Những hệ lụy từ vụ tấn công thánh địa Mecca năm 1979

Chủ Nhật, 16/07/2017, 16:15
Ngày 23-6 vừa qua, Cảnh sát Saudi Arabia đã ngăn chặn thành công kế hoạch tấn công khủng bố Đại thánh đường Mecca, nơi đang có hàng trăm nghìn tín đồ Hồi giáo tập trung cầu nguyện sau tháng chay Ramadan, một nghi lễ đánh dấu việc hoàn thành chuyến hành hương.

Bộ trưởng Nội vụ Arab Saudi Mansour al-Turki cho biết, 3 toán khủng bố đã lên kế hoạch tấn công các tín đồ Hồi giáo và lực lượng an ninh tại thánh đường Al-Masjid Al-Haram.

Được biết, Tháng chay Ramadan đã kết thúc vào ngày 25-6, với kỳ nghỉ Eid-al-Fitr và theo thông lệ Hoàng gia Saudi Arabia thường dành 10 ngày cuối của tháng Ramadan ở Mecca. Vụ việc này khiến công luận lại liên tưởng đến vụ tấn công trấn áp những tín đồ con tin đầu tiên diễn ra ngay tại thánh địa này vào năm 1979, tức hơn 3 thập kỷ trước đây nhưng vẫn còn để lại nhiều hệ lụy đến ngày nay.

Bảo vệ giá trị Hồi giáo bằng... bạo lực

Al-Masjid Al-Haram là thánh đường Hồi giáo lớn nhất thế giới với trung tâm là Thánh tích Kaaba, khối kiến trúc hình hộp chữ nhật tọa lạc ở vị trí trung tâm sân thánh đường. Ở mặt đông của Kaaba có "hòn đá tiên tri"- một phiến đá đen bóng (tương truyền là một mảnh thiên thạch) được xem là di tích tối thiêng liêng. Theo truyền thuyết, phiến đá đã được nhà tiên tri Muhammad gắn nguyên vẹn vào bức tường của Kaaba vào năm 605 sau Công nguyên.

Juhayman al Oteibi…
…và những chiến binh thánh chiến đầu tiên bị bắt giữ.

Theo thời gian, phiến đá bị vỡ thành nhiều mảnh và cuối cùng được gắn lên bức tường của Kaaba trong một khung bằng bạc. Mọi tín đồ Hồi giáo trên khắp thế giới phải thực hiện cuộc hành hương về Al-Masjid Al-Haram ít nhất một lần trong cuộc đời của mình nếu có cơ hội, trong đó gồm nghi thức bắt buộc là đi một vòng quanh Kaaba.

Cấu trúc hiện tại của đại thánh đường này có diện tích 356.800 m2, bao gồm các không gian cầu nguyện ngoài trời và bên trong, có thể chứa đến 2 triệu tín đồ trong thời gian hành lễ. Không giống như nhiều thánh đường Hồi giáo khác phân biệt giới tính, tại Al-Masjid Al-Haram, đàn ông và phụ nữ có thể cùng nhau tiến hành cầu nguyện và hành lễ.

Rạng sáng ngày 20-11-1979, ngày cuối cùng của lễ Hajj, khoảng 400 tay súng đã bất ngờ tấn công đại thánh đường Al-Masjid Al-Haram giữa lúc khoảng 50.000 người đang cầu nguyện. Juhayman al Oteibi, tên cầm đầu cuộc tấn công cùng đồng bọn đã nổ súng bắn chết các cảnh vệ trong đại thánh đường và chiếm lĩnh lễ đài tuyên bố mở cuộc thánh chiến với lời tố cáo Hoàng tộc Saudi Arabia đã "phản bội thế giới Hồi giáo" khi quan hệ thân thiết với Mỹ và để những thứ "sản phẩm văn hóa cặn bã" của phương Tây như ca nhạc và điện ảnh làm xã hội Hồi giáo biến thành sa đọa.

Nhóm tấn công còn đòi lật đổ Hoàng gia và thiết lập "một nhà nước Hồi giáo toàn tòng". Nhiều sử gia xem sự kiện này là hành động nhân danh thánh chiến (jihad) đầu tiên của các phần tử Hồi giáo cực đoan.

