Imran Khan: Từ ngôi sao cricket tới chiếc ghế Thủ tướng Pakistan

Thứ Sáu, 17/08/2018, 11:02
Một vận động viên, một tay chơi có hạng, một chiến sĩ đấu tranh vì quyền lợi của giới trẻ, người ủng hộ phe Hồi giáo, nhân vật thân cận với quân đội - tân Thủ tướng Pakistan Imran Khan có lẽ là một nhân vật của rất nhiều sắc thái khác nhau. Làm sao để ông có thể giành được sự ủng hộ trong cộng đồng Hồi giáo Pakistan?

Người dân Pakistan và các nước láng giềng tại khu vực Nam Á vốn nổi tiếng là bất ổn có thể chờ đợi gì từ một cựu đội trưởng đội tuyển quốc gia cricket? Nhưng chắc chắn vào thời điểm này, cái tên Imran Khan đang là một ẩn số đầy thú vị đối với rất nhiều người...

Cả Nam Á đang chú ý theo dõi từng biến động tại Islamabad. Mọi người đang hy vọng và chờ đợi nhiều từ thủ lĩnh một đảng có cái tên còn khá lạ lẫm là Pakistan Tehreek-e-Insaf (Phong trào Pakistan vì công lý), lần đầu tiên giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội tại một cường quốc hạt nhân ở châu Á. Không phải ngẫu nhiên ngay cả khi ông Imran Khan chưa tuyên thệ nhậm chức (dự kiến vào giữa tháng 8 này), thuật ngữ “cuộc cách mạng Pakistan” đã trở thành câu cửa miệng của nhiều người.

Tân Thủ tướng Imran Khan của Pakistan.

Lý do không có gì quá khó hiểu: tại một quốc gia có tới 71 năm nằm dưới sự điều hành của chính quyền quân sự, đây mới là lần thứ hai quyền hành được chuyển giao từ một chính đảng này sang chính đảng khác sau một cuộc bầu cử dân chủ.

Hơn nữa, chiến thắng của Tehreek-e-Insaf còn phá vỡ hệ thống độc quyền 2 đảng trước đây. Trong suốt 30 năm qua, quốc gia 200 triệu dân này vốn chỉ là “sân chơi” của đảng Nhân dân Pakistan (của các đại diện phe cánh nhà Bhutto tại tỉnh phía Nam Sindh) và Liên minh Hồi giáo (phe Nawaz - được sáng lập bởi chính trị gia có ảnh hưởng Nawaz Sharif có cứ địa tại tỉnh Punjab). Nói cách khác, nền chính trị Pakistan chính là nơi đối đầu công khai của 2 phe cánh này, dù dật giây phía sau vẫn là các tướng lĩnh cao cấp trong quân đội. 

Giờ đây trên sân khấu chính trị của Pakistan bất ngờ xuất hiện một “tay chơi” mới có tên Tehreek-e-Insaf cùng người đứng đầu là một ngôi sao môn cricket nổi tiếng cả nước. Trong cuộc bầu cử ngày 25-7 vừa qua, đảng này đã giành được 115 trên tổng số 272 ghế tại Quốc hội Pakistan.

Dù đây chỉ là kết quả giành đa số không tuyệt đối (vẫn cần phải liên minh với các đảng phái khác), nhưng thủ lĩnh Imran Khan đã hứa hẹn với người dân về một chính phủ theo nguyên tắc đảm bảo thành công, công bằng và bình đẳng. Điều chủ yếu theo như ông Khan hứa hẹn là sẽ phải có những “biến đổi căn bản”.

Nhân vật đa sắc thái

Theo ý kiến của các chuyên gia, sự xuất hiện của một nhân vật mới như ông Khan dù đã phá vỡ sự độc quyền 2 đảng phái nhưng chưa chắc đã đem lại sự ổn định mong đợi từ lâu trên chính trường Pakistan, nếu như không nói là sẽ trở nên khó lường hơn. Sự thật là trong suốt 22 năm hoạt động chính trị, “đấng cứu thế mới của dân tộc” (theo hy vọng của nhiều người) đã liên tục thay đổi nhiều phong cách, sắc thái, thậm chí còn trái ngược nhau hoàn toàn.

