Mối lo ngại về mạng lưới tình báo tín hiệu lan rộng trên toàn cầu

Thứ Ba, 27/03/2018, 16:15
Khoảng gần chục quốc gia trên thế giới hiện nay đang duy trì các cơ quan tình báo nghe lén - tương tự như Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) - hoạt động trên phạm vi toàn cầu.

Ngoài Mỹ, số các nước này - bao gồm Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và (với quy mô nhỏ hơn) Israel và Đức – đều coi Internet là trung tâm của các chiến dịch gián điệp. Hiện nay, các nhóm chuyên gia phân tích của Trung tâm Kiểm soát Viễn thông Anh (GCHQ) có quyền hạn và khả năng kỹ thuật để trực tiếp giám sát “hệ thần kinh” của thế kỷ 21 và xâm nhập sâu vào cuộc sống của mọi người.

Các chuyên gia công nghệ và các cựu sĩ quan tình báo Mỹ cho biết sự hội tụ giữa Thung lũng Silicon và NSA và sự tăng cường khai thác dữ liệu đang tạo nên một thực tế vô cùng phức tạp.

 Năm 2012, lãnh đạo tình báo Đức BND Gerhard Schindler báo cáo trước Ủy ban Mật của Bundestag (Nghị viện Đức) về một chương trình bí mật mà theo ông có thể giúp BND trở thành một tổ chức tình báo tín hiệu hàng đầu thế giới. Kế hoạch của Schindler – gọi là “Technikaufwuchsprogramm”, hay “Chương trình chuẩn bị phát triển công nghệ vượt trội” - được coi là một trong những dự án hiện đại hóa tham vọng nhất trong lịch sử BND.

Tai mắt GCHQ ở khắp thế giới

Hiện nay, người dùng Internet rất lo sợ hành vi vi phạm sự riêng tư khi các công ty viễn thông lớn cho phép GCHQ quyền sử dụng không giới hạn các đường truyền cable ngầm dưới biển của họ. Theo các tài liệu được Edward Snowden tiết lộ với tờ The Guardian, một số công ty viễn thông hàng đầu thế giới  - bao gồm BT, Vodafone của Anh và Verizon Business của Mỹ - cùng với 4 nhà cung cấp cỡ nhỏ khác bí mật hợp tác với GCHQ để cung cấp chi tiết về các cuộc gọi điện thoại, email và dữ liệu Facebook của khách hàng!

Tổng hành dinh GCHQ ở thành phố Cheltenham.

Các công ty viễn thông bắt tay với GCHQ được gọi là “đội nguồn đặc biệt” và được cơ quan tình báo đặt cho những tên mã – BT tên mã là “Remedy”, Verizon Business - “Dacron” và Vodafone Cable - “Gerontic”.

Còn những công ty nhỏ khác bao gồm Global Crossing với tên mã “Pinnage”, Level 3 – “Little”, Viatel – “Vitreous” và Interoute – “Streetcar”. Các công ty từ chối bình luận về bất cứ vấn đề nào liên quan đến chương trình Tempora của GCHQ, tuy nhiên cũng có vài công ty cho biết họ luôn tuân thủ luật pháp của Anh và Liên minh châu Âu (EU).

Những tiết lộ này gây thất vọng cho GCHQ cũng như Chính phủ Anh và họ cũng lo ngại BT và các công ty viễn thông khác sẽ hứng chịu phản ứng mạnh từ những khách hàng giận dữ trước sự việc dữ liệu riêng tư và email của họ bị bí mật chuyển giao đến cho cơ quan tình báo. Theo một nguồn tình báo tiết lộ trong tháng 6-2013, các công ty viễn thông không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc hợp tác với chương trình thu thập dữ liệu mật của tình báo Anh và họ bị cấm tiết lộ về mối quan hệ nhạy cảm này.

Trạm GCHQ ở Bude.

Năm 2012, các công ty viễn thông đã giúp GCHQ giám sát khoảng 600 triệu cuộc gọi điện thoại mỗi ngày, mắc nối với hơn 200 đường cable và có thể xử lý dữ liệu trong một lần từ ít nhất 46 đường cable trong số đó. Một tài liệu của GCHQ cảnh báo nếu tên của các công ty viễn thông bị tiết lộ sẽ gây “hậu quả chính trị nghiêm trọng”.

