Khủng hoảng trong NSA: Tre rủ nhau tàn còn măng…chưa mọc!

Thứ Sáu, 12/01/2018, 08:31
Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) của Mỹ đang đối mặt với tình trạng những người tài giỏi, có trình độ, năng lực cao, nhiều kinh nghiệm, đang dần rời bỏ cơ quan tình báo lớn nhất nước Mỹ này với nhiều lý do.


“Chảy máu” nhân tài

Hiện tượng “chảy máu” nhân tài của NSA không biết đã bắt đầu từ khi nào, nhưng ghi nhận rõ nét nhất là từ năm 2015. Tính từ thời gian đó, số lượng người rời khỏi cơ quan tình báo này ước chừng hàng trăm người. “Dùng từ nạn dịch là cách mô tả đúng nhất cho tình trạng này” – nhận xét của Ellison Anne, một cựu chuyên gia nghiên cứu cao cấp của NSA đã rời khỏi cơ quan này vào năm 2016 để mở công ty an ninh dữ liệu điện tử riêng. Tại Công ty Enveil của Ellison có hơn 10 nhân viên làm việc, và họ cũng là những đồng nghiệp cũ của Ellison tại NSA đi theo về làm việc cho bà.

Năm 2018 này, đến lượt Giám đốc NSA Michael Rogers cũng sẽ nghỉ việc.

“NSA đang mất đi một lượng lớn các tài năng khoa học kỹ thuật mạnh nhất. Không phải những người lãnh đạo NSA không biết rằng, đánh mất những nhân sự tốt nhất và tiềm năng nhất là một tổn thất lớn”.

NSA không công bố con số cụ thể có bao nhiêu nhân viên đã xin nghỉ việc hoặc nghỉ hưu sớm, nhưng dựa vào các con số thống kê theo tỉ lệ hàng năm, theo từng bộ phận cũng có thể tính ra được.

Theo thống kê của chính NSA, tỉ lệ nhân viên bỏ việc là 5,6% ở nhóm chuyên ngành khoa học, công nghệ và toán học, khoảng 9% ở nhóm hacker và nhân viên theo dõi, giám sát hoạt động tấn công mạng. Với tổng số nhân viên NSA vào khoảng 21.000, con số nghỉ việc theo tỉ lệ trên có thể lên đến hàng ngàn người.

Giám đốc NSA Michael Rogers có lần đã tiết lộ: Trong năm 2015, tỷ lệ nhân viên NSA xin thôi việc vào khoảng 3,3%, và tiếp tục tăng mạnh trong thời gian qua. Trong số những nhân tài về an ninh mạng từ bỏ NSA, có nhiều quan chức cấp cao như Phó giám đốc NSA Richard Ledgett hay người phụ trách mảng phòng thủ an ninh mạng Curtis Dukes.

Ông Trump từng chỉ trích kết quả phát hiện của cộng đồng tình báo xung quanh việc cho rằng Nga đánh cắp thư điện tử của đảng Dân chủ trong chiến dịch bầu cử Tổng thống Mỹ 2016. Hồi đầu năm 2017, ông Trump lại cáo buộc các cơ quan tình báo làm rò rỉ thông tin sai và cho rằng hành động này gợi nhớ tới chiến thuật được sử dụng thời phát xít Đức.

Đến tháng 2-2017, khi tờ New York Times đưa tin: các dữ liệu ghi âm điện thoại và các cuộc gọi bị nghe lén cho thấy các thành viên trong chiến dịch tranh cử và các cộng sự của ông Trump thường xuyên liên lạc với giới chức tình báo cấp cao của Nga trước khi cuộc bầu cử Mỹ diễn ra hồi tháng 11-2016, Tổng thống Mỹ đã thể hiện sự thất vọng bằng dòng nghi vấn trên twitter: “Bê bối thực sự ở đây đó là các thông tin mật đã được giới tình báo tuồn ra ngoài một cách bất hợp pháp (cho báo chí) dễ như ăn kẹo! Hoàn toàn không đúng với (giá trị) Mỹ!”.

Ông Rogers thừa nhận, chỉ trích của ông Trump đối với cộng đồng tình báo có thể tạo ra “một tình huống mà lực lượng lao động của chúng tôi quyết định rời bỏ”. Theo bà Susan Hennessey, một cựu luật sư tại NSA hiện đang làm cho Viện Brookings, động thái của ông Trump đã làm trầm trọng thêm những căng thẳng gây ra bởi việc tái cơ cấu NSA. Đã hơn 1 năm kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức, số lượng nhân viên ngành an ninh tình báo tìm kiếm công việc mới ngày càng gia tăng.

