Nhân viên ngoại giao Mỹ bị bắt vì câu kết với gián điệp đội lốt doanh nhân

Thứ Sáu, 07/04/2017, 18:20
Một nhân viên lâu năm của Bộ Ngoại giao Mỹ vừa bị bắt giữ và ra hầu tòa hôm 29-3 và bị buộc tội nhiều lần nói dối về các tiếp xúc trong quá khứ của bà ta với hai điệp viên Trung Quốc giả dạng doanh nhân và những người này đã "biếu" bà hàng nghìn USD tiền mặt cộng với khoản tài trợ khá hậu cho người thân của bà.

Candace Claiborne, năm nay 60 tuổi, là một nhân viên có năng lực trong Bộ Ngoại giao Mỹ. Bà từng học tiếng Hán ở Bắc Kinh và có tư cách an ninh diện tối mật. Bà đã làm việc 18 năm trong ngành ngoại giao Mỹ, từng được phân công làm nhiệm vụ ở Trung Quốc, Sudan, Libya, Morocco và gần đây nhất là làm việc tại Văn phòng Bộ Ngoại giao ở Washington, bộ phận phụ trách vùng Kavkaz, Nga.

Vụ việc bà Claiborne bị bắt đã hé mở một góc nhìn vào những nỗ lực của Bắc Kinh muốn tìm kiếm lợi thế trong cuộc so găng về kinh tế với Mỹ. Đồng thời vụ việc cũng cho thấy một thực tế là giới doanh nhân Trung Quốc luôn có thể đóng cả vai gián điệp kinh tế cho đất nước. Hai doanh nhân - điệp viên đề cập ở trên được xác định là điệp viên của Cục An ninh nhà nước Thượng Hải - một chi nhánh của Bộ An ninh nhà nước Trung Quốc (MSS), được xem là một cơ quan tình báo và an ninh dân sự.

Bà Candace Claiborne.

Khi còn làm việc tại Trung Quốc vào năm 2007, bà Claiborne đã bắt đầu các giao dịch với hai doanh nhân này, một trong hai là nhà nhập khẩu ở Thượng Hải có quan hệ làm ăn ở Mỹ và đang thu thập thông tin tình báo về kinh tế.

Tháng 5-2011, hai doanh nhân đã chuyển vào tài khoản của Claiborne ở Mỹ số tiền 2.500 USD và một tháng sau yêu cầu bà cung cấp thông tin về việc chính phủ Mỹ đánh giá thế nào về các cuộc thương lượng kinh tế với Bắc Kinh. Bà Claiborne phản hồi với những thông tin đã được công khai trên báo chí.

Sau khi nhận được thông tin bà cung cấp, họ nói thêm: "Điều chúng tôi cần tìm là những gì chúng tôi không thể tìm thông qua Internet". Tổng cộng, Claiborne đã nhận khoảng 3.000 USD từ hai điệp viên Trung Quốc. Khoản "quà cáp" lớn hơn được chi trả thông qua việc tài trợ cho một người thân trong họ hàng của bà Claiborne.

Người bà con này (báo chí không nêu danh tính) trước đó mong muốn đi học về thời trang ở Trung Quốc nhưng chi phí quá cao, mức lương nhân viên Bộ Ngoại giao của bà Claiborne không thể trả nổi. Biết được khó khăn này của bà, hai "doanh nhân" Trung Quốc đã tìm cách tiếp xúc người bà con của Claibrone và tìm hiểu nguyện vọng của anh ta.

Kết quả là tháng 8-2013, người bà con của Claiborne được sang Trung Quốc học nghề thời trang. Mọi chi phí từ tiền vé máy bay, tiền ăn uống, học phí 47.000 USD/năm và một căn hộ tạm trú ở Bắc Kinh đều được hai Mạnh Thường Quân Trung Quốc tài trợ. Thậm chí anh ta còn được nhận tiền sinh hoạt phí 450 USD/tháng.