Theo quyển "The Siege of Mecca" của nhà báo Yaroslav Trofimov xuất bản năm 2007, cuộc tấn công đã được chuẩn bị trong vòng nhiều tuần lễ, vũ khí được đưa vào ngôi đền trong các rương hòm thực phẩm và giấu trong các căn phòng ngầm dành cho các tín đồ nghỉ ngơi. Những kẻ tấn công đã bắt giữ khoảng 2.000 người làm con tin.

Sinh năm 1936 trong một gia đình thế lực tại miền Trung Saudi Arabia, al Oteibi từng tham gia lực lượng Vệ binh quốc gia rồi thành lập một nhóm tôn giáo cực đoan, lôi kéo được rất nhiều thanh niên cả từ những nước láng giềng.

Theo Trofimov, nhóm vũ trang tinh nhuệ của al Oteibi đã nhận được sự ủng hộ của rất nhiều gia đình giàu có thuộc thành phần bảo thủ và cả thành viên trong quân đội. Lực lượng cực đoan đã thâm nhập thánh địa Mecca bằng các xe tải của Tập đoàn Bin Laden, những chiếc xe không bao giờ bị khám xét. Khi quân nổi loạn đột chiếm đại thánh đường, một nhân viên an ninh của Tập đoàn Bin Laden đã lập tức gọi điện cho văn phòng đầu não ở Jeddah và báo cáo về tình trạng bạo lực đã nổ ra. Nhưng những kẻ nổi loạn đã cắt đường dây điện thoại.

Các tay súng bắn tỉa từ trên tường thành của ngôi thánh đường liên tục hạ gục bất cứ ai đến gần trong khi các giáo sĩ cao cấp cho phép quân đội toàn quyền hành động bất chấp luật cấm dùng đến bạo lực trong đại thánh đường. Nhà báo Mỹ Lawrence Wright viết rằng, quân chính phủ còn dùng đến cách khoan tường và liên tục ném lựu đạn vào các phòng ngầm trong đền, bất chấp việc rất nhiều con tin chết oan.

Sau nhiều ngày thảo luận và nỗ lực điều đình với những kẻ cực đoan, hoàng gia Saudi Arabia đã lên hết kế hoạch này đến kế hoạch khác nhằm tấn công vào lực lượng "thánh chiến" đang chiếm giữ thánh đường, nhưng tất cả đều thất bại. Cuối cùng, lực lượng Biệt kích GIGN nổi tiếng của Pháp đã được mời nhập cuộc. Họ cho nước tràn vào tầng hầm của đại thánh đường, giết chết rất nhiều phần tử thánh chiến.

Cần nhắc lại rằng, vụ tấn công Thánh địa Mecca diễn ra không lâu sau cuộc Cách mạng Iran, mở đường cho sự thành lập nền chính trị thần quyền của người Hồi giáo dòng Shiite tại Tehran. Lãnh tụ Ayatollah Ruhollah Khomeini trong cuộc cách mạng này đã kêu gọi xóa sổ ảnh hưởng của phương Tây tại Trung Đông, hủy diệt Israel và "lật đổ các vương triều phản động như vương triều Saudi Arabia". Iran là quốc gia Hồi giáo của người Shiite nằm trong khu vực người Sunni chiếm đa số.

Do đó, giới quan sát nhận định Iran không thể giương ngọn cờ Shiite để lãnh đạo khu vực, nên đưa ra thông điệp chống Mỹ và Israel. Phản ứng lại, Saudi Arabia và các đồng minh chống Iran bằng chiến lược đổ dầu vào lửa xung đột Shiite - Sunni. Saudi Arabia từ lâu đã tự xem mình là quốc gia lãnh đạo thế giới Hồi giáo vì trên lãnh thổ của vương quốc có sự hiện diện của Thánh địa Mecca, do đó vương triều Saudi Arabia không chấp nhận để Iran "ngồi lên đầu lên cổ".

Sau hai tuần chống trả quyết liệt, những kẻ bắt giữ con tin đã đầu hàng, 67 người kể cả al Oteibi bị bắt giữ trong khi nhiều tay súng khác đã trốn thoát bằng cách trà trộn vào các con tin được giải cứu. Theo số liệu chính thức, 127 binh sĩ và 117 tay súng thánh chiến thiệt mạng. Tuy chính phủ không công bố số dân thường tử vong, các nhóm điều tra độc lập tiết lộ con số: hơn 1.000 người đã tử nạn.

