Nghi án Amad

Thứ Sáu, 11/05/2018, 13:37
Khi một nước lớn, hay một nhóm nước này không thích, hoặc cố tình không thích một nước khác, họ sẵn sàng tạo dựng một cái cớ để tấn công, hàng loạt “nghi án” được che đậy bằng chiến công của tình báo ra đời đã đẩy các nước nạn nhân tới chỗ khốn cùng.


“Chiến công” của tình báo Israel

Cả thế giới hẳn còn nhớ câu chuyện về việc Iraq bị cho là sản xuất, tàng trữ vũ khí hủy diệt hàng loạt và nhà lãnh đạo S.Hussein có liên hệ với khủng bố, để rồi với lý do đó, Mỹ và liên quân năm 2003 mang theo hàng vạn tấn bom đạn đánh tan tác một đất nước có chủ quyền... rồi họ mới thừa nhận, Iraq không sản xuất vũ khí hóa học, không liên hệ với khủng bố.

Những vụ việc cũng liên quan tới cáo buộc vũ khí hóa học nhằm vào Nga trong vụ cha con cựu điệp viên Skripal hay các vụ Syria được cho là sở hữu và dùng vũ khí hóa học tấn công dân thường khiến Mỹ và phương Tây vài lần trút mưa tên lửa... như thời gian qua cho thấy một thực tế: Những quy tắc và chuẩn mực quốc tế đang bị coi nhẹ. Vì lợi ích, họ sẽ bất chấp, cho dù là cách làm thô bỉ nhất.

Thủ tướng Israel Netanyahu công bố “chiến công” của tình báo Israel về bằng chứng chống lại Iran. Ảnh: Sputnik International.

Chính vì vậy, cái cớ mới đây nhất mà Israel tung ra khi cho rằng  Iran sở hữu khoảng 500kg tài liệu mật, trong đó có 55.000 trang chứng minh Iran đang bí mật phát triển một dự án hạt nhân quân sự trong một dự án bí mật mang tên “Dự án Amad” cũng làm dấy lên nghi ngờ về tính trung thực của những tuyên bố từ Israel.

Câu chuyện Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu báo Israel hiện đang có khoảng 500kg tài liệu mật chứng minh Tehran đang bí mật phát triển một dự án hạt nhân quân sự có tên "Dự án Amad" được các cơ quan tuyên truyền Israel đặc biệt nhấn mạnh. Ông Netanyahu cho biết, Israel có thể sẽ công bố "bằng chứng mới và thuyết phục" rằng Iran đang che giấu hoạt động vũ khí hạt nhân sau khi nước này ký thỏa thuận hạt nhân năm 2015.

Theo ông, Iran đã chuyển chương trình vũ khí của mình đến một địa điểm bí mật để tránh bị thế giới phát hiện. Nhà lãnh đạo Israel còn cho phát một đoạn video mà ông nói là về một cơ sở của Iran, và nói thêm rằng Tehran đang tiếp tục mở rộng tầm bắn của các tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Thủ tướng Israel khẳng định "Dự án Amad" nhằm mục đích thiết kế, chế tạo và thử nghiệm các đầu đạn hạt nhân.

Ngay lập tức, Nhà Trắng cùng ngày cho rằng những thông tin do Israel tiết lộ về chương trình hạt nhân Iran cung cấp "những nội dung mới và thuyết phục" về nỗ lực của Tehran nhằm phát triển "các vũ khí hạt nhân có thể gắn vào tên lửa". Tuyên bố của Nhà Trắng nêu rõ: "Những sự việc đó phù hợp với điều mà Mỹ đã biết từ lâu: Iran có một chương trình vũ khí hạt nhân bí mật, mạnh mẽ mà nước này đã cố gắng che giấu, song đã không che giấu được thế giới cũng như chính người dân của mình".