Điều đáng nói là những người này đều có bề dày kinh nghiệm và năng lực. Tuy nhiên, những căng thẳng với chính quyền Tổng thống Trump hay việc tái cơ cấu trong nội bộ NSA không phải là những nguyên nhân chính duy nhất dẫn đến những trường hợp thôi việc. Các lý do khác được đưa ra là nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ cao ngày càng tăng kèm theo mức lương hậu hĩnh tại các công ty tư nhân đã lôi kéo một số nhân tài của cơ quan tình báo chính phủ.

Đủ cả “thù trong, giặc ngoài”

NSA là cơ quan tình báo cung cấp khối lượng thông tin tình báo lớn nhất trong 17 cơ quan tình báo Mỹ. Những người nghỉ việc đều là nhân viên phụ trách việc thu thập thông tin tình báo để báo cáo hàng ngày cho Tổng thống Mỹ, ngoài ra còn phân tích thông tin về các kế hoạch, dự định, quan điểm của các chính phủ nước ngoài.

Mặc dù tỉ lệ bỏ việc ở NSA khá thấp so với tình trạng nghỉ việc ở các công ty công nghệ, và NSA cũng đã kịp thời tuyển người vào thay thế, nhưng vấn đề là những người mới này lại không có được kinh nghiệm tài năng như những người đã nghỉ việc.

Tinh thần làm việc của nhân viên NSA giảm sút do những vấn đề căng thẳng nội bộ.

Tình trạng thiếu nhân sự kinh nghiệm, năng lực không đảm bảo này đã có tác động lên chất lượng công việc quan trọng nhất của NSA là thu thập và phân tích khối lượng dữ liệu tình báo khổng lồ thu thập từ mạng Internet ở nước ngoài. Một số bộ phận của NSA đã bị mất gần một nửa nhân viên, dẫn đến kết quả là các dự án nâng cấp chất lượng thu thập tình báo bị đình trệ.

NSA hiện đang trải qua giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ khi hình thành và đi vào hoạt động cách đây 65 năm. Vụ việc rò rỉ thông tin mật do của Edward Snowden và các nhân viên hợp đồng gây ra đã làm cho tinh thần làm việc tại NSA giảm sút rõ rệt, chưa thể khôi phục trong tương lai gần.

Sau vụ Snowden, đến vụ nhân viên hợp đồng Harold T. Martin III bị bắt vào năm 2016 đã khiến lãnh đạo cơ quan gia tăng mức độ thận trọng, phòng tránh rủi ro, từ đó dẫn đến việc ban hành những quy định mới hạn chế, gây khó khăn hơn cho việc tiếp cận dữ liệu. Kèm theo đó là một chương trình săn lùng những kẻ tiềm ẩn nguy cơ phản bội đã góp phần tạo ra môi trường nghi kỵ lẫn nhau.

Vụ tấn công kho vũ khí mạng của NSA do nhóm hacker Shadow Brokers thực hiện vào năm 2015 đã hầu như vét sạch các loại vũ khí tối tân nhất mà cơ quan này có được, rồi sau đó tung hê lên các diễn đàn mạng xã hội để các nhóm tin tặc tha hồ lợi dụng gây ra hàng loạt vụ tấn công mạng khắp thế giới trong thời gian gần đây.

Theo các chuyên gia NSA, vụ tấn công xảy ra từ tháng 4-2015, nhưng những thông tin, dữ liệu lấy trộm mãi đến tháng 8-2016 nhóm Shadow Brokers mới tung lên mạng Internet. Đó được xem là một “thảm họa” thật sự đối với NSA, đặt ra vấn đề nghiêm trọng về khả năng bảo vệ kho vũ khí mạng hùng mạnh của cơ quan này và giá trị bảo đảm an ninh quốc gia. Vụ tấn công kho vũ khí mạng đã gần như đánh sập hoàn toàn uy tín tình báo mà NSA đã gây dựng nhiều năm.

Trụ sở rộng lớn của NSA.

Đến khi xảy ra vụ mã độc tống tiền WannaCry tấn công mạng máy tính toàn cầu hồi tháng 5-2017, thế giới mới được biết đến công cụ mà bọn tin tặc sử dụng để phát triển WannaCry được lấy xuống từ mạng xã hội. Không chỉ một mà nhiều công cụ mã độc đã được giới tin tặc chia sẻ cho nhau từ nhiều tháng, được phát hiện do nhóm tin tặc Shadow Brokers tung lên mạng từ tháng 8-2016.

Theo tài liệu được công bố ngày 1-12 của Bộ Tư pháp Mỹ, một cựu nhân viên của Cơ quan An ninh quốc gia (NSA) hôm 28-11 đã thừa nhận mang tài liệu mật của cơ quan về nhà. Người này tên Nghia Hoang Pho, 67 tuổi, đến từ TP Ellicott, bang Maryland.

