Những giai nhân yểu mệnh trong lâu đài “tặng phẩm của tình yêu”

Thứ Sáu, 16/09/2016, 13:15
Trong bài "Marie Antoinette - nàng công chúa đáng thương hay vương hậu phóng đãng?" có đề cập đến lâu đài Petit Trianon được xem là biệt cung riêng của bà. Thật sự, lâu đài Petit Trianon đã được xây dựng từ trước và cũng là "một tặng phẩm của tình yêu". Những nữ chủ nhân của tòa lâu đài nhỏ nhưng nguy nga này đều có cuộc đời ứng với câu "hồng nhan bạc mệnh".

Đại Vương phi Pompadur xuất thân từ tầng lớp trung lưu

Lâu đài Petit Trianon được xây dựng dưới thời trị vì của vua Louis XV, từ năm 1762 đến 1768 trong khuôn viên vườn Versailles và ngay gần Grand Trianon - là nơi ở của nhà vua và gia đình. Cần biết rằng, khuôn viên lâu đài Versailles rộng đến 7 mẫu, trung tâm chính là lâu đài Versailles và các lâu đài khác. Tòa lâu đài nhỏ Petit Trianon mang màu sắc của sự chuyển giao giữa nét kiến trúc Rococo và tân cổ điển.

Từ xa, tòa lâu đài thoạt trông như một khối hình hộp nhưng khi đến gần, người ta mới dần phát hiện những đường nét chạm khắc tinh tế ở cả 4 mặt lâu đài với rất nhiều cửa sổ và ban công duyên dáng. Lâu đài được thiết kế bởi Ange-Jacques Gabriel theo yêu cầu của Louis XV. Nhà vua muốn xây dựng Petit Trianon như một món quà dành cho nữ hầu tước Pompadour (Madame de Pompadur), người tình mà nhà vua hết mực yêu thương, chiều chuộng. Thế nhưng, quý bà hồng nhan yểu mệnh đã không sống đến ngày tiếp nhận món quà tình yêu - bà qua đời 4 năm trước khi công trình hoàn thiện.

Chân dung nữ Hầu tước PompadOur (tranh của Fracois Boucher, năm 1750).

Vào giai đoạn đầu khi mới lên ngôi, Vua Louis XV đã có nhiều vương phi, nhưng mỗi người chỉ được chiếu cố chừng vài năm. Còn Madame de Pompadour, một cô gái trung lưu tên thật là Jeanne Poisson, khi mới lên chín tuổi đã được một nhà chiêm tinh tiên báo sau này sẽ trở thành đệ nhất vương phi. Đây tưởng chừng là điều không tưởng, bởi vì hầu hết các vương phi đều xuất thân từ gia đình quý tộc.

Tuy nhiên Jeanne vẫn tin lời nhà chiêm tinh và niềm tin dần biến thành nỗi ám ảnh. Cô bắt đầu học hỏi những gì mà một cô nương quyền quý cần phải biết - âm nhạc, khiêu vũ, kịch nghệ, cưỡi ngựa - và ở môn nào cô cũng xuất sắc. Đến tuổi trưởng thành, Jeanne lập gia đình với một nhà quý tộc cấp thấp, nhờ đó cô mới có cơ hội bước chân vào những salon sang trọng của Paris. Nét đẹp, tài năng, sự duyên dáng và trí thông minh của Jeanne chẳng mấy chốc được đồn xa.

Trở thành bạn thân của những triết gia lừng danh khi ấy như Voltaire, Montesquieu, nhưng Jeanne không bao giờ quên mục tiêu mà cô đã vạch ra từ hồi còn con gái: chiếm đoạt trái tim hoàng thượng. Chồng Jeanne có một lâu đài trong rừng nơi nhà vua thường lui tới săn bắn, thế là cô cũng thường xuyên lưu lại đó khá lâu. Quan sát đường đi nước bước của vua như diều hâu rình mồi, Jeanne quyết tạo điều kiện để cho vua "tình cờ" gặp trong bộ trang phục lộng lẫy nhất. Khi vương phi tại vị là nữ công tước Châtearoux qua đời, Jeanne tăng nhịp tấn công.