Tân Thủ tướng Imran Khan được cả đất nước Pakistan biết đến đầu tiên chắc chắn là nhờ cricket. Môn cricket - được giới thực dân Anh cai trị vùng bán đảo Hindustan truyền bá - từ lâu đã không chỉ là một môn thể thao phổ biến đơn thuần mà đã thực sự trở thành một thứ tôn giáo tại khu vực này mà bóng đá cũng không thể sánh bằng.

Trong khi Imran Khan lại là đội trưởng Đội tuyển cricket quốc gia Pakistan đã giành chức vô địch thế giới vào năm 1992 (lần đầu tiên và cho tới giờ vẫn là duy nhất) sau khi vượt qua con cháu của những tay súng thực dân từng cai trị mình trước đây, đồng thời là những người phát minh ra môn thể thao này từ Đội tuyển quốc gia Anh.

Thời khắc chiến thắng lịch sử này được người dân Pakistan kỷ niệm chẳng khác gì một ngày độc lập thứ hai của mình. Còn chân dung người đội trưởng đã hiện diện trên khắp những bức tường văn phòng các cơ quan chính phủ, các công ty tư nhân, cửa hàng lớn, thậm chí các cửa hiệu nhỏ từ Karachi cho tới Peshawar. Các chính trị gia thì tranh nhau tiếp cận Khan, cố gắng lôi kéo người đội trưởng ấy về phe của mình.

Vào thời điểm những năm 1990 đó, một sự nghiệp chính trị dường như đã được đặt trên vai vận động viên thông minh và đầy hoài bão này. Đúng lúc báo chí đang thi nhau phỏng đoán Khan sẽ gia nhập đảng phái nào thì ông lại bất ngờ đi theo một lối rẽ khác - hoạt động từ thiện. Năm 1994, nhà vô địch thế giới vận động tiền bạc để xây dựng tại Lahore (thành phố lớn thứ hai Pakistan với 11 triệu dân) một bệnh viện điều trị ung thư cho thường dân đầu tiên.

Imran Khan chính thức dấn thân vào chính trường năm 1996, nhưng theo cách không ai có thể ngờ tới. Ông tuyên bố thành lập đảng Pakistan Tehreek-e-Insaf với hy vọng sẽ đại diện cho hoài bão đổi mới của giới trẻ, trở thành biểu tượng cho một nước Pakistan mới.

Tay chơi phong lưu một thời

Sinh ra trong một gia đình Pashtun có điều kiện ở Lahore, Khan được vào học tại những trường khá danh giá tại địa phương, trước khi đặt chân tới Anh. Năm 1972, ông gia nhập ngôi trường danh tiếng Oxford, học về chuyên ngành triết học, chính trị học và kinh tế. Tại đây, ông bắt đầu chơi cricket trong đội tuyển của trường.

Dù tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại khá nhưng Imran Khan đã quyết định sẽ đi theo con đường của cầu thủ cricket chuyên nghiệp, bắt đầu bảo vệ màu cờ sắc áo của Đội tuyển quốc gia Pakistan từ năm 1976.

Không chỉ nổi tiếng vì tài năng trên sân bóng, đội trưởng Khan được được biết đến như một công tử phong lưu tại cả Pakistan cũng như tại London. Những người phụ nữ trong đời có ảnh hưởng lớn đến ông chẳng kém gì môn cricket. Dù gia đình muốn Khan cưới một cô gái Pakistan theo truyền thống nhưng vào năm 1995 (khi đã 43 tuổi) ông đã gây bất ngờ lớn khi kết hôn với cô gái 21 tuổi Jemima Goldsmith, con gái một nhà tư bản lớn người Anh.

Cần nói thêm, Jemima rất nổi tiếng trong giới thượng lưu tại London, thường xuyên xuất hiện trên các tạp chí và còn là bạn của công nương Diana (khi đó cũng đang có quan hệ tình cảm với một bác sĩ nổi tiếng người Pakistan).

Tân Thủ tướng Pakistan Imran Khan và gia đình. Người đeo khăn che mặt là bà vợ thứ ba - Bushra Maneka.

Trước những phản ứng khá dữ dội tại quê nhà, cả hai vợ chồng tìm mọi cách để xoa dịu công luận: họ quay trở lại Pakistan, Jemima cải sang đạo Hồi, lấy họ chồng và bắt đầu sống theo đúng các nguyên tắc địa phương. Bản thân Khan khi đó cũng chập chững bước chân vào chính trường.