Ông Nghia là người gốc Việt, đã nhập quốc tịch Mỹ và làm việc như một nhà phát triển phần mềm cho NSA. Cáo trạng cho hay, ông Nghia làm việc cho đơn vị “Các hoạt động truy cập tùy biến” (TAO), hiện đổi thành “Các hoạt động mạng máy tính” (CNO), của NSA từ năm 2006-2016. Từ năm 2010 đến tháng 3-2015, ông Nghia chuyển các văn bản và tài liệu mật về nhà, lưu trữ trong máy tính riêng dù điều này bị cấm.

Theo báo The New York Times, trên máy tính của ông Nghia cài đặt phần mềm diệt virus của Kaspersky Lab - công ty phần mềm hàng đầu của Nga. Các tin tặc làm việc cho tình báo Nga sau đó được tin là khai thác lỗ hổng thông qua phần mềm để đánh cắp dữ liệu. Hành vi của ông Nghia có thể khiến ông lãnh án tù 10 năm, trong khi các công tố viên đồng ý không kết án quá 8 năm tù giam. Được biết, phiên tòa xét xử ông Nghia dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 6-4-2018.

“Sếp” NSA cũng ngán ngẩm nói lời từ biệt?

Sau những “thảm họa” này, NSA đã tăng cường tiến hành nhiều cuộc điều tra nội bộ, ban hành những chế tài, quy định khắt khe, tạo nên tình hình căng thẳng, từ đó càng làm cho tinh thần của nhân viên làm việc trong NSA thêm giảm sút.

Một cựu nhân viên NSA cho biết, nhân viên nghỉ việc hàng loạt vì không chịu nổi không khí làm việc như trên. Thêm vào đó là chương trình tái cơ cấu bên trong NSA bao gồm việc sáp nhập nhiệm vụ tình báo điện tử với chương trình phòng vệ an ninh mạng, và một số thay đổi khác cũng khiến cho nhân viên làm việc trong NSA thêm bực mình.

Giám đốc NSA Michael Rogers đã phát động chương trình NSA 21 nhằm cải tổ văn hóa làm việc trong NSA, với mục tiêu là xóa bỏ cái mà ông gọi là “bức tường đá” ngăn cách giữa các bộ phận với nhau trong khi họ lại cần bổ sung cho nhau theo yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Những nhân viên NSA đã nghỉ việc cho biết, họ từng nhiều lần phản ánh lên ban lãnh đạo cơ quan. Một số người nói họ cảm thấy nhiệm vụ của mình đã bị gạt ra ngoài lề khi tái cơ cấu. Có người cho rằng, chương trình tái cơ cấu đã đi chệch hướng, phát sinh nhiều thứ rườm rà khiến cho hoạt động thu thập tình báo ngày càng khó khăn hơn. Một người khác phê phán hệ thống lương bổng và thăng tiến trong cơ quan không hợp lý, ưu tiên cho người làm việc lâu năm thay vì người có trình độ, năng lực tốt.

Tình trạng “chảy máu” nhân tài đã đến mức báo động, và tại một hội nghị toàn cơ quan vào năm 2016, một nhân viên thuộc bộ phận hacker đã đứng lên phản ánh tình hình trực tiếp với Giám đốc Rogers. Ông Rogers đã phản bác lời phản ánh của người nhân viên nọ, và yêu cầu các nhân viên NSA dừng việc phản ánh, ca cẩm và tập trung vào làm việc.

Tuy nhiên, một phát ngôn viên của NSA cho biết, nhờ những phản ánh liên tục của nhân viên mà NSA đã có một số thay đổi theo hướng tích cực hơn, như tăng lương, gia tăng cơ hội thăng tiến cho tất cả những người làm việc ở tất cả các bộ phận của NSA. Bản thân ông Rogers cũng đã “xét lại” quan điểm của mình đối với những vấn đề mà nhân viên phản ánh lên, thừa nhận đang diễn ra những thay đổi về văn hóa làm việc gây căng thẳng cho nhân viên.

Rogers đã công khai ý định nghỉ hưu vào đầu năm 2018 này, kết thúc 4 năm lãnh đạo NSA với những khoảng thời gian khó khăn. Năm 2016, Bộ trưởng Quốc phòng và Giám đốc Tình báo quốc gia từng có lần đề xuất việc thay Rogers bằng một người khác vì những vấn đề trong cung cách lãnh đạo của ông. Lần này, áp lực từ nhiều phía đã buộc Rogers nghĩ đến việc rời khỏi NSA. Chưa biết Tổng thống Trump sẽ tìm ai thay thế ông Rogers, nhưng cho dù ai thì cũng sẽ đối mặt với một loạt thách thức khó khăn mà NSA đang trải qua.

Nguyên Khang - Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.