Iran: Ai đứng đằng sau vụ khủng bố Ahvaz?
- Iran khẳng định quyết tâm chống khủng bố
- Xả súng trong lúc diễu binh ở Iran, nhiều thương vong
- Iran cài phần mềm theo dõi IS
Căng thẳng đang ở đỉnh điểm khi Iran cáo buộc Mỹ đứng sau vụ tấn công ngày 22-9 nhằm vào một cuộc diễu binh lớn ở thành phố Ahvaz, thủ phủ tỉnh Khuzestan, Tây Nam Iran làm ít nhất 29 người thiệt mạng và 70 người khác bị thương, trong đó có 12 binh sĩ Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran.
Lời cảnh cáo của Iran
Vụ tấn công xảy ra ngày 22-9, khi Iran đang tổ chức diễu binh tại các thành phố, trong đó có thủ đô Tehran và cảng Bandar Abbas ở Vùng Vịnh nhân sự kiện tưởng niệm khởi đầu cuộc chiến tranh kéo dài 8 năm với Iraq vào năm 1980.
Nhiều nạn nhân của vụ tấn công là trẻ em. Ảnh: Brownsville Herald. |
4 đối tượng có vũ trang nã đạn vào một đám đông khán giả đang theo dõi lễ diễu binh ở thành phố Ahvaz và sau đó âm mưu tấn công khu vực khán đài nơi có nhiều quan chức cấp cao chính phủ Iran. Lực lượng an ninh Iran đã tiêu diệt được 2 đối tượng và bắn bị thương 2 kẻ còn lại.
Phó Thống đốc tỉnh Khuzestan, Ali-Hossein Hosseinzadeh cho biết, những binh sĩ thiệt mạng là thành viên Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC). Trong khi đó, nhiều nạn nhân bị thương là trẻ em, đều ở trong tình trạng nguy kịch. Thống đốc tỉnh Khuzestan, ông Gholam-Reza Shariati cho biết những kẻ khủng bố đã đóng giả làm thành viên của IRGC và quân tình nguyện Basiji để tiến hành vụ tấn công.
Đây được coi là một trong những vụ tấn công tồi tệ nhất trong lịch sử nhằm vào lực lượng tinh nhuệ IRGC của Iran, và diễn ra vào thời điểm Mỹ và các đồng minh vùng Vịnh đang gia tăng sức ép cô lập Tehran. Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố những phần tử ly khai Arab đã tiến hành vụ tấn công, đồng thời chỉ trích Mỹ hậu thuẫn cho các nước Arab cung cấp tài chính và hỗ trợ quân sự cho các nhóm sắc tộc Arab chống chính quyền Tehran. Ông chỉ trích Mỹ muốn gây ra sự bất ổn tại nước Công hòa Hồi giáo này và khẳng định ý đồ của Washington sẽ không thành công.
Trong bài phát biểu trước lễ tang ngày 24-9 để tưởng niệm các nạn nhân trong vụ tấn công, Phó Tư lệnh Lực lượng IRGC, Tướng Hossein Salami, cáo buộc Mỹ và Israel dính líu tới vụ khủng bố này, đồng thời tuyên bố Iran sẽ đáp trả mạnh mẽ. Bộ trưởng Quốc phòng Iran Amir Hatami cảnh báo những phần tử khủng bố sẽ phải hứng chịu đòn đáp trả của nước Cộng hòa Hồi giáo.
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif ngay lập tức đã cáo buộc một "chế độ nước ngoài" do Mỹ hậu thuẫn thực hiện vụ tấn công trên.Trên trang Twitter, Ngoại trưởng Zarif nêu rõ những đối tượng khủng bố đã được “một chế độ nước ngoài” tuyển mộ, huấn luyện, vũ trang và trả tiền để tấn công thành phố Ahvaz. Ông nhấn mạnh Iran quy trách nhiệm cho Mỹ và những kẻ tài trợ khủng bố trong khu vực, đồng thời khẳng định Tehran sẽ phản ứng nhanh và quyết liệt nhằm bảo vệ người dân nước này.
