Luồng thông tin giả lan khắp thế giới

Thứ Tư, 04/01/2017, 11:15
Tung thông tin giả làm nhiễu loạn dư luận, gây ảnh hưởng đến suy nghĩ, quan điểm của công chúng đang ngày càng trở thành một công cụ lợi hại trong cuộc chiến quyền lực giữa các quốc gia, các thế lực chính trị trên thế giới.

Việc Mỹ cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử bằng những hoạt động tung thông tin gây hỗn loạn, tạo suy nghĩ có lợi cho ông Donald Trump, rồi mới đây là vụ việc hai nước Israel và Pakistan hục hặc nhau vì thông tin giả đang trở thành những bài học để các nước cảnh giác, đề phòng đòn tấn công bằng thông tin giả trên mạng Internet.

Cộng hoà Séc là quốc gia mới nhất có hành động đề phòng tấn công thông tin giả. Chính phủ nước này vừa thông báo kế hoạch thành lập một đơn vị "chống tin giả" có tên gọi là Trung tâm Chống Khủng bố và các mối đe doạ khác (CATHT), trực thuộc Bộ Nội vụ nước này. Trung tâm CATHT bao gồm 20 chuyên gia trong lĩnh vực thông tin, công nghệ Internet, sẽ chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1-1-2017.

Tổng thống CH Séc Miloš Zeman từng bị người dân biểu tình phản đối vì thông tin giả nói rằng ông là "người của Nga" do quan điểm có phần thân Nga của ông.

Mục đích của việc thành lập trung tâm CATHT được cho là nhằm phòng bị sẵn sàng ứng phó trước những đòn tấn công bằng thông tin giả trên mạng Internet trong cuộc bầu cử Quốc hội CH Séc sẽ diễn ra vào tháng 10 năm tới.

Trong cuộc bầu cử này, cử tri CH Séc sẽ quyết định chọn lựa các đại biểu Hạ viện để từ đó hình thành chính phủ mới. Chính phủ đương nhiệm của nước này hiện do ba đảng liên minh cầm quyền, gồm đảng Dân chủ xã hội của Thủ tướng Bohuslav Sobotka, đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo và ANO, một đảng dân tuý do doanh nhân Andrej Babis lãnh đạo. ANO đang được đánh giá là đảng có khả năng bứt phá giành chiến thắng và ông Babis sẽ trở thành thủ tướng mới.

Các quan chức an ninh mạng ở CH Séc đang theo dõi và nhận định có nhiều dấu hiệu của hoạt động gây nhiễu loạn thông tin trên mạng Internet nhằm tạo ảnh hưởng đến quan điểm cử tri, từ đó gây bất ổn định an ninh chính trị và trật tự xã hội. Mặc dù chưa thể xác định được mối liên hệ rõ ràng, nhưng các quan chức an ninh CH Séc cho biết họ nghi ngờ Moskva có dính líu đến khoảng 40 Website viết bằng ngôn ngữ Séc đưa ra quan điểm và những thông tin về thuyết âm mưu và những bài báo có nội dung thiếu chính xác.

Giới chức an ninh CH Séc cho rằng những Website này nhắm đến mục tiêu làm chuyển hoá ý kiến dư luận theo hướng bất lợi cho phương Tây. Tuy nhiên, việc chú trọng vào công tác chống tin giả đang khiến nhiều người lo ngại rằng Trung tâm CATHT có thể lạm dụng quyền hành dẫn đến việc kiểm duyệt thông tin, do thám người dân và kiểm soát, kiềm chế tự do ngôn luận.

Sự lo lắng, đề phòng của CH Séc cũng trùng khớp với những cảnh báo gần đây của giới chức tình báo Đức về nguy cơ các Website thông tin giả bị nghi có liên quan đến Moskva có thể tấn công phá rối các cuộc bầu cử sắp tới ở nhiều nước châu Âu.

Đặc biệt, trong đợt khủng hoảng người di cư vừa qua, thông tin giả đã gây ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến ý kiến dư luận. Hàng loạt cuộc biểu tình chống Hồi giáo lại có cả sự tham gia của những kẻ chống NATO, chống EU và phản đối Thủ tướng Đức Angela Merkel. Thông tin giả đã làm gia tăng tâm lý lo sợ về khủng bố và sự tràn ngập người Hồi giáo nhập cư đến từ Trung Đông, mặc dù CH Séc có số dân rất nhỏ theo Hồi giáo và họ cũng chẳng bị tác động gì bởi làn sóng di cư.

Mới đây nhất, thông tin giả là nguyên do chính gây ra căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước Israel và Pakistan. Một bài báo chứa đựng thông tin giả đã được tung lên Website tin tức AWD News trong đó phao lên rằng "cựu Bộ trưởng Quốc phòng Israel đe doạ tấn công hạt nhân nhằm vào Pakistan nếu nước này đưa quân đội đến Syria".

