Nga tuyển mộ điệp viên từ các CLB võ thuật ở Liên minh châu Âu

Thứ Ba, 06/06/2017, 15:45
Các cơ quan tình báo Nga đang lợi dụng những câu lạc bộ võ tự vệ trong không gian hẹp systema (hay võ tự vệ Nga vốn được dùng để huấn luyện lính đặc nhiệm) đang phát triển mạnh tại phương Tây để tuyển mộ điệp viên hoạt động ngầm ở Đức cũng như các quốc gia khác trong Liên minh châu Âu (EU).

Các câu lạc bộ này (cũng gọi là Fight Club) đều có dính líu - trực tiếp hay gián tiếp - đến tình báo quân đội GRU hay cơ quan an ninh nội địa Nga FSB - theo Dmitrij Chmelnizki, chuyên gia về tình báo Nga hiện đang sinh sống ở thủ đô Berlin nước Đức. Theo Chmelnizki, GRU tuyển mộ gián điệp ở phương Tây theo cách giống như khi hoạt động tại Đông Đức thời Chiến tranh Lạnh.

Cuộc điều tra của Chmelnizki tiết lộ 63 câu lạc bộ systema ở Đức cũng như hàng chục cơ sở khác nằm rải rác trong khối EU, các quốc gia phía tây bán đảo Balkan (Tây Balkan) và Bắc Mỹ nằm trong kế hoạch tuyển mộ gián điệp của tình báo Nga. Thậm chí, nhiều Fight Club còn công khai về sự dính líu của họ đến GRU và FSB.

Mark Galeotti.

Dmitrij Chmelnizki, học giả 63 tuổi bay từ Nga đến Đức năm 1987, mở cuộc điều tra về các Fight Club dựa theo những nguồn mở trên Internet. Ông cũng hợp tác với Viktor Suvorov, cựu sĩ quan GRU từng hoạt động tại thành phố Geneva (Thụy Sĩ) trong thời Chiến tranh Lạnh trước khi di chuyển đến Anh.

Theo Chmelnizki, với 63 Fight Club đang hoạt động tại Đức hiện nay, GRU có thể tuyển mộ được hàng trăm tân binh. Theo chính sách của GRU, số tân binh này được sử dụng để tấn công những mục tiêu nhạy cảm như là căn cứ quân sự hay sân bay dân sự nếu xảy ra xung đột vũ trang với khối Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO); hoặc có thể được huy động nhằm tạo ra "sự hỗn loạn, bầu không khí nghi ngờ, mất an ninh và sợ hãi" trong xã hội quốc gia thù địch giữa thời bình.

Các lớp huấn luyện systema được tình báo Nga đặc biệt quan tâm bởi vì chúng đang phát triển rất nhanh ở châu Âu, nhất là tại Đức. Chỉ trong vòng 7 năm, các Fight Club được mở cửa hàng loạt tại nhiều quốc gia như: Đức, Hy Lạp, Hungary, Italia, Serbia và Thụy Sĩ. Ngoài ra, cộng đồng an ninh Đức cũng quan tâm tuyển mộ nhân sự trong các câu lạc bộ systema nổi tiếng tại nước này như là Systema Wolf và Systema RMA.

Theo kết quả điều tra của nhà báo Đức Boris Reitschuster công bố năm 2016, GRU đã tuyển mộ được từ 250 đến 300 điệp viên từ mạng lưới Fight Club tại nước này, song người ta cảm thấy ngạc nhiên khi chính quyền Berlin không có bất cứ phản ứng nhằm ngăn chặn hành động của tình báo Nga.

Báo cáo từ tạp chí Đức Focus tiết lộ những câu lạc bộ systema dính líu đến GRU tại 30 thành phố khiến cho tình báo nội địa BfV nước này cảm thấy lo ngại về mối đe dọa an ninh quốc gia. Một bộ phim tài liệu mới đây do mạng truyền hình Đức ZDF cho thấy FSB sử dụng các câu lạc bộ võ tự vệ ở Chechnya để tuyển mộ điệp viên phục vụ cho những sứ mạng tương lai ở Đức. Những tân binh gián điệp này được cho là sẽ đến Đức theo con đường người tỵ nạn.

Erik Kross, cựu sĩ quan cơ quan an ninh Kapo của Estonia từng săn lùng điệp viên Nga từ năm 1995 đến 2000, cảnh báo các chính quyền EU cần chú ý đến mối đe dọa an ninh từ tình báo Nga.

Theo Kross, mới đây GRU đã huấn luyện chiến đấu cho một nhóm tân Quốc xã ở Hungary gọi là Mặt trận Quốc gia Hungary (HNF) và 2 nhóm tội phạm tương tự ở Slovakia: Nghĩa vụ Slovak (SC) và Phong trào Hồi sinh Slovak (SRM). Năm 2016, GRU cũng được cho là đứng đàng sau cuộc bạo động chống NATO ở Montenegro. Erik Kross bình luận: "Một cuộc tấn công mạng có thể gây nhiều thiệt hại. Song một "chiến dịch đặc biệt" đòi hỏi thành lập một đội hoạt động bí mật trong lòng quốc gia mục tiêu".

Mark Galeotti, chuyên gia Anh về nước Nga và cũng làm việc cho Viện Quan hệ Quốc tế ở thủ đô Prague của Cộng hòa Czech, cho rằng tình báo Nga thường hay tiến hành kiểu chiến dịch mượn tay tội phạm có tổ chức nước này nhằm che giấu hành tung. Galeotti kết luận: "Có bằng chứng cho thấy một số nhóm tội phạm có tổ chức tại Nga đôi khi cam kết hợp tác ngầm với tình báo nước này để tiến hành một số chiến dịch đặc biệt".

Hồi tháng 4-2017, Mark Galeotti công bố báo cáo về hoạt động của tội phạm Nga (hợp đồng với tình báo Nga) tại Đức. Galeotti nhận định GRU và FSB sử dụng mafia Nga "để gây quỹ" hoạt động trên chính trường châu Âu. Ngoài ra, Galeotti cũng cho rằng mafia Nga "có khả năng buôn lậu vũ khí và trang thiết bị quân sự" vào EU nhằm "phục vụ lợi ích của điện Krelin".

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.