Hãng thông tấn Mizan dẫn lời Bộ trưởng Tình báo Mahmoud Alavi cho biết lực lượng chức năng đã bắt giữ nhiều nghi phạm tiến hành vụ tấn công, song không nêu rõ chi tiết. Trong khi đó, giới lãnh đạo cấp cao của Iran cáo buộc các đồng minh Arab vùng Vịnh của Mỹ có liên quan trong vụ việc đẫm máu trên.
Ai đứng đằng sau vụ tấn công?
Chính xác nhóm nào tiến hành vụ tấn công khủng bố này vẫn chưa rõ ràng, kể cả sau khi truyền thông địa phương ngày 23-9 đã liệt kê một số nhóm. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng cũng đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công này. Ngày 23-9, mạng tin Amaq của IS đã đăng tải một đoạn băng hình, trong đó 3 đối tượng là nam giới tuyên bố chúng đang trên đường tới địa điểm thực hiện vụ tấn công nhằm vào lễ diễu binh của quân đội Iran. Tuy nhiên, bằng chứng trên được cho là không chính xác.
An ninh tại Iran đã được thắt chặt sau vụ tấn công. Ảnh: Payvand News. |
Một nhóm li khai dòng Sunni địa phương - Phong trào dân chủ Arab yêu nước ở Ahwaz, đã lên tiếng từ chối thực hiện vụ tấn công sau khi Hãng thông tấn Cộng hòa Hồi giáo Iran đưa tin nhóm này phải chịu trách nhiệm. Một nhóm khác, Phong trào đấu tranh giải phóng Ảrập Al-Ahwaz, cũng bị buộc tội tiến hành vụ tấn công này, song người phát ngôn của tổ chức này đã nói với Hãng tin CNN rằng nhóm này không chịu trách nhiệm.
Người phát ngôn của IRGC đã khẳng định rằng đây là những tên khủng bố được Arab Saudi hậu thuẫn. Trên Twitter, ông Zarif nói: "những kẻ chủ mưu người Mỹ" đứng đằng sau vụ tấn công này. Phía Arab Saudi vẫn chưa đưa ra phản ứng đối với những cáo buộc trên.
Vụ tấn công diễn ra vào thời điểm khi quan hệ giữa Riyadh và Tehran ngày càng căng thẳng. Bất cứ ai chịu trách nhiệm về việc sát hại binh sĩ và dân thường tại buổi lễ diễu binh có thể châm ngòi cho một cuộc trả đũa khủng bố leo thang đầy nguy hiểm. Iran đã buộc tội Arab Saudi hậu thuẫn cho các cuộc tấn công khủng bố nhưng chưa có cuộc tấn công nào nghiêm trọng như cuộc tấn công lần này. Một cuộc tấn công quy mô như vậy ở bên trong Iran thường rất hiếm vì có quá nhiều binh sĩ thiệt mạng.
Trên Twitter, Ngoại trưởng Zarif đã đe dọa trả thù. "Iran sẽ bắt những kẻ tài trợ khủng bố khu vực và những kẻ chủ mưu người Mỹ của chúng phải chịu trách nhiệm về những vụ tấn công như vậy. Iran sẽ phản ứng một cách nhanh chóng và dứt khoát để bảo vệ sinh mạng của người dân Iran".
Phương Tây muốn một cái cớ?
Về vụ việc trên, Mỹ đồng thời phủ nhận vụ tấn công nhưng cũng khẳng định sẽ đưa ra chiến lược để đối phó với cái gọi là mối đe dọa từ Iran. Chưa rõ Mỹ có tấn công Iran thật hay không? Vụ việc đang gây căng thẳng cho khu vực Trung Đông vốn đã rất “nóng”.
