Những nữ điệp viên nổi tiếng trong lịch sử tình báo Nga

Thứ Ba, 12/03/2019, 13:17
Lịch sử tình báo Nga đã ghi nhận không ít những tên tuổi của phái đẹp. Những điệp viên nữ nổi tiếng có thể là nhà văn tài năng, là phiên dịch viên xuất sắc, nữ diễn viên tuyệt vời hay những nữ doanh nhân v.v…

Không phải tất cả họ đều được mô tả là những sắc đẹp; nhưng trong tình yêu, hôn nhân, ngoại giao, hoạt động tình báo và cả khả năng sáng tạo, những nhân vật này được đánh giá cao hơn hẳn so với các đại diện thông thường khác của phái đẹp. Họ có thể sống vào nhiều thời điểm khác nhau của lịch sử, có nhiều số phận và kết quả hoạt động khác nhau; nhưng điểm chung duy nhất của những con người này là tình yêu Tổ quốc…

Catherine Bagration

Theo lời kể của những người cùng thời, hầu tước phu nhân Catherine Bagration (1783-1857) chính là nguyên mẫu của nhân vật nữ bá tước Helene Kuragina trong cuốn tiểu thuyết “Chiến tranh và hòa bình”. Bà được mô tả là một người đẹp có mái tóc vàng rất dài, thân hình mảnh khảnh, bờ vai trắng trẻo và mịn như thạch cao.

Nhà sử học Pháp nổi tiếng Albert Vandal đã khẳng định rằng, Catherine đã tham gia hoạt động tình báo ngoại giao rất hiệu quả cho nước Nga. Có không ít bằng chứng gián tiếp khẳng định về giả thuyết này. Chẳng hạn như lễ hội đầu tiên mà Sa hoàng Aleksandr I đặt chân tới tại thành phố Vienna sau khi bị quân Nga chiếm đóng chính là buổi lễ hội do nữ hầu tước phu nhân này tổ chức.

Là vợ của tướng Bagration, Catherine thừa hưởng từ mẹ sắc đẹp và sự điệu đà, còn từ cha là tính cách có phần nổi loạn và hoang phí. Không lâu trước trận đánh Austerlitz, Catherine chuyển tới sống tại Vienna. Căn nhà của bà nhanh chóng trở thành nơi tụ tập của đông đảo những nhân vật thuộc tầng lớp thượng lưu tại đây – như hoàng tử De Ligne, nhà thơ vĩ đại Johann Wolfgang Goethe.

Ngoài việc thu thập những thông tin quan trọng, tầm ảnh hưởng của Catherine đã khiến giới thượng lưu Áo bắt đầu tẩy chay đại sứ quán Pháp, khiến cho Napoleon phải coi bà là một đối thủ chính trị thực sự. Ngoài ra, nhờ quan hệ gần gũi với hoàng thân Von Metternich, Catherine về sau đã thuyết phục ông này đưa nước Áo tham gia liên minh với Nga chống lại Napoleon.

Moura Budberg

Moura Budberg - còn được gọi là Nữ bá tước Benckendorff, Nam tước Budberg -  sinh ra ở Poltava, là con gái của một nhà ngoại giao Nga. Bà là một điệp viên hai mang của OGPU (cơ quan mật vụ của Liên Xô thời kỳ đầu cách mạng) và Cơ quan Tình báo Anh. Phương Tây vẫn gọi Moura là “quý bà từ nước Nga” hay “Mata Hari của nước Nga”.

Người chồng đầu tiên của bà là nhà ngoại giao Ivan Benckendorff, thư ký thứ hai của đại sứ quán Nga tại Berlin. Nhờ khả năng nói thành thạo tiếng Anh và tiếng Đức, nên bà có thời gian cùng làm việc với chồng tại đây. Sau khi chồng bị xử bắn vào năm 1918, Budberg quay trở lại Petrograd, là nơi bà bắt đầu có mối tình mới với nhà ngoại giao Anh Robert Lockhart, khi đó đang đứng đầu bộ phận tình báo Anh tại Nga. Chính vì mối quan hệ này, bà cũng bị cơ quan an ninh Cheka bắt giữ, sau khi Lockhart bị sa lưới sau một âm mưu chống phá chính quyền Xôviết. Tuy nhiên chỉ một tuần sau, Budberg đã được trả tự do và được cho phép vào thăm Lockhart cùng với Yakov Peters, một nhà lãnh đạo của Cheka. Theo các nhà sử học, có lẽ đây là thời điểm Budberg chính thức đồng ý hợp tác với tình báo Xôviết.

Budberg còn có mối quan hệ đặc biệt thân thiết với đại văn hào Maxim Gorky, từng nhiều lần sống tại nhà của ông trong khoảng thời gian từ 1920-1933. Bà cũng là người trực tiếp dịch nhiều tác phẩm của Gorky và nhiều nhà văn hiện đại khác của Nga ra tiếng Anh. Chính Gorky đã đề tặng cho bà cuốn tiểu thuyết “The Life of Klim Samgin”, được coi là tác phẩm lớn cuối cùng của ông. Không có được nhiều thông tin liên quan đến hoạt động tình báo của Budberg, nhưng có nhiều lý giải về việc bà trở thành một điệp viên hai mang. Một mặt, Budberg đã từng học tại Cambridge, từng yêu tới hai người đàn ông Anh quốc. Mặt khác, bà vẫn luôn coi nước Nga là quê hương của mình và được đánh giá là một người yêu nước chân chính.

