ấn Độ ở vùng Kashmir. Các chiến binh Hồi giáo trẻ tuổi được huấn luyện ở Jammu và Kashmir, và các chính trị gia người Kashmir cũng được ISI tài trợ, thậm chí hối lộ.

Kể từ năm 1989, sau khi các lực lượng của Liên Xô rút quân khỏi Pakistan và sau chiến thắng của bà Benazir Bhutto trong cuộc bầu cử Thủ tướng, ISI bắt đầu ủng hộ các tổ chức ly khai Hồi giáo như một phần của “tiến trình cách mạng và Hồi giáo hoá”. ISI bắt đầu sử dụng nguồn tiền từ hoạt động buôn bán thuốc phiện tại Afghanistan để tài trợ cho các lực lượng khủng bố hoạt động ở các tỉnh Kashmir và Punjab.

Có nguồn tin cho rằng ISI đã chi hơn 20 triệu USD mỗi năm để tiến hành cuộc chiến tranh uỷ nhiệm tại Kashmir. Theo nguồn tin của quân đội Ấn Độ, trước vụ khủng bố 11-9, ISI đã có gần 30 trại lính hoạt động tại vùng Kashmir do Pakistan chiếm đóng, được hỗ trợ bởi một tổ chức quân đội Hồi giáo có tên là Harkat-ul-Ansar (HUA), được cho là có liên hệ chặt chẽ với mạng lưới khủng bố Al-Qaeda của Osama bin Laden.

Hai đơn vị của HUA có nhiệm vụ cung cấp lương thực, chỗ ở, và quần áo cho các binh sĩ được huấn luyện trong các trại này. Thêm vào đó, ISI cũng thuê binh sĩ từ Afghanistan, Bahrain, Chechnya, Iran, Kazakhstan, Saudi Arabia, Sudan, Thổ Nhĩ Kỳ, và Yemen để chiến đấu tại Kashmir. ISI cũng cung cấp các vũ khí hiện đại cho các lực lượng Hồi giáo ở Kashmir, và được cho là đã phối hợp với tình báo Bangladesh để móc nối với quân nổi dậy người Bangladesh ở vùng Đông Bắc Ấn Độ và tỉnh Assam.

Kết quả là, tuy quan hệ giữa Pakistan và Mỹ được cải thiện sau khi ISI rút khỏi Afghanistan, quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan ngày một căng thẳng hơn. Ấn Độ đổ lỗi cho Pakistan về cuộc xung đột năm 1999 tại tỉnh Kargil ở Kashmir. Đặc biệt, từ sau sự kiện các lực lượng ly khai ở Kashmir lên kế hoạch tấn công Quốc hội Ấn Độ ở Thủ đô New Delhi, Ấn Độ bắt đầu đưa quân đến vùng biên giới của khu vực Kashmir do Pakistan chiếm đóng. Đáp trả lại, Pakistan, lo ngại về một cuộc chiến tranh toàn lực giữa hai nước, đã chỉ thị cho ISI kiềm chế các lực lượng Hồi giáo để không xảy ra thêm các cuộc tấn công khác nữa.

ISI và cuộc chiến chống khủng bố

Nhiều bằng chứng đã cho thấy dường như có mối liên hệ của ISI với các tổ chức khủng bố, không chỉ ở vùng Kashmir mà cả các khu vực khác của Ấn Độ và Afghanistan, trong đó có phong trào Taliban. Taliban, thành lập từ năm 1994 với sự hỗ trợ của bà Benazir Bhutto, được ISI hỗ trợ tích cực, cho tới năm 1996 đã chiếm quyền kiểm soát 95% lãnh thổ Afghanistan. Liên quan đến vụ khủng bố ngày 11-9 tại Mỹ, Taliban là lực lượng đã che chở cho Al-Qaeda cũng như thủ lĩnh nhóm này là Osama bin Laden khỏi sự truy lùng của phía Mỹ.

Quân đội Pakistan tham gia tại chiến trường Afghanistan.

Cùng ngày xảy ra vụ khủng bố, Giám đốc ISI Mahmud đã tuyên bố cung cấp cho phía Mỹ mọi thông tin tình báo cần thiết để tiến hành cuộc chiến chống khủng bố. Tuy nhiên, ít nhất 5 sĩ quan tình báo của ISI đã hỗ trợ Taliban chuẩn bị các cuộc phản kích chống lại sự tấn công của quân đội Mỹ. Tổng thống Pakistan lúc bấy giờ Musharraf đã buộc ISI chịu trách nhiệm cho những gì đã xảy ra ở Afghanistan.

