Mối lương duyên giữa nhà báo và tình báo

Thứ Sáu, 23/06/2017, 20:46
Từ thời Chiến tranh lạnh cho đến tận bây giờ, giữa nhà báo và tình báo có mối lương duyên ràng buộc khó dứt khỏi. Có khi nhà báo đóng vai điệp viên hoặc điệp viên đóng vai nhà báo. Có khi nhà báo nước ngoài tác nghiệp tại các quốc gia vì không tuân thủ quy định của nước chủ nhà nên bị xem là gián điệp. Ở Anh, nhà báo có thể bị xem là gián điệp nếu vi phạm các quy định của Luật Gián điệp mới vừa được ban hành.


Khi nhà báo là điệp viên

Câu chuyện "nhà báo là điệp viên" có lẽ bắt đầu với những nhà báo của Liên Xô trước đây và Nga hiện nay. Trong cuộc hội đàm kín của Tổng thống Mỹ Trump với Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov vào tháng 5 vừa qua, dư luận báo chí Mỹ làm rùm beng câu chuyện Tổng thống Trump đã "tiết lộ thông tin tình báo mật cho Ngoại trưởng Lavrov và Đại sứ Sergey Kislyak".

Mặc dù sau đó Tổng thống Nga Vladimir Putin rồi chính Ngoại trưởng Lavrov đều phủ nhận việc Tổng thống Trump tiết lộ thông tin tình báo trong cuộc gặp, nhưng dư luận Mỹ vẫn không ngớt ầm ĩ vì lý do các phóng viên báo chí và ghi hình của Mỹ không được dự nhưng một phóng viên ảnh của thông tấn xã TASS lại được cho vào để ghi hình.

Một số người Mỹ nghi ngờ rằng, phóng viên TASS có thể cài một thiết bị do thám điện tử bí mật trong khu vực Phòng Bầu dục. Lý do của sự nghi ngờ này xuất phát từ những câu chuyện từng xảy ra trong quá khứ, thời Chiến tranh Lạnh.

Trong một quyển sách kể lại cuộc đời tình báo của mình, điệp viên KGB kỳ cựu, tướng tình báo Oleg Kalugin kể rằng trong thập niên 70 thế kỷ XX, cụ thể là vào năm 1967, KGB từng sử dụng một phóng viên ảnh của thông tấn xã TASS để chuyển một thiết bị nghe lén vào cài đặt trong phòng điều trần của Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ. Mặc dù thiết bị nghe lén bị phát hiện và vô hiệu hóa ngay sau đó, nhưng vụ việc đã đánh dấu sự tham gia của nhà báo trong hoạt động gián điệp thời Chiến tranh Lạnh.

Từ sau vụ việc đó, người Mỹ và đồng minh Anh đã chú ý và nghi ngờ các phóng viên TASS được sử dụng làm điệp viên ngầm cho KGB. Sự nghi ngờ đó được làm sáng tỏ trong quyển sách của tướng Kalugin và các tài liệu mật của KGB được tiết lộ. Theo đó, thời Chiến tranh Lạnh, các phóng viên TASS quả thực đã được tuyển dụng làm điệp viên cho KGB dưới vỏ bọc nhà báo. Các tài liệu mật cho biết ít nhất một trưởng trạm của KGB làm việc với vỏ bọc là Trưởng phân xã TASS tại New York, và một đại tá của Cơ quan Tình báo quân đội Nga (GRU) làm Trưởng phân xã TASS ở Washington DC.

Cựu Tổng thống Bill Clinton và hai nhà báo nữ Euna Lee và Laura Ling.

Tướng Kalugin phân tích, việc tình báo Liên Xô sử dụng các nhà báo TASS làm điệp viên có cái lợi là TASS với tư cách là cơ quan chính thức của nhà nước Xôviết, phóng viên TASS sẽ được hưởng các quyền miễn trừ ngoại giao và lãnh sự. TASS được yêu cầu hỗ trợ hoạt động các cơ quan tình báo, và đa số nhân viên, phóng viên của cơ quan này là điệp viên của cơ quan tình báo KGB.

Ngày nay, KGB được kế thừa bởi hai cơ quan tình báo FSB (đối nội) và SVR (đối ngoại). Với quan hệ giữa nước Nga với phương Tây xấu đi gần như thời Chiến tranh Lạnh, hai cơ quan tình báo này tiếp tục hoạt động “hết công suất”. Từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, SVR được cho là đã tiếp nối truyền thống của KGB, tiếp tục sử dụng các phóng viên TASS làm điệp viên ngầm ở phương Tây.