Ngay lập tức, Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan Khawaja Mohammad Asif lên mạng xã hội Twitter nhắn nhủ Israel rằng "Pakistan cũng là cường quốc hạt nhân". Ngày 24-12, Bộ trưởng Quốc phòng Israel phản hồi trên Twitter rằng thông tin trên trang Web tin tức AWD News là "bịa đặt hoàn toàn". Sau đó, kiểm tra lại, người ta phát hiện AWD News là một Website thông tin giả.

Thông tin giả cũng đang hoành hành ở khắp nơi trên thế giới, từ châu Âu cho đến châu Á, Mỹ Latinh. Ở Đức, giới chính trị truyền thống đang rất lo lắng về những thông tin giả đang được lưu truyền trong dân chúng. Từ những lời đồn đãi về việc bà Merkel từng là điệp viên STASI (mật vụ CHDC Đức), rồi đến cả những thông tin cho rằng bà là "con gái của Adolf Hitler".

Điển hình cho thông tin giả gây dư luận xôn xao tại Đức là những thông tin bôi xấu người nhập cư trong đợt khủng hoảng di cư vừa qua. Một thông tin giả được tung lên truyền thông rằng một bé gái gốc Nga 13 tuổi tên là Lisa F bị một người nhập cư từ Trung Đông cưỡng hiếp ở Berlin.

Thông tin này ngay lập tức được truyền thông Đức và Nga quan tâm đưa tin ầm ĩ, cho rằng bé Lisa F bị bắt cóc rồi cưỡng hiếp. Rốt cuộc, vụ tấn công đã được xác định là bịa đặt sau khi cảnh sát xác minh sự thật không phải như thế. Theo cảnh sát, cô bé Lisa F quả thực đã đi chơi chung với những người quen biết của cô bé trong 30 giờ, không hề bị ai bắt cóc. Khám nghiệm y khoa cũng không phát hiện dấu hiệu cưỡng hiếp. Tuy nhiên, dù có được xác minh ra sự thật thì thông tin giả trên cũng đã được lan truyền rộng rãi trên Internet.

Hàng trăm người, bao gồm cả những kẻ chống Hồi giáo và bọn tân phát xít, đã tràn xuống đường phố biểu tình phản đối vụ "tấn công". Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov cũng lên tiếng phê phán chính phủ của bà Merkel "ém nhẹm" vụ việc. Đến lượt nước Nga bị nghi ngờ chính là kẻ đã cố tình tung ra thông tin giả nêu trên để gây nhiễu loạn trong dư luận Đức. Hans-Georg MaaBen - Giám đốc cơ quan tình báo đối nội BfV tố cáo Nga đã sử dụng chiêu thức tung thông tin giả kiểu KGB thời Chiến tranh lạnh để chống phá Đức.

Việc dùng thông tin giả không hề là "độc quyền" của bất cứ ai, và ai cũng có thể sử dụng nó nhằm mục đích chính trị của riêng mình. Trong cuộc bầu cử tổng thống ở Áo vừa qua, tất cả các ứng cử viên đối đầu nhau đều bị thông tin giả bôi xấu. Gây dư luận chú ý nhất là màn tấn công nhắm vào ứng cử viên độc lập Alexander van der Bellen. Những đối thủ của ông này đã tung thông tin giả rằng ông bị bệnh ung thư máu và "đang bệnh rất nặng". Thật ra ông Van der Bellen không hề có bệnh, và thông tin hoả mù trên đã khiến những người ủng hộ ông tưởng là ông bệnh thật nên hết sức lo lắng.

Tại Pháp, trong 10 năm qua đã chứng kiến sự gia tăng chóng mặt số lượng người đọc truy cập vào các trang Website, blog và mạng xã hội thuộc phái cực hữu - được công luận chính thống Pháp gọi chung là "fachosphère", hay "nhóm phát xít". Nhóm các Website này do các cá nhân khác nhau điều hành, cổ xuý các quan điểm chống người nhập cư, dân tộc chủ nghĩa và chủ nghĩa dân tộc cực đoan.

Chúng lợi dụng tư tưởng chán ghét truyền thông truyền thống cả ở phía cực hữu lẫn cực tả. Samuel Laurent, trưởng bộ phận xác minh thông tin của tờ báo Le Monde, nói rằng ở Pháp tồn tại một loại thông tin giả được bịa đặt hoàn toàn, được trả tiền như một hình thức quảng cáo. Laurent cho biết, ở Pháp cũng đang gia tăng tình trạng thông tin bị bóp méo, xuyên tạc trong các kỳ bầu cử.

Một điển hình gần đây là tại vòng bầu cử sơ bộ chọn người ra ứng cử tổng thống Pháp năm 2017, nhóm fachosphère đã mở chiến dịch bôi xấu, tung tin giả rằng ứng cử viên Alain Juppé có liên quan đến tổ chức Huynh đệ Hồi giáo. 