Mồi lửa biến Trung Đông thành "chảo lửa"

Al Oteibi cùng đồng bọn bị xử chém công khai vào tháng 1-1980, nhưng theo các học giả, vụ tấn công đã ảnh hưởng sâu sắc đến tình hình các nước vùng Trung Đông nói riêng và cả thế giới nói chung đến tận ngày nay. Vụ tấn công đã trở thành nguồn cảm hứng cho trùm khủng bố Osama Bin Laden.

Nhà báo Trofimov viết: khi Bin Laden bắt đầu thể hiện sự chống đối Hoàng gia Saudi Arabia và Mỹ đầu thập niên 1990, trong những lời huấn thị của mình, ông ta luôn đề cập và nhắc lại từng lời "hiệu triệu" và thuyết giáo của al Oteibi. Reuters dẫn lời nhà văn Turki al Hamad nói: "Al Oteibi đã trở thành hình tượng anh hùng của al-Qaeda và các nhóm mujahideen khác. Luận điệu của hắn chính là luận điệu của al-Qaeda ngày nay".

Trước khi vụ việc xảy ra, Saudi Arabia là một đất nước Hồi giáo ôn hòa và cởi mở nhưng sau những cáo buộc của al Oteibi, đất nước này đã áp dụng nhiều điều luật mới. Giới chức sắc tôn giáo bảo thủ áp đặt luật Sharia vô cùng khắc nghiệt: rạp hát, truyền hình cáp và mọi sản phẩm văn hóa từ phương Tây đều bị cấm ngặt. Phụ nữ không còn được đi làm, tham gia vào các hoạt động xã hội và phải mặc áo trùm kín toàn thân trừ đôi mắt.  "Al Oteibi là một bước ngoặt trong lịch sử đất nước"- nhà văn al Hamad nói với Reuters- "Tuy hắn đã bị chém đầu nhưng không thể tiêu diệt mầm mống cực đoan mà hắn gieo vào lòng xã hội".

Mãi gần đây, Quốc vương Abdullah mới bắt đầu thực thi một vài cải cách "cởi trói" phần nào cho người dân. An ninh cũng không còn được như trước khi một số môn đồ của al Oteibi hiện gia nhập al-Qaeda và tiếp tục chống đối Hoàng gia. Hành động của nhóm vũ trang al Oteibi đã thổi bùng lên ngọn lửa thánh chiến chống Mỹ và phương Tây.

Mặc dù không có bằng chứng, nhưng tin đồn Washington đứng sau cuộc tấn công càng kích động sự phẫn nộ trong thế giới Hồi giáo. Thủ lĩnh tối cao của Iran khi đó là Ruhollah Khomeini tuyên bố: "Không loại trừ khả năng đây là tội ác của Đế quốc Mỹ và Israel". Dù không phải lực lượng cực đoan nào cũng tin vào cáo buộc trên, họ vẫn cho rằng phương Tây là nguồn gốc của tội lỗi và gián tiếp gây ra vụ tấn công.

Năm 1987, quan hệ giữa Saudi Arabia và Iran căng thẳng khi 402 người hành hương, 275 trong số đó là Iran, chết trong vụ đụng độ ở thánh địa Mecca. Biến cố đã kéo hàng ngàn người biểu tình đổ xuống đường phố Tehran, chiếm tòa Đại sứ quán Saudi Arabia và châm lửa đốt Đại sứ quán của Kuwait. Nhà ngoại giao Arab, Mousa'ad al-Ghamdi, đã chết ở Tehran do bị thương sau khi rơi khỏi một cửa sổ của Đại sứ quán. Riyadh cáo buộc Tehran trì hoãn việc đưa ông al-Ghamdi đến điều trị tại bệnh viện ở Saudi. Sau vụ việc này, vào tháng 4-1988, Vua Fahd cắt đứt quan hệ với Iran.

Đại thánh đường Al-Masjid Al-Haram ở thánh địa Mecca, Saudi Arabia. Ảnh: Reuters.

