Mối quan hệ tình báo đặc biệt giữa Anh và Mỹ

Thứ Tư, 30/09/2020, 09:29
Vương quốc Anh và Hoa Kỳ được cho là có mối quan hệ song phương vô cùng thân tình, đến mức được gọi là “mối giao hảo đặc biệt”.

Nhân chuyến công du cấp nhà nước tới Anh vào năm 2011, nguyên Tổng thống Barack Obama đã lưu ý rằng, “hai đất nước được hưởng lợi từ một trong những liên minh lâu nhất và mạnh nhất thế giới từ trước tới nay”. Khi nhậm chức vào năm 2010, ông William Hague, Bộ trưởng Ngoại giao và Khối thịnh vượng chung Anh, nhận định: “Mỹ chắc chắn là một đồng minh quan trọng nhất của Vương quốc Anh”.

Cả Anh và Mỹ đã cùng hợp tác trong quá khứ lẫn hiện tại về các vấn đề quân sự. Cả 2 nước đều là thành viên của “Bộ Tam” trong suốt thời kỳ Đại chiến tranh thế giới lần thứ II (ĐCTGII), cùng sáng lập NATO, và thành lập các lực lượng dự phòng trong 2 cuộc xâm lược Afghanistan và Iraq. Và lẽ dĩ nhiên, hai nước cũng hợp tác chặt chẽ về lĩnh vực tình báo.

Những nhà quan sát khẳng định rằng Mỹ và Anh đã phát triển ra một mạng lưới phức tạp các liên kết chặt chẽ trong các cộng đồng tình báo và quốc phòng của họ; cũng như các cộng đồng tình báo Anh và Mỹ thường xuyên cấp quyền truy cập vào những nguồn tài liệu tình báo đặc quyền mà các quốc gia khác khó mà tưởng tượng nổi. Hai nước này cũng là các đồng sáng lập ra “Ngũ nhãn”: một cộng đồng tình báo toàn cầu được mô tả là “câu lạc bộ chia sẻ tin tức tình báo độc quyền nhất thế giới”. 

Gần đây với việc tiết lộ công khai các chương trình giám sát toàn cầu bởi Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) và Trụ sở truyền thông chính phủ Anh (GCHQ) càng chứng minh cho mối liên kết chặt chẽ toàn diện của hai nước này.

Liên minh tình báo có bề dày lịch sử

Anh và Mỹ đã bắt đầu hợp tác sâu rộng về tình báo trong suốt ĐCTGII. Ngày 17 tháng 5 năm 1943, Trường cơ yếu và mật mã của chính phủ Anh (BGCCS, tiền thân của GCHQ) đã ký một thỏa thuận với Bộ Chiến tranh Mỹ liên quan đến hợp tác các vấn đề “tình báo đặc biệt”. Sự kiện trọng đại này còn được biết đến dưới cái tên Thỏa thuận Brusa. Sử gia nổi tiếng Bradley F. Smith đã mô tả thỏa thuận Brusa là “Hiến pháp thành văn đã nổi lên trong mối quan hệ đối tác giải mật mã Anh-Mỹ được phát triển trong 2 năm rưỡi cuối cùng của ĐCTGII, và tiếp diễn cho đến hiện tại”.

Các thành viên cốt cán của Anh và Mỹ trong lễ ký kết Thỏa thuận Brusa Ảnh nguồn: Commons Wikimedia.

Nhiệm vụ của Brusa khi đó là tập trung chủ yếu vào Tình báo thông tin liên lạc (COMINT) và giải các mật mã kẻ thù trong suốt thời chiến. Lần đầu tiên liên tình báo Anh-Mỹ đã hợp tác COMINT ở cấp độ cao nhất. Ngoài COMINT, Cơ quan điều phối an ninh Anh (BSC, một bộ phận của Cục Tình báo mật (SIS)), đã đóng vai trò trung tâm trong việc thành lập Cục điều phối thông tin (COI, tiền thân của Cục tình báo chiến lược, OSS) và cả Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA).

Ngay từ đầu thập niên 1940, hai cộng đồng tình báo Anh, Mỹ đã gắn bó chặt chẽ như thế đó. Hợp tác Anh-Mỹ với COMINT đã được củng cố ngay sau khi ĐCTGII kết thúc. Thỏa thuận tình báo liên lạc Anh-Mỹ đã ra đời vào ngày 5 tháng 3 năm 1946, và được phát triển thành Thỏa thuận Ukusa vào ngày 10 tháng 5 năm 1955. 

Canada, Australia và New Zealand trở thành các đối tác liên minh với Ukusa. Sự ra đời Ukusa đã thể hiện sự hợp tác sâu hơn và cho phép khối Ngũ nhãn cùng “chịu trách nhiệm thu thập tình báo tín hiệu, SIGINT”. 

Có tài liệu nội bộ của Ngũ nhãn cho thấy Mỹ đã phụ thuộc nhiều vào các khả năng thu thập tình báo của GCHQ trong các tiền đồn của đế quốc Anh trong suốt thập niên 1950, khi mà “các căn cứ của đế quốc Anh trải dài khắp toàn cầu từ Síp sang Singapore, trở thành những trung tâm thu thập SIGINT quan trọng”. Các thỏa thuận trong 2 thập niên 1940 và 1950 đã đặt nền móng cho giao hảo tình báo chặt chẽ giữa 2 nước cho đến tận ngày hôm nay.

