Mafia Nga - “bạch tuộc chúa” đáng sợ của thế giới ngầm
- Mafia Nga rúng động khi “Bố già Hassan” bị khử
- Mafia Nga: Hình xăm là biểu tượng của “thành tích”
- Pháp, Đức, Australia - "Thiên đường mới" của mafia Nga
Rộ lên như nấm sau mưa kể từ khi Liên Xô tan rã, mafia Nga nhanh chóng thể hiện bản lĩnh và vị thế của mình trên phạm vi toàn cầu. Là kẻ “hậu sinh” nhưng mafia Nga hội tụ đầy đủ các yếu tố từ các tổ chức tội phạm khét tiếng nhất thế giới: tàn ác như mafia Mexico, lì lợm và manh động giống mafia Italy và đông đảo như mafia Nhật.
Hiện tại, mafia Nga có khoảng 300.000 tên, thuộc mọi tầng lớp trong xã hội từ hạng du thủ du thực cho đến những kẻ khoác áo thương gia giàu có.
Kẻ “hậu sinh” khiến đàn anh kiêng nể
Trước đây, khi làm những bộ phim kinh điển về giới xã hội đen, các nhà sản xuất của Hollywood đều đưa vào tác phẩm của mình các “bố già” mafia Italy hay mafia Nhật. Tuy nhiên, trong nhiều năm trở lại đây, nhân vật hắc ám trong kịch bản của các đạo diễn lừng danh nhất thế giới đều là mafia Nga hay có liên quan đến tổ chức này.
Trùm mafia Nga khét tiếng Aslan Usoyan (hàng sau, thứ hai từ trái sang) và các “chiến hữu”. |
Không chỉ là sự tình cờ, sự xuất hiện ngày một dày đặc của mafia Nga cho thấy sự bành trướng của tổ chức này trên mọi mặt của đời sống thế giới. Mafia Nga bắt đầu bùng nổ sau khi Liên bang Xôviết sụp đổ. Chính trường rối ren ở Nga và các nước Đông Âu trong những năm đầu thập niên 1990 tạo cơ hội cho các tổ chức xã hội đen lộng hành.
Chúng cũng dễ dàng tìm được những nguồn cung khổng lồ từ sự thất thoát kho vũ khí của quân đội các quốc gia thuộc Liên Xô, trong đó có cả Nga. Buôn lậu vũ khí mang lại nguồn kinh phí khổng lồ để mafia Nga mở rộng sự bành trướng tới hơn 50 quốc gia trên khắp hành tinh.
Mafia Nga không theo cấu trúc trục dọc như mafia Sicily của Italy mà chia thành rất nhiều tổ chức độc lập. Báo Le Point của Pháp dẫn thống kê của Bộ Nội vụ Nga cho biết, hiện có hàng ngàn tổ chức mafia Nga đang hoạt động và khoảng 300 trong số đó mang tầm cỡ quốc tế. Các tổ chức này lại được chia thành nhiều băng nhóm nhỏ hoạt động riêng biệt để đề phòng trường hợp khi cảnh sát truy bắt, sẽ không bị lộ toàn bộ.
Cũng theo chân các “tiền bối”, lĩnh vực kinh doanh mafia Nga bao gồm: rửa những món tiền khổng lồ theo đơn đặt hàng; kinh doanh và bảo kê hoạt động của các sòng bạc, vũ trường, gái mại dâm; gian lận trong giao dịch chứng khoán, buôn thuốc phiện, buôn lậu vũ khí, giết thuê, tống tiền... Những quốc gia chịu ảnh hưởng của mafia Nga gồm có Israel, Hungary, Tây Ban Nha, Canada, Anh, Mỹ và Nga.
Hơn 30 tổ chức tội phạm Nga liên kết thành các nhóm hoạt động ở Miami, New York (Mỹ) và Puerto Rico để bố trí “lực lượng vũ trang” cho các phiên giao dịch cocaine với các đối tác đến từ Nga. Những chiếc tàu tải trọng lớn mà mafia Nga tậu được - nhằm phục vụ cho việc vận chuyển vũ khí bao gồm súng ống, đạn dược, lựu đạn các loại, kể cả tên lửa đất đối không - nhờ số tiền bòn rút từ các doanh nghiệp nhà nước sau khi Liên Xô tan rã.
Mafia Nga đang tấn công những khách hàng của ANZ, Australia. |
Những vũ khí này được dùng để đổi lấy cocaine đã qua tinh chế ở Colombia, sau đó số cocaine thành phẩm này lại được nhập cảng trở lại châu Âu hoặc qua một nước thứ ba nào đó. Một quy tắc của mafia Nga là không bao giờ hợp tác với chính quyền. Người ta sợ hãi mafia vì chúng sẵn sàng phá hoại, khủng bố, buôn bán nội tạng và giết người thuê.