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng cho rằng những thông tin tình báo Israel công bố về chương trình vũ khí hạt nhân của Iran là xác thực và có nhiều điều mới đối với các chuyên gia Mỹ. Phản ứng trước các thông tin của Israel, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi cho rằng những cáo buộc của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đối với Iran nhằm mục đích gây ảnh hưởng đến quyết định sắp tới của Tổng thống Mỹ Donald Trump về thỏa thuận hạt nhân Iran.

Phát biểu trên kênh Press TV, ông Araghchi nêu rõ: "Điều mà chúng ta thấy từ bài thuyết trình của Thủ tướng Benjamin Netanyahu chỉ là một màn thể hiện ngây ngô và lố bịch".

Quả đúng như vậy, vài ngày sau khi tình báo Israel tuyên bố về “chiến công” của mình, trên trang Twitter cá nhân, ngày 7/5 (giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẽ thông báo quyết định của mình về việc liệu có rút nước Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran hay không, vào rạng sáng 9-5 (theo giờ Việt Nam).

Trước đó, Tổng thống Trump đã đặt ra thời hạn chót vào ngày 12-5, theo đó nếu các nước châu Âu cũng kí thỏa thuận là Anh, Pháp và Đức không bổ sung những điều khoản để khắc phục cái mà ông gọi những thiếu sót thì ông sẽ rút nước Mỹ khỏi thỏa thuận này.

Bất lợi đang bị nghiêng về phía Iran khi Tổng thống Mỹ chỉ trích cựu Ngoại trưởng John Kerry về cái ông gọi là "ngoại giao bóng tối" để tác động lên quyết định của ông liên quan đến thỏa thuận hạt nhân Iran. Hồi tháng 3 vừa qua, Iran xác nhận Ngoại trưởng nước này đã gặp ông Kerry bên lề một hội nghị diễn ra ở Munich trước đó 1 tháng.

Tạp chí New Yorker cũng đưa tin cựu Ngoại trưởng Mỹ đã hối thúc Tehran không nên từ bỏ thỏa thuận hạt nhân kí kết với nhóm P5+1 hồi năm 2015, bất chấp căng thẳng hiện nay với chính quyền Washington đương nhiệm. Song Tehran tuyên bố, họ đã chuẩn bị cho bất cứ kịch bản nào của ông Trump.

Ai nói dối?

Có thể thấy rõ sự phối hợp “ăn ý” giữa tình báo Israel và phía Mỹ như thế nào để Tổng thống Mỹ đưa ra quyết định về việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran đã đạt được với 6 cường quốc. Nó dường như khó có thể trọn vẹn nếu không có sự “hòa tấu” của Israel với “nhạc trưởng” Benjamin Netanyahu và công cụ là tình báo nước này. Vẫn là kịch bản cũ Israel cảnh báo thế giới rằng Tehran sắp phát triển được một quả bom hạt nhân, thế giới cần cảnh giác. Và Mỹ lại đóng vai cảnh sát toàn cầu để tìm ra cái gọi là sự thật về “Dự án Amad”.

Đại diện các bên tham gia ký kết JCPOA. Ảnh: PressTV.

Khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu công bố những điều mà ông khẳng định là bằng chứng của một chương trình vũ khí hạt nhân bí mật mà Iran đang theo đuổi, cả thế giới đã đặt câu hỏi “Ai là người nói dối?”.

Ông Netanyahu thì cho rằng, Iran đã che giấu tài liệu về chương trình hạt nhân bằng cách chuyển chúng đến một địa điểm bí mật ở quận Shorabad, Tehran. Gián điệp Israel đã đột nhập vào kho dữ liệu hạt nhân Iran ở phía nam Tehran (thủ đô Iran) và lấy trộm nửa tấn tài liệu mật về hạt nhân chỉ trong vòng 1 đêm. Thủ tướng Israel đã miêu tả cuộc đột kích trên là một trong những thành tựu gián điệp lớn nhất từng có của Israel nhưng hầu như không đưa ra chi tiết về cách tiến hành cuộc đột kích này.