Đồng hành trong Chiến tranh lạnh

Sự thay đổi chế độ ở Iran diễn ra vào năm 1953 đã làm hé lộ sự hợp tác giữa các cơ quan tình báo Anh, Mỹ trong khuôn khổ bí mật thay vì chỉ đơn giản là thu thập và phân tích tín hiệu và dữ liệu. Khi Thủ tướng Iran, Mohammed Mossadeq, tiến hành quốc hữu hóa Công ty dầu hỏa Anh-Iran (AIOC) vào năm 1951, Anh và các đồng minh bên kia bờ Đại Tây Dương đã tìm cách hất cẳng ông Mossadeq. 

Các chuyên gia dùng dụng cụ giải mã Morse tại Trạm trao đổi tín hiệu thuộc Trường cơ yếu và mật mã của chính phủ Anh (BGCCS, tiền thân của GCHQ) Ảnh nguồn: Bảo tàng chiến tranh hoàng gia Anh.

Sự xuất hiện của đảng Tudeh cũng điền thêm vào âm mưu hạ bệ của Anh-Mỹ. “Dự thảo London” của Kế hoạch hành động mang mã danh Chiến dịch BOOT do Cục tình báo mật (SIS) phát động, SIS và CIA cùng lên kế hoạch và thay thế quyền kiểm soát của ông Mossadeq, điều này sẽ bao gồm một chiến dịch tuyên truyền lớn chống lại ông Mossadeq, cũng như hối lộ các thành viên lập pháp của Iran để họ hậu thuẫn cho chính phủ mới vốn được dẫn đầu bởi tân Thủ tướng được lựa chọn bởi SIS/CIA. Dưới bàn tay của SIS/CIA, ông Mossadeq đã bị lật đổ.

Gần 30 năm sau khi triển khai Chiến dịch BOOT, Anh tiếp tục phát động Chiến dịch Nghiệp đoàn nhằm chiếm lại quần đảo Falkland (khi đó nơi này thuộc Lãnh thổ thuộc địa Vương quốc Anh) ở Nam Đại Tây Dương. Falkland lúc ấy do Argentina kiểm soát từ ngày 2 tháng 4 năm 1982. Mặc dù Hoa Kỳ không đổ quân ở Falkland, nhưng rất nhiều tài liệu tình báo được tiết lộ đã cho thấy nước này cung cấp cho Anh nhiều tin tức quý giá. 

Trong cuộc họp với Ngoại trưởng Mỹ-Alexander Haig, Thủ tướng Anh-Margaret Thatcher đã bày tỏ “đánh giá cao sự hợp tác tình báo của Mỹ”. Các báo cáo tình báo được phân loại đã hé lộ về trạng thái và địa điểm của các khí tài quân sự Argentina do ảnh vệ tinh Mỹ chụp được. 

Mặt khác, CIA cũng cung cấp cho SIS một bức tranh toàn cảnh chính xác về thế lực đối lập ở Nam Đại Tây Dương. Thêm nữa, NSA còn hỗ trợ cho GCHQ một trong các vệ tinh của mình để nó hoạt động vài tiếng mỗi ngày, cung cấp SIGINT giá trị liên quan đến dữ liệu thông tin liên lạc của Argentina.

Hợp tác SIGINT trong thế kỷ 21

SIGINT tiếp tục là một lĩnh vực thu hút sự quan tâm của các cơ quan tình báo Anh-Mỹ. Hợp tác SIGINT giữa Anh và Mỹ đã gói gọn trong khuôn khổ của liên minh Ngũ nhãn được thành lập bởi Thỏa thuận Ukusa, gồm 5 nước là Anh, Mỹ, Australia, Canada và New Zealand. Khả năng đánh chặn dữ liệu viễn thông của Ngũ Nhãn từ lâu đã làm dấy lên sự lo ngại từ các quốc gia hải ngoại và các tổ chức tư nhân. 

Cơ sở RAF Menwith Hill (Bắc Yorkshire, Anh), một phần tích hợp của mạng lưới thông tin liên lạc của Bộ quốc phòng Mỹ toàn cầu Ảnh nguồn: Wharfedale Observer.

Các tài liệu tình báo tiết lộ rằng hệ thống đánh chặn toàn cầu của Ngũ nhãn thường được biết đến dưới cái tên Echelon vốn được điều hành bởi Anh, Mỹ và 3 quốc gia đồng minh, với các khả năng “can thiệp thông tin trên điện thoại, fax, Internet hoặc thư điện tử được gửi đi từ các cá nhân, và Echelon sẽ kiểm tra nội dung của chúng”. Nghị viện Châu Âu (EP) đã thành lập một ủy ban tạm thời nhằm điều tra hệ thống Echelon, khi EP phát hiện ra các bất thường từ năm 2001.

