Nàng công chúa đáng thương hay Vương hậu phóng đãng?

Thứ Ba, 13/09/2016, 06:45
Cuộc sống xa hoa trụy lạc của cặp vợ chồng Vua Louis XVI- Hoàng hậu Marie Antoinette đã được mô tả trong nhiều pho sử liệu và văn học. Đoạn kết tất yếu của họ trên đoạn đầu đài vào những năm đầy biến động của cuộc đại cách mạng Pháp đã đưa đất nước này thoát khỏi đêm trường của chế độ phong kiến.

Tuy vậy, bằng quá trình nghiên cứu miệt mài và nghiêm túc, một số nhà sử học vẫn muốn đứng về phía bà hoàng danh tiếng nhất trong lịch sử nước Pháp.

Tuổi trẻ bị đánh cắp

Marie Antoinette tên thật là Maria Antonia Josefa Johanna von Habsburg-Lothringen, sinh ngày 2-11-1755, con gái của Nữ hoàng Vương quốc Áo Marie Theresa. Vương triều Hapsburg được xem là dòng họ hoàng gia lâu đời nhất ở châu Âu thời bấy giờ. Bản thân Nữ hoàng Marie Theresa là người có tài năng lãnh đạo kiệt xuất. Thời của bà, vương quốc Áo hùng mạnh chẳng thua kém gì Pháp. Lớn lên trong cung điện Schonbrünn, Marie Antoinette từ nhỏ đã được nhân gian truyền tụng là một công chúa dịu dàng và xinh đẹp như một thiên thần.

Chân dung Hoàng hậu Marie Antoinette.

Có một giai thoại về cuộc gặp gỡ giữa Công chúa Marie Antoinette và Mozart, nhạc sĩ Áo thiên tài vào năm 1762, khi cả hai còn là những đứa trẻ. Năm đó, lời đồn về tài năng thiên bẩm giúp Mozart mới 6 tuổi đã được mời lên kinh đô Vienne trình diễn trước văn võ bá quan triều đình Áo. Buổi trình diễn của cậu bé đã khiến toàn thể người dự khán kinh ngạc và nhiệt liệt tán thưởng. Khi được Nữ hoàng hỏi muốn nhận được phần thưởng gì sau buổi biểu diễn, cậu bé Mozart đã đề nghị xin được cưới công chúa Marie Antoinette làm vợ!

Quá đỗi bất ngờ và không thể nén cười trước lời thỉnh cầu độc đáo của cậu bé nhạc sĩ thiên tài, Nữ hoàng đành khất: "Ta sẽ xét lại lời thỉnh cầu này khi ngươi đã đủ tuổi trưởng thành" nhưng trong thâm tâm, bà rất tự hào vì dung nhan cô công chúa nhỏ của bà đã trở thành niềm ngưỡng mộ rộng khắp trong nhân gian. Sau này Mozart thường kể lại về hồi ức của mình với trang giai nhân chỉ lớn hơn mình một tuổi và không thể tin được rằng trong tương lai, đó sẽ là một bà hoàng để lại nhiều tai tiếng.

Khi Marie Antoinette lớn lên, quan hệ giữa Pháp và Áo luôn trong tình trạng chực chờ nổ ra chiến tranh bởi hai vương triều luôn muốn giành quyền thống trị châu Âu. Để thần dân hai nước yên hưởng thái bình, Nữ hoàng Theresa nghĩ ra cách cho Marie Antoinette sánh duyên cùng cháu trai của Vua Pháp Loius XV, tương lai sẽ là Louis XVI.

Năm 1770, khi mới 15 tuổi Marie Antoinette đã chính thức trở thành Thái tử phi hoàng gia, nhan sắc lộng lẫy quý phái của nàng được cả triều đình Pháp lúc bấy giờ vô cùng ngưỡng mộ. Không lâu sau khi Loius XV băng hà, chồng nàng trở thành Vua Louis XVI vào năm 1774. Marie Antoinette chính thức lên ngôi Hoàng hậu nước Pháp khi chưa đầy 20 tuổi.

