Nhóm tin tặc Guccifer 2.0 là điệp viên Nga?

Thứ Ba, 24/07/2018, 11:34
Như tin đã đưa, tại cuộc gặp thượng đỉnh Nga -Mỹ ngày 16-7 tại thủ đô Helsinki của Phần Lan, Tổng thống Nga Vladimir Putin một lần nữa bác bỏ sự liên quan của nước Nga trong cuộc bầu cử Mỹ, khẳng định sẵn sàng để các nhà điều tra Mỹ thẩm vấn những người mà họ cho là “nghi can”. Đồng thời Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng cho rằng ông “không thấy có lý do gì phải cáo buộc nước Nga”.

Tuyên bố của hai nhà lãnh đạo Nga, Mỹ được đưa ra trong cuộc họp báo sau cuộc gặp để trả lời các câu hỏi của báo giới về cáo buộc của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller đối với 12 quan chức Cục tình báo quân đội Nga (GRU) về hành vi “can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016”.

Trong cáo trạng công bố ngày 13-7, ông Mueller đã đưa ra “bằng chứng” để khẳng định tin tặc mang bí danh Guccifer 2.0 là thủ phạm đứng sau các vụ tấn công vào hộp thư điện tử của đảng Dân chủ và ứng cử viên Tổng thống Hillary Clinton, lấy đi nhiều thông tin quan trọng và phát tán trên mạng Internet thông qua trang WikiLeaks.

Cáo trạng của Mueller cũng cho rằng Guccifer 2.0 thực chất là mật danh điện tử của một nhóm điệp viên quân đội Nga thực hiện các vụ tấn công mạng nhằm vào đảng Dân chủ và bà Hillary nhằm “tìm mọi cách chia rẽ nội bộ đảng này”, từ đó tạo lợi thế cho ứng cử viên Donald Trump. Cáo buộc này đã bị phía Nga bác bỏ.

Ông Roger J. Stone.

Giới phân tích đánh giá, việc công tố viên đặc biệt Mueller tung ra cáo trạng vào ba ngày trước cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Putin là có dụng ý chính trị nhất định. Có vẻ như ông Mueller muốn sử dụng những cáo buộc nêu trong cáo trạng để gửi một thông điệp đến cuộc họp thượng đỉnh, nhằm đặt ra một vấn đề cụ thể tác động đến nghị trình cuộc họp. Tuy nhiên, trong cuộc họp giữa hai Tổng thống Nga-Mỹ, vấn đề “Nga can thiệp bầu cử Mỹ” đã không trở thành đề tài lớn như mong muốn của người Mỹ.

Dựa trên những dữ liệu, thông tin từ tình báo Mỹ, Anh và Hà Lan, cáo trạng của công tố viên đặc biệt Mueller đã hé lộ những chi tiết lần đầu được công bố về hoạt động của các tin tặc và tình báo mạng của Nga.

Trong đó tình báo Anh được cho là những người đầu tiên quan sát được luồng dịch chuyển dữ liệu từ máy chủ thư điện tử của đảng Dân chủ vào các tuyến giao tiếp kiểm soát bởi tình báo quân đội Nga. Mueller cho rằng, khi nhân vật Guccifer 2.0 xuất hiện trên hệ thống mạng toàn cầu, nhiều chuyên gia an ninh mạng phương Tây đã bắt đầu nghi ngờ tin tặc này có mối quan hệ nhất định với đơn vị tình báo mạng trực thuộc GRU, thậm chí cho rằng Guccifer 2.0 là sản phẩm của tình báo Nga.

Cũng theo cáo trạng, sau khi đột nhập máy chủ thư điện tử của Ủy ban quốc gia đảng Dân chủ (DNC) và lấy được các tệp dữ liệu, Guccifer 2.0 đã liên hệ với trang WikiLeaks và chuyển dữ liệu cho trang này để công bố trên mạng.