Tuy nhiên, học hành chưa được bao lâu, người bà con của Claiborne đã gây ra tội phạm nghiêm trọng và bị truy tố ở Bắc Kinh. Thế là hai "người bảo trợ" lại ra tay cứu giúp, đưa anh ta rời khỏi Trung Quốc một cách dễ dàng. Qua vụ việc này, cơ quan chức năng Mỹ đánh giá tầm ảnh hưởng của hai điệp viên Trung Quốc là rất lớn.

Lo ngại sẽ gặp rắc rối, Claiborne đã yêu cầu người bà con chấm dứt mối quan hệ với hai người Trung Quốc. "Tôi không muốn tôi hoặc cậu đưa cổ vào tròng vì một người thứ ba nào đó có thể gài bẫy chúng ta một cách rất dễ dàng" - bà Claiborne nói với người bà con. Vấn đề gây rắc rối thật sự cho bà Claiborne chính là việc bà đã không thành thật khai báo khi trả lời thẩm vấn của Bộ Ngoại giao và các quan chức bảo vệ pháp luật (FBI). Ngay cả khi làm thủ tục tái công nhận tư cách an ninh tối mật vào năm 2014, Claiborne cũng không khai nhận các giao dịch trong quá khứ.

Cách đây hai tháng (tháng 1-2017), FBI đã cử một đặc vụ người gốc Hoa đến nhà bà Claiborne giả dạng tìm kiếm sự hỗ trợ. Người đặc vụ này đề cập tên hai "doanh nhân" Trung Quốc và tự xưng mình là một điệp viên Trung Quốc. Claiborne không chối bỏ những việc mình đã làm trước đó, nhưng lại từ chối lời yêu cầu "giúp đỡ" của người đặc vụ giả dạng và từ chối nhận tiền hối lộ của ông ta.

Rồi sau đó, khi trả lời thẩm vấn FBI, Claiborne lại không khai thật về cuộc tiếp xúc này. Trong cuộc thẩm vấn đó, Claiborne chỉ thừa nhận với FBI việc mình đã nhận thức được mục đích của hai "doanh nhân" kia là tìm kiếm thông tin từ chính phủ Mỹ và đã cung cấp cho họ thông tin về một người Trung Quốc "phản động" đang lẩn trốn trong Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh. Nhưng Claiborne không thừa nhận mình cung cấp thông tin mật, cho rằng những thông tin bà cung cấp đều không thuộc diện mật.

Hôm 29-3, Claiborne bị bắt tại văn phòng làm việc ở Washington. Theo các nhà điều tra, Claiborne từng viết một bài báo trong đó bà khoe mình có thể "tạo ra 20 nghìn USD trong một năm" bằng cách làm việc cho hai doanh nhân - điệp viên Trung Quốc. Đây được xem là một chứng cứ để cơ quan chức năng bắt giam Claiborne. Mary McCord, Quyền Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Mỹ phụ trách an ninh cáo buộc bà Claiborne đã sử dụng vị trí công tác và quyền tiếp cận các tài liệu ngoại giao nhạy cảm để phục vụ lợi ích cá nhân. Nếu lời cáo buộc này được Tòa án tuyên buộc tội cho Claiborne, bà có thể phải lĩnh án tù 25 năm.

Trong cáo trạng buộc tội dài 58 trang gửi cho Tòa án liên bang, các công tố viên đã không buộc tội bà Claiborne về việc chuyển thông tin bí mật cho hai sĩ quan tình báo Trung Quốc, mà chỉ nói rằng bà đã thừa nhận chuyển cho hai sĩ quan tình báo này thông tin về một người Trung Quốc phản động trốn trong Đại sứ quán Mỹ ở Trung Quốc. Kẻ phản động được đề cập là nhà hoạt động nhân quyền bị mù tên Trần Quang Trường, đến Đại sứ quán Mỹ xin tị nạn vào tháng 4-2012, gây nên một vụ xung đột ngoại giao nhỏ giữa Mỹ và Trung Quốc.

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.