Ở Israel, mafia Nga gần như là độc quyền trong hoạt động mại dâm và mở rộng tầm ảnh hưởng qua việc thu thuế bảo kê. Đặc biệt, với túi tiền lúc nào cũng rủng rỉnh, mafia Nga hoạt động không chỉ bên ngoài mà đôi khi còn “vượt trên pháp luật”.
Người đứng đầu ngành cảnh sát Israel, ông Moshe Mizrahi thừa nhận với phóng viên LExpress: “Nhờ vào tài sản khổng lồ của mình, mafia Nga có thể mua chuộc nhiều người. Chúng tôi từng phá vỡ một đường dây ngay trong Bộ Nội vụ chuyên giúp chúng làm giấy tờ giả”.
Tuy “thò vòi” vào mọi lĩnh vực của đời sống nhưng mafia Nga nổi tiếng hơn cả với những hoạt động kinh tế, buôn ma túy, buôn người và buôn vũ khí số lượng lớn hay thậm chí là buôn nguyên liệu dùng để sản xuất vũ khí hạt nhân tới bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.
Thị trường vũ khí tiềm năng nhất của mafia Nga là các nước ở lục địa đen, nơi xung đột vũ trang thường xuyên xảy ra. Chúng bán vũ khí giết người cho tất cả các bên trong một cuộc chiến, khiến số thương vong gia tăng theo cấp số nhân. Các tổ chức này cũng sẵn sàng cung cấp vũ khí sát thương hay thậm chí là vũ khí giết người hàng loạt cho các tổ chức khủng bố khét tiếng trên thế giới. Chính vì thế, mafia Nga được coi là những “lái buôn của thần chết”.
Trái với sự hung hãn thường thấy, mafia Nga là bậc thầy trong lĩnh vực làm kinh tế. Theo tạp chí The Economist, những “bố già” Nga làm việc với suy nghĩ và phong cách của quan chức hay những doanh nhân. Họ biết tận dụng những kẻ dưới trướng thông thái và nhạy bén với thời cuộc, biết “trổ nghề” qua những phương pháp tối tân để đánh cắp bí mật kinh doanh nhằm thu những khoản lời khổng lồ.
Theo thống kê của BBC, mafia Nga kiểm soát hàng chục phần trăm trong khối doanh nghiệp tư nhân ở Nga cũng như trực tiếp hoặc gián tiếp kiểm soát một phần hệ thống ngân hàng của nước này. Thậm chí, góp mặt trong hàng ngũ của mafia Nga còn có những cựu điệp viên hay sĩ quan quân đội.
Đủ mọi chiêu thức kiếm tiền
Từ lợi nhuận khổng lồ của các hoạt động buôn bán vũ khí, mafia Nga dùng chúng để mua chuộc các quan chức thoái hóa biến chất trong Chính phủ Nga và các nước thuộc Liên Xô cũ để duy trì việc làm ăn phi pháp, đồng thời thâm nhập sâu hơn vào kinh tế các nước này cũng như vươn “vòi bạch tuộc” ra khắp thế giới.
Mạng lưới mafia Nga bao trùm lãnh thổ gần 50 nước ở các khu vực khác nhau trên thế giới. Mafia Nga cũng nổi tiếng là ra tay tàn độc, như giới truy bắt tội phạm quốc tế thường kháo nhau: “Mafia Nga bé không tha già không từ, chúng có thể sát hại tất tần tật, bất kể người đó là ai. Chúng có thể cho bạn một viên kẹo đồng chỉ để kiểm tra súng có bắn được hay không”.
Yếu tố quan trọng giúp mafia Nga trở thành tổ chức tội phạm khét tiếng nhất thế giới là máu lạnh. Tuy không giết người dã man như mafia Mexico nhưng mafia Nga sẽ tiêu diệt bất cứ ai cản đường chúng. Cảnh sát, quan tòa, công tố viên hay nhà báo... đều có thể bỏ mạng dưới họng súng của mafia Nga nếu họ trở thành vật cản trong mắt chúng.
Tờ Daily Mail của Anh từng có nhiều bài bình luận cho rằng: “Mafia Nga là những kẻ làm ăn rất rắn. Chúng biết rõ mình đang làm gì và không bao giờ cho phép bản thân bị mất mặt bởi những kẻ dám trở mặt hoặc chơi khăm. Trả thù là biện pháp duy nhất nếu chúng cảm thấy bản thân đang bị lừa”.
Tờ báo Anh cho biết, mafia Nga sử dụng nhiều biện pháp khác nhau để giết người, trong đó đặt bom xe là một cách thức “yêu thích”. “Chúng sẽ chọn thời gian, địa điểm phù hợp và gắn bom vào xe của nạn nhân. Nếu có người dân vô tội gần đó, chúng cũng không quan tâm vì mafia Nga chỉ cần tiền”.