Cáo trạng của ông Mueller dẫn ra một đoạn thông điệp của WikiLeaks vào tháng 7-2016 gửi cho nhóm tin tặc Guccifer 2.0 với nội dung thúc giục nhóm này khẩn trương chuyển dữ liệu để đăng tải. Trước đó vài tuần, sau khi xuất hiện thông tin về việc máy chủ thư điện tử của DNC bị tin tặc tấn công lấy cắp dữ liệu, WikiLeaks đã tìm cách liên hệ với Guccifer 2.0 để thu thập các tệp dữ liệu bị lấy cắp.  

Sau trang WikiLeaks, Guccifer 2.0 lên Twitter khuyến khích người Mỹ trực tiếp liên hệ với mình để trao đổi “những thông tin cần thiết” và ngay lập tức thu hút khá đông thành viên đảng Cộng hòa và giới báo chí. Một số người khi đó liên hệ với Guccifer 2.0 để tìm kiếm các tệp dữ liệu liên quan đến bà Hillary Clinton, trong đó có Roger J. Stone Jr, một người bạn vong niên của ông Trump, đã có trao đổi thông điệp với Guccifer 2.0.

Người nữa là Lee Stranahan, hiện là dẫn chương trình Fault Lines trên mạng phát thanh Sputnik của Nga, vào thời điểm 2016 làm việc cho Breitbart News của cựu cố vấn Stephen Bannon. Theo cáo trạng, Guccifer 2.0 liên hệ với Stranahan để tham vấn về thời gian tiết lộ thông tin theo kế hoạch định sẵn.

Theo cáo trạng, giữa tháng 8-2016, Guccifer 2.0 nhận được yêu cầu từ một ứng cử viên Quốc hội Mỹ “xin” dữ liệu lấy cắp liên quan đến một đối thủ trong cuộc đua vào Quốc hội. Nhóm này đã gửi ngay dữ liệu theo yêu cầu. Ngoài ra, các tài liệu lấy cắp còn được phát tán tại các bang Florida, Pennsylvania, New Hampshire, Ohio, Illinois, New Mexico và North Carolina.

Chẳng hạn, vào ngày 22-8-2016, nhà vận động hành lang ở Florida tên là Aaron Nevins đã liên hệ với Guccifer 2.0 bằng tin nhắn. Ông Nevins là chủ trang web HelloFLA! Và rất muốn đăng một số tệp tài liệu Guccifer 2.0 lấy cắp. Ngay trong ngày hôm đó, Nevins đã nhận được tài liệu từ Guccifer 2.0 và lập tức đăng lên trang web HelloFLA! của mình.

Vài tuần sau đó, tháng 9-2016, chính Guccifer đã dùng tài khoản Twitter để chuyển tiếp thông tin về mô hình cử tri đi bỏ phiếu ở Florida mà ông Nevins đăng trên HelloFLA! cho một người được mô tả trong cáo trạng là “người thường xuyên tiếp xúc với các thành viên cao cấp trong chiến dịch vận động của Donald J. Trump”. Người được nhắc đến chính là ông Stone, khi đó là cố vấn không chính thức cho ông Trump.

Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn báo chí hôm 14-7, ông Stone không tin rằng tình báo Nga đứng sau các vụ tấn công. Trước đó, các quan chức Bộ Tư pháp Mỹ cũng khẳng định họ không hề cáo buộc rằng ông Stone “biết mình trao đổi thông tin với tình báo Nga”. Trở lại thời điểm tháng 8-2016, Stone và Guccifer đã có một số trao đổi trên Twitter liên quan đến những nội dung thông tin đăng trên trang web HelloFLA! của ông Nevins.

Đồng thời nhóm này cũng đồng ý yêu cầu của ông Stone viết một bài báo đăng trên tờ The Hill nhan đề “Cuộc bầu cử có thể bị gian lận theo hướng chống lại ông Trump như thế nào?” Stone cho biết trong cuộc phỏng vấn ngày 14-7-2018 rằng qua những trao đổi đó, ông đã kết luận DNC không bị tin tặc Nga tấn công, và rằng các dữ liệu thư điện tử của DNC đã bị chính người trong nội bộ lấy cắp rồi tuồn ra bên ngoài – điều này trùng khớp với các cáo buộc của Guccifer 2.0 trước đây về một thuyết âm mưu trong đó vụ tấn công có liên quan đến một nhân viên DNC đã bị giết chết.

An Tôn (tổng hợp)
.
.