Những năm tháng tràn trề sức thanh xuân lại phải ép mình vào bao nhiêu khuôn phép cung đình nghiêm ngặt cùng các phép tắc xã giao, lễ nghi rườm rà kéo dài suốt từ thời vua Louis XIV khiến Marie Antoinette luôn cảm thấy tuổi trẻ phơi phới của mình bị đánh cắp. Hoàng hậu trẻ tuổi không giấu được vẻ mệt mỏi và chán nản với những luật định khắt khe vây bọc lấy địa vị của chính mình.

Càng mệt mỏi chán nản bao nhiêu, Marie Antoinette càng nhớ tiếc bầu không khí tự do và thoải mái của thành Vienna bấy nhiêu. Hơn nữa, trong khi gần như cả triều thần và các anh em trai của Louis XVI luôn nhìn trộm hoàng hậu bằng những ánh nhìn khao khát thì chồng nàng lại dửng dưng dành niềm đam mê cho những chuyến săn bắn, sưu tầm những trân châu bảo vật và những cuộc mạn đàm đối ẩm tẻ ngắt, kéo dài lê thê hoàn toàn đối lập với niềm say mê của Marie Antoinette dành cho hội họa, thời trang và những buổi dạ tiệc khiêu vũ.

Để thỏa mãn thú săn bắn, Louis  XVI đã nuôi tới 1.600 con ngựa, mấy nghìn con chó và phải tuyển 1.400 người để chuyên chăm sóc đàn ngựa khổng lồ đó. Mỗi lần vua đi săn, không ít người dân vô tội đã mất mạng do không tránh kịp cơn lốc của đàn ngựa chiến và đàn chó săn. Khi dự tiệc hoặc đi săn bắn, Louis XVI luôn tỏ ra hăng say phấn khích, nhưng mỗi khi thiết triều thì ông ta lại ngồi đờ ra như kẻ mất hồn.

Không cam chịu sống trong những bức tường cung điện dát vàng cực kỳ xa hoa mà lạnh lẽo, Marie Antoinette bắt đầu tìm cách giải khuây bằng những chuyến vi hành lén lút. Bị mê hoặc bởi những lời xúi bẩy xuất phát từ hai kẻ cận thần nổi danh chơi bời phóng đãng là Yolande de Polignac và Thérèse de Lamballe, Hoàng hậu trẻ đắm mình trong những cuộc vui trần tục của thành Paris như đánh bạc, nhà hát và những cuộc rong chơi thâu đêm ngoài đường phố.

Cùng nàng tham gia những trò chơi này còn có gã em trai nhẹ dạ của Louis XVI là bá tước Artois, những quý ông "rửng mỡ" vung tiền qua cửa sổ như  công tước de Ligne, bá tước Dillon, Vaudreuil…

Đám bạn bè và những trò giải trí ngông cuồng của hoàng hậu trở thành sự lãng phí khủng khiếp như chuyện Hoàng hậu có sở thích ngâm mình trong bồn tắm đổ đầy rượu champagne thượng hạng hay chuyện cung điện Petit Trianon được xây theo lệnh hoàng hậu bên cạnh cung điện Versailles.

Cung điện Petit Trianon vẫn còn tồn tại đến ngày nay với những trang trí nội thất tinh xảo, một nhà hát được xây ngay trong khuôn viên và trong khu vườn có cả điện thờ Tình yêu. Marie Antoinette còn cho xây dựng một nơi trang viên nông thôn theo kiểu Áo để thỏa thích với trò đóng giả làm cô gái vắt sữa bò vào những chiếc âu bằng sứ được tạo hình theo khuôn ngực của chính mình.

Sắc đẹp lộng lẫy và trang phục xa hoa của hoàng hậu trẻ tuổi đã đi vào giai thoại, lan rộng khắp nước Pháp và toàn châu Âu. Cũng chính đòi hỏi bất tận về phục sức thời trang của hoàng hậu đã trở thành một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thâm hụt ngày càng lớn ngân khố quốc gia.

Cuối những năm 1780, sự bất bình và căm ghét Marie Antoinette bắt đầu lan rộng. Rất nhiều người trong triều không tán thành liên minh với nước Áo và oán giận hoàng hậu vì những hành động ủng hộ nước Áo. Cả hai người anh của vua là bá tước vùng Provence và người anh họ, bá tước vùng Orleans đều ghen tị cho rằng, trong khi mình có nhiều tài năng hơn, xứng đáng thống lĩnh vương quyền trong khi "thằng Loius đần độn lại sở hữu mọi thứ, kể cả nàng Marie Antoinette xinh đẹp".