3 tuần sau vụ tấn công thánh địa Mecca, Liên Xô đem quân vào Afghanistan, triệu phú 22 tuổi Bin Laden đã nhanh chóng trở thành nhân vật lãnh đạo các chiến binh Hồi giáo trong cuộc chiến chống sự hiện diện của quân đội Liên Xô ở Afghanistan. Ở cương vị ấy, ông ta cũng mau chóng được Mỹ - kẻ thù của Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh giang tay chào đón: CIA đã tuyển dụng, cung cấp vũ khí, đồng thời tài trợ cho những đạo quân của Bin Laden gây sát thương đáng kể cho binh lính Liên Xô.

Một học giả phương Tây rất nổi tiếng là ông Noam Chomsky (tác giả của quyển "Tham vọng bá quyền" đã được xuất bản tại Việt Nam) nói rằng, "không có gì đáng ngạc nhiên nếu CIA ưa thích những phần tử Hồi giáo cuồng tín nhất và hung bạo nhất mà họ có thể huy động được nhằm chống lại Liên Xô". Bản thân Bin Laden và đạo quân của ông ta thì một mặt tỏ ra khinh bỉ Liên Xô, mặt khác chống phá dữ dội việc Liên Xô đóng quân ở Afghanistan. Năm 1989, Liên Xô rút quân khỏi Afghanistan.

Tuy thế, hoạt động chống phá của Bin Laden không dừng lại. Các chiến binh của ông ta tham gia lực lượng Hồi giáo Bosnia trong cuộc chiến Balkans, chiến đấu chống quân đội Nga tại Chechnya và cũng tham gia cả các chiến dịch khủng bố ở Matxcơva cùng nhiều nơi khác trên lãnh thổ nước Nga. Song trong những hoạt động này, Bin Laden không còn "sát cánh" với Mỹ nữa.

Nói cho đúng, Bin Laden và đạo quân của ông ta đã bắt đầu chuyển sang chống Mỹ vào năm 1990, nghĩa là chỉ 1 năm sau khi Liên Xô rút quân khỏi Afghanistan. Lý do là Mỹ lập căn cứ ở Saudi Arabia và theo Osama Bin Laden thì hành động đó cũng chẳng khác gì việc Liên Xô chiếm đóng Afghanistan; thậm chí còn xấu xa hơn, bởi đối với người Hồi giáo, Saudi Arabia là mảnh đất thiêng với những ngôi đền, thánh đường thiêng liêng nhất. Noam Chomsky cho rằng, Bin Laden không chỉ chống Mỹ mà còn kịch liệt chống đối những chính thể mà ông ta cho là "tham nhũng và lạm quyền", "phi Hồi giáo", trong đó có cả chính quyền Saudi Arabia, vốn là một nhà nước Hồi giáo.

Vấn đề ở đây là Saudi Arabia lại là một đồng minh thân cận của nước Mỹ. Bin Laden căm ghét Mỹ vì Mỹ ủng hộ những chính thể như thế. Bên cạnh đó, Mỹ còn ra mặt ủng hộ Israel trong xung đột Israel-Palestine, cũng là điều Bin Laden không thể chấp nhận.

Ngoài một Bin Laden làm hơn một nửa thế giới rúng động với vụ khủng bố kinh hoàng nhằm vào nước Mỹ vào ngày 11-9-2001, lực lượng cùng hệ tư tưởng của ông ta còn xuất đầu lộ diện qua sự kiện vào ngày 27-4-2007, cảnh sát Saudi Arabia đã bắt giữ một mạng lưới gồm 172 chiến binh Hồi giáo, đang chuẩn bị thực hiện các vụ tấn công "vô cùng ấn tượng" nhằm vào nước này, giống như vụ 11-9 ở nước Mỹ và thậm chí còn lớn hơn thế.

Cụ thể, nhóm này đã lên kế hoạch dùng máy bay tấn công liều chết vào các dàn khoan dầu của Vương quốc, đột nhập vào các nhà tù để giải thoát cho các chiến hữu của chúng và cử những kẻ tấn công liều chết đi giết hại các quan chức chính phủ. Một nhóm thậm chí còn lên kế hoạch lật đổ nhà Vua Abdullah bin Abdulaziz Al Saudi và đưa thủ lĩnh al-Qaeda của chúng lên thay thế. Như vậy, kể từ khi mồi lửa nhen lên vào ngày 20-11-1979, "ngọn lửa Juhayman còn âm ỉ cháy" đến hơn 3 thập kỷ sau.

Quang Học (tổng hợp)
.
.