Cuộc hôn nhân chấn động trên kéo dài được 9 năm. Năm 2004, Jemima mang 2 con trở lại London, tuyên bố không thể quen được với cuộc sống tại Pakistan. Cô vợ cũ của Khan lại quay trở lại trên các trang bìa tạp chí, có mối tình mới với tài tử nổi tiếng Hugh Grant.

Còn Imran Khan lại tìm cách xây dựng một hình ảnh mới trước công chúng: thường xuyên mặc những bộ đồ truyền thống quốc gia, nói nhiều về đức tin, về đấng tối cao v.v... Cuộc hôn nhân thứ hai của ông với nữ phóng viên truyền hình Reham Khan vào năm 2015 chỉ kéo dài được 10 tháng.

Nhưng cuộc hôn nhân tiếp theo vào đầu năm 2018 của “cựu công tử phong lưu” Pakistan đã gây chú ý chẳng kém gì mối duyên đầu của ông. Đó là Bushra Maneka, một người phụ nữ gần 50 tuổi, có 5 đứa con từ cuộc hôn nhân đầu tiên. Bushra nổi tiếng là một người thần bí, luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định tín ngưỡng.

Khan còn công khai tuyên bố bà chính là giáo viên tinh thần của mình, đồng thời sẽ không đưa ra quyết định quan trọng nào nếu không có sự chấp thuận của vợ. Trong các bức ảnh chụp với chồng, bà Bushra luôn đeo mạng che mặt, thể hiện là một người vợ Hồi giáo ngoan đạo.

“Quả bóng cricket” trên chính trường

Những thay đổi trong cuộc sống gia đình - từ một người vợ thuộc giới quý tộc thượng lưu tới một tín đồ sùng bái đạo Hồi - dường như cũng phản ánh chính những thay đổi của ông Khan, từ một tay chơi phong lưu tới một chính trị gia đầy tham vọng. Tất nhiên con đường từ một cầu thủ cricket lên tới đỉnh cao quyền lực không hề dễ dàng chút nào.

Đảng Tehreek-e-Insaf do ông Imran Khan sáng lập gặp thất bại thảm hại trong chiến dịch bầu cử đầu tiên vào năm 1997 với chỉ vỏn vẹn 1,7% số phiếu bầu.

Sau cuộc đảo chính quân sự lần thứ tư với việc tướng Musharraf lên nắm quyền vào năm 1999, ông Khan nhanh chóng chuyển sang phe đối lập. “Musharraf đang phá hoại nền dân chủ của chúng ta nhờ cái gọi là “cuộc chiến chống khủng bố... Musharraf chỉ là con rối thực thi chương trình nghị sự của người Mỹ”, chính trị gia Imran Khan đã công khai tuyên bố như vậy trong nỗ lực tìm kiếm phiếu bầu của cử tri.

Chiến thuật này cũng không giúp đỡ gì được nhiều trong cuộc bầu cử năm 2002 (tổ chức dưới sự kiểm soát của phe quân sự), Tehreek-e-Insaf chỉ nhận được 0,8% phiếu bầu, đồng nghĩa với một ghế trong quốc hội.

Khi những tư tưởng Hồi giáo dần trở nên phố biến hơn tại Pakistan, Khan được ghi nhận có xu hướng thiên về phía các đảng pháo Hồi giáo. Tuy nhiên, quan điểm của ông được đánh giá là thay đổi đến chóng mặt - khi thì lên án chủ nghĩa cực đoan, khi thì ủng hộ đạo luật về sùng bái tín ngưỡng; khi thì ủng hộ giới quân sự, lúc khác lại liên kết với các linh mục Hồi giáo chống lại họ. Phát ngôn của ông Khan ngày càng lộ rõ những giọng điệu chống phương Tây và Mỹ.

“Đó là một chàng trai tốt bước chân vào chính trường. Có điều anh ta bay tới bay lui như một quả bóng cricket vậy” - nhiều người am hiểu về chính trị tại Pakistan đã bình luận như vậy về chính kiến của tân Thủ tướng Imran Khan.