Nhà vua đến đâu cũng gặp nàng: Trong vũ hội hóa trang ở Versailles, tại nhà hát opéra, bất cứ nơi nào mà "định mệnh" đã run rủi hai người gặp nhau, nàng đều tìm cách phô bày tài nghệ. Nhà vua không cưỡng nổi và cô gái trung lưu 24 tuổi trở thành đệ nhất vương phi. Và vì một số triều thần tức tối tại sao vua lại chọn một thiếu phụ tầng lớp thấp kém như vậy, nên Louis XV phong cho nàng chức hầu tước. Từ đó về sau, mọi người tôn quý gọi nàng là Madame de Pompadour.

Nhà vua là người dễ dàng cảm thấy ngột ngạt bực bội khi buồn chán, vì vậy bà Pompadour hiểu rằng muốn quyến rũ ngài là phải tìm mọi cách cho vua giải khuây. Bà tổ chức nào là dạ tiệc, săn bắn, sân khấu, và tất cả những thứ nào làm đẹp lòng vua khi ngài bước ra khỏi giường. Với những kẻ ganh tị, bà khôn khéo lấy lòng bằng cung cách duyên dáng và quyến rũ. Điều bất ngờ là bà kết thân với hoàng hậu, yêu cầu Louis XV năng chăm sóc và đối xử tử tế hơn với vợ mình. Ngay cả hoàng tộc cũng phải miễn cưỡng ủng hộ bà Pompadour. Được nhà vua phong tước vị hầu tước, ảnh hưởng của bà với nhà vua và triều thần ngày càng lớn. Ảnh hưởng ấy lan rộng sang lĩnh vực chính trị, nơi bà thực sự là một bộ trưởng ngoại giao không danh nghĩa.

Năm 1751 khi đạt đến đỉnh cao quyền lực, bà Pompadour bị cơn khủng hoảng trầm trọng đầu tiên. Cơ thể bị suy yếu bởi gánh nặng của vị trí, càng ngày bà càng cảm thấy khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu phòng the. Thông thường, đây là thời điểm mà một vương phi bắt đầu kết thúc sự nghiệp. Nhưng bà Pompadour có chiến lược khác: Khuyến khích vua lập ra một dạng nhà chứa, gọi là Parc aux Cerfs, ngay trên khu đất hoàng cung Versailles. Ở đó nhà vua trung niên có thể "vui vầy" với những giai nhân xuất sắc nhất vùng.

Bà Pompadour thừa biết rằng, mê đắm ai cũng chỉ là nhất thời và Louis XV không thể nào quên được nét quyến rũ và cần cả sự nhạy bén chính trị của bà, bà không sợ bị soán mất vị trí trong phòng ngủ, khi bà vẫn là người phụ nữ quyền lực nhất nước Pháp. Nữ hầu tước Pompadour qua đời năm 43 tuổi vì bệnh phổi ngay trong cung điện Versailles. Dường như tiếc nuối với cuộc sống trần thế trong tòa lâu đài lộng lẫy và vinh hoa của một đại vương phi, trước khi trút hơi thở cuối cùng, bà nhắn nhủ lại với những người tâm phúc: "Ai sống trong tòa lâu đài này tuy tột đỉnh phú quý nhưng cuộc đời sẽ ngắn ngủi như một hơi thở".

Do sự sủng ái đặc biệt của Louis XV, sinh thời, bà Pompadour sở hữu hơn một chục lâu đài, trong đó có Hotel d'Evreux (quy mô nhỏ hơn lâu đài) mà hiện nay chính là điện Élysée, nơi làm việc của các đời tổng thống Pháp. Sau đấy, Petit Trianon lại được vua Louis XV ban tặng cho Madame du Barry, một tình nhân khác của ông. Đến khi nhà vua qua đời, bà được coi là chủ nhân của lâu đài nhỏ này. Tuy nhiên, người ta truyền tai nhau rằng, bà chỉ là người lấp khoảng trống trong Petit Trianon, còn với Louis XV, bà mãi không có được vị trí đặc biệt bằng nữ hầu tước xinh đẹp và trí tuệ như Madame de Pompadour.