Thông tin sau khi được thu thập sẽ được các chuyên gia phân tích sử dụng phần mềm XKeyscore của NSA để tìm kiếm nội dung của các email, chatroom và lịch sử duyệt web của người dùng Internet. Theo tiết lộ của tờ The Guardian, trong tháng 5-2012, 300 chuyên gia phân tích của GCHQ và 250 chuyên gia của NSA tìm kiếm và xử lý dữ liệu thu thập được từ chương trình Tempora. Eric King, lãnh đạo bộ phận nghiên cứu cho tổ chức Privacy International, lên tiếng: “Chúng ta cần nhanh chóng làm rõ về mối quan hệ giữa các công ty viễn thông với chính quyền sâu xa đến mức nào”.

Thế giới ngầm của NSA và Thung lũng Silicon

Cách đây 2 thập niên, cảnh sát liên bang và các cơ quan tình báo Mỹ yêu cầu Thung lũng Silicon xây dựng “cửa sau” để họ có thể dễ dàng sử dụng bất cứ thiết bị điện tử mới nào và khu vực zero này đã răm rắp tuân theo các ông chủ quyền lực! Sau cuộc tấn công khủng bố của Al Qaeda năm 2001 tại nước Mỹ gây chấn động cả thế giới, các công ty viễn thông nước này sốt sắng cung cấp cho NSA mọi phương tiện công nghệ cao cần thiết để giám sát mọi luồng dữ liệu lưu thông trên Internet.

Thung lũng Silicon, nơi tập trung những công ty công nghệ cao hàng đầu thế giới của Mỹ.

Và, hoạt động nghe lén của tình báo Mỹ dưới thời chính quyền George W. Bush với sự giúp sức đáng kể của nhà mạng AT&T nổi cộm lên thành vụ bê bối nghe lén bất hợp pháp. Về sau, cỗ máy tìm kiếm khổng lồ Google cho phép NSA truy cập tài sản dữ liệu cá nhân của công ty chiếu theo những thỏa thuận bí mật ký kết giữa hai bên.

Michael McConnell, giám đốc thứ 13 của NSA (1992 – 1996), thậm chí tuyên bố thẳng trên tờ Washington Post vào tháng 2-2010 rằng sự hợp tác giữa NSA và Google là “điều không thể tránh khỏi”. Người ta cho rằng có một “vùng xám” trong Thung lũng Silicon, nơi đó các công ty công nghệ và các bộ phận bí mật của chính quyền Mỹ lờ mờ xuất hiện.

Ngày nay, các công ty công nghệ phát triển những sản phẩm phục vụ mục đích thương mại song chúng cũng được chính quyền Mỹ đánh giá cao. Ví dụ, công ty phân tích Dữ liệu Lớn (Big Data) Palantir hiện “thuộc quyền sử dụng” của Lầu Năm Góc và các cơ quan tình báo Mỹ. Thậm chí, có những công ty ở Thung lũng Silicon được tình báo Mỹ thuê làm công việc phân tích hay gián điệp người dân Mỹ. Google làm việc cho NSA sâu đến mức nào thì chưa rõ song người ta vẫn biết được nhiều điều về mối quan hệ này.

Theo công bố của tờ Washington Post, NSA xây dựng hệ thống thu thập dữ liệu bí mật ở dịch vụ tầng sau của Google. Thật ra, ngay từ năm 2006 NSA đã tìm đến Thung lũng Silicon để tìm kiếm sự cố vấn về cách xây dựng trung tâm dữ liệu cho cơ quan.

Thung lũng Silicon hiện nay là “vùng zero” của những nỗ lực gián điệp lớn nhất mà nước Mỹ đang đối mặt từ sau Chiến tranh Lạnh. Những vùng ngoại ô phù phiếm ở San Francisco là San Jose là vùng đất của Thung lũng Silicon và cũng là khu vực tràn ngập những gián điệp ganh đua nhau đánh cắp những bí mật công nghệ cao sau khi Trung Quốc làm được những gì mà Liên Xô ngày xưa thèm muốn.

Năm 2009, Trung Quốc xâm nhập hệ thống mạng Google và hai năm sau tiếp tục tấn công RSA – công ty được các nhà thầu quốc phòng Mỹ thuê để mã hóa các hệ thống máy tính – và đánh cắp những thiết kế chi tiết về các hệ thống vũ khí quan trọng của Lầu Năm Góc trị giá cả nghìn tỷ USD và cơ sở hạ tầng bao gồm những đường ống dẫn khí đốt.