Những người khác ghen tị với Marie Antoinette và tức giận vì nàng không đếm xỉa gì đến những nghi lễ của triều đình, luôn giữ vẻ bề trên với họ và chỉ quan tâm đến cái nhóm nhỏ bát nháo vây quanh. Chính từ những kẻ bất bình trong hoàng gia này mà những lời đồn đại về Marie Antoinette bắt đầu lan truyền ngày càng rộng.

Họ thêu dệt và rỉ tai cho nhau những câu chuyện về mối quan hệ bất chính của Marie Antoinette với những người trong triều (cả đàn ông lẫn đàn bà), về chuyện hoàng hậu đem của nả gửi về quê nhà, đặt câu hỏi hoài nghi về cha của những đứa trẻ hoàng gia. Và đây cũng chính là cội nguồn cho lời đồn đại về hai trong số bốn người con của Hoàng hậu cuối cùng của nước Pháp không mang dòng máu của Vua Louis XVI.

Mối tình trên những cánh thư hay trong căn phòng bí mật?

Sau quá trình nhiều năm dày công nghiên cứu một loạt bức thư của Hoàng hậu Marie Antoinette trao đổi với Bá tước Axel von Fersen người Thụy Điển, nhà sử học người Anh Evelyn Farr đã đưa ra kết luận: Hai người đã có mối tình bí mật kéo dài trong hai mươi năm mà kết quả là công chúa Sophie và hoàng tử Louis - Charles.

Bìa cuốn sách của nhà sử học Evelyn Farr.

Sophie là con út của Hoàng hậu Marie Antoinette, chết chỉ vài tuần trước khi đến sinh nhật một tuổi. Còn hoàng tử bé Louis - Charles chết năm 10 tuổi khi đang bị những nhà cách mạng Pháp giam giữ. Trong cuốn sách của Evelyn Farr: "I Love You Madly - Marie Antoinette and Count Fersen: The Secret Letters" (Em yêu anh điên cuồng - Marie Antoinette và Bá tước Fersen: Những bức thư bí mật) được xuất bản hồi tháng 3-2016 đưa ra những bằng chứng thuyết phục rằng Sophie và Louis - Charles là con riêng của Hoàng hậu Antoinette.

Các bức thư đã được bà Farr kiểm tra và liên hệ với nhiều tài liệu lịch sử khác, trong số đó nhiều tài liệu chưa được xuất bản. Bà đã bỏ ra 2 năm để giải mã những bức thư trong các kho lưu trữ khắp châu Âu.

Hoàng hậu Marie Antoinette và Bá tước Fersen gặp nhau lúc còn nhỏ, sau khi Hoàng hậu đã kết hôn với nhà vua tương lai của nước Pháp lúc mới 15 tuổi. Từ đó, họ đã duy trì một mối tình nồng nàn và đầy nguy hiểm kéo dài suốt hai thập kỷ.

Trong quá trình đi khắp châu Âu sưu tập các bức thư, sử gia Farr tỏ ra thông cảm với Hoàng hậu: "Bà là một phụ nữ gặp phải tình huống bất khả thi, bị gả cưới khi mới 14 tuổi và sau đó đem lòng yêu người khác. Giữa những cận thần và bạn bè là những kẻ giá áo túi cơm, bà chỉ yêu một người trong suốt cuộc hôn nhân mà đó lại không phải là chồng".

Tháng 1-1792, chưa đầy hai năm trước khi bị giải ra quảng trường Cách mạng và bị xử chém, lúc đang bị quản thúc trong cung điện Tuileries, Hoàng hậu Marie Antoinette viết một lá thư thổ lộ: "Em yêu anh điên cuồng. Không có giây phút nào mà em không yêu anh". Những lời lẽ mùi mẫn này sau đó đã bị xóa đi. Đơn giản bởi lẽ người nhận không phải là Vua Louis XVI, mà là ông Axel von Fersen. Theo sử gia Farr, bằng chứng rõ ràng nhất về quan hệ ngoài luồng của Hoàng hậu Antoinette là một bức thư viết cho Thủ tướng Anh William Pitt và Ngoại trưởng Lord Grenville. Bức thư này do Quintin Craufurd, một người bạn của ông Axel von Fersen, viết khi họ tìm cách thoát khỏi các nhà cách mạng Pháp.