Theo số liệu của BBC, mafia Nga gây ra hàng chục nghìn vụ sát hại người bằng súng mỗi năm, trong đó có hàng trăm vụ giết người theo đơn đặt hàng. Với giá hàng nghìn USD cho việc sát hại một ông chủ khách sạn - nhà hàng, doanh nhân, chính trị gia hay nhà báo...
Mức độ “sinh sôi” của mafia Nga đã khiến Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) phải mở những phòng ban đặc biệt nhằm ngăn chặn sự “lây lan bám rễ” của tổ chức xã hội đen này vào những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước.
Ban đầu, những phòng ban này chỉ xuất hiện ở thủ đô Washington D.C nhưng sau đó hiện diện khắp các thành phố lớn của Mỹ. Bất chấp nỗ lực của nhà chức trách Mỹ, “bạch tuộc” mafia Nga vẫn sống khỏe và lớn mạnh không ngừng.
Mỹ không phải là quốc gia duy nhất có “đối sách” với mafia Nga như vậy. Tờ Daily News của Anh từng viết rằng, mafia Nga kiểm soát hoạt động buôn lậu ma túy tại Tajikistan và Uzbekistan, rửa tiền tại đảo Cyprus, Israel, Bỉ và ở Anh. Danh sách này còn tiếp tục kéo dài với buôn lậu xe ôtô ăn cắp và nguyên liệu hạt nhân.
Một điểm khác biệt của mafia Nga trên thế giới là các “bố già Nga” không hề giấu mặt mà còn đàng hoàng, công khai xuất hiện trước giới truyền thông. Các ông trùm nổi tiếng sẵn sàng lên báo, truyền hình chia sẻ về kinh nghiệm thành công và khoe khoang chiến tích đời tư. Như trùm mafia khét tiếng Aslan Usoyan từng lên báo bao biện về các hoạt động bất hợp pháp ở thành phố Sochi. Việc các “bố già” cố tình “lộ sáng” cho thấy họ không hề sợ bị các nhà chức trách sờ gáy hay bị kẻ thù ám sát bởi vì sau lưng họ là những thế lực hùng mạnh vô hình.
Tổ chức xã hội đen Solntsevskaya Bratva của Nga được cho là sở hữu khối tài sản bất minh lớn nhất thế giới hiện nay - nắm trong tay hơn 8,5 tỉ USD và hệ thống quyền lực được phân cấp thành 10 nhóm khác nhau. Các nhánh nhỏ này hoạt động độc lập và sẽ họp thường niên để bàn về các địa bàn cai quản. Giáo sư Frederico Varese, chuyên ngành tội phạm học Đại học Oxford nói: “Hội đồng 12 thủ lĩnh mafia sẽ họp mặt mỗi năm và đây chẳng khác gì ngày hội đối với chúng”.
Một băng mafia Nga công khai xuất hiện ở nơi công cộng. |
Tại Australia, khu Bờ biển vàng (Golden Coast) tuyệt đẹp giờ đây do các mafia Nga kiểm soát. Tận dụng những khu bất động sản hoành tráng, những tòa biệt thự sang trọng, mafia Nga biến Bờ biển vàng thành nơi có các hoạt động hái ra tiền: casino, mại dâm, buôn và thủ tiêu người, chạy chức quyền...
Không có việc gì là mafia Nga không nhúng tay. Cách đây hơn 10 năm, khu Bờ biển vàng chỉ là vùng đất nhiều hứa hẹn với những căn nhà ở cấp độ bình thường. Nhưng tiền núi của mafia chảy từ Nga sang đã khiến nơi đây thay đổi tất cả: nhộn nhịp, sầm uất, sang trọng nhưng cũng đầy mờ ám.
Mafia Nga còn ẩn sau những website giả mạo, được tạo ra nhằm moi tiền từ khách hàng của các ngân hàng lớn. Chẳng hạn như trường hợp Tập đoàn ANZ và Tổ hợp Westpac - 2 tập đoàn ngân hàng chính ở Australia - đang kêu cứu với nhà chức trách rằng, khách hàng của họ là nạn nhân của loại tội phạm này.
Cách moi tiền theo kiểu này cũng vô cùng đơn giản, bắt nguồn chỉ là những website giả và những thư rác điện tử gửi tới khách hàng - những người lầm tưởng đó là những website thật nên đã truy cập để cập nhật thông tin.
Những nạn nhân nhẹ dạ đã cung cấp thông tin cá nhân, kể cả số thẻ tín dụng cùng những thông số liên quan và thực hiện giao dịch với mafia mà không hề hay biết rằng họ sẽ bị “cuỗm” tiền chỉ trong chốc lát. Hai tập đoàn ngân hàng này sau đó đã cho ngưng các hoạt động giao dịch với khách hàng qua điện thoại, e-mail, hoặc trên các website để hạn chế việc bọn tội phạm liên tục “bày binh bố trận”, tấn công khách hàng bằng những chiêu mới hơn.