Dù cuộc điều tra sau đó đã đi đến kết luận rằng Echelon đã không thể cung cấp khả năng đánh chặn tuyệt đối, nhưng hoạt động đó cũng đủ để nói lên rằng với các trạm thu thập trên khắp thế giới, Ngũ Nhãn có đủ khả năng để can thiệp dữ liệu giao thông, điện thoại, fax truyền thông qua vệ tinh.

Hợp tác tình báo SIGINT giữa Anh và Mỹ được thể hiện thông qua các trạm đánh chặn bao gồm cơ sở RAF Menwith Hill (Bắc Yorkshire, Anh) đây là một phần trong mạng lưới Echelon theo báo cáo của EP. Trang web chính thức của Không lực Hoàng gia Anh đã mô tả RAF Menwith Hill là “một phần tích hợp của mạng lưới thông tin liên lạc quốc phòng của Bộ Quốc phòng Mỹ trên toàn cầu”, với nhiệm vụ chính là hỗ trợ tình báo cho Anh, Mỹ cùng các lợi ích đồng minh. 

Trang web cũng lưu ý rằng 1/3 nhân viên (trong số 2.200 người) làm việc tại Menwith Hill là công dân Anh, còn lại là nhân viên của NSA (Mỹ).

Ngoài hệ thống Echelon, quy mô thực sự của Ngũ Nhãn trong thời đại mạng đã được tiết lộ gần đây trên các tờ báo phương Tây, và nhất là đến từ “người thổi còi” Edward Snowden. Các tài liệu nội bộ của GCHQ do Snowden cung cấp cho hãng tin The Guardian đã hé lộ sự tồn tại của Dự án Tempora (một hệ thống của GCHQ nhằm cho phép cơ quan tình báo khai thác và lưu trữ khối lượng dữ liệu khổng lồ ngay từ các tuyến cáp quang trong suốt 30 ngày nhằm sàng lọc và phân tích. 

Bài viết trên tờ The Guardian đã tiết lộ việc “ghi âm các cuộc gọi điện thoại, nội dung các thông điệp email, các lượt truy cập Facebook và lịch sử của các trang web mà người dùng mạng đã truy cập”. The Guardian tuyên bố rằng vì khả năng can thiệp vào các tuyến cáp quang nên GCHQ tự hào có quyền “truy cập mạng lớn nhất” trong liên minh Ukusa. Từ đó, GCHQ sẽ chia sẻ tin tức tình báo của chương trình Tempora với NSA.

Tài liệu từ Snowden cũng tiết lộ rằng GCHQ có quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu Dishfire của NSA, thu thập 200 triệu thông điệp tin nhắn trong một ngày từ khắp nơi trên toàn cầu bằng cách sử dụng chúng để trích xuất dữ liệu bao gồm vị trí, mạng lưới liên hệ và các chi tiết thẻ tín dụng.

Cũng theo công bố của The Guardian thì ít nhất 100 triệu bảng Anh đã được NSA đầu tư cho các khả năng của GCHQ trong những năm gần đây, bao gồm gói ngân sách 15,5 triệu bảng Anh cho việc tái phát triển GCHQ Bude; 17,2 triệu bảng cho dự án “Làm chủ mạng”; và nửa chi phí cho trạm lắng nghe của GCHQ ở Trung Đông, Ayios Nikolaos trên đảo Síp.

Hợp tác và chống khủng bố

Chiến lược chống khủng bố của chính phủ Anh đã tiết lộ rằng sẽ “làm việc với các nước khác cùng các tổ chức đa phương để xử lý tốt hơn các mối đe dọa ngay từ nguồn của chúng”. Bản chất của sự hợp tác này là bí mật và ít được công bố rộng rãi hơn so với hợp tác SIGINT. 

Một cuộc gặp quan chức cấp cao của nhóm tình báo Ngũ Nhãn do Mỹ và Anh đồng sáng lập.

Mặc dầu vậy, Ủy ban lựa chọn đối ngoại của Hạ viện Anh (FASC) đã trưng ra một số vấn đề tình báo trong các báo cáo ngoại giao Anh-Mỹ ngay trong tháng 3 năm 2010. 

Theo đó, FASC đã lưu ý rằng Cục An ninh (MI-5) và Cục tình báo mật (SIS) sẽ duy trì sự hoạt động độc lập song vẫn hợp tác với các đối tác Mỹ. Việc nước Anh cho phép các cơ quan tình báo của mình tự do chuyển các thông tin HUMINT cho một quốc gia khác mà không để xảy ra bất kỳ cản trở nào đã cho thấy tầm vóc hợp tác khăng khít của họ. 

Văn phòng đối ngoại & Thịnh vượng chung (Bộ Ngoại giao Anh), cơ quan chịu trách nhiệm cho SIS, đã nói với FASC rằng “Mỹ là đối tác quan trọng nhất của Anh trong việc bảo vệ các lợi ích Anh trong nước, cùng chiến lược và hợp tác hoạt động trong nỗ lực từ chối Al-Qaeda và nơi trú ẩn an toàn của các tổ chức cực đoan khác”.

Văn Chương (tổng hợp)
.
.