Câu hỏi đặt ra là tại sao cuộc tấn công lại xảy ra vào lúc này? Để tìm câu trả lời, có lẽ cần phải nhìn lại ảnh hưởng gia tăng và mối đe dọa của Iran trong khu vực. Chính trị thần quyền dòng Shia đã ăn sâu vào các thể chế của Iran và trở nên cực đoan hơn ở Syria. Điều lo ngại nhất đối với các nhà lãnh đạo Israel, những người coi Iran như một mối đe dọa hiện hữu, nhóm lớn nhất thân Iran, tổ chức Hezbollah, đang giành được ưu thế trên khắp biên giới của Israel ở Liban. Mới đây, nhà lãnh đạo Hezbollah Hassan Nasrallah thông báo rằng ông hiện sở hữu nhiều tên lửa có thể bắn chính xác vào sâu bên trong lãnh thổ Israel.
Phát biểu trước khi lên đường tới New York, Mỹ tham dự phiên họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, ông Rouhani cáo buộc các quốc gia Arab được Washington hậu thuẫn cung cấp tài chính và hỗ trợ quân sự cho các nhóm sắc tộc Arab chống chính phủ. Theo ông Rouhani, Mỹ đã xúi giục và tạo điều kiện cho các quốc gia Arab này. Nhà lãnh đạo Iran tuyên bố hành động đáp trả của Iran đối với cuộc tấn công này sẽ tuân thủ khung luật pháp và coi trọng lợi ích quốc gia của Iran. Ông khẳng định Washington sẽ phải hối hận về hành động "gây hấn" này.
Lãnh tụ tối cao A.A Khamenei cũng cáo buộc đồng minh của Mỹ đứng sau vụ tấn công tại Ahvaz. Trong một tuyên bố, ông Khamenei nhấn mạnh: “Tội ác này là sự tiếp nối những âm mưu của các nước làm con rối của Mỹ trong khu vực. Mục tiêu của họ là gây ra sự bất ổn tại đất nước thân yêu của chúng ta”.
Các nhà lãnh đạo Iran cho rằng, Mỹ và các nước đồng minh trong khu vực đang lợi dụng tình cảnh khó khăn của Iran sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân, kèm theo đó là các biện pháp trừng phạt kinh tế. Những nghi ngờ về việc Mỹ và đồng minh đã dàn dựng kịch bản vụ tấn công ở Iran ngày càng rõ hơn. Vài giờ sau vụ tấn công khủng bố nhằm vào cuộc diễu hành quân sự tại thành phố Ahvaz, nhiều nhà phân tích đã đặt câu hỏi tại sao Mỹ đã không có phản ứng mạnh mẽ về vụ việc này.
Sau vụ tấn công, cả Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ đều không ngay lập tức đưa ra tuyên bố. Đến khi Hãng thông tấn WorldViews liên hệ với người phát ngôn của Hội đồng An ninh quốc gia Garrett Marquis trong chiều 22-9 để hỏi về tuyên bố của Nhà Trắng, lúc đó ông Marquis mới đưa ra phản ứng ngắn gọn.
Trong một bức thư điện tử, ông Marquis viết: "Mỹ sát cánh cùng với người dân Iran và khuyến khích chế độ Tehran tập trung vào việc duy trì trật tự an ninh trong nước". Sau đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert cũng đưa ra tuyên bố cho biết Chính phủ Mỹ đã nhận được báo cáo về vụ tấn công. "Chúng tôi sát cánh cùng với người dân Iran trong cuộc chiến chống lại hiểm họa từ những kẻ khủng bố Hồi giáo cực đoan và bày tỏ sự cảm thông với họ trong thời điểm khủng khiếp này", bà Nauert nói.
Thái độ "thờ ơ" của Mỹ trái ngược so với những nước đã bày tỏ sự cảm thông đối với các nạn nhân và cực lực lên án cuộc tấn công. Một vài Đại sứ tại Tehran đã bày tỏ quan điểm ngay lập tức trên trang cá nhân. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã đưa ra tuyên bố chính thức. Mỹ không chỉ là nước chậm trễ trong việc đưa ra lời chia buồn đối với Iran mà đáng chú ý, không như nhiều nước khác, Mỹ không có đại sứ tại Tehran.