Và, bây giờ thế giới tình báo bắt đầu lo ngại sản phẩm mới nhất của Google gọi là Dự án Google Glass – kính đeo mắt đặc biệt chứa các bộ vi xử lý thế hệ mới nhất cũng như camera và microphone. Màn hình nằm trong góc một mắt còn những rung động âm thanh truyền qua khung kính.

Google Glass gây lo ngại bởi vì bất cứ thứ gì nằm trong tầm mắt hay tầm nghe đều có thể được nhìn thấy, lắng nghe, ghi chép và thu thập dữ liệu. Một cuộc thử nghiệm tiết lộ Google Glass cho phép các cơ quan tình báo Mỹ tìm kiếm phát hiện và theo dõi các điệp viên Trung Quốc trong thời gian thực! Người ta bắt đầu đặt câu hỏi: liệu Google Glass có phải thực sự là phần mềm gián điệp? Thậm chí, sau khi Google Glass được trang bị khả năng nhận diện gương mặt người thì đây đúng là công cụ mà tình báo Mỹ vô cùng thèm muốn.

Một NSA của tình báo Đức

Cựu giám đốc tình báo Đức BND Gerhard Schindler (giữ chức từ năm 2012 đến 2016) từng cho biết cơ quan cần được đầu tư 100 triệu euro (133 triệu USD) trong vòng 5 năm tới để tạo ra 100 việc làm việc mới trong lĩnh vực do thám kỹ thuật cùng với việc tăng cường các khả năng công nghệ gián điệp.

Trung tâm nghe lén của NSA đặt tại Bad Aibling, Đức.

Chính quyền Đức kỳ vọng vào năm 2018 BND sẽ trở thành một “NSA thu nhỏ” để cuối cùng có thể cạnh tranh với mạng lưới gián điệp toàn cầu. Các nhà lập pháp Đức đã phê chuẩn 5 triệu euro cho năm 2014 song vẫn còn đang tranh cãi về số tiền còn lại đầu tư cho BND.

Bộ trưởng Nội vụ Đức Hans-Peter Friedrich thuộc đảng bảo thủ Liên minh Xã hội Thiên Chúa giáo (CSU) phát biểu: “Dĩ nhiên, các cơ quan tình báo của chúng ta cũng phải hiện diện trên Internet. Không thể chấp nhận sự việc bọn tội phạm sử dụng Internet ngày càng hiệu quả hơn trong khi nhà nước chúng ta không thể làm gì để ngăn chặn chúng”.

Sự kiểm soát luồng thông tin kỹ thuật số chủ yếu diễn ra tại một trung tâm xử lý dữ liệu ở thành phố Frankfurt thuộc sở hữu của Hội Kinh doanh Internet Đức. 

Trung tâm (lớn nhất châu Âu) này chịu trách nhiệm kiểm soát toàn bộ các email, giao tiếp Skype và tin nhắn văn bản tràn về Đức từ những khu vực mà BND đặc biệt quan tâm như Nga, và Đông Âu, cùng với những vùng khủng hoảng như Somalia, Pakistan, Afghanistan và các quốc gia Trung Đông. Luật pháp Đức cho phép BND giám sát bất cứ dạng thông tin nào có yếu tố nước  ngoài – bao gồm nói chuyện qua điện thoại di động, chat trên Facebook hay trao đổi qua AOL Messenger.

Để phục vụ mục đích “gián điệp thông tin chiến lược”, BND được phép sao chép và theo dõi 20% luồng dữ liệu lưu thông. Thậm chí, có quy định yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông Đức hợp tác với BND. Mối quan hệ “đặc biệt” giữa Mỹ và Đức bắt đầu hình thành từ thời Chiến tranh Lạnh.

Lúc đó, Đức nhờ người Mỹ giúp giữ gìn an ninh trong nước và thậm chí nhắm mắt làm ngơ mặc cho cộng đồng tình báo Mỹ hoạt động do thám công dân ngay trên đất Đức! Ngoài Mỹ, các quốc gia đồng minh cũng có quyền do thám trên diện rộng ở Đức và nhiều nước trong số đó vẫn còn hoạt động tương tự đến ngày nay.

Duy Minh (tổng hợp)
.
.