Anna Revelskaya

Tại thành phố cảng Libav (ngày nay là Liepaj) vùng Baltic bị quân Đức chiếm đóng, các thủy thủ thường ưa thích ghé thăm cửa hàng bánh kẹo của cô chủ Clara Izelgof. Họ không thể ngờ rằng, đó chính là một nữ điệp viên huyền thoại trong lịch sử tình báo Nga. Trong suốt cuộc đời hoạt động, bà đã sử dụng rất nhiều cái tên. Nhà sử học người Anh Hector Bywater gọi bà là Katrina Izelman, còn đạo diễn Valentin Pikul trong tiểu thuyết Moonzund thì sử dụng cái tên thật Anna Revelskaya.

Khi nói về nữ điệp viên này, không thể không kể tới 3 chiến công hàng đầu của bà. Tháng 11-1916, thông tin của bà đã giúp quân Nga chỉ trong một đêm tiêu diệt tới 1/8 tổng số chiến hạm mà quân Đức đã thiệt hại trong toàn bộ cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất.

Tương tự như vậy, vào ngày 12-10-1917, hải đoàn Đức bị phục kích và phải chịu thiệt hại nặng nề với tổng số 10 chiến hạm và 6 chiếc tàu rà quét thủy lôi ngay tại khu vực quần đảo Moonzund, ở  lối ra vùng vịnh Riga, khiến cho kế hoạch đánh chiếm Petrograd của quân Đức bị phá sản. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, thông tin nhận được từ Anna đã giúp cứu bảo đảm an toàn cho lực lượng hải quân Xôviết trong những ngày đầu tiên. 

Trong chiến công đầu tiên, Anna đã tận dụng nhan sắc của mình để mê hoặc viên trung úy Fon Kempka, chỉ huy tuần dương hạm Tetes, cung cấp cho anh ta thông tin giả về các bãi thủy lôi của quân Nga tại vùng vịnh Phần Lan. Kết quả là quân Đức bị mất tới 8 trên tổng số 11 chiến hạm mới nhất vừa được hạ thủy. Với tổn thất được đánh giá là không thể phục hồi này, mối đe dọa từ phía biển đối với nước Nga đã được trì hoãn thêm một thời gian đáng kể nữa. Một năm sau, thông tin quý giá của nữ điệp viên này lại giúp cứu cho thành phố Petrograd, lúc này đã nằm trong tay của chính phủ lâm thời.

Suốt cả ¼ thế kỷ sau đó, Anna đã im hơi lặng tiếng cho đến ngay trước thời điểm bắt đầu Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Vào ngày 17-6-1941, một người phụ nữ tầm 40-45 tuổi tự xưng là Anna Revelskaya đã xuất hiện tại Đại sứ quán Xôviết tại Berlin, đề nghị được gặp tùy viên hải quân. Bà khẳng định quân Đức sẽ nổ súng tấn công Liên Xô vào đêm ngày 22-6-1941. Cần nói thêm, chỉ trong vài ngày đầu của cuộc chiến, các lực lượng không quân và lục quân Xôviết đã phải chịu những tổn thất khá nặng nề vì những đòn không kích phủ đầu của quân Đức.

Trong khi đó, phía hải quân lại không phải chịu một thiệt hại đáng kể nào. Nguyên nhân không phải là các căn cứ hải quân nằm ngoài tầm với của máy bay ném bom Đức. Trong cuộc gặp với tùy viên hải quân tại Berlin, Anna đã cung cấp chi tiết về kế hoạch triệt hạ lực lượng hải quân Xôviết của Berlin.

Đô đốc Kuznesov, người đứng đầu lực lượng hải quân Xôviết vào thời điểm đó, đã rất tin tưởng các thông tin của Anna, cho triển khai ngay các biện pháp phòng ngừa bổ sung. Khoảng 3 ngày trước khi chiến dịch Barbarossa nổ ra; các hạm đội Baltic, Biển Bắc và Biển Đen của hải quân Xôviết đã được lệnh phân tán và chuyển sang trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao. Từ sau thời điểm năm 1941, Anna không còn thấy xuất hiện thêm một lần nào nữa. Cũng không một ai biết rõ số phận của bà về sau này.

Olga Chekhov

Nhan sắc của nữ điệp viên này được công chúng biết nhiều hơn so với cuộc đời của chính bà. Tính ra, bà đã tham gia diễn xuất trong 145 bộ phim, cũng như biểu diễn trên sân khấu của nhiều nước châu Âu. Dì của bà là vợ của đại văn hào Anton Chekhov, còn chồng bà cũng chính là cháu của ông - Mikhail Chekhov, về sau cũng nổi tiếng là một chuyên gia sư phạm, cũng như đạo diễn tại Hollywood.