Tuy nhiên, một vài nhà phân tích cho rằng quy mô của cuộc tấn công đáng được các nhân vật cấp cao của Mỹ lên tiếng. Thông thường, bản thân Tổng thống Donald Trump rất hay đưa ra phản ứng ngay tức khắc trên trang mạng xã hội Twitter, nhất là phản ứng liên quan đến các cuộc tấn công khủng bố, đặc biệt là những vụ liên quan đến nhóm Hồi giáo cực đoan.
Không chỉ thờ ơ, mà ngay lập tức, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton cho biết Washington sẽ tìm kiếm những phương án mới để trừng phạt Tehran nếu những biện pháp trừng phạt áp đặt vừa qua không làm thay đổi Iran từ bên trong.
Trả lời phỏng vấn kênh Fox News ngày 23-9, một ngày sau sự kiện trên, cố vấn Bolton khẳng định gói các biện pháp trừng phạt thứ hai, dự kiến có hiệu lực vào tháng 11 tới, sẽ có tác động chính trị và kinh tế đáng kể đối với nội bộ Iran. Quan chức an ninh Mỹ tuyên bố Washington muốn những thay đổi lớn từ Iran và Mỹ sẽ tìm thêm nhiều biện pháp trừng phạt khác để áp đặt và cũng như gây sức ép tối đa để đạt được mục đích trên.
Cục diện bế tắc khó tháo gỡ
Từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran vào ngày 8-5-2018 tới nay, cuộc đọ sức ngoại giao và công kích dư luận giữa Mỹ và Iran chưa từng ngừng nghỉ. Hiện nay, điều mà cộng đồng quốc tế, đặc biệt là dư luận quốc tế hết sức quan tâm là cuộc đọ sức giữa Washington và Tehran sẽ đi theo hướng mở ra đàm phán hòa bình hay khởi động chiến tranh?
Mặc dù ngoại giao của ông Trump thay đổi khó lường, nhưng Iran cũng không đơn giản. Bởi họ đã được tôi luyện trong ngoại giao hạt nhân 15 năm kể từ năm 2003, vì vậy sẽ không tùy ý đưa ra một phản ứng tích cực. Viễn cảnh Mỹ và Iran khó có thể tiến hành đàm phán trong ngắn hạn cũng đúng như lời của chuyên gia về vấn đề Iran Jarrett Blanc thuộc Quỹ hòa bình quốc tế Carnegie: “Họ không mấy hứng thú đối với ngoại giao của Mỹ, đặc biệt là sau khi ông Trump khiến Mỹ rút khỏi thỏa thuận đa quốc gia được biết đến với tên gọi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA)”.
Phản ứng của Iran cũng chứng minh cho điểm này. Phó Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Motahari nói: “Sau khi ông Trump có những phát biểu kiêu ngạo đối với Iran, đàm phán là không thể xảy ra. Đây là một sự xúc phạm”. Bộ trưởng Nội vụ Iran Abdolreza Rahmani Fazli nói: “Mỹ không đáng tin cậy. Sau khi đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, mọi người làm sao còn tin tưởng họ?” Chuyên gia về Iran, Ali Vaez, thuộc Tổ chức nghiên cứu khủng hoảng quốc tế (ICG) cho rằng “sẽ không có nhà lãnh đạo Iran nào muốn gặp Tổng thống Mỹ sau khi ông đã liên tục đe dọa, công kích các nhà lãnh đạo Iran, và rút khỏi thỏa thuận hạt nhân”.
Ở góc nhìn khác, các chuyên gia nhận định: Việc Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, vừa nhằm toan tính đùn đẩy trách nhiệm của căng thẳng trong khu vực cho Iran, đồng thời cũng là sách lược làm cho mâu thuẫn trong nước Iran trầm trọng hơn, khuấy đảo môi trường chính trị của nước này. Một vài vụ nổ trong toan tính cũng chính là việc Mỹ muốn Iran tự mâu thuẫn từ bên trong.