Theo mô tả của ông Netanyahu, các tài liệu này chứa bản thiết kế, biểu đồ, ảnh, video và bản trình bày việc xử lý vũ khí hạt nhân. Lãnh đạo Israel cho biết, ông đã chia sẻ thông tin tình báo này với Mỹ và sẽ phái đại sứ đến Đức và Anh để trình bày về các bằng chứng này. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, người mới có chuyến thăm Israel, tiết lộ chương trình vũ khí hạt nhân của Iran mà ông Netayahu đang nhắc đến có tên là “Dự án Amad” nhưng từ chối khẳng định nó vi phạm thỏa thuận hạt nhân hồi năm 2015.

Để chứng minh cho tuyên bố của mình, vị Thủ tướng đã cho phát một đoạn video ghi lại hình ảnh được cho là cơ sở hạt nhân của Iran, đồng thời cho biết thêm rằng quốc gia Trung Đông này vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, phát triển nhằm tăng tầm bắn tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân của mình. “Tối nay, tôi có mặt tại đây để nói với các bạn rằng: “Iran đã nói dối”, Thủ tướng Netanyahu nói trên bản tin truyền hình phát vào giờ vàng vốn được nhiều người Israel theo dõi.

Bộ Ngoại giao Iran đã lên tiếng bác bỏ những cáo buộc và nói rằng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã "nói dối" về chương trình hạt nhân của Iran nhằm gây ảnh hưởng đến quyết định của Tổng thống Donald Trump về thỏa thuận hạt nhân Iran. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif trong bài viết trên mạng xã hội Twitter, cho rằng "quá trùng hợp" khi những thông tin này được tung ra chỉ vài ngày trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định có rút khỏi thỏa thuận hạt nhân hay không.

Ngoại trưởng Iran cũng chỉ trích người đứng đầu Nhà Trắng đang "hùa theo" việc lặp lại những cáo buộc cũ và lấy đây làm cớ để rút khỏi thỏa thuận Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) ký kết năm 2015 giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Mỹ và Đức).

Phát biểu trên kênh truyền hình Press TV, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi nhấn mạnh Iran "không bận tâm" về những cáo buộc đó và Tehran đã chuẩn bị cho bất cứ kịch bản nào của Washington. Bộ trưởng Quốc phòng Iran Amir Hatami cho rằng, những cáo buộc từ phía Israel liên quan đến chương trình hạt nhân của Tehran là “vô căn cứ”. Bên cạnh đó, ông Hatami cũng gọi những bình luận của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu là “một màn kịch tuyên truyền”.

Cách làm cũ, hậu quả mới

Theo kết quả thăm dò dư luận cử tri Mỹ do Hãng "Morning Consult & Politico" tại Mỹ công bố ngày 2-5 cho thấy đa số cử tri Mỹ được hỏi ủng hộ chính quyền Tổng thống Donald Trump tiếp tục duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran.

Cuộc thăm dò được tiến hành thông qua phỏng vấn trực tuyến gần 2.000 người dân Mỹ đã đăng ký tư cách cử tri, kết quả cho thấy 56% trong số này bày tỏ quan điểm ủng hộ Thỏa thuận, trong khi chỉ có 26% phản đối. Cuộc thăm dò được thực hiện từ ngày 26-4 đến ngày 1-5, thời điểm Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu có bài phát biểu trên truyền hình phản đối thỏa thuận hạt nhân Iran.

Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại, bà Federica Mogherini, tuyên bố các cáo buộc của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu về chương trình hạt nhân của Iran không hề gây hoài nghi về việc Tehran có tuân thủ thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 hay không. Trong một tuyên bố, bà Mogherini cho biết EU cần đánh giá lại chi tiết về tuyên bố của nhà lãnh đạo Israel.