Sau khi ly hôn, năm 1920, Olga chuyển tới Đức để tiếp tục học tập. Viên tướng tình báo Xôviết Pavel Sudoplatov trong hồi ký của mình đã khẳng định việc Olga được tuyển mộ từ vài năm trước khi sang Đức. Trong giai đoạn khó khăn ban đầu, bà đã phải làm nhiều việc để lấy tiền kiếm sống. Về sau, bà được một quý tộc gốc Nga giúp đỡ xin cho vào làm việc tại một xưởng phim ở Berlin. Đến năm 1928, Olga được nhận quốc tịch Đức.  

Trong thời gian này, Olga rất tích cực học tiếng Anh. Thành công của những minh tinh thời đó như Greta Garbo và Marlene Dietrich đã khích lệ bà rất nhiều, khiến bà đặt quyết tâm phải gia nhập vào giới thượng lưu nghệ sĩ. Sau khi Hitler lên nắm quyền, Olga được mời tới một buổi tiệc chiêu đãi không chính thức do bộ trưởng tuyên truyền Joseph Goebbels tổ chức. Quốc trưởng ngay lần gặp đầu tiên đã rất ấn tượng bởi sắc đẹp và trí thông minh của bà, tặng bà một bức ảnh có chữ ký của mình.

Do cả Hitler và Goebbels cũng đều rất say mê điện ảnh, cánh cửa vào những văn phòng của đế chế phát xít Đức gần như đã mở rộng trước mắt Olga. Quốc trưởng thường so sánh Olga Chekhova với nữ diễn viên Thụy Điển mà mình rất yêu thích là Zarah Leander, người trên thực tế cũng hợp tác với cơ quan tình báo Xôviết.

Với mật danh là Rosemary, Olga thường gặp gỡ và chuyển những thông tin mật khai thác được cho người liên lạc viên của mình là điệp viên Zoya Rybkina. Sau khi kết thúc chiến tranh, người đứng đầu cơ quan mật vụ khi đó của Liên Xô là Beria vào năm 1953 cũng chính thức giao cho bà Zoya vai trò làm liên lạc viên riêng cho Olga Chekhova. Nữ điệp viên này đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, thường xuyên chuyển những thông tin giá trị về Moskva qua tài xế riêng của mình.

Có giả thuyết cho biết, trùm mật vụ phát xít là Himmler vào năm 1945 đã bắt đầu nghi ngờ Olga, ra lệnh bắt giữ bà. Nhưng khi các nhân viên Gestapo tới căn hộ của bà đã bắt gặp quốc trưởng đang ngồi tại đây, khiến kế hoạch không thể được thực hiện. Còn trong trận đánh chiếm Berlin, Olga lại bị các nhân viên  phản gián Xôviết bắt giữ. Sau quá trình thẩm vấn, bà đã được đưa ngay về Moscow trên một chuyên cơ riêng. Theo một số dữ liệu chưa được kiểm chứng, đích thân Stalin đã trao tặng cho Olga Chekhova huân chương Lênin.

Ba tháng sau, Olga quay trở lại Berlin, tới sống tại một biệt thự sang trọng tại phía đông thành phố theo chỉ thị của Beria. Trong giai đoạn tình hình còn nhiều hỗn loạn, căn biệt thự còn được 3 binh sĩ trực tiếp đảm nhiệm việc canh gác bảo vệ. Tại nước Đức sau chiến tranh, Olga tiếp tục tham gia vào nhiều bộ phim sản xuất tại Đông Đức. Năm 1955, bà khai trương hãng mỹ phẩm mang tên “Olga Chekhova Cosmetics” tại thành phố Munich. Theo đánh giá của nhà nghiên cứu về hoạt động tình báo Anatoli Sudoplatov, hãng mỹ phẩm trên được thành lập nhờ hoàn toàn vào số tiền do Moscow cung cấp với mục đích tiếp cận với vợ của các sĩ quan trong khối NATO tại đây. Nhiều người tới lúc đó còn nhớ tới dự đoán trước đây của Stalin khi cho rằng, “nữ diễn viên Olga Chekhova sẽ vẫn còn giá trị kể cả sau chiến tranh”.

Liên quan đến tên tuổi của Olga, vẫn còn nhiều giả thuyết bí ẩn khác. Chẳng hạn như có tin đồn rằng, bà còn nhờ cậy tới sự giúp đỡ của trùm tình báo phát xít là Walter Schellenberg để tìm cách giải cứu Yakov Dzhugashvili, con trai cả của Stalin khi đó đang nằm trong trại tập trung của quân Đức. Còn cố tổng thống Boris Eltsin của Nga từng tuyên bố, Olga Chekhova biết đến dấu tích của “Căn phòng hổ phách”, một kho báu vô giá của nước Nga từng bị phát xít Đức cướp đi trong chiến tranh. 

Hồng Sơn (Tổng hợp)
.
.