Tháng 10-2001, Musharraf cử Mahmud dẫn đầu một phái đoàn ngoại giao tới Afghanistan yêu cầu Thủ lĩnh Taliban Mullah Muhammad Omar giao nộp Bin Laden cho phía Mỹ. Tuy nhiên, Mahmud đã làm điều ngược lại: khuyên Mullah Omar không giao nộp Bin Laden. Biết được điều này, Musharraf đã thay thế Mahmud bằng Ehsan ul-Haq, người có cùng quan điểm thân phương Tây với Musharraf.

Tháng 1-2002, Musharraf tuyên bố Pakistan sẽ tham gia vào Cuộc chiến chống khủng bố, và tiến hành giải tán các bộ phận phụ trách Afghanistan và Kashmir của ISI. Khoảng 40% số nhân viên ISI làm việc trong các bộ phận này bị thuyên chuyển, giảm số biên chế của ISI từ 10.000 người xuống còn 6.000 người. Trong khi bộ phận phụ trách Afghanistan của ISI bị giải tán hoàn toàn, việc giải tán bộ phận phụ trách Khashmir là một thách thức, do đây là một trong những nguồn tin tình báo chính về hoạt động của tình báo Ấn Độ trong khu vực của Pakistan.

Luôn giữ vai trò trọng yếu

Nhiều học giả cho rằng mục tiêu, cấu trúc và cơ chế hoạt động của ISI khiến cơ quan này chủ yếu phục tùng mệnh lệnh quân đội hơn là Chính phủ dân sự. Trên thực tế, Giám đốc ISI là do Thủ tướng Pakistan bổ nhiệm, nhưng dựa trên sự cố vấn của Tổng tư lệnh quân đội Pakistan. Như vậy, Tổng tư lệnh quân đội có thể quyết định ai là người thích hợp nhất để hỗ trợ những kế hoạch và tham vọng của mình cho đất nước Pakistan.

Lịch sử Pakistan cũng là minh chứng cho quyền lực của quân đội tại đất nước này. Kể từ khi thành lập năm 1947, Nhà nước Pakistan đã trải qua nhiều lần đảo chính; trong đó ba lần với chiến thắng thuộc về quân đội, đưa Pakistan dưới sự điều hành của chính quyền quân sự (1958 – 1971, 1977 – 1988, 1999 – 2008). Tổng thống thứ hai của Pakistan Ayub Khan, nắm quyền lần đầu tiên vào năm 1958 sau một cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Pakistan lúc bấy giờ, Iskander Mirza.

Năm 1977, Tổng tư lệnh quân đội Zia-ul-Haq cũng đã lật đổ chính quyền của Thủ tướng Zulfikar Ali Bhutto trong một chiến dịch mang tên “Operation Fair Play”. Năm 1999, Tổng tư lệnh quân đội Pervez Musharraf cũng đã lật đổ Thủ tướng Nawaz Sharif để trở thành Thủ tướng chính phủ. Trong tất cả những cuộc lật đổ này đều có sự tham gia của ISI.

Theo Harsha Kakar, ISI thậm chí “làm mọi cách để đặt đất nước Pakistan dưới sự cai trị của quân đội”. Học giả người Mỹ Sean Winchell gọi ISI là “chính phủ vô hình”, “một vương quốc bên trong một vương quốc”, do lãnh đạo ISI có khả năng sử dụng quyền lực để trấn áp các lực lượng đối lập trong nước, trong khi thực hiện vô số hoạt động tình báo ở nước ngoài.

Từ sau sự kiện 11-9, tuy sức ép từ phía Mỹ khiến cho chính quyền Pakistan buộc phải giới hạn các hoạt động của ISI, vai trò của cơ quan này đối với quân đội Pakistan nói riêng và Nhà nước Pakistan nói chung sẽ không giảm sút, vì thực chất, Pakistan vẫn luôn là một đất nước với mô hình chính phủ “kết hợp” giữa dân sự và quân sự, và lực lượng đằng sau quân đội Pakistan chính là ISI.

Ngọc Hoàng (tổng hợp)
.
.