Năm 1998, một thiết bị điện tử nghe lén phức tạp của Nga đã được phát hiện trong một phòng họp quan trọng của Bộ Ngoại giao Mỹ. Đó là lý do khiến các cơ quan an ninh cũng như dư luận báo chí Mỹ lo ngại, đặt vấn đề nghi vấn khi một phóng viên TASS được phép vào Phòng Bầu dục dự cuộc tiếp xúc giữa Tổng thống Trump với Bộ trưởng Ngoại giao Nga Lavrov.

Những nhà báo bị xem là điệp viên

Nhà báo Đức Deniz Yucel (gốc Thổ Nhĩ Kỳ), phóng viên tờ Die Welt, bị bắt vào tháng 2-2017 với cáo buộc xuất bản thông tin tuyên truyền khủng bố và kích động bạo lực công cộng. Còn nhà báo Pháp Mathias Depardon, phóng viên ảnh của tờ National Geographic bị bắt vào tháng 5-2017 với cáo buộc "làm việc như một điệp viên". Sau cuộc nói chuyện giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron với Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tại Hội nghị thượng đỉnh khối NATO hồi cuối tháng 5-2017, ngày 9-6, Depardon đã được trả tự do và trục xuất về nước. Riêng phóng viên Yucel vẫn tiếp tục bị tạm giam.

Nhà báo Đức Deniz Yücel.

Trong một cuộc trao đổi với báo chí cuối tháng 5-2017, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã gay gắt bác bỏ những lời phê phán của Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Macron xung quanh việc Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ và hiện đang tạm giam hai nhà báo với cáo buộc làm gián điệp. Ông Cavusoglu cho rằng các phóng viên bị bắt đã làm việc cho các cơ quan tình báo phương Tây.

Đặc biệt, ông Cavusoglu nhấn mạnh phóng viên Yucel là người của cơ quan mật vụ của Đức. Cavusoglu chỉ trích các cơ quan tình báo, mật vụ của châu Âu đã mua chuộc và sử dụng các nhà báo nhằm mục tiêu chọc phá nội bộ Thổ Nhĩ Kỳ, gây bất ổn xã hội nhằm làm suy yếu sự lãnh đạo của Tổng thống Erdogan. Vì thế, ông Cavusoglu cho rằng họ đáng bị bắt giam, vì đã có những hoạt động mang tính chất gián điệp bên trong lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ.

Lời cáo buộc của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ không phải là vô cớ, và đó được xem là một trong những tiếng nói được cất lên từ những quốc gia vốn bị phương Tây xem là "chướng tai gai mắt" nên thường có những hoạt động do thám và phá hoại bằng nhiều hình thức, kể cả việc tuyển mộ điệp viên nội gián, nhất là các nhà báo.

Cùng với Thổ Nhĩ Kỳ, CHDCND Triều Tiên cũng đặc biệt dị ứng với các hoạt động "tò mò" quá mức của các nhà báo nước ngoài. Câu chuyện về hai nữ nhà báo Mỹ tên Euna Lee và Laura Ling bị Bình Nhưỡng bắt giam vào năm 2009 cho thấy rõ ràng nhà báo nước ngoài đôi khi vi phạm các quy định về gián điệp của nước sở tại. Euna Lee và Laura Ling là hai phóng viên làm việc cho kênh truyền hình Current TV. Ngày 17-3-2009, hai phóng viên này đã "đi lạc" qua biên giới giữa Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên mà không mang thị thực nhập cảnh, và bị lính biên phòng Triều Tiên bắt giữ.

Hai nữ nhà báo Euna Lee và Laura Ling.

Khi bị bắt, hai nữ phóng viên được cho là đang đi tác nghiệp để viết bài về nạn mua bán phụ nữ qua biên giới và đang mải mê quay phim khu vực biên giới Trung - Triều tại sông Tumen. Đi cùng với họ còn có hướng dẫn viên người Triều Tiên Kim Seong-cheol và phóng viên quay phim Mitch Koss. Koss đã kịp chạy thoát, nhưng sau đó đã bị công an Trung Quốc bắt giữ và trục xuất về nước.

Ngày 5-8-2009, hai phóng viên Mỹ được phóng thích sau chuyến thăm CHDCND Triều Tiên đột xuất không báo trước của cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton. Ngày 23-4-2015, Laura Ling tung ra một câu chuyện trên trang YouTube nhan đề Seeker Stories về chuyến tác nghiệp 6 năm trước, trong đó kể rằng cô và Euna Lee lúc đó đang quay phim phục vụ cho thiên phóng sự về người Triều Tiên đào tẩu.