Hoàng hậu Marie Antoinette - đời vinh hoa phú quý ngắn ngủi "như một hơi thở"

Khi lên ngôi năm 1774, vị vua 20 tuổi Louis XVI đã đem Petit Trianon làm quà sính lễ cho vị hôn thê của mình -công chúa nước Áo Marie Antoinette, khi đấy mới 19 tuổi. Nhàm chán với cuộc sống hoàng cung, hoàng hậu trẻ coi nơi này như thế giới của riêng mình và dần biến lâu đài trở thành chỗ ở riêng biệt để có thể tự do trang hoàng theo sở thích. Không chỉ là nơi để Marie Antoinette xa lánh những lễ nghi hoàng tộc, Petit Trianon cũng là nơi hoàng hậu tránh được áp lực, hàng trăm cặp mắt soi mói từ hoàng gia và các quan cận thần. Không một ai được ra vào lâu đài nếu không có sự cho phép của bà, ngay cả vua Louis XVI. Nhiều lời đồn đoán cho rằng hoàng hậu theo dõi sát sao người ra vào để che giấu cuộc sống xa hoa với những người bạn nức tiếng khắp thành Paris về các khoản chơi bời. Nhưng sau này, một người hầu của bà đã phủ nhận điều đó.

Chưa thỏa nguyện với Petit Trianon, Hoàng hậu Marie-Antoinette còn cho xây dựng một trang viên trong khuôn viên của lâu đài Versailles, mang tên Le hameau de la Reine (nông trại của hoàng hậu), vào mùa đông năm 1782. Ý tưởng này của bà, tất nhiên hứng chịu nhiều chỉ trích, người thì cho là bà muốn có một chỗ ân ái riêng với tình nhân, người thì phê phán tuy gọi là trang viên điền dã nhưng mức độ phù phiếm xa hoa thì không thua gì một cung điện.

Vua Louis XVI tặng cho bà một mảnh đất vuông vắn để xây dựng trang viên theo ý mình nằm ở phía đông bắc của vườn kiểu Anh (jardin anglais) trong lâu đài Versailles. 48.621 cây các loại, trong đó có nhiều lo hoa dân dã, được người làm vườn Antoine Richard cho trồng bao bọc khu vực của Marie-Antoinette theo phong cách thiên nhiên: không cắt xén, tỉa từng chiếc lá như trong vườn ngự uyển của hoàng gia. Kiến trúc sư Richard Mique khi được ủy thác xây dựng trang viên này đã mô phỏng các nông trại vùng Normandie nước Pháp. Marie Antoinette cho tuyển chọn những giống gia súc tốt nhất từ Thụy Sĩ để đem về nuôi và lấy giống.

Trong một lần đến thăm, Vua Louis XVI cho xây dựng một cổng thành chiến thắng ở ngay đường vào trang viên, ven lề rừng Onze-Arpents, để đánh dấu nơi ở của hoàng hậu nước Pháp. Cổng thành này mang tên Porte Saint-Antoine, có huy hiệu của Vua Louis XVI hình con sư tử, cổng thành được xây dựng xong vào năm 1787. Cũng cần nên biết là các vua chúa Pháp đều có phòng ngủ riêng với vợ và con cái.

Những phòng ngủ được trưng bày đều là phòng ngủ giả, họ ngủ trong những căn phòng bí mật  trong lâu đài rộng mênh mông có cả trăm phòng, để tránh bị ám sát khi đang ngủ. Thế nên, ý tưởng của Hoàng hậu Marie-Antoinette ở trong một ngôi nhà nhỏ trong trang viên là có ý muốn nói rằng, bà không hề sợ bị ám sát?