Theo bà, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) là cơ quan quốc tế duy nhất phụ trách giám sát cam kết hạt nhân của Iran và 10 báo cáo của IAEA đều cho thấy Iran đã tuân thủ đầy đủ các cam kết. Tuy nhiên, Thủ tướng Israel lại không đưa ra được lập luận thể hiện việc Iran không tuân thủ hay vi phạm những cam kết trong thỏa thuận.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp Agnes von der Muhll nhấn mạnh thỏa thuận hạt nhân năm 2015 đã là một trong số những thỏa thuận toàn diện và vững chắc nhất trong lịch sử phi hạt nhân hóa. Bà cho hay một ủy ban gồm các nước tham gia thỏa thuận JCPOA có thể sẽ xem xét lại thông tin của Israel. Vương quốc Anh đã cảnh báo về nguy cơ của một cuộc xung đột mới bùng nổ ở Trung Đông sau khi Israel công bố “hồ sơ” về chương trình vũ khí hạt nhân bí mật của Iran.

Nhiều nhà phân tích nhận định, tuyên bố của Thủ tướng Netanyahu có hai mục đích, vừa cho thấy Israel đang đánh lạc hướng dư luận, nhằm che đậy những tội ác chống lại người dân Palestine; vừa gây rối để Mỹ tấn công ngoại giao Iran, làm cho Iran có tội để Mỹ trừng phạt và làm suy yếu Iran, một đối thủ mà Israel không bao giờ muốn đối đầu. Tuy nhiên, các nhà phân tích Israel cũng cảnh báo giới chức Israel cần “dừng mọi âm mưu và động thái nguy hiểm” chống lại Iran.

Nguy cơ xảy ra cuộc chiến ở Trung Đông đang gia tăng. Quốc hội Israel đã “nhanh chân” chuẩn bị khi bỏ phiếu việc trao quyền tuyên bố chiến tranh cho Thủ tướng. Đáp lại, Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei khẳng định “Mỹ phải rời khỏi Syria chứ không phải Cộng hòa Hồi giáo Iran. Chúng ta sống ở khu vực này, Vịnh Ba Tư là nhà chúng ta, Tây Á là nhà chúng ta. Tôi từng nói với một đời Tổng thống Mỹ khác, rằng đã hết thời đánh xong rồi trốn. Nay, nếu ai đánh trước thì sẽ bị đánh lại. Họ biết nếu họ tấn công, họ sẽ phải nhận lấy đòn phản công mạnh hơn”, Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei nói.

Rõ ràng nỗi lo về cái “cớ” đang dần thành hiện thực. Quả là một công nghệ tạo cớ cực kỳ nguy hiểm. Nói dối để tạo cớ cho một cuộc chiến đã trở thành nỗi hổ thẹn cho nhiều người sau các cuộc chiến phi nghĩa. Nhưng tiếc là “kịch bản” ấy vẫn lặp lại ở các cuộc chiến khác, như Syria là ví dụ. Khái niệm “lằn ranh đỏ” vũ khí hóa học trở thành cái cớ không thể hoàn hảo hơn cho những âm mưu biến một quốc gia có chủ quyền thành một quốc gia hỗn loạn, đổ nát, người dân thống khổ, chỉ vì họ có một nhà lãnh đạo không chịu tuân theo các giá trị mà những kẻ tạo cớ muốn áp đặt.

Khi cái “cớ” được tạo ra, trong 2 năm 2017, 2018, Syria đã nhận kha khá tên lửa của phương Tây. Rõ ràng, việc Iran tăng cường hoạt động ở Syria, Iran lớn mạnh và quan hệ với các đối thủ của Mỹ... khiến Mỹ không hài lòng với thỏa thuận hạt nhân Iran mới thực sự là một cái cớ, là động lực để tình báo Israel tìm ra một kẽ hở thông tin không thể phù hợp hơn nhằm mượn tay Mỹ tiêu diệt nước có mối hận truyền kiếp với Israel.

Rõ ràng điều Mỹ và Israel cùng muốn là mượn cái “cớ” đó để Mỹ hủy thỏa thuận hạt nhân Iran hay gây ra một “cuộc khủng hoảng khu vực”, như Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei nói.

Huyền Hoa
.
.