Ông Quintin Craufurd đã tham gia vào vụ chạy trốn của gia đình Vua Louis XVI và cầu xin Anh giúp đỡ, hay ít nhất là tỏ thái độ trung lập đối với các thành viên hoàng gia bỏ trốn. Trong thư đề ngày 3-8-1791, ông viết: "Tôi biết ông Fersen rất rõ và không thể nghi ngờ rằng, ông ấy là người hoàn toàn trung thực điềm tĩnh, thận trọng và quyết đoán. Quý ông này là đại tá thuộc Trung đoàn bộ binh Royal Suédois, là người được Hoàng hậu sủng ái nhất và thường được cho là cha của hoàng tử hiện tại".

Nhờ quá trình tìm kiếm các bức thư trong kho lưu trữ, bà Farr đã tái hiện được một cuộc tình rắc rối. Thông qua các bức thư giữa Hoàng hậu, ông Fersen và bạn bè họ, sử gia Farr đã tái hiện lại bối cảnh, khung cảnh mối tình bí mật của hai người. Bà nói với tờ Dailymail: "Tôi có phần nghi ngờ về những đứa con, nhưng thông qua các thư từ trao đổi, tôi đã tìm cách tìm ra nơi ông ấy từng ở và vào được căn phòng riêng bí mật phía trên phòng ở của Hoàng hậu trong lâu đài".

Một thông tin quan trọng nữa mà sử gia Farr bắt gặp khi đọc một bức thư từ Bá tước Fersen gửi Hoàng hậu, trong đó ông bày tỏ rõ ràng cảm xúc của mình. Ông viết cho Hoàng hậu Antoinette lúc bà bị giam cầm: "Anh yêu em và sẽ luôn luôn yêu em đến suốt cuộc đời... không có em tức là không có niềm hạnh phúc nào dành cho anh".

Mặc dù tin đồn về mối tình này không có gì mới mẻ nhưng không phải người Pháp nào cũng hồ hởi đón nhận thông tin về các bức thư đề cập tới những đứa con ngoài giá thú. Có một thực tế là nhiều người Pháp từ lâu luôn tìm cách khôi phục lại danh tiếng đã bị ô danh của Hoàng hậu Marie Antoinette và tìm cách biện hộ vì sao một nàng công chúa thiên thần của nước Áo biến thành một hoàng hậu phóng đãng.

Mối quan hệ của Hoàng hậu Antoinette đã được đề cập trong nhiều tác phẩm, trong đó có bộ phim "Marie Antoinette" năm 2006 của đạo diễn Sophia Coppola hay như cuốn tiểu sử "Marie Antoinette: The Journey" của Antonia Fraser xuất bản năm 2001.

Tuy nhiên, tác giả Fraser nói trong cuốn sách rằng không có bằng chứng xác thực về mối tình này, do vậy quan hệ giữa Hoàng hậu Marie Antoinette và Bá tước Fersen phần lớn vẫn chỉ là phỏng đoán trong giới sử gia, đặc biệt là giới sử gia Pháp. Trong bối cảnh đó, những phát hiện của sử gia Evelyn Farr có thể được coi là một bước tiến lớn rất gần với sự thực.

Tuy vậy, theo sử gia Pháp Fanny Cosandey, Hoàng hậu Marie Antoinette và ông Fersen có thể có một mối tình nhưng chỉ diễn ra trên những trang thư, chứ không thể trong… phòng ngủ.

Lập luận của ông là Hoàng hậu không thể duy trì mối quan hệ bí mật này tới mức có cả hai con với ông Fersen mà cả triều đình vốn nhiều tai mắt lại không ai hay biết điều gì. Ông Fanny cho rằng, Hoàng hậu không thể mạo hiểm như vậy vì sẽ đe dọa cả hoàng gia Pháp. Do đó, ông cho rằng cần xem lại tuyên bố về việc ông Fersen là cha của Sophie và Louis - Charles.

Quang Hiếu (tổng hợp)
.
.