Số phận kỳ lạ của một nữ điệp viên huyền thoại

Thứ Hai, 11/06/2018, 15:13
Krystyna Skarbek - nữ điệp viên huyền thoại người Ba Lan, bảo bối của cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill, khắc tinh của phát xít Đức và là nguồn cảm hứng cho “Bond Girl” Vesper Lynd trong tiểu thuyết “Sòng bạc Hoàng gia” của nhà văn Ian Flemming - đã sống sót qua Thế chiến thứ 2 không một vết xước.

Thế nhưng cuối cùng, Krystyna đã bỏ mạng trong thời bình, dưới lưỡi dao của một kẻ si tình.

Trong Thế chiến Thứ 2, khi toàn bộ châu Âu trừ Anh quốc, đã trở thành một bãi chiến trường, các nước đồng minh cần tai mắt khắp mọi nơi. Cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill đã tập hợp và đào tạo một thế hệ điệp viên xuất sắc đến từ khắp châu Âu. Tuy nhiên, điệp viên lợi hại nhất của Winston Churchill lại không phải là một anh James Bond lai lịch mập mờ, mặc vest bóng lộn mà lại là một cô tiểu thư con nhà quý tộc, và từng là thí sinh cuộc thi Hoa hậu đầu tiên ở Ba Lan.

Chân dung Krystyna Skarbek.

Krystyna Skarbek, tên đầy đủ là Maria Krystyna Janina Skarbek (1908-1952) sinh ra và lớn lên tại Vác-sa-va, Ba Lan và là con gái thứ hai trong một gia đình rất giàu có. Cha của bà là Bá tước Jerzy Skarbek. Ông đã gây sốc cho cả cộng đồng Thiên chúa giáo ở Vác-sa-va khi kết hôn với bà Stefania Goldfeder - một người Do Thái. Cuộc hôn nhân này không hoàn toàn xuất phát từ tình yêu; ông Jerzy cưới bà Stefania - con gái của một chủ nhà băng giàu có - để có thể dùng của hồi môn của vợ trả nợ và duy trì lối sống xa hoa của mình.

Ngay từ khi còn nhỏ, cô bé Krystyna đã được hưởng một chế độ giáo dục khác hẳn với những bé gái khác. Cô được học trượt tuyết, cưỡi ngựa theo cách của một người đàn ông chứ không phải như các cô tiểu thư, và thậm chí cả bắn súng - những kĩ năng rất có ích cho những cuộc phiêu lưu của cô điệp viên Krystyna sau này.

Cuộc suy thoái năm 1920 đã đẩy gia đình nhà Skaberk vào cảnh bần cùng, đến nỗi họ phải bán hết tài sản để trả nợ và dọn về một căn hộ chung cư khiêm tốn ở ngoại ô. Thế nhưng cô gái trẻ cá tính này vẫn không từ bỏ lối sống quý tộc của mình, và vẫn thường xuyên đến các quán bar cũng như các câu lạc bộ đêm mỗi cuối tuần, và thậm chí còn tham gia cuộc thi sắc đẹp đầu tiên của Ba Lan.

Năm 1930, Bá tước Jerzy qua đời và chỉ để lại một khoản tiền vừa đủ cho vợ mình sống qua ngày. Không muốn trở thành gánh nặng cho người mẹ ốm yếu, Krystyna trở thành một nhân viên làm việc tại đại lý của hãng xe ôtô Fiat. Tuy nhiên, cô sớm phải bỏ việc vì ngã bệnh sau khi hít phải quá nhiều mùi xăng dầu. Hãng Fiat đền bù cho cô một khoản tiền khá lớn, đủ để Krystina có thể thôi việc và tự do theo đuổi sở thích phiêu lưu của mình.

Một ngày nọ, trong một chuyến trượt tuyết ở Zakopanem Krystyna mất kiểm soát và lao thẳng xuống vực. Thế nhưng một người đàn ông rất cao lớn đã lao ra và cứu được cô trước khi cô rơi xuống. Người cứu cô chính là Jerzy Gizycki, một nhà văn kiêm nhà thám hiểm nổi tiếng.