Tuy nhiên, bất ngờ đã nổ ra vào cuộc bầu cử năm 2013, khi Tehreek-e-Insaf về đích ở vị trí thứ ba với 27 ghế trong quốc hội. Đó là bước tạo đà hoàn hảo cho chiến thắng 5 năm sau đó với việc ông Imran Khan chính thức trở thành Thủ tướng ở tuổi 65, bỏ lại phía sau chặng đường 22 năm phấn đấu không mệt mỏi.

Được lòng… tất cả

Vậy đâu là bí quyết thành công của ông Khan sau rất nhiều năm thất bại? “Khan luôn hành động rất linh hoạt, tìm kiếm “con đường thứ ba” để tới đích, thể hiện xuất sắc trước mắt cử tri của 2 đảng phái chính. Giờ đây khó có thể nói lúc nào ông ta chân thật, lúc nào là không. Nhưng, dường như giới quân sự coi ông ta là nhân vật có triển vọng” - một phóng viên kỳ cựu của Pakistan đã nhận xét như vậy.

Những nhận xét dù có thể khác nhau nhưng đều chung một nhận định: đằng sau lưng Thủ tướng mới có sự hậu thuẫn của các tướng lĩnh. Cho tới thời điểm hiện nay, quyền lực ngầm của phe quân sự Pakistan vẫn là một thực tế không ai có thể chối cãi. Số phận của cựu Thủ tướng Nawaz Sharif là một ví dụ điển hình.

Một chính trị gia nổi tiếng từng 3 lần nắm cương vị thủ tướng đã bị buộc tội tham nhũng ngay trước bầu cử - tất cả là do đã làm hỏng mối quan hệ với phe quân sự. Hậu quả là ngoài việc phải từ chức, Sharif còn phải nhận bản án 10 năm tù. Ngoài các tướng lĩnh đầy quyền lực, không ai có thể dễ dàng vô hiệu hóa một chính trị gia lão luyện và nổi tiếng như Nawaz Sharif được.

Những tuyên bố sau khi thắng cử của ông Khan đang thu hút được nhiều thiện cảm của cử tri, dù đó mới chỉ là những lời hứa hẹn. Đầu tiên, ông Khan cam kết sẵn sàng giúp đỡ điều tra tất cả những cáo buộc về gian lận và tham nhũng trong bầu cử. Hơn hết, ông tỏ ra rất quyết tâm cải tổ lại đất nước theo những khẩu hiệu về đổi mới trong cương lĩnh tranh cử của mình.

“25 triệu trẻ em của chúng ta đang không thể đến trường - ông Khan tuyên bố khi giới thiệu chương trình hành động của mình - Phụ nữ của chúng ta bị chết trong khi sinh đẻ, do chúng ta không thể đảm bảo cho họ sự chăm sóc y tế cơ bản, chúng ta không thể giúp người dân có đủ nước sạch để uống... Một đất nước được đánh giá không phải bằng việc những người giàu đang sống như thế nào, mà phải bằng việc đảm bảo cho người nghèo sống được như thế nào. Một đất nước không thể nào phồn vinh khi chỉ có một hòn đảo nhỏ những người giàu và cả một đại dương người nghèo”.

Ông Khan đã vạch ra một vài ưu tiên chính trong chương trình hành động sắp tới của mình: đó là một chính phủ hướng tới phục vụ dân thường, tất cả đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, việc làm mới cho thanh niên, hỗ trợ các nông trại, tập trung nguồn lực cho phát triển, giảm bớt chi tiêu của cho chính phủ.

Tân thủ tướng còn dự định sẽ không ở tại dinh thự của chính phủ, vốn là một trong những tòa nhà nổi tiếng nhất tại Islamabad: “Chính phủ của chúng ta sẽ quyết định sẽ làm gì với tòa nhà của thủ tướng. Bản thân tôi lại cảm thấy xấu hổ khi sống trong một tòa nhà lớn như vậy. Nó sẽ được cải hoán làm trường học hay một công trình gì đó tương tự”.

Thủ tướng mới của Pakistan sẵn sàng phát triển quan hệ hợp tác với Afghanistan và Iran, còn với Mỹ là dự định “xây dựng những mối quan hệ cùng có lợi chứ không phải đơn phương”. “Nếu như họ tiến về phía chúng ta 1 bước, chúng tôi sẽ tiến tới 2 bước” - Khan đã hứa hẹn như vậy khi bày tỏ mong muốn phát triển quan hệ với đối thủ truyền thống trong khu vực là Ấn Độ. 

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.