Thông tin bịa đặt này có nguồn gốc từ kỳ bầu cử địa phương năm 2014, khi đó một Website cực hữu đã làm méo mó sự thật, cáo buộc ông Juppé có ý định xây dựng một "Thánh đường-Nhà thờ" (vừa Hồi giáo, vừa Thiên Chúa giáo) ở thành phố Bordeaux, nơi ông làm thị trưởng. Câu chuyện bịa này được lưu truyền, và đến cuộc bầu cử sơ bộ 2016 vừa qua, nó đã biến thành mối liên hệ với Huynh đệ Hồi giáo, và nhóm fachosphère tung lên mạng biệt danh "Ali Juppé" (đọc trại đi của Alain Juppé).

Thông tin giả được sử dụng như một công cụ chính trị không chỉ xảy ra ở Đức, Áo hay Pháp. Nó được sử dụng ở Italia trong đợt bỏ phiếu trưng cầu ý dân về sửa đổi Hiến pháp vừa qua; ở Myanmar trong khủng hoảng di cư của người Hồi giáo Rohingya; ở Australia trong cuộc chiến chống các phần tử khủng bố "sói đơn độc" có liên hệ với Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Bà Dilma Rousseff được cho là nạn nhân điển hình của thông tin giả trong suốt giai đoạn diễn ra cuộc luận tội bà.

Không ít người là chính trị gia đã trở thành nạn nhân của thông tin giả. Nạn nhân điển hình nhất của loại thông tin thất thiệt này không ai khác chính là cựu Tổng thống Brazil Dilma Rousseff. Phải nói rằng, thông tin giả đã trở thành vấn nạn mới trên chính trường Brazil thời gian gần đây, nhất là trong giai đoạn sau khi bà Rousseff tái đắc cử Tổng thống Brazil vào năm 2014 và sau đó cho triển khai cuộc điều tra chống tham nhũng mang biệt danh "Rửa Xe" (Lava Jato) xung quanh bê bối "tiền lại quả" tại Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras, đặc biệt là trong thời gian diễn ra quá trình luận tội bà từ tháng 4 đến tháng 8-2016.

Theo BBC News, trong khoảng thời gian đó, có đến 3 trên 5 mẩu tin trên mạng xã hội Facebook là tin giả. Chẳng hạn, Website Prensa Brasil đã tung ra một câu chuyện bịa đặt nói rằng cảnh sát liên bang đang tìm hiểu "tại sao bà Rousseff trao 30 tỉ reai (khoảng 9 tỉ USD) cho công ty chế biến thịt khổng lồ Friboi", và mẩu tin bịa đặt này đã nhận được đến 90.150 lượt chia sẻ. Người ta ước tính, trong hai năm diễn ra cuộc điều tra Lava Jato, thông tin giả liên quan đến cuộc điều tra này nhiều hơn thông tin thật.

Năm 2016, 10 tin giả được độc giả quan tâm nhất đã được chia sẻ đến 3,9 triệu lần, trong khi 10 tin thật được đọc nhiều nhất chỉ được chia sẻ có 2,7 triệu lần. Mặc dù bà Rousseff không bị cáo buộc tham nhũng, nhưng những người thân tín của bà thì bị buộc tội, còn bản thân bà thì bị luận tội và đình chỉ chức vụ vì "lạm quyền".

Thông tin giả, hay tin đồn thất thiệt, không chỉ được sử dụng trong các cuộc quyết đấu chính trị, mà còn là công cụ gây tác động mạnh về mặt kinh tế đối với một quốc gia. Điển hình của loại thông tin giả này xảy ra ở Ấn Độ. Sau khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thông báo đưa vào lưu hành tờ tiền mệnh giá 2.000 rupee mới hồi tháng 11-2016, thông tin rộ lên khắp đất nước rằng tờ tiền đó "được gắn chip theo dõi, có kết nối với vệ tinh" nhằm theo dõi đường đi của tờ tiền trong quá trình lưu hành.

Tờ tiền mệnh giá 2.000 rupee mới của Ấn Độ bị tung tin đồn là có gắn chip theo dõi kết nối vệ tinh.

Mặc dù Ngân hàng Trung ương Ấn Độ đã lên tiếng bác bỏ, nhưng thông tin thất thiệt này đã lan nhanh như điện trên các điện thoại thông minh sử dụng hệ điều hành Whatsapp, và sau đó được cả truyền thông chính thống vào cuộc đưa tin. Vụ việc đã phần nào gây xáo trộn trong dư luận, gây hoang mang trong dân chúng. Sau đó, cảnh sát đã truy tìm và bắt giữ những kẻ đã tung thông tin thất thiệt. Đồng thời, nhà quản trị Whatsapp cũng nhận được cảnh báo truy cứu trách nhiệm nếu tiếp tục không kiểm soát tốt những thông tin giả lan truyền qua hệ thống của mình.

Quốc Vương (tổng hợp)
.
.