Những vụ bê bối tình báo giữa Mỹ và Israel

Thứ Ba, 08/05/2018, 12:31
Chính quyền Mỹ tin rằng hai cơ quan an ninh Mossad và Shin Bet (được coi là tương đương với Cục Điều tra liên bang Mỹ – FBI) của Israel đứng đàng sau những nỗ lực đánh cắp những bí mật phản gián của Mỹ.

Bất chấp mối quan hệ thân thiết Mỹ-Israel và sự nhấn mạnh của các chính khách Mỹ về tình bạn không thể tách rời giữa hai quốc gia, các quan chức trong cộng đồng tình báo luôn coi Israel là đối tác đáng quan ngại và mối đe dọa phản gián thường trực.

Vào khoảng năm 2004 hay 2005, CIA sa thải 2 nữ sĩ quan vì sự tiếp xúc không được cho phép với người Israel. Theo lời của một cựu quan chức Mỹ, trong một cuộc kiểm tra bằng máy phát hiện nói dối, một trong hai nữ điệp viên thừa nhận đã từng có quan hệ với một người Israel làm việc trong Bộ Ngoại giao Israel. CIA phát hiện người Israel này làm việc cho Shin Bet.

Trong một vụ bê bối tình báo nổi tiếng khác, Jonathan Pollard – chuyên gia phân tích tình báo dân sự của Hải quân Mỹ – bị buộc tội làm gián điệp cho Israel vào năm 1987 khi mà hiệp ước về “Friends on Friends” chính thức có hiệu lực. Pollard lãnh án tù chung thân và trong suốt nhiều năm dài người Israel đã có nhiều nỗ lực để người này được Mỹ thả ra.

Cuộc gặp giữa tổng thống Barack Obama và thủ tướng Benjamin Netanyahu của Israel tại Phòng Bầu Dục của Nhà Trắng, ngày 5-3-2012.

Vào tháng 1-2011, thủ tướng Benjamin Netanyahu đề nghị tổng thống Barack Obama trả tự do cho Jonathan Pollard đồng thời thừa nhận những hành động của Israel trong vụ án gián điệp là “sai trái và hoàn toàn không thể chấp nhận được”. Ronald Olive - quan chức Cục điều tra Hải quân Mỹ (NCIS) phụ trách cuộc điều tra vụ án Jonathan Pollard – cho biết sau vụ bắt giữ Pollard, một đơn vị lực lượng đặc nhiệm được thành lập với nhiệm vụ duy nhất là xem xét Pollard đã đánh cắp những bí mật gì của chính quyền Mỹ.

Sau vụ bê bối gián điệp Jonathan Pollard, phía Israel cam kết không tiến hành bất cứ chiến dịch gián điệp nào trên đất Mỹ nữa. Vào năm 2006, một cựu chuyên gia phân tích tình báo của Bộ Quốc phòng Mỹ, bị tuyên án hơn 12 năm tù vì tội cung cấp thông tin mật cho một nhà ngoại giao Israel và hai nhà vận động hành lang thân Israel.

Vào năm 2008, Ben-Ami Kadish - cựu kỹ sư cơ khí quân đội Mỹ – bị buộc tội chuyển giao những bí mật cho người Israel trong trong suốt thập niên 80 thế kỷ trước. Theo cơ quan điều tra, Kadish chụp những tài liệu về vũ khí hạt nhân, phiên bản cải tiến máy bay chiến đấu F-15 và hệ thống tên lửa phòng không Patriot của Mỹ. Nhưng may mắn Kadish, 85 tuổi khi bị bắt giữ, thoát được vòng tù tội mà chỉ phải trả số tiền phạt 50.000 USD.

Tổng hành dinh của Mossad.

Trước toà án, Kadish tuyên bố “Tôi cho rằng tôi giúp đỡ nhà nước Israel mà không gây hại gì cho nước Mỹ”. Bất chấp những vụ bê bối gián điệp, Ronald Olive vẫn cho rằng Mỹ và Israel cần duy trì mối quan hệ thân thiết nhưng trong sự “cảnh giác”. Dưới thời chính quyền tổng thống George W. Bush, CIA lập danh sách phân bậc một số cơ quan tình báo trên thế giới để giúp Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu.

Theo một cựu quan chức tình báo biết bản danh sách của CIA, Israel được xếp hạng dưới Libya, quốc gia đã đồng ý từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân. Một số quan chức CIA vẫn còn tức giận về vụ mất tích bí ẩn của một nhà khoa học Syria dưới thời chính quyền tổng thống George W. Bush. Nhà khoa học là điệp viên duy nhất của CIA hoạt động mật bên trong chương trình quân sự phát triển vũ khí sinh-hoá học của Syria, cung cấp cho cơ quan tình báo Mỹ những thông tin cực kỳ quan trọng về những mầm bệnh được sử dụng trong chương trình nguy hiểm chết người này – theo tiết lộ của các cựu quan chức Mỹ về điệp vụ tuyệt mật trước đây của CIA ở Syria.

Vào lúc đó, dưới sức ép chia sẻ thông tin về những vũ khí huỷ diệt hàng loạt cho nên CIA đã đồng ý cung cấp thông tin tình báo thu được cho Israel. Mặc dù CIA chưa bao giờ kết luận Israel chịu trách nhiệm trong vụ mất tích của nhà khoa học, song giới chức CIA lên tiếng than phiền với Israel rằng người của nhà nước Do Thái đã làm rò rỉ thông tin dùng để gây sức ép buộc Syria từ bỏ chương trình vũ khí sinh-hoá học.

Sự việc là chính quyền Syria đã nắm được thông tin nhạy cảm nên cuối cùng họ xác định được nhà khoa học là kẻ phản bội. Trước khi biến mất và được cho là đã bị giết chết, nhà khoa học làm việc cho CIA đã kịp thông báo với người chỉ huy của mình rằng tình báo quân đội Syria đang tập trung điều tra ông ta.

Tuy vậy, sau vụ Jonathan Pollard, Israel vẫn nhận được hơn 60 tỷ USD từ Mỹ, trong đó phần lớn dưới hình thức viện trợ quân sự, theo Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ (CRS). Trong những năm qua, Mỹ cũng đã cung cấp cho Israel những quả tên lửa Patriot, giúp đỡ tài chính cho nước này xây dựng chương trình phòng thủ tên lửa và chuyển giao thiết bị radar tinh vi dùng để chống lại mối đe dọa tên lửa của Iran. Nhưng bất chấp sự nhập nhằng trong mối quan hệ, sự liên kết giữa các sĩ quan CIA và Mossad trên chiến trường bí mật vẫn còn khá chặt chẽ và hai cơ quan tình báo luôn phối hợp hoạt động rất nhịp nhàng.

Ví dụ, cuộc giải cứu nhóm điệp viên Mossad ở Khartoum, thủ đô Sudan, của CIA trong thập niên 90 thế kỷ trước được coi là một đỉnh cao của mối quan hệ bạn bè thân thiết giữa hai cơ quan tình báo Mỹ-Israel.

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.