Những câu chuyện về phóng viên nước ngoài bị bắt tại các quốc gia "thù địch" với nước Mỹ và đồng minh xảy ra rất nhiều, từ Á sang Âu, và châu Mỹ Latinh. Phóng viên của tờ báo Washington Post (Mỹ) bị bắt vào tháng 7-2014 cùng với vợ, Yeganeh Salehi, và hai người bạn, tất cả đều mang hai quốc tịch Mỹ và Iran và đều là phóng viên báo chí.

Phóng viên Jason Rezaian của tờ Washington Post.

Salehi và hai người bạn đã được thả ra sau đó, nhưng Rezaian thì bị giam 7 tháng trước khi đưa ra xét xử vào tháng 5-2015, với tội danh nặng nhất là tội gián điệp, thu thập thông tin và tuyên truyền chống phá nhà nước Hồi giáo Iran. Tháng 1-2016, Rezaian được trao trả cho phía Mỹ trong một cuộc trao đổi tù nhân "1 đổi 7". Venezuela có lẽ là quốc gia bắt giữ nhiều nhà báo nước ngoài nhất vì cáo buộc "gián điệp".

Tờ báo Caracas News và BBC News đã thống kê trong khoảng thời gian một năm qua, đã có ít nhất 4 phóng viên của các tờ báo, kênh truyền hình châu Âu và trong khu vực Mỹ Latinh bị bắt giam và bị trục xuất. Tất cả đều bị Chính quyền của Tổng thống Nicolas Maduro cáo buộc tội "gián điệp", hoặc "thu thập thông tin tình báo".

Cụ thể, phóng viên Ian O'Reilly của chương trình HARDtalk của BBC News bị bắt vào ngày 20-3-2017 bên ngoài nhà tù quân sự Ramo Verde, nơi đang giam giữ một phóng viên khác của BBC News là Leopoldo Lopez. Ian O'Reilly được gia đình của phóng viên Lopez thuê thực hiện việc quay phim khu vực quanh nhà tù Ramo Verde không rõ mục đích. Ian O'Reilly sau đó bị trục xuất khỏi Venezuela cùng với Stephen Sackur, người dẫn chương trình HARDtalk.

BBC khẳng định mình làm những chương trình truyền hình mang tính khách quan cao, nhưng việc chọn lựa đối tượng phỏng vấn và cách đặt câu hỏi để hướng người được hỏi trả lời theo ý mình là một trong những "chiêu" mà báo chí nước ngoài hay sử dụng để gài thông tin và bị chính quyền nhiều nước, đặc biệt là các quốc gia "có vấn đề" với Mỹ, phản đối và có biện pháp mạnh tay để ngăn chặn.

Như Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Cavusoglu nói trên tờ BuzzFeed, khi một nhà báo phương Tây bị các quốc gia "không có thiện cảm" bắt vì tội gián điệp, chính quyền các nước phương Tây thường la ầm lên rằng "tự do báo chí đang bị đe dọa" ở quốc gia đó. Nhưng với những cáo buộc có chứng cứ rõ ràng, thường thì các nước phương Tây "không bình luận gì thêm" để né tránh trách nhiệm hoặc để "cho qua chuyện".

Vậy những nhà báo bị bắt ở Venezuela, Iran, CHDCND Triều Tiên, Thổ Nhĩ Kỳ có phải là điệp viên thứ thiệt không? Điều này có thể có, có thể không. Và nhà báo có thể được xem là gián điệp không nếu họ chỉ hoạt động mang tính chất giống như gián điệp? Câu trả lời là có, dựa trên cơ sở pháp luật của nước Anh.

Nếu được Quốc hội Anh thông qua, dự luật Luật Gián điệp (Espionage Act) của Anh sẽ chính thức xem nhà báo như những điệp viên nếu họ có những hành động tương tự như điệp viên. Chẳng hạn, những nhà báo thu thập thông tin từ nguồn thông tin rò rỉ thì họ cũng sẽ bị bỏ tù dài hạn tương tự như kẻ đã rò rỉ thông tin cho họ.

Trước dự luật gián điệp này, năm 2016, Quốc hội Anh cũng đã thông qua Luật Quyền lực điều tra (IPA) nhằm tăng thêm quyền hạn cho các cơ quan tình báo. Tuy nhiên, giới báo chí đã phản đối đạo luật này vì nó cho phép các cơ quan an ninh và cảnh sát truy ra các nguồn tin bí mật của báo chí.

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.