Nữ điệp viên huyền thoại đã được dựng thành tượng.

Jerzy vốn là con trai một gia đình rất giàu có, nhưng ông đã bỏ nhà sang Mỹ năm 14 tuổi sau khi cãi nhau với cha mẹ. Jerzy trở thành thợ đào vàng, nhà văn, và rồi thành một nhà thám hiểm. Đôi trai tài gái sắc sớm phải lòng nhau và kết hôn năm vào năm 1938 tại Vác-sa-va. Năm 1939, Krystyna theo chồng sang Ethiopia khi Jerzy được bổ nhiệm làm lãnh sự của Ba Lan tại đất nước này.

Cho dù đang được an toàn tại Ethiopia, nhưng Krystyna đã ngay lập tức tham gia vào mạng lưới điệp viên đa quốc gia của Anh quốc để có thể góp phần bảo vệ quê hương Ba Lan trước sự xâm lăng của Đức Quốc xã. Cục Tình báo Anh quốc nhanh chóng nhận ra tiềm năng của Krystyna và họ đã tạo cho cô một danh tính mới là “Christina Granville”. Chẳng mấy chốc, nữ điệp viên trẻ đã liều mình quay lại Ba Lan - một bước đi đặc biệt mạo hiểm, đặc biệt là khi cô còn quá thiếu kinh nghiệm, và là người Do Thái.

Điều đặc biệt về Krystyna đó là cô không bao giờ sử dụng vũ lực, và thường sẽ trực tiếp đối mặt với kẻ thù thay vì khiến chúng thêm nghi hoặc bằng cách chạy trốn hoặc cố gắng tiêu huỷ hết mọi tài liệu mình đang vận chuyển.

Một lần, khi đang cầm trong tay một tấm bản đồ khu vực bằng lụa - thứ sẽ tố giác thân phận điệp viên của cô ngay lập tức - thì Krystyna tình cờ đụng độ lính tuần tra của Đức. Nữ điệp viên thản nhiên cuộn tấm bản đồ thành một chiếc buộc tóc và tươi cười chào đón những tên lính tuần tra như thể mình là một người dân địa phương bình thường.

Một lần khác khi đang thăm dò xung quanh biên giới Italia, Krystyna lại bị chặn lại bởi một đội lính tuần tra của Đức. Khi được yêu cầu giơ tay lên, cô đã cố tình để lộ hai chốt lựu đạn giấu dưới cánh tay mình. Cho dù đó chỉ là hai cái chốt và Krystyna không hề mang lựu đạn theo người, cô vẫn lừa được đám lính Đức và khiến tất cả bỏ chạy trong sợ hãi.

Sự thông minh và khả năng ứng biến đã khiến Krystyna trở nên nổi danh trong cộng đồng tình báo Anh, và trở thành bảo bối của cựu Thủ tướng Winston Churchill. Không may, do đặc thù nghề nghiệp mà những chiến công của nữ điệp viên không hề được công chúng biết đến trong hàng thập kỉ, và sau cuộc chiến, cô bị quên lãng bởi chính những cấp trên cô từng quên thân phục vụ.

Vào năm 1950, cựu quý tộc và điệp viên lừng danh phải làm bồi bàn tại London, và rồi làm một nữ phục vụ trên một du thuyền. Chính nhan sắc rực rỡ và sức quyến rũ đã góp phần giúp cô sống sót không một vết thương qua cuộc chiến chết chóc nhất trong lịch sử hiện đại, lại gián tiếp đẩy cô vào chỗ chết.

Một đồng nghiệp của Krystyna là cựu kĩ sư hàng hải Dennis Muldowney đã mê đắm Krystyna, tuy nhiên cô đã từ chối Dennis. Không thể kiểm soát được cơn ghen điên cuồng, Dennis đã đâm người mình yêu gục ngã tại khách sạn Shellbourne, London vào ngày 15-6-1952, kết thúc cuộc đời đầy màu sắc của một trong những nữ điệp viên có thời gian phục vụ Anh quốc lâu nhất trong lịch sử.

Thi San
.
.