Mặc dù sống trong trang viên nhiều hơn so với lâu đài Petit Trianon nhưng Marie Antoinette vẫn không thoát khỏi lời nguyền. Cuộc sống êm đềm lý tưởng kéo dài trong khoảng 5 năm đã chấm dứt theo lệnh của Vua Louis XVI vào ngày 5-10-1789, Marie-Antoinette và các con phải rời trang viên, để rồi không còn bao giờ có thể trở lại nơi này được nữa.

Trong cuộc đại Cách mạng Pháp năm 1789, Hoàng hậu Marie-Antoinette đã bị bắt giam. Hoàng hậu bị cáo buộc giúp Vua Louis XVI chống lại tư tưởng tự do và tổ chức các cuộc trấn áp phong trào cách mạng của dân chúng, âm mưu gây ra cuộc nội chiến và nạn đói năm 1789, tổ chức cuộc chạy trốn ra nước ngoài. Hoàng hậu còn đóng vai trò một gián điệp, đã chuyển toàn bộ kế hoạch tác chiến của quân đội Pháp cho hoàng đế nước Áo khiến quân Pháp bại trận.

Hoàng hậu còn bị buộc tội lấy tiền trong ngân khố chuyển về cho vua cha. Bản án tử hình chém đầu được tuyên bố lúc 4 giờ rạng sáng ngày 16-10-1793, hoàng hậu bị điệu ra pháp trường vào lúc 12 giơ â15 phút cùng ngày. Giữa khoảng thời gian đó, bà viết lá thư tuyệt mệnh gửi cho Elisabeth, em gái của vua Louis XVI, nhưng không hiểu vì lý do gì mà mãi nhiều năm sau lá thư mới đến tay vua Louis XVIII. Hiện lá thư này đang được bảo quản trong một két sắt trong Văn khố Quốc gia Pháp.

Trang viên của hoàng hậu Marie-Antoinette tất nhiên bị dân chúng tràn vào cướp phá tan tành cho hả cơn thịnh nộ rồi bị rơi vào quên lãng. Hoàng đế Napoléon đệ I cho tu  bổ sửa chữa lần đầu tiên vào năm 1810-1812. Lần sửa chữa thứ hai được tiến hành vào năm 1930 dưới sự bảo trợ của tỷ phú dầu hỏa Mỹ John Rockefeller Jr. Nhưng mãi cho đến năm 2006 thì khu vực này mới được chính thức mở cho dân chúng vào tham quan dưới cái tên "Domaine de Marie Antoinette".

Viên kim cương mang họa sát thân

Viên kim cương "Màu xanh của nhà vua" hay "Hy vọng" hiện được trưng bày tại Viện bảo tàng Smithsonian, Washington, Mỹ.

Từ khi bị một thầy tu đánh cắp tại một ngôi đền ở Ấn Độ, viên kim cương màu xanh đen nặng 45,52 carat đã trôi dạt qua rất nhiều nơi và gieo rắc họa sát thân cho những ai muốn sở hữu nó. Kẻ đầu tiên là vị thầy tu trên đã bị hành xác và xử tử một cách dã man do tội lỗi của ông ta.

Sau cái chết của vị thầy tu, lời nguyền bắt đầu năm 1642 với nhà buôn ngọc người Pháp Jean Baptiste Tavernier- bị một bầy chó hoang xé xác trên đường tới Ấn Độ sau khi ông ta bán nó cho Vua Pháp Louis XIV. Vị vua này ngay lập tức say mê sắc đẹp đầy ma lực của nó nên cho đẽo gọt lại thành hình trái tim.

Viên kim cương từ đó được nhận danh hiệu "Kim cương xanh của nhà vua" (Blue Diamond of the Crown) và trở thành báu vật vô giá của triều đình Pháp trong suốt thế kỷ XVII-XVIII. Vua Louis XIV về sau chết vì một căn bệnh nan y không rõ nguyên do và cơ thể dần chuyển sang trạng thái hoại tử.

Vua Louis XVI được thừa hưởng "Màu xanh nước Pháp" và Hoàng hậu Marie Antoinette là người đeo nó. 2 người kết thúc cuộc đời trên đoạn đầu đài…

Quang Hiếu (tổng hợp)
.
.